Một “đại nghiên cứu” mới cho thấy hầu hết các thực nghiệm đều không thể khiến con người thay đổi hành vi
Một “đại nghiên cứu” mới phát hiện thấy hầu hết các phương pháp can thiệp nhằm khuyến khích hành vi lành mạnh ở con người đều không thành công.
Nội dung chính
- Một “đại nghiên cứu” mới phát hiện thấy hầu hết các phương pháp can thiệp nhằm khuyến khích hành vi lành mạnh ở con người đều không thành công.
- Công việc này cho thấy việc thay đổi hành vi là rất khó, và chúng ta không nên mong đợi mọi thử nghiệm đều diễn ra như kế hoạch.
- Để nghiên cứu có hiệu quả, các nhà khoa học cần phải minh bạch về những gì không hiệu quả.
Trong một nghiên cứu mới, các nhóm nghiên cứu đã hợp tác để tiến hành một “đại nghiên cứu” thử nghiệm các cách tiếp cận khác nhau để khuyến khích mọi người đến phòng tập gym thường xuyên hơn (Milkman và cộng sự, 2021). Là một phần của nghiên cứu, các nhóm nghiên cứu khác nhau đã đề xuất và thử nghiệm ba cách tiếp cận sau:
- Khẳng định giá trị: Những người tham gia hoàn thành một bảng khảo sát về tính cách, có những câu hỏi về “tính bền bỉ” của họ (khả năng kiên định với những mục tiêu lâu dài) và được yêu cầu suy ngẫm về các câu hỏi.
- Mặc định: Theo mặc định, người tham gia được lên lịch đến phòng tập gym 3 lần mỗi tuần.
- Bản cam kết đã ký: Những người tham gia đã viết và ký vào bản cam kết tuân theo một lịch trình tập luyện đều đặn.
Cách nào trong số ba cách tiếp cận trên là thành công trong việc khuyến khích mọi người đi tập gym thường xuyên hơn?
Câu trả lời là “chẳng có cách nào trong số đó.” Nghiên cứu bao gồm tổng cộng 54 cách tiếp cận khác nhau. Trong số 54 cách tiếp cận đó, chỉ có 45% là thành công trong việc khuyến khích người tham gia đi tập gym thường xuyên hơn. Các nhà nghiên cứu cũng kiểm tra xem liệu các phương pháp can thiệp có tác dụng lâu dài lên hành vi hay không. Trong số 45% cách tiếp cận đạt được thành công trong ngắn hạn thì chỉ 8% có tác dụng lâu dài đến người tham gia sau khi kết thúc nghiên cứu.
Nghiên cứu này tiết lộ hai điều quan trọng về khoa học hành vi ứng dụng: Thứ nhất, rất khó để thay đổi hành vi của con người. Thứ hai, các nhà khoa học hành vi cần phải minh bạch về các thí nghiệm không hiệu quả.
Rất khó để Thay đổi hành vi
Hành vi của con người rất phức tạp và khó thay đổi. Ngay cả các chuyên gia học thuật với nhiều năm kinh nghiệm (thử nghiệm các phương pháp tiếp cận dựa trên nhiều lý thuyết khoa học với nhiều thập kỷ ủng hộ) cũng không thể khuyến khích mọi người đến phòng tập gym thường xuyên hơn. Chúng ta không nên kỳ vọng rằng các thực nghiệm có hiệu quả ở bất cứ đâu gần như 100%; và có lẽ chúng ta cũng không nên tin chuyện một nhà khoa học mang đến những kết quả đáng kinh ngạc với mọi nghiên cứu mới.
Ngoài ra, khó khăn trong việc thay đổi hành vi có nghĩa là chúng ta nên lập kế hoạch nghiên cứu dựa trên giả định rằng không phải mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ. Nếu tỷ lệ thành công là 45%, thì một nghiên cứu với ba cách tiếp cận khác nhau có thể có ý nghĩa hơn một nghiên cứu chỉ tập trung vào một cách tiếp cận. Với ba cách tiếp cận độc lập thì chí ít cũng có 83% cơ hội rằng ít nhất một trong số chúng sẽ hiệu quả.
Tính minh bạch là chìa khóa
Bài học thứ hai từ đại nghiên cứu của Milkman và đồng nghiệp đó là các nhà nghiên cứu nên minh bạch về những phương pháp can thiệp không hiệu quả. Trong khoa học hành vi, người ta có khuynh hướng tập trung vào việc công bố các kết quả quan trọng. Trong một thời gian dài, các nhà nghiên cứu tập trung vào việc công bố các thực nghiệm thành công và phớt lờ (và trong một số trường hợp, cố tình che giấu) những nghiên cứu không đem lại kết quả khả quan. Trong những năm 1990 và đầu năm 2000, các nhà nghiên cứu thường tiến hành mười thực nghiệm; xuất bản một bài báo dựa trên một thực nghiệm đã thành công và lờ đi 9 thực nghiệm thất bại (Baumeister, 2016). Điều này khiến nhiều người đọc (như tôi, với tư cách là một nghiên cứu sinh) có một ấn tượng thiếu chính xác rằng các nhà nghiên cứu giỏi thì không thể sai lầm. Và nó cũng gây ra áp lực phải làm cho các kết quả của những thực nghiệm thất bại trông tốt đẹp hơn thực tế. Một phần giá trị của khoa học hành vi dựa trên-bằng chứng đó là các nhà nghiên cứu có thể cho mọi người lời khuyên trung thực về những gì hiệu quả (và không hiệu quả). Theo cách hiểu này, minh bạch về các thực nghiệm không hiệu quả là điểm mấu chốt.
Trong quá khứ, các nhà nghiên cứu chủ yếu tập trung vào việc nói về những gì có hiệu quả. Nhưng để khoa học hành vi có ảnh hưởng lâu dài lên các tổ chức và chính sách công thì điều quan trọng là cần nói về những thứ không hiệu quả.
Tham khảo
Baumeister, R. F. (2016). Charting the future of social psychology on stormy seas: Winners, losers, and recommendations. Journal of Experimental Social Psychology, 66, 153-158.
Milkman, K.L., Gromet, D., Ho, H. et al. (2021). Megastudies improve the impact of applied behavioural science. Nature. https://doi.org/10.1038/s41586-021-04128-4
Nguồn
https://www.psychologytoday.com/us/blog/trust-games/202112/most-experiments-don-t-work-and-s-ok