Một mẹo nhỏ về hành vi có thể giúp bạn tận hưởng cuộc sống nhiều hơn
Thói quen là một phần quan trọng của bản chất con người, nhưng nếu biết cách "điều chỉnh" nó, bạn có thể làm cho những điều mình yêu thích trở nên tuyệt vời hơn.
Thói quen là một phần quan trọng của bản chất con người, nhưng nếu biết cách "điều chỉnh" nó, bạn có thể làm cho những điều mình yêu thích trở nên tuyệt vời hơn.
Hãy thử tưởng tượng bạn đang dùng bữa tối tại nhà hàng yêu thích, được ngồi ở chiếc bàn đẹp nhất. Không gian yên tĩnh cho phép bạn thoải mái trò chuyện với người thân, và chiếc bàn lại nằm ngay cạnh cửa sổ với khung cảnh tuyệt đẹp. Bạn nhấp chút rượu vang, thưởng thức những món ăn ngon, và buổi tối kéo dài vài giờ đồng hồ. Liệu bạn sẽ cảm thấy buổi tối ấy thú vị hơn nếu bạn ngồi ở bàn đẹp cả thời gian, hay nếu thi thoảng bạn phải chuyển đến khu vực ồn ào, đông đúc phía sau nhà hàng?
“Thật là câu hỏi ngớ ngẩn,” bạn có thể nghĩ. Ai lại muốn rời khỏi một vị trí hoàn hảo để đến nơi ồn ào, chật chội? Trực giác cho rằng điều đó chẳng hề hợp lý. Nhưng khoa học lại chứng minh điều ngược lại. Nghiên cứu chỉ ra rằng, con người thường tận hưởng những điều tốt đẹp trong cuộc sống (như nghe nhạc hay được mát-xa thư giãn) hơn nếu những trải nghiệm ấy được chia thành từng phần nhỏ.
Illustration: Elia Barbieri/The Guardian
Dù chiếc bàn đẹp mang lại cảm giác dễ chịu, niềm vui từ đó sẽ giảm dần theo thời gian. Lý do chính là thói quen hóa. Đây là khuynh hướng tự nhiên của não bộ: nó phản ứng ngày càng ít trước những thứ không thay đổi. Khi ta dần quen với những điều dễ chịu trong cuộc sống, dù lớn như người bạn đời yêu thương, ngôi nhà thoải mái, công việc tốt; hay nhỏ như khung cảnh đẹp hay món ăn ngon, ta sẽ ít nhận ra và trân trọng chúng hơn. Trừ khi ta biết cách “phá vỡ” trải nghiệm ấy.
Di chuyển đến một khu vực chật chội hơn một lúc (chẳng hạn như vào phòng tắm) có thể giúp bạn cảm nhận lại sự sang trọng của chiếc bàn gần cửa sổ.
Hiệu ứng của "lần đầu tiên"
Hãy nghĩ về những kỳ nghỉ. Một vài năm trước, Tali – một trong các tác giả – đã tham gia một chuyến công tác tại một khu nghỉ dưỡng đầy nắng ở Cộng hòa Dominica. Nhiệm vụ của cô là tìm hiểu điều gì khiến khách du lịch cảm thấy hạnh phúc và tại sao. Trong các cuộc phỏng vấn và khảo sát, cô nhận thấy từ “đầu tiên” xuất hiện liên tục: “lần đầu tiên thấy biển,” “lần đầu tiên bơi trong hồ bơi,” “ngụm cocktail đầu tiên của kỳ nghỉ.” Những khoảnh khắc “đầu tiên” có vẻ vô cùng quan trọng, bởi bạn không thể quen thuộc hóa chúng.
Tali cũng nhận thấy, các kỳ nghỉ thường vui nhất vào ngày thứ hai, khi mọi người đã quen với địa điểm và tận hưởng cảm giác mới mẻ. Sau đó, mức độ hạnh phúc giảm dần. Dù vậy, dư âm của kỳ nghỉ vẫn còn sau khi về nhà, nhưng chỉ kéo dài chưa đến một tuần trước khi cuộc sống thường ngày – công việc, hóa đơn, đưa đón con – cuốn trôi tất cả.
Những phát hiện này gợi ý rằng, thay vì một kỳ nghỉ dài, bạn có thể hưởng lợi nhiều hơn từ những chuyến đi ngắn nhưng rải rác suốt năm. Điều này giúp tối đa hóa cảm giác mới mẻ, dư âm hạnh phúc, và cả niềm vui mong đợi – một cảm giác ngọt ngào khi bạn chờ đợi điều thú vị sắp đến.
Ngắt quãng niềm vui, nhưng đừng chia nhỏ nỗi khổ
Không chỉ kỳ nghỉ, nghiên cứu còn áp dụng với những trải nghiệm khác. Ví dụ, một buổi mát-xa có xen kẽ những khoảng nghỉ thường được đánh giá cao hơn so với khi làm liên tục. Bất cứ điều gì tuyệt vời cũng sẽ mất dần sự kỳ diệu nếu kéo dài. Vì thế, hãy tạm dừng và tận hưởng lại lần nữa.
Còn những trải nghiệm khó chịu thì sao? Liệu ta có nên chia nhỏ chúng? Hãy hình dung bạn phải dọn nhà vệ sinh. Bạn muốn làm một lần cho xong hay nghỉ giữa chừng cứ mỗi 10 phút? Hay nếu hàng xóm trên gác đang tập trống ầm ĩ, bạn có nên mời anh ta cốc cà phê để cả hai tạm nghỉ không?
Trực giác mách bảo rằng, chia nhỏ sự khó chịu sẽ tốt hơn. Nhưng thực tế, nghiên cứu chỉ ra điều ngược lại. Những người ngắt quãng phải chịu đựng tổng thể nhiều hơn, bởi việc nghỉ làm gián đoạn quá trình quen dần với cảm giác khó chịu. Kết luận? Nếu phải hoàn thành một việc không dễ chịu, hãy làm một mạch cho xong. Bởi khi quay lại, mùi hôi sẽ nồng hơn, tiếng ồn sẽ lớn hơn, và trải nghiệm càng tệ hơn.
Bài học từ thói quen hóa
Những lời khuyên dân gian như “làm cho xong” hay “lột băng dán một lần” đều ẩn chứa chân lý: thói quen hóa giúp giảm đau đớn, trong khi “khoảng cách làm tình yêu thêm sâu đậm” lại nhấn mạnh tác dụng của sự ngắt quãng trong mối quan hệ.
Hiểu được sức mạnh của thói quen hóa có thể giúp ta giảm bớt nỗi đau và tận hưởng niềm vui trong cuộc sống một cách trọn vẹn hơn.
Nguồn: This simple behavioural trick can help you get more out of life -- The Guardian