"Một con mèo đã làm bạn trai tôi bớt trầm cảm như nào”
Khi bắt đầu thấy những dấu hiệu buồn chán từ Joe, tôi lại đi tìm Sadie và mang nó đến đặt vào lòng anh, như một lời xoa dịu.
Nguyễn Hồng Anh dịch từ bài gốc tiếng Anh của Hannah Louis Poston đăng trên The New York Times ngày 13/08/2015.
—
Khi bệnh trầm cảm của bạn trai tôi Joe trở nên tệ nhất, anh ấy tỉnh dậy vào buổi sáng chìm đắm trong trạng thái lơ mơ dễ nhận thấy tới mức đôi khi tôi cũng choàng tỉnh theo, như thể là tôi ngửi thấy mùi gì cháy.
Trong suốt những năm đầu bên nhau, tôi thường ước là buổi sáng anh ấy sẽ quay sang nói “Chào buổi sáng!” một cách vui vẻ và hôn tôi thay vì trượt ra khỏi giường một cách trống rỗng, như một cái xác chết di động, đi kiếm cà phê.
Tôi cuối cùng cũng hiểu rằng nằm một mình trên giường và mơ tưởng về một Joe không trầm cảm là một ý tưởng tệ hại. Nó làm tôi trở nên cáu bẳn, và rồi cả hai chúng tôi đều có một ngày tệ hại.
Bởi vậy, thay vào đó tôi mặc áo choàng ngủ vào và xỏ chân vào đôi ủng cao su, trong tâm trạng vui vẻ hết mức có thể, rồi đi lấy đám trứng xanh xinh đẹp từ bọn gà Aracuna của bạn cùng nhà của chúng tôi.
Khi tôi tới, sàn của chuồng gà đầy cỏ khô và lông rơi xuống lả tả bởi lũ chuột khi ấy mới vội rút về ổ của chúng đằng sau thùng compost. Bọn chuột luôn phá chúng tôi, và mong chúng biến mất đi cũng chẳng khác nào mong cho Joe hết trầm cảm.
“Chúng ta cần một con mèo,” gần như sáng nào tôi cũng tuyên bố như thế khi sắp xếp đám trứng còn ấm vào trong rổ ở bên bàn bếp. Tôi vận động mãi, giải thích rằng kể cả khi nó không phải là loại biết bắt chuột thì có một con mèo trong nhà cũng sẽ giảm bớt được sự hoành hành của bọn chuột.
Joe thì không chắc lắm về con mèo. Anh ấy luôn nghi ngờ những ý tưởng có vẻ như là vội vàng – chậm chấp nhận những thứ mới, chậm thay đổi.
“Em đã nghĩ là tại sao em lại muốn có một con mèo chưa?” một tối anh ấy hỏi tôi như thế.
“Ý anh là gì, tại sao là thế nào?” tôi cảm thấy bị xúc phạm. Anh ấy như kiểu đang ám chỉ là ngoài chuyện bọn chuột tôi có những lý do không chính đáng khi muốn có một con mèo. “Tại sao lại ai cũng muốn có một con mèo? Nó là con mèo thôi.”
“Chỉ là việc này có lẽ sẽ tốn của chúng ta nhiều năng lượng,” anh nói.
Joe và tôi khi ấy đã ở bên nhau được gần ba năm tròn, thời điểm mà, theo một nghiên cứu chỉ ra, nhiều cặp đôi rất dễ tan vỡ.
Các đợt trầm cảm của anh ấy bắt đầu trở lại thường xuyên hơn, mỗi lần kéo dài nhiều ngày. Trong những ngày này, nếu tôi có mua một pint kem sô-cô-la bạc hà về (loại anh ấy thích), thường anh ấy cũng chẳng hào hứng và thậm chí còn chẳng thèm ăn.
Không, anh ấy chẳng muốn đi xem phim cũng chẳng muốn đi nhảy cũng chẳng màng đến sex. Mọi lời đề nghị, cả bản thân tôi nữa, cũng đều bị tống xuống một cái hố sâu xám xịt, khiến tôi cảm thấy rất bất lực và tủi thân. Tôi đã học được rằng cách tốt nhất để yêu Joe trong những thời gian này là để anh ấy được ở một mình.
“Em không thể chữa trầm cảm được đâu,” một lần Joe bảo tôi thế. “Em chỉ có thể học sống chung với nó tốt hơn mà thôi.”
Tôi đã khá hơn trong việc sống chung với nó; tôi bắt đầu mua loại kem mà tôi thích thay vì loại mà anh ấy thích. Và khi cuối cùng tôi cũng lái xe đi hết Portland để tới chỗ Oregon Humane Society (tạm dịch, Hội Nhân đạo Oregon) vào một ngày tháng Tám, tôi đã làm việc đó một cách bí mật, nổi loạn, và hoàn toàn vì những lý do cá nhân mà tôi không nói ra.
Trước đó là một tuần đặc biệt khó khăn. Chiến lược đã được mài giũa cẩn thận của tôi để yêu một người trầm cảm là giúp đỡ chính mình thay vì cố gắng giúp đỡ anh ấy. “Và hôm nay,” tôi đã nghĩ khi tôi đỗ xe trong bãi đỗ của hội nhân đạo, “tôi sẽ giúp chính mình kiếm một con mèo.”
Khi Joe về tới nhà vào tối hôm đó, con mèo – chỉ là một nhúm lông vằn – nhảy ra từ dưới gầm giường. Tôi hít một hơi thật dài, chuẩn bị bảo vệ quyết định của mình.
Nhưng sau đó tôi nhìn thấy đôi mắt màu lục của con mèo gặp đôi mắt đẹp mà buồn của anh, khi đó như thể là có pháo hoa và cực quang xuất hiện vậy. Khi con mèo cố gắng đi một cách duyên dáng, đồng thời cũng rẽ ngang rẽ dọc trên đường nó đi, thành thử trông bước chân hơi liêu xiêu, tôi nghĩ là trong mắt Joe đã xuất hiện hai trái tim màu hồng thay cho đồng tử.
Sáng hôm sau khi chúng tôi thức dậy, điều đầu tiên mà Joe nói là, “Con mèo đâu rồi?” Và phản ứng đầu tiên của con mèo, khi nó nghe tiếng anh, là trèo lên trên chăn rồi nhảy vào mặt anh.
Cũng mùa hè năm ấy, Joe có đủ sức để tạo ra những thay đổi lớn trong đời: Anh bỏ hút thuốc, và anh nghe theo lời khuyên của chuyên gia trị liệu là thử Wellbutrin, một loại thuốc chống trầm cảm thường được kê như một hỗ trợ sau khi bỏ thuốc lá.
Sadie hóa ra lại biết bắt chuột rất tài tình. Đến lúc nó đủ lớn để bắt chuột, nó đã đuổi theo hết con này đến con khác theo những kẽ hở trong tường và hầu như tối nào cũng tha về một con.
Nó sẽ thả con mồi ra để chơi và chúng tôi sẽ thấy con chuột lủi vào sau tủ hoặc dưới giường. Sau đó Joe sẽ dùng một cái gắp salad cũ, trông như một cái lao, để cùng Sadie săn chuột.
Còn tôi sẽ nằm trên giường, hạnh phúc ngắm nhìn gã người yêu gầy gò, ngái ngủ, và trần trùng trục của mình hấp tấp dồn con chuột vào góc trong ánh sáng lờ mờ lúc ba giờ sáng, xem anh ấy vui đùa, cười, và thì thầm với Sadie, còn nó thì sẽ meo lên và quẩn quanh dụi đầu vào chân anh.
Điệp khúc buổi sáng “Con mèo đâu rồi?” trong bốn năm qua đã dần chuyển thành “Chào buổi sáng, Đậu Phộng,” và một cái hôn lên má tôi. Đôi khi tôi còn được ôm ấp một tí trước khi uống cà phê.
Joe vẫn có những ngày tệ hại. Nhưng kể cả trong những ngày tệ nhất, khi Joe chìm trong u ám còn tôi thì chuẩn bị rút về một góc riêng của mình ở trong nhà, Sadie vẫn sẽ nhẹ nhàng lẻn vào phòng, như xà phòng giữa đám dầu mỡ, như ánh sáng giữa sương mù.
“A, Sadie! Lại đây nào, quả sồi con này,” Joe sẽ gọi nó. “Hôm nay em thế nào? Đến trường có vui không? Có bị ai bắt nạt không?” Sau đó anh ấy sẽ tự bật cười vì mấy câu đùa của mình và tóm lấy con mèo rồi ôm nó như ôm một đứa trẻ, xoay về hướng tôi.
“Coi Sadie nè,” anh sẽ nói, lấy mấy ngón tay gãi gãi vào giữa hai tai nó cho lông dựng hết lên, cỡ một inch. “Mày đang gừ gừ à, mặt cá? Mày đang gừ gừ đúng không?” Rồi anh áp sát con mèo vào tai mình như một cái hộp nhạc. “Nó đang gừ gừ đấy,” anh hớn hở bảo tôi.
Khi tôi hỏi Joe là anh ấy có nghĩ Sadie đã chữa khỏi bệnh trầm cảm cho anh ấy không, gương mặt anh trông rất bối rối.
“Dĩ nhiên là không,” anh nói. “Em phải nhớ là trầm cảm là không thể chữa được.”
“Em biết,” tôi nói. “Ta chỉ có thể sống chung với nó tốt hơn mà thôi.”
Giống như những buổi săn chuột vào đêm muộn, sự khỏe mạnh của Joe là một nỗ lực có sự hỗ trợ. Mặc dù có sự giúp đỡ của Sadie, rốt cục Joe vẫn là người tóm lấy đuôi con chuột bằng cái gắp salad cũ, và mang con chuột đang giãy dụa ra cửa xử lý. Nhưng Sadie đã giúp đỡ nhiều tới mức đôi khi khó mà nói được đâu là nơi những lựa chọn của chúng tôi ngừng lại và sự tồn tại của nó bắt đầu.
Khi bắt đầu thấy những dấu hiệu buồn chán từ Joe, tôi lại đi tìm Sadie và mang nó đến đặt vào lòng anh, như một lời xoa dịu. Kể cả trong những trận cãi vã tồi tệ nhất của chúng tôi, cuối cùng một trong hai sẽ bế Sadie lên và mang tới chỗ người kia, nhấc lên hạ xuống con mèo một lúc khiến nó phải giãy lên và đưa mắt lườm rất đáng yêu.
Khi chúng tôi quá tức giận không ai muốn động vào ai thì chúng tôi vẫn có thể cùng vuốt ve Sadie, và kết cục là chúng tôi như đứng giữa cuộc chiến của hai quốc gia, cùng bám lấy chiếc cầu bắc ngang qua biển cả giữa hai người, rồi lặng lẽ gửi đi những thông điệp ngừng bắn: những ngón tay sẽ gặp nhau giữa đám lông mèo.
Một buổi chiều mùa thu vừa rồi, Sadie mang về một con sẻ chết. Đó là bi kịch của một con chim bị mèo tóm; một thứ đã từng là khó nắm bắt nay chỉ còn là một nắm tơ và nằm hy sinh trên sàn bếp của chúng tôi.
Sau khi Sadie biết chắc là chúng tôi đã nhìn thấy thành tích của nó, nó ăn sạch con chim đó: móng vuốt, mỏ, xương, và cả những chiếc lông cuối cùng. Chưa đầy một phút. Khi chúng tôi vừa mới quen với việc nhìn nó ăn con chim thì nó đã ăn xong và bỏ đi, trên sàn chỉ còn lại vài chấm máu.
Sadie là hạnh phúc của chúng tôi, khó kiếm và hư hỏng. Hạnh phúc của chúng tôi ngoác miệng cười và liếm sạch máu ở cằm. Hạnh phúc của chúng tôi chỉ tình cảm khi nào nó thích, và vì nó là họ nhà mèo, “khi nào” của nó phải lâu lâu mới có.
Nhưng ít nhất thì hiện giờ nó đang sống trong nhà chúng tôi. Nắng sớm trải trên mái tóc đen của Joe, ba chúng tôi quấn lấy nhau trong chăn, chiếc giường như một con thuyền đơn sơ, và chúng tôi lái nó tới, nếu những ngày này có ý nghĩa gì, một ngày tương đối tốt lành.
—
Tác giả Hannah Louis Poston đang học thạc sĩ (M.F.A.) chuyên ngành thi ca tại Helen Zell Writers’ Program, University of Michigan.
Nguồn: https://www.nytimes.com/2015/08/16/fashion/how-a-kitten-eased-my-partners-depression.html?_r=1