Một nhà khoa học thần kinh lý giải vì sao con người không thể nhìn thế giới một cách khách quan

mot-nha-khoa-hoc-than-kinh-ly-giai-vi-sao-con-nguoi-khong-the-nhin-the-gioi-mot-cach-khach-quan

Con người có một nhu cầu sinh học nguyên thủy là duy trì trạng thái ổn định nhưng tìm câu trả lời cho những điều chưa biết cũng luôn giữ vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa.

Con người có một nhu cầu sinh học nguyên thủy là duy trì trạng thái ổn định nhưng tìm câu trả lời cho những điều chưa biết cũng luôn giữ vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa. Điều này đã tạo ra nhiều tranh luận ồn ào. Chúng ta được dạy phải loại bỏ những thành kiến không phù hợp với xã hội và tìm ra câu trả lời khách quan trong thế giới quanh ta, Nhưng nếu không nhìn qua lăng kính trừu tượng thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể chế tạo công cụ từ đá hay có dũng cảm ăn con sò cũng như thực hiện các thí nghiệm khoa học tiết lộ nhiều quy luật tự nhiên của vũ trụ. Khả năng nhận thức là nét đặc trưng tiêu biểu của con người, cũng như trí tò mò.

Nhà khoa học thần kinh Beau Lotto là một trong những nhà nghiên cứu đi đầu trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu bản chất của nhận thức. Bài nói trên TED của anh về việc ảo giác thị giác có thể dạy cho ta biết điều gì về khả năng nhìn, mối quan hệ giữa khoa học và giải trí, nhận được hàng triệu lượt xem và cuốn sách mới nhất Deviate: The Science of Seeing Differently, đã thử thách định nghĩa cách ta nghĩ ta nhìn thế giới. Anh tin rằng nếu chỉ nhìn nhận nhau và môi trường xung quanh một cách khách quan thì không bao giờ ta có thể thấy được những khả năng xung quanh. Bằng cách khuyến khích sự tò mò, học cách nhận ra và phân tích thành kiến, chúng ta có thể tạo ra văn hóa dựa trên sự sáng tạo và thực hành thay vì chủ nghĩa khắc kỷ an toàn.

Dưới đây là cuộc trao đổi giữa Beau Lotto và biên tập viên tờ Quatz về việc làm sao để thay đổi cách chúng ta nhìn thế giới.

Quartz: Chúng ta đã nhận thức sai lầm như thế nào?

Beau Lotto: Chúng ta cho rằng mình nhìn thế giới khách quan, rằng nhận thức của ta phản ánh chính xác thế giới. Nhưng chúng ta không tiến hóa để nhìn thế giới theo đúng bản chất của nó.

Q: Tại sao chúng ta lại nhìn thế giới một cách chủ quan?

BL: Có lẽ là do chúng ta tự cho rằng nếu không nhìn thế giới một cách khách quan thì mọi thứ sẽ rất hỗn loạn. Nhưng bằng cách không nhìn khách quan, chúng ta mới có thể tạo ra các khả năng. Điều đó tạo ra tự do. Chính xác không đi kèm với tính hữu dụng. Tôi có thể nhìn viên đá chính xác như nó vốn là, nhưng điều đó không giúp tôi biết được cần làm gì với nó. Nếu tổ tiên chúng ta nhìn thấy viên đá, họ có thể nhìn ra những khả năng và cơ hội rồi biến nó thành một công cụ. Não chúng ta phát triển để nhận biết thứ gì có nghĩa và thứ gì vô nghĩa, thứ gì hữu dụng và thứ gì vô dụng.

Một khía cạnh khác của thế giới là nó không tĩnh tại, luôn luôn thay đổi. Nếu não chúng ta không thay đổi cùng thế giới thì chúng ta đã bị đào thải từ lâu rồi. Thực tế, hệ thống thành công nhất là những hệ thống có khả năng thích nghi. Nhận thức linh hoạt nghĩa là chúng ta có thể thích nghi với thế giới thay đổi.

Q: Trong đó thì bao nhiêu phần là do học hỏi, bao nhiêu phần là kế thừa?

BL: Chúng ta đến thế giới này với một bộ não vô cùng mềm dẻo. Nó không thể tự chăm sóc cho mình vì nó còn phải học hỏi thêm về môi trường mà nó sinh ra. Nếu cứng rắn bước vào thế giới này, đó là chiến thuật rất hiệu quả, thì bạn có thể ngay lập tức chạy khỏi kẻ săn mồi khi cần. Điều đó rất quan trọng về mặt tiến hóa. Nhưng sẽ ra sao nếu bạn bất ngờ sinh ra trong một thế giới khác? Nếu mẹ bạn sinh ra ở các đồng cỏ xa-van của châu Phi nhưng bạn lại sinh ra ở xứ tuyết Alska? Bạn sẽ gặp rắc rối lớn. Bởi vì não có khả năng thích nghi ngay từ đầu, chúng ta có thể sống ở bất kì môi trường nào. Đây là một trong những lý do vì sao loài người có thể tồn tại ở nhiều nơi như vậy, mà không loài động vật nào có thể.

Q: Có một ví dụ rất hay này tôi thấy anh đã dùng nhiều lần. Tôi diễn giải lại từ cuốn Deviate: “Khi ở trong cộng đồng, được che chở và bảo vệ, nơi mọi thứ trong thời gian ngắn đều có thể dự đoán được, điều cuối cùng bạn muốn làm là nói “Hmm, tôi băn khoăn không biết có thứ gì phía bên kia?”. Thật là ý tưởng tồi tệ. Khả năng chết sẽ ngay lập tức tăng lên đáng kể. Nhưng chính vì người “điên” này mà nhóm người đó sẽ có cơ hội sống sót cao hơn trong môi trường năng động, bằng cách biết được có điều gì nguy hiểm hay có lợi ích gì phía bên kia, và có lẽ khám phá ra những khả năng mà nhóm không hề biết có tồn tại”.

Chúng ta đều gặp phải tình thế hai mặt này mỗi ngày: an toàn hay đổi mới. Ai là những người homo sapiens đầu tiên có dũng cảm nhìn sang phía bên kia?

BL: Điều này là do sự không chắc chắn, cái chết luôn thường trực và sống lại rất khó khăn. Não và cơ thể chúng ta tiến hóa để không chết, quá trình tiến hóa đi lên từ thất bại chứ không phải thành công. Nhưng tối ưu hóa để không chết không giống với tối ưu hóa để sống. Rất nhiều trong số đó là để giảm sự không chắc chắn. Trong hầu hết các tình huống, não và hành vi của chúng ta tiến hóa là để giảm sự không chắc chắn.

Q: Nó đã có sẵn trong con người như vậy, làm sao chúng ta có thể vượt qua nỗi sợ những điều chưa biết này?

BL: Cũng khá châm biếm phải không? Chúng ta không dám vượt ra ngoài bởi điều đó gia tăng khả năng chết. Đó là ý tưởng hay, rất cốt lõi. Vấn đề là chúng ta cũng phải học cách thích nghi, và điều đó yêu cầu chúng ta bước tới xem phía bên kia có gì. Trong những tình huống nhất định, sự không chắc chắn thực ra lại là một điều tích cực, thực tế là chúng ta đã chủ động tìm ra. Thứ đó giờ được gọi là khoa học.

Q: Ý anh là sao?

BL: Khoa học không chỉ được định nghĩa đơn giản là một phương pháp, nó là còn là phương thức sống. Nó đón chào sự không chắc chắn và rộng mở với các khả năng. Nó vốn đã mang tính hợp tác và tự nó đã là nguồn động lực. Phần thưởng cho việc làm khoa học chính là khoa học. Phần thưởng cho khám phá chính là quá trình khám phá. Nó có chủ đích làm vậy.

Q: Các nhà khoa học không chỉ bước vào vùng chưa được biết tới và tiết lộ điều gì chưa được ta nhận thức, họ còn tự vấn những điều mà ta cho là ta biết và liên tục thử thách dưới những điều kiện khác nhau để tìm ra kẽ hở trong tri thức của chúng ta. Làm sao có thể áp dụng điều này với cả xã hội?

BL: Chúng ta cần khiến mọi người nhìn khác đi. Bước đầu tiên là tri nhận, chấp nhận sự thật rằng mọi điều bạn làm đều có thành kiến: Mọi điều bạn làm đều dựa trên giả định, không phải đôi khi mà là mọi lúc. Nhiều giả định bạn nhận từ nền văn hóa và thậm chí là tiền nhân. Nếu không chấp nhận điều đó, bạn sẽ không bao giờ biết đặt câu hỏi và bạn sẽ bị đào thải.

Bước thứ hai là biết được những giả định đó là gì và chấp nhận chung. Chúng ta phải nói với chính mình và với người khác, đó chính là sức mạnh của nhóm. Sức mạnh của sự đa dạng, khám phá và du lịch là nó giúp tiết lộ cho bạn những giả định của chính mình.

Bước tiếp theo là đặt nghi vấn những giả định đó. Đây là phần khó nhất vì chúng ta không thích tự đưa mình vào vùng chưa biết bởi vì không biết từng đồng nghĩa với chết. Chúng ta phải đưa mình vào môi trường, nơi ta khuyến khích mình và người khác đặt câu hỏi, khiến ta muốn thử thách những gì ta nghĩ rằng ta đã biết. Bạn sẽ phải biết cách chấp nhận sự hoài nghi. Nhưng trong thế giới luôn nhấn mạnh vào sự ganh đua và những câu trả lời, điều đó thường khiến ta sợ nhất.

Q: Tôi thấy rằng điều này khá phổ biến trong hệ thống trường học ở phương Tây, nơi bộ não dễ uốn nắn của các em học sinh buộc phải ghi nhớ các bài học.

BL: Đúng, điều này rất khác với môi trường học tập mà chúng ta muốn đưa trẻ em vào, nơi tất cả đều dựa trên thi đua và tối đa điểm số chứ không phải đặt câu hỏi. Đặt câu hỏi luôn đáng sợ và chứa tiềm năng nguy hiểm, nó thử thách những gì bạn cho là đúng, đặc biệt là về bản thân, và nghi vấn chính bản ngã của mình. Điều này là sự không chắc chắn ở cấp cao nhất. Cần phải có nhu cầu đặt câu hỏi ngay từ đầu. Nó có thể đến từ nỗi sợ hãi, nhưng tích cực hơn cả là đến từ nỗi băn khoăn. “Tôi băn khoăn không biết thế nào nếu…” là một mẫu bắt đầu câu hỏi tuyệt vời.

Q: Những công nghệ như AI, VR hay AR sẽ thay đổi nhận thức của con người như thế nào?

BL: Chúng có tiềm năng tạo ảnh hưởng tích cực rất lớn. Hầu hết công nghệ cho phép chúng ta làm việc nhanh hơn, dễ dàng hơn và ít bị hạn chế hơn, chúng giúp quy trình trở nên hiệu quả hơn. Chúng là những công nghệ rất hay, hữu dụng nhưng không phải là tuyệt vời. Công nghệ có tính chuyển hóa, vĩ đại là những công nghệ giúp ta thấy được những gì vốn không thấy. Nó cho phép chúng ta nhìn, trải nghiệm, tưởng tượng những điều chúng ta không hề biết rằng có tồn tại. Một vài ví dụ trong số này là kính hiển vi, kính viễn vọng, fMRI và ngay cả một thứ đơn giản như cánh buồm. Cánh buồm cho phép ta ngắm nhìn những nơi trên thế giới mà ta chưa từng biết nó tồn tại, và bằng cách đó, nó không chỉ thử thách giả định của ta mà còn mở rộng các khả năng. Chúng ta luôn nghĩ về công nghệ như kỹ thuật số nhưng có những phát minh vĩ đại lại thuộc về việc di chuyển, cả theo nghĩa đen và nghĩa ẩn dụ.

Q: Loài người thường ám ảnh với ý nghĩ trở nên “người hơn”, chúng ta cố đưa bản thân tới giới hạn những khả năng tự nhiên của con người. Đôi khi chúng ta làm điều đó bằng công nghệ, đôi khi bằng những thủ thuật trong cuộc sống, cố gắng làm nhanh hơn, thông minh hơn, năng suất hơn. Theo cách nào đó tôi nghĩ như vậy cũng rất hay, rằng con người đang tận dụng cơ thể và não bộ mà ta có. Nhưng theo cách khác, tôi cảm giác như sự nhân tạo đó lại khiến chúng ta ngày càng xa hơn khỏi con người thực sự. Ý kiến của anh thế nào?

BL: Chúng ta cố gắng đi nhanh hơn, giao tiếp nhanh hơn, nhanh hơn và nhanh hơn. Đó là bởi chúng ta tập trung vào hiệu quả, cho nó là nguồn lực chính: Tôi muốn có nhiều hơn, tôi sẽ thắng đối thủ, tôi sẽ có được nhanh hơn, tôi sẽ chi nhiều tiền nhất có thể để đạt được điều đó. Tất cả đều được đo bằng sự hiệu quả. Điều này thậm chí còn đúng trong trường học, nơi trẻ em tập trung tìm câu trả lời, thực sự có một câu trả lời.

Điều căn bản của sáng tạo là sự khiêm tốn và những điều chưa biết. Không có gì thú vị đến từ những thứ ta đã biết rồi, nó đến từ những gì ta chưa biết. Nó không đến từ sự tự tin mà từ lòng can đảm. Mỗi công ty thành công đều bắt đầu bằng sự sáng tạo: một câu hỏi và một ý tưởng. Sau đó nó thành công bằng việc thực hiện ý tưởng đó và tạo ra sự hiệu quả. Đổi mới là sự cân bằng giữa sáng tạo và hiệu quả.

Q: Rất nhiều người sợ chấp nhận điều họ không biết. Khi đã có ý kiến, họ thường ngại thay đổi. Thậm chí nếu cởi mở với việc suy nghĩ, họ có thể sai ngay từ đầu.

BL: Điều đó chẳng phải ngu ngốc sao? Nếu chịu rẽ ngang và thay đổi quyết định, bạn bị cho là yếu đuối. Một trong những lý do chúng ta làm vậy là vì ta không muốn sự không chắc chắn đó. Ta thà có sự chắc chắn của niềm tin còn hơn sự không chắc chắn rồi lại khiến ta thay đổi suy nghĩ. Khi ai đó thay đổi suy nghĩ, họ đã tạo ra sự không chắc chắn, tạo ra sự nghi ngờ. Chúng ta đang cố gắng tạo ra một hệ thống nhân tạo không thay đổi, và đó là vì chúng ta sợ nó sẽ thay đổi.

Q: Vậy sau cùng, phải chăng chúng ta cứ vui vẻ sáng tạo và thôi cố gắng phân loại mọi thứ trên thế giới một cách chính xác?

BL: Không, không phải lúc nào cũng thế. Sự thông tuệ là biết được mình nên ở đâu trong hỗn loạn, nói một cách ẩn dụ. Đó là biết được khi nào thì nên chọn điều gì, bởi khi một chiếc xe bus đang lao tới thì bạn sẽ không muốn sáng tạo đâu, bạn sẽ muốn chạy ngay cả khỏi đó cách nào hiệu quả và nhanh nhất có thể.

Q: Vậy chúng ta nên làm gì?

BL: Bắt đầu câu hỏi bằng việc “tìm kiếm”.Chúng ta có thể đi theo hành trình tìm kiếm của riêng mình. Chúng ta có thể đẩy tới giới hạn của bản thân. Chúng ta có thể thử thách những chuẩn mực sẵn có. Chúng ta đều có thể là nhà khám phá, vì tất cả đều kết nối tới nhau.

 

Nguồn:

King, Georgia Frances, A Neuroscientist Explains Why We Can’t See the World Objectively – and Humanity is Better for It, Quartz, May 3, 2017.

Biên dịch: Nguyễn Tùng Thúy.

Theo https://banchihoa.wordpress.com/

menu
menu