Một vài ghi chú về những suy nghĩ lo lắng, mang tính chất ồ ạt và phiền muộn

mot-vai-ghi-chu-ve-nhung-suy-nghi-lo-lang-mang-tinh-chat-o-at-va-phien-muon

Những ý nghĩ lo âu và ồ ạt là một triệu chứng của rối loạn lo âu hoặc lo âu kéo dài nói chung mà có thể làm phiền mọi người nhiều nhất; họ không hiểu làm thế nào mà họ có thể có những suy nghĩ đáng sợ và gây ra nhiều ảnh hưởng tới vậy.

Những ý nghĩ lo âu và ồ ạt là một triệu chứng của rối loạn lo âu hoặc lo âu kéo dài nói chung mà có thể làm phiền mọi người nhiều nhất; họ không hiểu làm thế nào mà họ có thể có những suy nghĩ đáng sợ và gây ra nhiều ảnh hưởng tới vậy. Tôi đã từng nghe người ta nói rằng, họ sợ họ sẽ bị Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) hoặc họ có những ý nghĩ kinh khủng về những người thân cận nhất với họ, sợ rằng họ có thể “sắp phát điên” và họ không thể kiểm soát những ý nghĩ đáng sợ ấy, và dường như chúng xuất hiện ngay cả khi họ chẳng hề nghĩ tới. Vâng, thật ra có một lời giải thích và những ý nghĩ đầy lo lắng, “náo loạn” ấy thật sự chỉ là một hệ quả nhỏ của rối loạn lo âu.

By Leszek Bujnowski

Lý do mà bạn có vẻ như quá lưu tâm đến bản thân mình cả ngày, và điều đó có cảm giác như là có quá nhiều ý nghĩ đang chạy trong đầu bạn được tăng gấp đôi.

1. Tất cả là sự hoang mang về những gì bạn đang cảm thấy. Tâm trí của bạn dành cả ngày để tìm kiếm câu trả lời và cố gắng tìm lối thoát ra khỏi cảnh “địa ngục” này. Một số người thậm chí còn thức cả đêm, suy tư và nghiền ngẫm cả ngày trước đó chỉ để cố gắng hiểu được vì sao.

Dần dà, việc suy nghĩ dường như trở nên tự động, và nó trở thành một thói quen. Cả ngày, rồi tất cả mọi ngày, những ý nghĩ ấy dường như xâm nhập vào đầu bạn trước khi bạn nghĩ đến chúng. Hãy nhìn theo cách này, khi người ta thiền, họ ngừng suy nghĩ tới hàng giờ liền cho tới khi điều này thành một thói quen và họ có thể hoạt động cả ngày mà không có suy nghĩ lo lắng mấy, đó là lý do vì sao họ luôn cảm thất thoải mái. Còn bạn thì những suy nghĩ của bạn cứ tiếp tục tiếp diễn và khi tâm trí bạn mỏi mệt – như bây giờ chẳng hạn – thì tâm trí mỏi mệt ấy sẽ nắm lấy mọi ý nghĩ và kéo chúng vào trong, làm cho mọi thứ dính hết lại với nhau.

2. Vì sao một số ý nghĩ lại tồi tệ đến vậy? Khi bạn đang ở trong trạng thái lo âu, các cảm xúc của bạn dường như được nhân lên gấp mười lần. Mọi thứ đều phóng đại lên và chỉ một vấn đề nhỏ nhất cũng trở nên choáng ngợp. Những thứ mà bạn có thể bỏ qua khi tâm trạng mình thoải mái và khỏe mạnh, thì giờ có thể lởn vởn quanh đầu bạn cả ngày.

Lo âu thật sự chỉ là adrenaline cần một nơi để xả ra và điều này bao gồm việc bày tỏ chính nó thành những suy nghĩ đáng sợ, vô lý và kỳ lạ, chúng không quan trọng và bạn nên xem chúng như chính bản chất của chúng (chỉ là suy nghĩ mà thôi), và sự lo âu đang giở “thủ đoạn” của nó ra. Những suy nghĩ lo lắng là hoàn toàn bình thường khi bạn đang bị rối loạn lo âu. Mọi người hỏi tôi “Tại sao tôi lại có những suy nghĩ lo âu và đáng sợ thế này?” thì “Bởi vì bạn đang lo âu” sẽ luôn là câu trả lời của tôi. Đó là một phản hồi đơn giản cho một câu hỏi đơn giản.

Dưới đây là một vài ví dụ về những suy nghĩ đáng sợ về rối loạn lo âu mà tôi đã từng trải qua. Tôi gọi chúng là những câu hỏi “Nếu-thì” (What-Ifs):

  • Sẽ ra sao nếu không ai chữa khỏi bệnh được cho tôi?
  • Sẽ ra sao nếu đây không phải là rối loạn lo âu mà là một bệnh tâm lý nghiêm trọng khác?
  • Nhỡ có vấn đề gì khác xảy ra với tôi thì sao, u não chẳng hạn? v.v..
  • Nếu như tôi mất kiểm soát?
  • Nếu như tôi không thể thở được?
  • Sẽ ra sao nếu như tôi phải sống thế này đến suốt cuộc đời mình?
  • Sẽ thế nào nếu như cảm giác này không bao giờ biến mất?
  • Nhỡ đâu chỉ có tôi mới cảm thấy thế này thì sao?
  • Nếu như tôi không bao giờ có thể hưởng thụ những điều mà tôi đã từng thích thú trong quá khứ?
  • Nếu như tôi bị một cơn hoảng loạn và ngất đi thì sao?
  • Sẽ ra sao nếu như tôi không thể trở về con người trước đây của mình?

Bạn đã có thể nói một hoặc hai câu trên với chính bản thân mình hoặc nhận ra nỗi sợ mà bạn đang có. Thật ra thì tôi cũng từng như vậy, và nó luôn luôn là “Đúng, chỉ là sợ hãi mà thôi, nhưng ai mà biết được NẾU?” À, tất cả những câu “nếu-thì” kiểu đó thường không có gì cả. Chúng chỉ chứng mình rằng bạn đang mang trong mình một tâm trí hoạt động tích cực và hơi mẫn cảm hơn bình thường, và nó đang giở trò với bạn. Những suy nghĩ ấy cứ như không mời mà đến và luôn luôn có vẻ rất thật, rất mạnh bạo khi chúng ta lo lắng. Hơn nữa, sự thiếu hiểu biết về bản chất của lo âu cũng có thể mang lại cảm giác sợ hãi. Giống như tôi, bạn có thể đi khắp mọi nơi, gặp hết người này người nọ, trong một thời gian dài mà chẳng ai có thể giải thích cho bạn rằng tại sao bạn lại cảm thấy như vậy, và thậm chí còn chẳng ai nói cho bạn biết rằng chỉ đơn giản là bạn đang lo âu. Bạn có thể nhìn ra vì sao những nỗi sợ ấy cứ chồng chất lên từng ngày? Đó là do sự hiểu lầm, thiếu hiểu biết về tình trạng của mình, cùng với thói quen luôn luôn nghĩ đến điều tồi tệ nhất. Cộng điều này vào một tâm trí đang mệt mỏi sẵn mà đã mất đi sự sáng suốt đàn hồi vốn có, và bạn sẽ có rất nhiều những suy nghĩ “Nếu-thì” như trên.

Một số người còn lo lắng tới mức họ tin rằng tất cả những gì họ cảm thấy đều đe dọa đến tính mạng. Một cơn đau đầu bình thường có thể trở thành u não, hay một cơn đau dạ dày bị “phóng đại” thành ung thư và cứ thế, cho dù bao nhiêu lần bác sĩ của họ có nói rằng chẳng có gì nghiêm trọng ở đây cả, họ cũng không bao giờ cảm thấy được thuyết phục.

Nếu đây là bạn, bạn hãy nhận ra rằng những ý nghĩ ấy chỉ là một mảnh của trí tưởng tượng của bạn, chủ yếu được tạo ra bởi trạng thái lo âu quá mức mà thôi. Mọi thứ đều trở nên phóng đại khi chúng ta lo lắng. Hãy để những ý nghĩ này trôi qua, đừng phản ứng lại chúng và coi chúng như chính bản chất của chúng – chỉ là những suy nghĩ vô hại chẳng có gì quan trọng, cho dù chúng có đang gào thét trong đầu bạn cỡ nào.

Khi chúng ta cố gắng quá mức để làm MỌI THỨ cốt để thoát ra, thì sự hồi phục lại càng xa vời tầm tay. Điều ấy bao gồm việc cố gắng giải thoát chính mình khỏi những suy nghĩ ấy. Bạn càng “cố” để đẩy chúng ra xa, thì chúng càng cứ ở lại lâu hơn và tác động mạnh hơn. Nếu chúng ta chào đón và cho phép những suy nghĩ không mong muốn nào ở lại, chúng sẽ mất đi ý nghĩa và tầm quan trọng của mình, và dần dần biến mất. Khi bạn áp đặt một cảm giác sai lầm về tầm quan trọng lên một suy nghĩ, chúng thường có vẻ nghiêm trọng hơn những gì chúng xứng đáng.

Một lần nữa, thời gian là một phương pháp chữa lành tuyệt vời trong tình trạng này. Tôi đã cho phép những suy nghĩ ấy đến rồi đi và tôi không hề phản ứng. Khi tôi làm điều này, tôi để ý rằng những suy nghĩ đáng sợ ấy dường như mất những góc cạnh đáng sợ của chúng. Hãy ngừng chiến đấu lại chúng, và nói rằng: cứ việc xuất hiện nếu mày muốn, tao không quan tâm nữa, vì mày chẳng quan trọng.

Đừng bao giờ nói với bản thân mình rằng bạn không được phép có những ý nghĩ ấy. Hãy để tất cả những suy nghĩ ấy xuất hiện, đừng chạy trốn khỏi bất kỳ ý nghĩ nào; hãy nhìn chúng như những gì chúng là – chỉ là những suy nghĩ, bị phóng đại lên vì cách bạn đang cảm thấy. Chúng không thể gây hại gì cho bạn và chúng không có ý nghĩa gì cả. Chúng sẽ chẳng ở cạnh bạn khi bạn hồi phục, cho nên đừng quá tập trung vào chúng làm gì. Cách tốt nhất để loại bỏ những suy nghĩ xâm nhập kiểu ấy, đó chính là cho chúng không gian bằng cách KHÔNG cố gắng bỏ chúng đi.

Tại sao bạn không thử đi theo một suy nghĩ tiêu cực/đáng sợ và tự hỏi bản thân mình rằng, điều gì tệ nhất có thể xảy ra cơ chứ? Và rồi tự hỏi mình tiếp, liệu điều đó có THẬT SỰ xảy ra được hay không? Những ý nghĩ này có lý thật không? Nếu bạn làm điều này, có thể bạn sẽ tìm được câu trả lời cho một ý nghĩ mà bạn đã từng rất sợ, do đó nếu lần tiếp theo chúng có chui vào đầu bạn, thì trong sâu thẳm sẽ có một phần nào đó bạn nhìn ra chân tướng của chúng là gì và cứ kệ chúng thôi.

Tôi thường được hỏi “Làm thế nào để tôi ngừng nghĩ thế này được?”. câu trả lời của tôi là ĐỪNG cố, nếu như chúng chẳng quan trọng thì cho dù chúng có đáng sợ thật hay không, tại sao cứ cố ngưng chúng lại làm gì, hãy cứ để cho chúng ít không gian, và đây là cách để chúng biến mất. Đấu tranh lại những ý nghĩ đó và cố gắng để đuổi chúng ra khỏi đầu là cách tiếp cận sai lầm, và là một trận chiến chắc chắn bạn sẽ thua, bởi bạn đang chống lại một điều hoàn toàn tự nhiên trong hoàn cảnh của mình (vì bạn đang lo âu). Không cần phải nghĩ rằng mình sắp phát điên hoặc cố gắng để chống lại hoặc thay đổi cách mà bạn nghĩ.

 

Dịch: Khánh Linh

Tác giả: Paul David, một người mắc rối loạn lo âu nặng trong một thời gian rất dài và hiện tại đã hoàn toàn hồi phục; tác giả của cuốn sách “At Last A Life”  nói về quá trình hồi phục và phương pháp hồi phục từ các rối loạn liên quan đến lo âu.

Nguồn

https://beautifulmindvn.com/2016/12/08/mot-vai-ghi-chu-ve-nhung-suy-nghi-lo-lang-mang-tinh-chat-o-at-va-phien-muon/ 

menu
menu