Một cách thông minh đánh bay nỗi lo lắng – với sự đóng góp của siêu sao bóng đá Lionel Messi

mot-cach-thong-minh-danh-bay-noi-lo-lang-voi-su-dong-gop-cua-sieu-sao-bong-da-lionel-messi

Điều gì tạo nên sự khác biệt giữa những người tài giỏi nhất thế giới so với 7 tỷ người còn lại trong chúng ta?

Tài năng xuất chúng thường trông giống như một hành động cách mạng, một người làm một việc theo cách mà chưa ai từng làm trước đó. Nhưng nhiều tài năng cách mạng thực ra được xây dựng trên nền tảng của những thay đổi tiến hóa. Những thay đổi này phát triển theo thời gian, thường bù đắp cho những điểm yếu và lo âu có thể làm đổ vỡ một người kém tài năng hơn.

Hãy lấy ví dụ về cầu thủ bóng đá hay nhất thế giới, một cầu thủ người Argentina tên Lionel Messi. Messi đã giành được nhiều danh hiệu “Quả bóng vàng” được trao cho cầu thủ bóng đá xuất sắc nhất năm hơn bất kỳ cầu thủ nào khác. Anh ấy đã ghi được nhiều bàn thắng trong một năm, hơn bất kỳ cầu thủ nào ở thời điểm hiện tại, anh là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất mọi thời đại tại La Liga của Tây Ban Nha và có tỷ lệ ghi bàn cao nhất trong môn thể thao này hiện nay, ghi bàn gần như mỗi trận đấu.

Dù rất xuất sắc, nhưng anh ấy lại nổi tiếng là người hay lo lắng. Trong nhiều năm, Messi thường xuyên nôn mửa trên sân trước những trận đấu lớn. Sau một loạt những thất bại đáng thất vọng của đội tuyển quốc gia, một huyền thoại khác của bóng đá Argentina - Diego Maradona, đã chỉ trích Messi một cách không khoan nhượng rằng “thật vô ích khi cố gắng biến một người phải vào nhà vệ sinh hai mươi lần trước một trận đấu thành một nhà lãnh đạo.”

Sở hữu tài năng phi thường không làm bạn miễn nhiễm với lo âu, nhiều người giỏi nhất thế giới phải đấu tranh với lo âu vì chính họ đặt quá nhiều kỳ vọng vào bản thân. Nhưng Messi không để lo âu làm giảm đi sự xuất sắc của mình bởi vì anh ấy đã nắm vững một cơ chế đối phó và  cũng là bí quyết đằng sau sự xuất chúng mang tính chiến thuật của mình.

Một trận bóng đá kéo dài 90 phút (cộng thêm vài phút cho “thời gian bù giờ”), hầu hết các cầu thủ đều hoạt động trong trận đấu ngay từ phút đầu tiên. Ngay khi tiếng còi vang lên, họ cầu xin đồng đội chuyền bóng và thực hiện chiến thuật mà huấn luyện viên đã đề ra trước trận đấu.

Image: Debora Szpilman

Nhưng Messi nổi tiếng vì không chơi trận đấu trong những phút đầu tiên. Đây là sự thay đổi tiến hóa của anh ấy, được phát triển khi anh ấy chơi bóng ở những cấp độ cao hơn. Trong những phút đầu tiên, Messi đi qua đi lại gần giữa sân và hầu như không hợp tác với đồng đội của mình. Trong khi những cầu thủ khác chạy và đôi khi tăng tốc, Messi dành phần lớn thời gian của mình đi bộ, hiếm khi đột phá hơn mà chỉ là chạy bộ chậm.

Messi làm hai việc trong những phút đầu tiên này. Đầu tiên, anh ấy giữ bình tĩnh cho bản thân. Bước vào trận đấu một cách nhẹ nhàng là cách của Messi để đảm bảo anh ấy tập trung hết mình cho phần còn lại của trận đấu. Việc nôn mửa trên sân của anh ấy đã được giải quyết, một phần có thể là vì anh ấy đã tìm ra một cách hiệu quả hơn để xoa dịu thần kinh của mình. 

Thứ hai, anh ấy dành thời gian này để quan sát đối thủ. Chân của anh ấy di chuyển chậm rãi, nhưng mắt của anh ấy chớp lấy từng cầu thủ này đến cầu thủ khác, đánh giá sức mạnh, điểm yếu và chiến thuật của đối phương, theo dõi sự di chuyển của đội nhà và xung quanh quả bóng. Messi ít có giá trị hơn cho đội nhà ở đầu trận, nhưng sự tạm dừng chiến thuật này nâng cao giá trị của anh ấy cho 95 phần trăm còn lại của trận đấu.

Nếu bạn chia trò bóng đá ra thành hai thành phần “chuẩn bị” và “tham gia”, Messi chủ yếu dựa vào việc chuẩn bị. Trong một trận đấu kinh điển giữa Barcelona của Messi và kình địch Real Madrid năm 2017, Messi chỉ chạy được bốn phút và đi bộ hơn tám mươi phút trong tổng số chín mươi phút của trận đấu. Tuy nhiên, khi anh ấy tham gia, anh ấy rất năng động, tạo ra chín cơ hội, ghi một bàn thắng và chuyền bóng cho một đồng đội ghi thêm một bàn thắng nữa.

Lối chơi này không hiếm hoi gì đối với Messi và thường là trong những trận đấu lớn nhất, anh ấy nhấn mạnh việc chuẩn bị trong trận đấu của mình. Việc chuẩn bị đó cũng giải thích khả năng của anh ấy tìm thấy chính mình ở đúng nơi đúng lúc, lặp đi lặp lại. Mặc dù lối chơi vị trí của anh ấy trông như không giống ai, nhưng nó không phải là một phép màu. Nó là vì anh ấy đã học, từng phút từng phút một, rằng một hậu vệ cần làm gì để khi một ô sân nào đó không được bảo vệ hoặc hai tiền vệ để một góc nhỏ của sân mở khi họ hướng về giữa sân thì anh nên làm gì.

Bài học dành cho chúng ta rất rõ ràng: Khi bạn lo lắng, dù là trong thể thao hay trong cuộc sống nói chung, hãy tạm dừng. Chậm lại. Chuẩn bị.

Như bạn có thể tưởng tượng, việc tạm dừng nói thì dễ hơn làm. Trước sự im lặng và lo âu, bản năng của chúng ta hướng đến là hành động. Judson Brewer, một bác sĩ tâm thần và nhà nghiên cứu thần kinh học, đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để suy nghĩ về cách ông gọi là “không làm gì cả.”

???? Khoảng 15 năm trước, Brewer đã phát triển một phương pháp điều trị cơn nghiện dựa trên chánh niệm.

Phương pháp của ông ấy hướng dẫn người nghiện chống lại những cơn sóng lo âu trong những khoảnh khắc thèm muốn bằng cách tuân theo bốn bước của một phương pháp có tên viết tắt là RAIN: 

Recognize - Nhận ra những gì đang nảy sinh. 

Allow - Cho phép chúng tồn tại. 

Investigate - Khám phá cảm xúc và suy nghĩ của bạn (ví dụ: “Điều gì đang xảy ra trong cơ thể tôi?”) 

Note - Ghi nhận những gì đang xảy ra từng khoảnh khắc.

Brewer nói rằng phương pháp của ông ấy được lấy cảm hứng từ phương pháp của nhà tâm lý học lâm sàng Tara Brach. Để kiểm tra phương pháp, Brewer đã làm việc với những người hút thuốc đang cố gắng bỏ. Nghiện nicotine là một vấn đề khó giải quyết hơn nhiều so với nhiều loại m.a.t.u.y phức tạp tạo ra những phản ứng tức thì mạnh hơn ở người dùng.

Trước khi công bố chương trình ra cho những người hút thuốc, Brewer muốn kiểm tra hệ thống trên chính mình. Brewer viết rằng vấn đề là: “Tôi là một người không hút thuốc, tôi cần có thể đồng cảm với những bệnh nhân cảm thấy như đầu của họ sắp nổ tung trừ khi họ hút thuốc.”

Nicotine có chu kỳ bán rã khoảng hai giờ. Vì vậy để bắt đầu phương pháp cai nghiện, người hút thuốc cần phải chống lại sự thèm muốn thắp lên trong hai giờ/một lần. Brewer suy luận rằng những người hút thuốc có thể chịu đựng được hai giờ mà không cần hút thuốc sẽ nuôi dưỡng những thói quen không hút thuốc mới, kéo dài những khoảng thời gian đó cho đến khi họ không còn cảm thấy thèm hút thuốc nữa.

Ông ấy mô phỏng những khoảng thời gian chống lại bằng cách học cách thiền trong hai giờ liên tục mà không di chuyển. Trong những khoảnh khắc bồn chồn, Brewer tuân theo các bước RAIN - nhận ra, cho phép, khám phá, ghi nhận. Nếu ông ấy di chuyển cơ thể, đồng hồ sẽ bị đặt lại và ông phải bắt đầu lại từ đầu.

Điều này nghe có vẻ dễ dàng, nhưng hai giờ là một khoảng thời gian dài để ngồi yên mà không có gì để tiêu khiển. Brewer viết “Thật ngạc nhiên khi việc làm tôi khó chịu vì đã không thay đổi tư thế trong một thời gian dài không phải là cơn đau về thể chất mà nó là sự bồn chồn… Những cơn thèm ấy la hét rằng ‘Hãy đứng dậy đi!’”

Trong nhiều tháng, Brewer đã rất gần với sự thành công, nhưng sự bồn chồn đã đánh bại ông. Ông viết: “Rồi một ngày, tôi đã làm được. Tôi ngồi đủ hai giờ… Mỗi lần ngồi sau đó đều càng ngày càng dễ dàng hơn vì tôi có niềm tin rằng mình có thể làm được. Và tôi biết rằng bệnh nhân của tôi có thể bỏ thuốc. Họ chỉ cần những công cụ thích hợp.”

Brewer đã đúng. Bệnh nhân của ông ấy đã từng bị mắc kẹt, không thể bỏ một trong những chất gây nghiện mạnh nhất trên trái đất. Nhưng khi ông ấy tiến hành thử nghiệm sau khi nghiên cứu, lấy phương pháp chánh niệm RAIN của mình đấu tranh với những phương pháp điều trị nghiện hiệu quả nhất của thời đại lúc bấy giờ, kết quả là phương pháp của ông hiệu quả hơn gấp hai lần.

Nhiều tháng sau, khi hầu hết những bệnh nhân theo các kế hoạch điều trị khác đều đã tái nghiện, nhóm chánh niệm của ông ấy vẫn “âm tính”. Họ có khả năng thoát khỏi nghiện cao hơn gấp năm lần bằng cách sử dụng một phương pháp mà về bản chất là dạy họ cách tạm dừng vào thời điểm cơ thể của họ đang thúc đẩy họ hành động gấp gáp nhất.

Trong bốn bước phương pháp RAIN của Brewer, bước thứ hai - Allowing (cho phép) có lẽ là quan trọng nhất. Cho phép một trải nghiệm tràn qua bạn, nghe có vẻ dễ dàng đến khó tin vì nó không đòi hỏi bạn phải làm bất cứ điều gì. Nhưng đó chính là điều đáng nói. Nó khó khăn vì bạn bị buộc phải không được làm gì mặc dù có sự thúc đẩy bạn hành động.

Dù có nhiều lợi ích từ việc tạm dừng và chuẩn bị, nhưng đôi khi sự kiện chính không diễn ra theo kế hoạch. Messi đã thua vô số trận đấu và không phải tất cả những người nghiện nicotine của Brewer đều có thể duy trì vững vàng sau khi thí nghiệm của ông ấy kết thúc. Việc kiểm soát được sự lo lắng và khó chịu sau những lần thất bại này rất quan trọng. Đó là một trong những khác biệt lớn nhất giữa những người đạt được những bước đột phá và những người vẫn bị lún sâu mãi dưới đáy.

Cuốn sách của Brewer về phương pháp điều trị cơn nghiện dựa trên chánh niệm đã được xuất bản tại Việt Nam với tựa đề: TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI - ĐI TÌM CHẤT GÂY NGHIỆN TRONG MỖI CON NGƯỜI

https://s.shopee.vn/10hLmQXLcZ

------------------

Dịch giả: Ngọc My  - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ

Biên tập: Mẫn Nhy

Bài gốc: A smart way to handle anxiety — courtesy of soccer great Lionel Messi

menu
menu