Mọi thứ đều thật kỳ lạ

moi-thu-deu-that-ky-la

Có những khoảnh khắc – vừa đáng sợ, vừa hữu ích, vừa chao đảo, vừa hài hước, lại chứa đựng sự hùng vĩ và vẻ đẹp riêng – khi ta thoát khỏi thực tại thường nhật

Có những khoảnh khắc – vừa đáng sợ, vừa hữu ích, vừa chao đảo, vừa hài hước, lại chứa đựng sự hùng vĩ và vẻ đẹp riêng – khi ta thoát khỏi thực tại thường nhật và nhận ra rằng, hóa ra mọi thứ quanh ta đều kỳ lạ đến tận cùng, một cách sâu sắc và không thể lý giải.

Có thể đó là khi ta đang sốt, nằm trên giường, nhìn chằm chằm lên trần nhà suốt nhiều ngày liền. Hoặc khi ta vừa bước xuống khỏi một chuyến bay dài, cả đêm không chợp mắt, để lại trong miệng cái vị kim loại lạ lùng và tâm trí mơ hồ, rối bời. Hay có khi đó là lúc ta nằm mơ màng dưới ánh nắng, để mình thấm đẫm quá nhiều tia sáng ấm áp của mặt trời. Những trải nghiệm này, dù có thể gọi là sự mất phương hướng, thường đi kèm chút khó chịu hoặc mệt mỏi, nhưng cũng mở ra cho ta cơ hội quý giá để tái cân bằng lại bản thân.

Bị cuốn khỏi những gì quen thuộc, ta bỗng nhận ra rằng ta đã phải bỏ ra biết bao năng lượng để “bình thường hóa” sự kỳ lạ vốn có của thế giới. Bằng cách nào đó, ta đã quen sống giữa đời như thể mọi thứ đều hợp lý. Ta làm những việc “nghiêm túc,” và thành công trong việc không bật cười giữa câu nói hay ngồi bệt xuống vỉa hè, ôm đầu suy nghĩ về sự vô nghĩa của tất cả. Ta đọc thư, vẫy tay diễn giải động cơ của mình, đi vào nhà vệ sinh như thể những hành động đó đều hợp lẽ.

Dayanita Singh, Museum of Chance, 2013

Rồi một ngày, ta cầm một cái nĩa lên và bỗng đặt câu hỏi – đúng với mức độ tò mò cần thiết: Cái quái gì đây? Một vật có răng dùng để xiên những mảnh vụn của sự sống đã bị thiêu cháy, rồi đưa vào một khoảng trống trên mặt ta, nơi chứa đầy nước, để nhai và duy trì sự tồn tại? Một ổ cắm điện là gì? Một cái mũi là gì? Một thiên hà, hay âm thanh, là gì? Ta nhìn vào gương, thấy đôi mắt, đôi tai của mình – những thứ được cho là đã tiến hóa từ những tế bào đơn giản trong cái gọi là Kỷ Cambri. Và rồi, ta có thể dừng lại, uốn miệng thành một vòng tròn, phát âm “Ooohhh,” “Eeyyyyy,” “Awww” – mà chẳng để ý đến những tiếng gõ cửa dồn dập hỏi ta là ai, hoặc ta có ổn không.

Khi còn nhỏ, ta thường làm thế. Xe hơi là gì? Nút áo là gì? Tại sao có ong? Mẹ là ai? Chuyện gì xảy ra nếu ta bịt tai lại hoặc nói “w” liên tục? Có lẽ những câu hỏi đó đã được trả lời quá sớm, quá nhạt nhẽo, quá bình thường bởi những người lớn bận rộn với việc xách đồ lên cầu thang hay gội đầu cho ta (ta cũng hiểu mà). Nhưng có lẽ, ta cần quay lại, tự hỏi lại từ đầu: Biên giới là gì? Một chiếc khăn tắm là gì? Một từ là gì? Và tại sao từ từ lại mang ý nghĩa là “từ”?

Robert Adams, Untitled, 1973–74

Khi bắt đầu suy nghĩ như vậy, ta có thể trở nên khó hiểu – mà điều đó có khi lại thú vị. Ta thường nỗ lực quá nhiều để trở nên dễ hiểu. Nhưng thực ra, trong trật tự đúng đắn của cuộc sống, sự vô lý cũng có một chỗ đứng hợp pháp. Tại sao ta ở đây mà không phải ở đâu khác? Tại sao ta có tên? Chuyện gì xảy ra nếu ta khăng khăng đòi được gọi bằng một cái tên khác? Tại sao ta luôn đặt chìa khóa ở đúng chỗ đó? Tại sao ta đang thở ngay lúc này, mà không phải trước đó hay sau này? Một phút là gì? Tôi là gì? Bữa trưa là gì?

Những nhiếp ảnh gia thiên tài với sự nhạy cảm kỳ diệu như Dayanita Singh hay Robert Adams biết cách phát hiện và dẫn dắt ta nhìn vào những nếp gấp bí mật của những gì ta vẫn gọi là “thực tại.” Khi chiếc rèm phất phơ, ánh sáng buổi chiều trải dài trên nền gạch, hay tiếng nước vọng lại từ sân sau, ta có thể đứng bất động, tự hỏi: Cái gì là cái gì? Một ý nghĩ làm gì? Một căn phòng có nghĩa là gì? Ánh sáng chiếu rọi điều gì?

Hoặc, khi đang đứng bên bồn rửa bát, trong trạng thái vừa tuyệt vọng vừa phấn khích, ta có thể quyết định không giả vờ rằng mình hiểu nước rửa chén nghĩa là gì, chảo là gì, hay “là” là gì.

Những khoảnh khắc mất phương hướng hiện sinh này thường không kéo dài. Điện thoại reo, người ta gõ cửa, cơn sốt hạ nhiệt. Ta phải trở lại trò chơi. Rồi chẳng mấy chốc, ta lại coi mọi thứ là hiển nhiên: từ ngữ, câu chữ, thời gian, những cái ngáp. Ta chạy vòng quanh trong những góc khuất an toàn của ý nghĩa mà ta đã cẩn thận xây dựng và kiểm soát. Ai đó bảo lãi suất sắp tăng hoặc tối nay ăn cá. Và ta gật đầu, thậm chí còn thêm vào một ý kiến. Ai đó chìa tay ra bắt, và ta cũng bắt lại trong một sự sắp đặt phức tạp giữa lòng bàn tay và các ngón tay. Nhưng giờ đây, sâu thẳm bên trong, ta biết rằng chẳng có gì thật sự hợp lý như nó được trình bày.

Và khi đã hiểu, thật sự hiểu, một cách không sợ hãi, cuộc sống bỗng nhẹ nhàng hơn. Nhiều thứ trở nên hài hước hơn. Ta không cần, ngoài tất cả những điều khác, phải bám chặt một cách nghiêm trọng vào sự trang nghiêm. Ta có thể có những khoảnh khắc nhỏ gợi nhớ về những khủng hoảng hiện sinh lớn hơn. Ta có thể nháy mắt với những đứa trẻ dưới năm tuổi (chúng biết về sự kỳ lạ); hoặc với động vật (chúng cũng biết, đặc biệt là bò hay chó Jack Russell).

Cuộc sống vốn dĩ kỳ lạ hơn, đẹp hơn và mong manh hơn rất nhiều so với những gì ta từng cho phép mình nhận ra. Vì thế, bất cứ khi nào có thể, hãy ngừng giả vờ rằng mọi thứ đều có ý nghĩa.

Nguồn: EVERYTHING IS SO WEIRD - The School Of Life

menu
menu