Mục đích cuộc đời
“Tôi nên làm gì với cuộc đời của mình đây?”
Nếu bạn đang đọc những dòng này, thì bạn đủ may mắn để có quyền lựa chọn đặt câu hỏi, “Tôi nên làm gì với cuộc đời mình? Mục đích của tôi trên trái đất này là gì?”
Nghĩ mà xem: đối với phần đông dân số trong lịch sử nhân loại, ý nghĩa và mục đích được tôi luyện bằng cách tụ họp cùng nhau trong những cộng đồng gắn kết chặt chẽ với mục đích duy nhất là trì hoãn cái chết tập thể thêm vài năm nữa.
Loài người có lẽ không ngồi xuống và phân tích xem họ nên cống hiến đời mình cho việc làm khố bằng da hoẵng, làm đầu mũi tên, hay là đi hái quả mọng. Cuộc sống có thể rất ngắn và tàn khốc, nhưng lại rất đơn giản: chỉ việc làm bất cứ điều gì cần làm để tồn tại.
Nhưng rồi theo thời gian, mỗi lúc ta lại thông minh thêm một chút, và ta phát hiện ra cách để loại bỏ những cái chết lãng nhách. Theo đó là dùng sự khéo léo để tìm ra nhiều cách thức khiến bản thân khỏe mạnh hơn, thoải mái hơn, giải trí hơn, vân vân.
Và mặc dù quá trình này đã tạo ra vô số lợi ích cho loài người, song nó cũng khiến ta tự hỏi vậy thì mình phải làm gì với chỗ thời gian từng được dùng để tụ tập đi kiếm hạt và tìm một cái cây tử tế để nằm ngủ đây.
Và chính vì điều này, hầu hết chúng ta không có bất cứ manh mối nào về điều mà ta muốn làm trong đời. Ngay cả sau khi tốt nghiệp. Ngay cả sau khi tìm được một công việc. Ngay cả sau khi kiếm ra tiền.
Quãng thời gian giữa tuổi 18 và 25, tôi thay đổi tham vọng sự nghiệp nhiều hơn cả thay đồ lót. Và thậm chí sau khi đã có một công việc kinh doanh, tôi cũng vẫn phải mất đến bốn năm để xác định rõ điều mình muốn trong đời.
Khả năng cao là bạn cũng giống tôi và không biết mình muốn làm gì.
Đây là khó khăn mà gần như người trưởng thành nào cũng phải bước qua. “Tôi muốn làm gì với cuộc đời mình?” “Tôi đam mê điều gì?” “Việc gì tôi không dở tệ?” Tôi thường nhận được email từ những người đã 40, 50 tuổi song vẫn chưa mảy may biết họ muốn làm gì với chính mình.
Một phần của vấn đề này là bản chất khái niệm “mục đích cuộc đời” - ý tưởng là mỗi chúng ta sinh ra trên đời vì một mục đích cao cả và giờ đây nhiệm vụ to lớn của chúng ta là tìm ra nó. Như tôi đã nói, bản thân khả năng xem xét liệu ta nên làm gì với cuộc đời mình thực chất là một sự xa xỉ thời hiện đại.
Sự thật là thế này. Chúng ta tồn tại trên trái đất này trong một khoảng thời gian không xác định. Trong quãng thời gian đó ta sẽ làm việc. Một số việc quan trọng. Một số khác không quan trọng. Và những công việc quan trọng ấy đem lại ý nghĩa và hạnh phúc cho cuộc sống của chúng ta. Còn những việc không quan trọng thì cơ bản là để giết thời gian mà thôi.
Vậy thì khi mọi người nói, “Tôi nên làm gì với đời mình bây giờ?” hay “Mục đích cuộc sống của tôi là gì?” thì thực ra họ đang hỏi: “Tôi có thể làm điều gì quan trọng với chỗ thời gian mình có?”
Đây là một câu hỏi hay hơn nhiều. Nó có khả năng trả lời hơn và không chứa hàng bao tải những điều lố bịch mà câu hỏi “mục đích cuộc đời” có. Chẳng có lý do gì để bạn suy ngẫm về những nhiệm vụ cao cả của cuộc đời trong khi dán mông lên sofa và ăn bim bim cả ngày. Thay vào đó, bạn nên nhấc mông dậy và tìm hiểu xem đâu là điều khiến bạn cảm thấy quan trọng.
Một trong những câu hỏi qua email mà tôi thường nhận được nhất là mọi người hỏi tôi họ nên làm gì với đời mình, “mục đích cuộc đời” của họ là gì. Đây là một câu hỏi bất khả thi đối với tôi. Rốt cuộc thì, với tất cả những gì tôi biết, người này rất thích đan áo len cho mèo hoặc quay phim khiêu dâm đồng tính kiểu nô lệ dưới tầng hầm nhà họ. Tôi không biết nữa. Tôi là ai mà nói điều gì là đúng hay quan trọng đối với họ?
Chúng ta sẽ đi cụ thể vào cách để bạn có thể sớm tìm ra điều đó, nhưng trước tiên, bạn và tôi, chúng ta cần nói chuyện. Chúng ta cần đồng nhất suy nghĩ về một số điều chẳng hạn như vai trò của “đam mê” trong tất cả chuyện này, về giá trị của nỗi đau và cảm giác khó chịu, và thậm chí cả về cái chết của bạn.
Và đây là nơi ta sẽ bắt đầu: cái chết của bạn.
Phần 1: Tìm cái anh yêu và để nó kết liễu anh
“Tất cả chúng ta rồi sẽ chết, tất cả. Đúng là một rạp xiếc! Chỉ điều đó thôi lẽ ra cũng đủ để khiến chúng ta yêu thương lẫn nhau, nhưng không. Chúng ta bị khủng bố và đè bẹp bằng những thứ tầm thường; ta bị hư vô nuốt chửng.”
- Charles Bukowski
Phải, ai rồi cũng chết. Bạn và tôi và tất cả những người khác. Một ngày nào đó, đến cuối cùng, khoảnh khắc định mệnh ấy sẽ đến gõ cửa và đưa ta đi.
Khi nào ta chết không phải là một câu hỏi thú vị, vì khi bạn đã chết thì bạn cũng chẳng còn ở đó mà quan tâm xem bạn đã làm hay không làm gì.
Không, câu hỏi thú vị là ta sẽ chết như thế nào. Ung thư? Ngưng tim? Bệnh than? Hóc bánh quy?
Tôi à? Tôi sẽ nằm chờ chết sau một cú nhảy dù thất bại. Hoặc tai nạn máy bay.
Được rồi, không hẳn là vậy, nhưng đôi lúc khi đang ở trên máy bay và chúng tôi phải hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu, tôi bắt đầu tưởng tượng đến hình ảnh một vụ tai nạn máy bay - mặt nạ oxy rơi xuống, phụ nữ la hét, tiếng khóc trẻ con; có lẽ tôi sẽ vươn ra hàng ghế bên kia lối đi và nắm lấy tay một người lạ mặt như một cử chỉ lâm li cuối cùng trong khi cùng nhau chờ đợi điều không thể tránh khỏi. Trái đất sẽ lướt qua trên đầu chúng tôi và cùng nhau chúng tôi đâm sầm vào miền vĩnh cửu.
May mắn là điều đó chưa xảy ra. Nhưng thật phấn khích khi nghĩ về nó.
Khi nghĩ về cái chết của chính mình, chúng ta thường nghĩ về những khoảnh khắc cuối cùng. Giường bệnh. Giọt nước mắt của người thân. Xe cứu thương. Chúng ta không nghĩ đến một loạt các lựa chọn và thói quen dẫn ta đến khoảnh khắc cuối cùng ấy.
Bạn có thể cho rằng cái chết là một tiến trình có ảnh hưởng đến đường đời của chúng ta - mỗi hơi thở, sự cắn, nuốt thức ăn, mỗi đêm khuya và những lần lỡ đèn giao thông, mỗi tiếng cười, tiếng la hét, những cái cụng tay cùng tiếng thở dài não nề - chúng đem ta từng bước đến gần hơn với đoạn kết kịch tính của chính mình trong thế giới này.
Vậy nên câu hỏi đắt giá hơn không phải khi nào bạn sẽ chết. Mà là bạn sẽ chọn phương tiện nào để đi tới đó? Nếu mọi điều bạn làm mỗi ngày đem bạn đến gần hơn với thần chết theo cách thức độc nhất và tinh tế, thì đâu là thứ bạn sẽ chọn để kết liễu chính mình?
Đam mê đến cùng nỗi đau
Nhà văn, nhà thơ Charles Bukowski từng nói “Tìm cái anh yêu và để nó kết liễu anh.”
Bukowski là một tay bợm rượu trơ trẽn, lăng nhăng, thảm hại về mọi mặt. Ông ta sẽ say xỉn trên sân khấu trong phần đọc thơ của mình và văng tục xúc phạm khán giả. Ông ta đốt tiền vào xới bạc và có thói quen vô phước là khoe của quý nơi công cộng.
Nhưng ẩn sâu vẻ ngoài đáng ghê tởm của Bukwoski là một người đàn ông sâu sắc hướng nội với nhiều cá tính hơn ai hết.
Cả cuộc đời Bukwoski chìm trong đói nghèo, say xỉn và bị sa thải khỏi nhiều công việc. Đến cuối cùng, ông được nhận vào một bưu điện làm chân sắp xếp thư từ. Từ trước tới giờ ông chỉ toàn viết những điều vô ích, không ai biết đến và thất bại thảm hại. Ông viết gần 30 năm trước khi nhận được hợp đồng in cuốn sách đầu tiên. Đó cũng chẳng phải kiểu hợp đồng béo bở gì cho cam. Khi đặt bút ký, ông viết, “Tôi có một trong hai lựa chọn - ở lại bưu điện và phát điên…hoặc biến ra khỏi đây, giả vờ làm nhà văn và chết đói. Tôi đã quyết định chết đói.”
Charles Bukowski. Image Bukowski.net
Theo quan điểm của tôi, sự thành thật trong các tác phẩm của ông - nỗi sợ hãi, thất bại, hối hận, tự hủy hoại bản thân, rối loạn cảm xúc - là điều chưa từng có trên đời. Ông sẽ kể cho bạn nghe những thời khắc tươi sáng nhất cũng như đen tối nhất của mình mà không hề do dự, không hề đảo mắt hay thậm chí thốt ra câu “xin lỗi về chuyện đó” như để giải thích. Ông viết về cả nỗi nhục nhã và lòng kiêu hãnh không chút dè dặt. Văn chương của ông quá đỗi bình thản - một vòng tay ôm lặng lẽ của một con người đẹp đẽ mà cũng thật tệ hại, chính là ông.
Và những gì Bukwoski hiểu, cũng là điều mà phần lớn mọi người không hiểu, đó là những điều tuyệt vời nhất trong đời đôi khi thật xấu xí. Cuộc đời thì rối ren, và chúng ta đều sẽ hoang mang bất lực theo cách của riêng mình. Ông chưa khi nào hiểu được nỗi ám ảnh của thế hệ baby boomer với hòa bình và hạnh phúc hay chủ nghĩa lý tưởng đi cùng với nó. Ông hiểu rằng bạn không thể nhìn độc một mặt của vấn đề mà không xem xét mặt còn lại. Bạn không thể có tình yêu mà không đau đớn. Bạn không thể có ý nghĩa và sự sâu sắc mà không hi sinh.
Khái niệm mục đích cuộc đời đã bùng nổ trong đại chúng vài thập kỷ gần đây. Chúng ta không chỉ muốn kiếm tiền hay xây dựng một sự nghiệp đảm bảo. Chúng ta muốn làm điều gì đó quan trọng. Chúng ta muốn được chú ý. Chúng ta muốn được tìm kiếm.
Ý nghĩa là một món xa xỉ mới.
Song cũng như các món hàng xa xỉ khác, chúng ta lý tưởng hóa ý nghĩa. Mọi người tin rằng tất cả những gì ta cần phải làm là tìm ra thứ đó - một thứ duy nhất! - rằng bạn “được sinh ra để làm”, và bỗng nhiên, mọi thứ sẽ vào đúng vị trí của nó. Bạn sẽ làm việc đó cho đến khi lìa đời và luôn cảm thấy mãn nguyện và hạnh phúc như đang ở trên chín tầng mây đồng thời kiếm được một triệu đô la trong lúc đang mặc đồ ngủ.
Nhưng chúng ta chỉ cần một thứ - giá mà ta biết thứ mình sinh ra để làm, thì mọi thứ sẽ đâu vào đấy!
Và mặc dù việc động não để nghĩ ra vài ý tưởng giúp ai đó bắt đầu là hoàn toàn khả thi, song công cuộc tìm kiếm ý nghĩa và mục đích không giống như dạo chơi ngày một ngày hai. Đó là cuốc đi bộ đường dài ngập trong bùn và phân cùng những trận mưa đá cỡ quả bóng gôn ào ào trút vào mặt bạn. Và bạn phải yêu nó. Bạn thật sự phải yêu lấy nó.
Như Bukowski viết, “Điều quan trọng nhất là anh sẽ bước qua lửa giỏi đến đâu.”
Tìm kiếm đam mê và mục tiêu trong đời là một quá trình thử lửa. Bạn không đơn giản một ngày nào đó thức dậy và trở nên hạnh phúc khi làm một việc mãi mãi. Giống như cái chết, đó là một tiến trình liên tục. Bạn phải thử cái gì đó, chú ý vào cảm nhận của bản thân, điều chỉnh và thử lại lần nữa. Không có ai giỏi ngay lần thử đầu tiên, hay lần thứ mười, hoặc đôi khi là lần thứ hai trăm.
Và sau đó, khi bạn đã giỏi rồi thì có khả năng một ngày nào đó sẽ thay đổi.
Bởi vì bạn thay đổi.
“Viết lách rất dễ; tất cả những gì bạn phải làm là ngồi nhìn chằm chằm vào tờ giấy trắng cho đến khi những giọt máu rơi trên trán mình.”
- Gene Fowler
Và những gì Bukowski hiểu rõ hơn phần lớn mọi người là làm điều mình yêu không phải lúc nào cũng là yêu điều mình làm. Có một sự hi sinh gắn liền với nó. Cũng giống như lựa chọn bạn đời, không phải ta đang chọn người sẽ làm ta vui vẻ suốt cả ngày, mà là chọn một người mà ta muốn ở cạnh ngay cả khi họ làm ta phát cáu.
Có cảm giác như đây là điều tất yếu, như thể bạn không có sự lựa chọn vì đó đơn giản là con người bạn, rối loạn và mọi thứ khác. Đó là phương tiện được bạn lựa chọn để đến gặp thần chết. Và bạn để nó đưa mình đi trong mãn nguyện. Nhưng bạn không hề ảo tưởng rằng đó sẽ là một chuyến đi trơn tru hay không xảy ra điều ngoài dự kiến trên đường.
- Việc bạn nghiên cứu về liệu pháp ngôn ngữ có thể dẫn bạn đến với lồng tiếng vốn có thể biến thành một sự nghiệp trong ngành hoạt hình trẻ em, và bạn có thể quyết định ở tuổi 55 rằng ngành hoạt hình trẻ em đang bị hủy hoại vì lợi ích của các công ty và bạn dành phần còn lại của cuộc đời để vẽ ra những mẩu chuyện hoạt hình mình thích nhưng không bao giờ xuất bản.
- Mối quan tâm của bạn dành cho sức khỏe thể chất có thể dẫn bạn đến một mối quan tâm sâu hơn đối với tư thế và dáng vẻ, điều sau đó đưa bạn vào ngành đào tạo cho mọi người về ngôn ngữ cơ thể và giao tiếp phụ trợ. Từ đó có thể dẫn bạn đến một công việc kinh doanh tư vấn, nhưng sau khi giải quyết các vấn đề bề mặt, bạn phát hiện ra rằng cơ thể tự định hình chính nó để khớp với những cảm xúc bị đè nén. Vì thế bạn nhận một cục lương hưu tư vấn bự, tự nhủ là kệ xác nó, rồi mở một phòng khám châm cứu và xoa bóp nơi bạn cống hiến những ngày cuối đời cho việc tăng cường nhận thức kết nối giữa cơ thể và tâm trí.
Giống như việc chỉ có một số rất ít người trong chúng ta trải nghiệm tình yêu sét đánh, thì cũng chỉ có từng ấy người trải nghiệm đam mê và ý nghĩa ngay ở lần đầu tiên. Giống như một mối quan hệ, chúng ta phải gây dựng từ hai bàn tay trắng, từng chút một, cho đến nhiều năm sau với gạch đá và mồ hồi, nó mới có thể tự đứng vững.
Và một khi đã tới đó, giống như một chiếc máy bay đâm bổ xuống, chúng ta để nó đưa mình đến phần mộ của riêng ta, nắm lấy tay, bao phủ trái đất trong tiếng cười lớn không ngớt của gió và lửa và tình yêu.
“Chúng ta ở đây để cười vào những điều kỳ quặc,” Bukowski nói, “và sống cuộc đời mình tuyệt đến nỗi thần Chết phải kinh sợ khi đưa ta đi.”
Và khi thần Chết tới, ông ta sẽ đưa bạn đi như thế nào?
Phần 2: Câu hỏi quan trọng nhất cuộc đời bạn
Đặt cuộc nói chuyện về cái chết sang một bên, hãy nói về cuộc sống - cụ thể là cuộc sống của bạn.
Hãy nghĩ vài giây về điều bạn muốn trong đời.
Đó có phải là hạnh phúc? Nhiều tiền hơn? Công việc tốt hơn? Nhiều bạn bè hơn? Tình yêu với cuộc sống của mình? Một cái sofa mới ra trò?
Xem này, ai cũng muốn vui vẻ. Ai cũng muốn sống một cuộc sống vô tư, hạnh phúc và dễ dàng, muốn phải lòng ai đó và có những cuộc làm tình ngất ngây cùng những mối quan hệ tuyệt vời, muốn trông thật bảnh và kiếm được nhiều tiền và nổi tiếng và được tôn trọng và ngưỡng mộ và ngầu đến nỗi mọi người tách làm hai hàng mỗi khi bạn bước vào phòng.
Ai cũng thích được như vậy - thích những điều ấy rất dễ.
Nếu tôi hỏi bạn, “Bạn muốn điều gì từ cuộc sống?” và bạn sẽ trả lời kiểu, “Tôi muốn được hạnh phúc và có một gia đình tuyệt vời cùng một công việc tôi yêu thích,” những mẫu câu nhan nhản khắp nơi và tầm thường, chẳng có ý nghĩa quái gì cả.
Một câu hỏi quan trọng hơn, câu hỏi mà có lẽ bạn chưa từng xem xét đến, đó là nỗi đau nào bạn muốn có trong đời?
Bạn sẵn sàng chịu đựng vì điều gì? Bởi vì đó dường như là yếu tố lớn hơn nhiều quyết định cuộc đời ta sẽ ra sao.
Ai cũng muốn có một công việc tuyệt vời và độc lập tài chính - nhưng không phải ai cũng muốn chịu đựng 60 giờ làm việc một tuần, thời gian di chuyển dài, công việc bàn giấy chán ốm, điều hành hệ thống phân cấp đoàn thể hay thay đổi và sự tù túng trong địa ngục bất tận của không gian làm việc. Mọi người muốn giàu mà không có rủi ro, không có hi sinh, không trì hoãn những sự hài lòng cần thiết để tích lũy thịnh vượng.
Ai cũng muốn có những cuộc làm tình nóng bỏng và một mối quan hệ tuyệt vời - nhưng không phải ai cũng sẵn sàng trải qua những cuộc trò chuyện khó khăn, những khoảng lặng ngại ngùng, cảm giác đau đớn và sự nhập vai để tìm hiểu cảm xúc để đạt được nó. Vậy nên họ an phận. Họ an phận và tự hỏi “Sẽ ra sao nếu…?” năm này qua năm khác cho đến khi câu hỏi chuyển từ “Sẽ ra sao nếu…?” sang “Chỉ có vậy thôi ư?” Và khi các luật sư về nhà và thấy hóa đơn cấp dưỡng của vợ/chồng cũ trong hòm thư, họ tự hỏi, “Cái này để làm gì?”, nếu không phải để dành cho sự hạ thấp tiêu chuẩn và kỳ vọng từ 20 năm trước của họ, vậy thì để làm gì?
Bởi vì hạnh phúc đòi hỏi phải đấu tranh. Điều tích cực là kết quả phụ của việc xử lý những điều tiêu cực. Bạn chỉ có thể né tránh những trải nghiệm tiêu cực chừng nào nó chưa gầm rú quay lại cuộc đời bạn.
Xét trong bản chất cốt lõi hành vi loài người, các nhu cầu của chúng ta đều ít nhiều giống nhau. Những trải nghiệm tích cực đều dễ dàng xử lý. Khó khăn chỉ nằm ở các trải nghiệm tiêu cực. Do đó, những gì ta nhận được từ cuộc đời không được quyết định bằng những cảm giác dễ chịu mà ta thèm muốn mà bằng những cảm giác khó chịu mà ta sẵn sàng và có khả năng chống đỡ để đưa ta đến với những cảm giác dễ chịu kia.
Ai cũng muốn có thể hình đẹp. Nhưng bạn sẽ không có được nó trừ phi bạn biết trân trọng một cách đúng đắn những nỗi đau và căng thẳng thể chất đi cùng với việc sống trong phòng tập thể hình hàng giờ, trừ phi bạn yêu việc tính toán và kiểm định loại thực phẩm mình tiêu thụ, lên kế hoạch cho cuộc đời mình dựa trên những khẩu phần ăn theo đĩa nhỏ xíu.
Ai cũng muốn tự mình khởi nghiệp hay độc lập tài chính. Nhưng bạn sẽ không trở thành một doanh nhân thành công trừ phi bạn tìm ra cách để trân trọng rủi ro, sự không chắc chắn, những thất bại lặp lại và hàng giờ làm việc điên cuồng với một thứ bấp bênh mà bạn không biết liệu nó có thành công hay không.
Ai cũng muốn có người thương, người bạn đời. Nhưng bạn sẽ không thể thu hút một người tuyệt vời nếu không trân trọng sự rối loạn cảm xúc đi kèm những lời từ chối đến rồi đi, trân trọng việc tạo dựng những xúc cảm tình dục mãnh liệt mà không bao giờ được giải tỏa, cả những khoảnh khắc nhìn chằm chằm vào chiếc điện thoại không bao giờ đổ chuông. Đó là một phần của trò chơi tình yêu. Bạn không thể thắng nếu bạn không chơi.
Thứ quyết định thành công của bạn không phải là “Bạn muốn tận hưởng điều gì?” Câu hỏi đúng là, “Nỗi đau nào bạn muốn chịu đựng?” Chất lượng cuộc sống của bạn không được quyết định bằng chất lượng những trải nghiệm tích cực mà bằng những trải nghiệm tiêu cực. Và việc biết cách đương đầu với những trải nghiệm này cũng chính là biết cách đương đầu với cuộc đời.
Có rất nhiều lời khuyên nhảm nhí nói rằng, “Bạn chỉ cần muốn đủ!”
Ai cũng muốn cái gì đó. Và ai cũng muốn có đủ cái đó. Họ chỉ không nhận thức được mình muốn gì, hay mình muốn có “đủ” cái gì.
Bởi vì nếu bạn muốn có lợi nhuận thì bạn cũng phải muốn cả chi phí tạo ra chúng.
Nếu bạn muốn có một thân hình bãi biển, bạn phải muốn cả mồ hôi, sự đau nhức, những buổi sáng sớm và cơn đói cồn cào.
Nếu bạn muốn một chiếc du thuyền, bạn cũng phải muốn những đêm muộn, những nước đi kinh doanh đầy rủi ro, và khả năng của việc chọc tức không chỉ một mà mười ngàn người.
Nếu bạn thấy mình đã muốn một điều gì đó tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, nhưng chẳng có gì xảy ra và bạn chưa hề đến gần hơn với nó, vậy thì có lẽ điều bạn muốn là một ảo tưởng, một sự lý tưởng hóa, một hình ảnh và một lời hứa hão. Có lẽ thứ bạn muốn không thực sự là thứ bạn muốn, bạn chỉ ưa thích cái cảm giác muốn đó mà thôi. Có lẽ bạn không thực sự muốn có nó một chút nào.
Thỉnh thoảng tôi hỏi mọi người, “Bạn lựa chọn chịu đựng như thế nào?” Những người ấy nghiêng đầu và nhìn tôi như thể tôi có mười hai cái mũi.
Nhưng tôi hỏi vì điều đó nói cho tôi biết về bạn nhiều hơn những khao khát và ảo tưởng của bạn. Bởi vì bạn phải lựa chọn điều gì đó. Bạn không thể có một cuộc đời không đau đớn. Không thể lúc nào cũng là hoa hồng và sô cô la. Và đến cuối cùng chính những câu hỏi khó lại là điều cốt lõi.
Niềm vui sướng là một câu hỏi dễ. Và hầu hết chúng ta đều có những câu trả lời tương tự nhau. Câu hỏi thú vị hơn là nỗi đau. Đâu là nỗi đau bạn muốn chịu đựng?
Câu trả lời cho câu hỏi ấy sẽ thực sự đưa bạn đi xa hơn. Đó là câu hỏi có thể thay đổi cuộc đời bạn. Đó là thứ khiến tôi là tôi và bạn là bạn. Đó là thứ định nghĩa chúng ta là chia rẽ chúng ta và cuối cùng sẽ mang chúng ta trở lại với nhau.
Suốt thời đi học và thanh niên của mình, tôi mơ mộng làm một nhạc sĩ - cụ thể là một ngôi sao nhạc rock.
Bất cứ bài ghi-ta đỉnh cao nào mà tôi nghe, tôi sẽ luôn nhắm mắt lại và tưởng tượng mình đang đứng trên sân khấu chơi đàn trước tiếng la hét của đám đông, tất cả đều hoàn toàn mất trí trước ngón đàn điêu luyện của tôi.
Ảo tưởng này có thể khiến tôi bận rộn trong hàng giờ không dứt.
Nó theo tôi lên đến đại học, ngay cả sau khi tôi bỏ học trường nhạc và nghiêm túc không chơi đàn nữa. Nhưng ngay cả sau đó chưa bao giờ tôi đặt câu hỏi là liệu mình có thể chơi đàn trước một đám đông ồn ã hay không, mà là khi nào tôi có thể. Tôi chờ đợi thời cơ trước khi có thể đầu tư một lượng thời gian và nỗ lực thích hợp để bước ra ngoài kia và biến nó thành hiện thực.
Trước hết, tôi phải tốt nghiệp. Sau đó tôi cần kiếm tiền. Rồi tôi cần tìm đúng thời điểm. Rồi…chẳng có gì cả.
Mặc cho việc mơ mộng suốt nửa quãng đời, hiện thực ấy chưa bao giờ tới. Và tôi đã mất rất nhiều thời gian và trải nghiệm tiêu cực để cuối cùng tìm ra lý do: Tôi không thực sự muốn làm ngôi sao nhạc rock.
Tôi chỉ yêu kết quả - hình ảnh mình đứng trên sân khấu, mọi người cổ vũ, tôi điên cuồng, dốc hết trái tim vào bản nhạc đang chơi - nhưng không không thích thú quá trình đi đến đó. Và bởi vì thế, tôi thất bại. Hết lần này đến lần khác.
Chết tiệt, tôi thậm chí còn chẳng cố gắng hết sức để thất bại. Gần như tôi không hề cố gắng một chút nào.
Việc luyện tập vất vả hàng ngày, công việc hậu cần tìm kiếm một nhóm và diễn tập, nỗi đau của việc tìm show và thực sự thu hút mọi người đến xem và quan tâm. Dây đàn bị đứt, âm li đèn bị nổ, vận chuyển gần 40 pounds (~ 20kg) thiết bị đi và đến các buổi diễn tập mà không có ô tô. Đó là ngọn núi của giấc mơ và mất hàng dặm để leo lên đến đỉnh. Và mất khá nhiều thời gian để tôi nhận ra rằng mình không thích leo trèo cho lắm. Tôi chỉ thích tưởng tượng ra đỉnh núi.
Văn hóa của chúng ta có lẽ sẽ nói tôi chiều chuộng bản thân, rằng tôi là kẻ bỏ cuộc hay kẻ thất bại.
Sách tự lực có lẽ sẽ nói tôi không đủ can đảm, không đủ quyết tâm hay không đủ tin tưởng vào bản thân.
Đám đông doanh nhân/khởi nghiệp sẽ nói rằng tôi chết nhát không dám theo đuổi ước mơ và nhượng bộ trước những quy ước xã hội thông thường. Tôi sẽ được yêu cầu viết ra những lời khẳng định hay tham gia một nhóm làm chủ tư duy hoặc thể hiện cảm xúc hay gì đó.
Song sự thật thì chẳng hay ho đến thế: Tôi tưởng tôi muốn điều gì đó, nhưng hóa ra là không phải vậy. Hết chuyện.
Tôi muốn phần thưởng và không muốn chịu khổ. Tôi muốn kết quả và không muốn quá trình. Tôi say mê chiến thắng chứ không phải sự đấu tranh. Và cuộc đời không vậ
Bạn là ai được định nghĩa bằng những giá trị bạn sẵn sàng chịu đựng vì chúng. Những ai thích thú sự vất vả trong phòng thể hình là những người có thân hình đẹp. Những ai thích thú làm việc cả tuần trời và các hoạt động chính trị của nấc thang doanh nghiệp là những người sẽ thăng tiến. Những ai thích thú sự căng thẳng và không chắc chắn của lối sống nghệ sĩ khổ hạnh cuối cùng sẽ trở thành người sống được như vậy và thành công.
Đây không phải lời kêu gọi cho sức mạnh ý chí hay “can đảm dấn thân”. Đây cũng không phải một phiên bản khác của “có làm thì mới có ăn.”
Đây là thành phần cấu thành cơ bản và đơn giản nhất của cuộc đời: khổ đau quyết định thành công của chúng ta.
Vậy nên hãy lựa chọn những khổ đau của mình một cách thông minh, bạn của tôi.
Dịch từ Ebook Life Purpose của Mark Manson
Dịch: Hoàng Dung