Tâm lý Trị liệu Và Cách thức hoạt động

tam-ly-tri-lieu-va-cach-thuc-hoat-dong

Một nhu cầu cơ bản của mỗi chúng ta là sở hữu một không gian an toàn - nơi mỗi người cảm thấy tự do và thoải mái nói lên suy nghĩ của mình.

Một nhu cầu cơ bản của mỗi chúng ta là sở hữu một không gian an toàn - nơi mỗi người cảm thấy tự do và thoải mái nói lên suy nghĩ của mình. Tâm lý trị liệu có thể đóng vai trò là không gian ấy, cho phép bệnh nhân đi sâu vào những vấn đề tâm lý của mình.

Bạn có thể đang chưa có một cái nhìn rõ ràng về tâm lý trị liệu và tính hiệu quả của nó. Trên thực tế, tồn tại rất nhiều loại tâm lý trị liệu và chúng đều có thể góp phần cải thiện sức khỏe tâm thần của con người.

Từng nhà tâm lý trị liệu có cách thức làm việc và dịch vụ riêng biệt. Trải nghiệm trị liệu tâm lý là rất đa dạng và nó phụ thuộc vào nhà trị liệu cùng phương thức mà bạn chọn lựa và cả mục tiêu mà bạn muốn đạt được thông qua buổi trị liệu.

Chính vì vậy, tìm hiểu thêm về việc trị liệu tâm lý cùng cách thức mà những biện pháp trị liệu đem đến hiệu quả sẽ giúp bạn lựa chọn cho mình cách điều trị dễ dàng hơn.

Tâm lý trị liệu là gì?

Tâm lý trị liệu, hay liệu pháp trò chuyện (talk therapy) là một biện pháp trị liệu tâm lý hay một sự can thiệp tích cực vào những việc làm, mối bận tâm, sự phát triển và những khó khăn thường ngày.

Theo Stephanie Rojas - Nhà tư vấn tâm lý chuyên nghiệp, tâm lý trị liệu là tạo ra một không gian an toàn cho sự phát triển của sức khỏe tâm thần.

Tâm lý trị liệu bao gồm đa dạng các phương pháp, kĩ thuật và chúng thường được điều chỉnh để phù hợp với người bệnh.

Mỗi buổi tâm lý trị liệu thường kéo dài từ 40 đến 120 phút, lặp lại từ một vài lần một tuần cho tới mỗi tháng một lần.

Bạn có thể đi trị liệu một mình, với người yêu, vợ/chồng hoặc với cả gia đình.

Trong một vài trường hợp, trị liệu nhóm được áp dụng. Khi đó, bạn sẽ tham gia buổi trị liệu với những người lạ nhưng có chung một vấn đề hoặc mục tiêu.

Buổi trị liệu đầu tiên 

Bạn có thể bối rối và không biết nên mong chờ gì ở buổi đầu tiên và điều đó là lẽ thường.

Rojas giải thích rằng trong một vài buổi trị liệu đầu tiên, nhà trị liệu sẽ hỏi bạn một loạt các câu hỏi riêng tư.

“Mục đích của việc này là để hiểu bạn rõ hơn và đó chính là cách định nghĩa việc trị liệu - một hành trình dài, mang tính cá nhân và yêu cầu thời gian cũng như sự bền bỉ”. Cụ thể hơn, đây được gọi là quá trình đánh giá tâm lý và tất nhiên, bạn được phép thắc mắc với nhà trị liệu trong những buổi đầu tiên.

Một điều quan trọng cần phải nhớ là hãy để ý bạn cảm thấy ra sao vào những buổi trị liệu đầu tiên, bạn có được chào đón, được chấp nhận, coi trọng và đồng cảm hay không? Công việc cơ bản của một nhà trị liệu là đảm bảo bạn được lắng nghe và quan tâm.

Xây dựng một mối quan hệ với nhà trị liệu của mình là một việc đòi hỏi thời gian và không thể xảy ra sau một hoặc hai buổi trị liệu. Tuy nhiên, một khi bạn thoải mái hơn với người đối thoại với mình, bạn sẽ cảm thấy quyết định tìm tới tâm lý trị liệu là đúng đắn, Rojas bổ sung.

Thực chất, xây dựng mối quan hệ với nhà trị liệu của mình là một phần của trị liệu và nó sẽ tạo nên một sự khác biệt rất lớn tới quá trình tiến tới mục tiêu cuối cùng của bạn.

Mục đích của tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là dành cho tất cả mọi người nhưng thông thường, người ta tìm tới tâm lý trị liệu với mục đích là giải quyết một vấn đề.

Cả người lớn và trẻ em đều có thể tham gia vào việc trị liệu và tìm cách khắc phục những khó khăn trong cảm xúc, tâm lý và tâm thần. Ví dụ như khó tập trung hay cảm thấy buồn và lạc lối về cuộc sống hiện tại.

Trái với suy nghĩ của đa số khi cho rằng tâm lý trị liệu chỉ dành cho những trường hợp có vấn đề ở mức “nặng”. Trên thực tế, bất kì ai cũng có thể tham gia trị liệu để cải thiện hoặc vượt qua những mối lo thông thường và phổ biến.

Ví dụ, bạn đang muốn cải thiện mối quan hệ với bố mẹ? Hãy tìm tới tâm lý trị liệu.

Hoặc nếu bạn đang muốn quyết tâm hơn và có động lực thúc đẩy để hoàn thành mục tiêu? Một nhà tâm lý trị liệu hoàn toàn có thể giúp bạn.

Tâm lý trị liệu có thể giúp bạn điều chỉnh, thay đổi một hành vi hay khuôn mẫu suy nghĩ nào đó, và đồng thời giúp bạn vượt qua những vấn đề tương đối khó nhằn như tự làm mình nhụt chí, suy nghĩ tiêu cực, tự ti hay ngại giao tiếp.

Đôi lúc, tâm lý trị liệu giúp bạn nhận thức được con người thật của mình và lý do dẫn tới một số hành động của mình.

Tâm lý trị liệu và những mục tiêu

Khi mới bắt đầu, bạn sẽ có những mục tiêu đề ra cho việc trị liệu, hoặc nếu chưa có những mục tiêu cụ thể, hãy bày tỏ suy nghĩ của mình và nhà trị liệu sẽ giúp bạn.

Tuy vậy, theo Jeffrey M.Cohen, làm việc với một nhà trị liệu khuyến khích việc đề ra mục tiêu là rất quan trọng.

“Hãy đảm bảo đích đến của những buổi trị liệu thật rõ ràng” ông bổ sung. “Bạn vẽ ra một tương lai của bản thân mà bạn muốn trở thành và nhà trị liệu sẽ là một người đồng hành”.

Bằng cách này, tâm lý trị liệu sẽ có hiệu quả hơn. Bạn sẽ có thể kiểm tra quá trình của mình và nhận ra mình đã tiến xa tới đâu.

Lý tưởng nhất, hãy khiến cho những mục tiêu của mình “đo đếm được” để thuận lợi cho việc quản lý quá trình.

Khi nào nên tìm tới tâm lý trị liệu?

Lý do bạn tìm tới tâm lý trị liệu phụ thuộc hoàn toàn vào chính bạn và đa số các nhà tâm lý trị liệu sẽ làm việc với bạn nếu bạn chưa biết rõ về vấn đề đã dẫn bạn tới quyết định gặp họ.

Một số lý do phổ biến có thể kể tới:

  • Lo âu diễn ra theo đợt.
  • Triệu chứng của trầm cảm.
  • Khó ngủ.
  • Rối loạn ăn uống.
  • Sự kiện gây sang chấn.
  • Hành vi lặp lại không thể kiểm soát.
  • Giải quyết mâu thuẫn.
  • Đau buồn vì mất mát.
  • Những vấn đề hôn nhân.
  • Phát triển những kỹ năng cá nhân.

Tâm lý trị liệu hiệu quả tới mức nào?

Cohen giải thích rằng khác với việc nói chuyện với người thân hay người yêu, trị liệu đã được thẩm định lâm sàng là có hiệu quả (?) (clinical validated to work). Đó là bởi vì cơ sở của trị liệu là khoa học và được tiến hành dựa trên các công trình nghiên cứu. Nói cách khác, tâm lý trị liệu có hiệu quả.

“Một nhà tâm lý trị liệu có cơ sở vững chắc (evidence-based therapist: một nhà trị liệu được công nhận bởi những người trong ngành, tiến hành trị liệu dựa trên những bằng chứng khoa học) sử dụng những phác đồ điều trị và phương pháp được chứng minh lâm sàng là có hiệu quả”. Cohen giải thích. “Tâm lý trị liệu cung cấp cho con người những biện pháp đối phó với những thách thức trong đời sống.”

Nghiên cứu chỉ ra rằng có rất nhiều cách tiếp cận tâm lý trị liệu hiệu quả trong đa dạng các trường hợp.

Một bài đánh giá tổng quan về lý thuyết cho thấy trị liệu phân tâm học trong một thời gian dài đem đến hiệu quả cao trong việc làm thuyên giảm các triệu chứng và thay đổi tính cách trong một thời gian dài. 

Trị liệu cũng có hiệu quả với những tình trạng sức khoẻ/bệnh cần nhiều năm để hình thành và trong một vài trường hợp, rất khó để chữa trị.

Ví dụ, một bài đánh giá tổng quan khác cho thấy trị liệu tâm động học (psychodynamic) và liệu pháp nhận thức - hành vi (CBT) đều cho thấy tác dụng tích cực với những rối loạn nhân cách.

Tuy nhiên, độ hiệu quả của trị liệu còn phụ thuộc vào công sức bạn bỏ ra trong và ngoài mỗi buổi trị liệu.

Nhà trị liệu sẽ chỉ cho bạn những cách để thay đổi và cải thiện, nhưng lựa chọn có hay không làm “bài tập về nhà” nằm hoàn toàn ở bạn.

Những loại tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu rất đa dạng. Mỗi một cách tiếp cận lại có một quan điểm về hành vi và suy nghĩ của con người khác nhau. Do đó, phương pháp của mỗi loại lại khác nhau.

Sau đây là một vài ví dụ:

  • Liệu pháp nhận thức - hành vi (CBT) giúp bạn gọi tên những suy nghĩ và hành động mà bạn muốn thay đổi, nhà trị liệu sẽ giúp bạn thực hiện những thay đổi đó.
  • Liệu pháp chấp nhận và cam kết (ACT) hướng bạn tới việc chấp nhận những suy nghĩ và cảm xúc và không cố gắng thay đổi chúng. Liệu pháp này sẽ giúp bạn hành động và thực hiện những gì bạn cần nhờ vào tính cam kết của nó.
  • Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT) đem đến một thế giới dưới góc nhìn biện chứng, tức thế giới mà hai ý kiến trái chiều đều có thể là hai ý kiến đúng. DBT tập trung vào thay thế hành vi gây nên vấn đề bằng những hành vi có ích.
  • Liệu pháp phân tâm học (Psychoanalytic therapy) tìm đến những phần sâu nhất trong tâm thức và tìm ra lý do cho hành động của bạn.

Hãy chọn liệu pháp mà khiến bản thân bạn cảm thấy thoải mái nhất.

Cách lựa chọn loại tâm lý trị liệu

Việc khám phá ra loại hình trị liệu nào là phù hợp nhất với bản thân không phải là một việc dễ dàng. Rojas khuyên mọi người nên trả lời ba câu hỏi sau trước khi đưa ra quyết định:

  • Bạn có muốn trị liệu một mình không? Hay cần có sự có mặt của một người thân, bạn bè? Bạn thấy thế nào về chia sẻ một mục tiêu chung với một nhóm người? Những câu hỏi này sẽ giúp bạn biết mình phù hợp với trị liệu một mình, với người khác hay theo nhóm.
  • Mục tiêu của bạn là gì? Ví dụ, nếu bạn muốn giảm thiểu sự lo âu của mình, hãy tìm tới một nhà trị liệu có kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực này.
  • Nếu bạn muốn trị liệu kết hợp với dược phẩm? Hãy tìm tới những bác sĩ chuyên ngành Tâm lý (psychiatrist).

Khi bạn tìm ra nhà trị liệu phù hợp với mục tiêu và nhu cầu của mình, họ sẽ đưa ra liệu pháp tốt nhất cho bạn. Tất nhiên, bạn có thể từ chối một liệu pháp họ đưa ra nếu cảm thấy nó không đem lại hiệu quả và điều đó là cần thiết để tìm ra liệu pháp phù hợp nhất - hãy thử và đánh giá.

Cũng có trường hợp bạn sẽ thích một liệu pháp cụ thể này, nhưng lại cảm thấy không phù hợp với nhà trị liệu của mình.

“Tìm ra nhà trị liệu tương thích với bản thân là một việc khó và đòi hỏi sự kiên nhẫn, nhưng hãy nhớ tác dụng lâu dài của nó - tâm trạng thoải mái và sự hiệu quả của mỗi buổi trị liệu” - Rojas bổ sung.

Tóm lại, việc tìm kiếm nhà trị liệu “của mình” là một quá trình không dễ dàng nhưng lợi nhiều hơn hại.

Trị liệu cá nhân, trị liệu gia đình hay trị liệu nhóm?

Điều cần nhớ ở đây là, cho dù bạn cảm thấy mình thích hình thức nào hơn, hình thức hiệu quả nhất sẽ được chọn dựa trên mục tiêu của bạn.

Ví dụ, với mục tiêu là giải quyết những vấn đề giữa bạn và bố mẹ, hình thức trị liệu phù hợp hơn là trị liệu gia đình cho dù bạn thích trị liệu cá nhân hơn cả.

Tuy nhiên, trong vài trường hợp, bạn có thể kết hợp giữa 2 hình thức: một số buổi trị liệu cá nhân và số còn lại là trị liệu gia đình.

Bạn sẽ muốn khởi đầu bằng trị liệu cá nhân, rồi sau đó, dần dần, chuyển sang trị liệu với những người liên quan khác.

Thông tin thêm:

  • Trị liệu cá nhân: trò chuyện một - một với nhà trị liệu, có thể áp dụng nhiều liệu pháp.
  • Trị liệu gia đình: có sự góp mặt của người thân trong gia đình, bày tỏ suy nghĩ và quan điểm của mình về vấn đề.
  • Trị liệu nhóm: bao gồm một nhóm người với cùng 1 mục tiêu, bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc, thường được dẫn dắt bởi một người tư vấn hay nhà trị liệu.

“Trong trị liệu nhóm, tâm lý trị liệu thường giúp bệnh nhân xây dựng những kỹ năng để có được đời sống tinh thần mà họ muốn”. Cohen giải thích.

Trị liệu trực tuyến 

Bạn có thể lựa chọn trị liệu ngay tại nhà của mình qua hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, sẽ không thể tránh khỏi băn khoăn liệu trị liệu trực tuyến có hiệu quả bằng trị liệu trực tiếp.

Các chuyên gia tin rằng, trị liệu online và trị liệu trực tiếp đều có hiệu quả tương đương.

Song, bạn cũng cần lưu ý một số điều sau:

  • Đảm bảo nhà trị liệu của bạn có chứng chỉ và bằng cấp.
  • Trị liệu trực tuyến nên được diễn ra trong một không gian yên tĩnh trong ngôi nhà của bạn.
  • Kiểm tra kĩ đường truyền và đảm bảo rằng bạn có thể liên lạc với nhà trị liệu nếu chẳng may bị ngắt kết nối.
  •  

Những hạn chế của trị liệu trực tuyến đều có thể được khắc phục, Brittany Johnson - nhà tư vấn tâm lý chuyên nghiệp, cho hay.

“Một hạn chế của trị liệu trực tuyến là môi trường tại nhà không phù hợp cho việc trị liệu. Trong trường hợp đó, tìm đến một nơi kín đáo trong nhà có thể là một sự thay thế (tủ quần áo, trong xe, nhà vệ sinh)”

“Nhà trị liệu không thể đọc được ngôn ngữ cơ thể của bệnh nhân hoặc nhận diện những hành vi của họ thông qua một màn hình nhỏ. Giải pháp ở đây là, nhà trị liệu hỏi những câu hỏi thăm dò để đi sâu hơn vào vấn đề”.

Tâm lý trị liệu thường kéo dài bao lâu?

Độ dài của một chương trình trị liệu thường tuỳ thuộc vào lí do bạn bắt đầu và mục tiêu cuối cùng đề ra.

Một số người chỉ cần vài tuần để đạt hiệu quả mong muốn. Một số khác cần tới hàng năm trời.

Một số yếu tố ảnh hưởng đến thời hạn của một chương trình trị liệu:

  • Mục tiêu cá nhân.
  • Những tình huống trong cuộc sống liên quan tới vấn đề bạn đang mắc phải.
  • Những triệu chứng đã kéo dài bao lâu trước khi bạn tìm tới tâm lý trị liệu.
  • Chồng chéo những triệu chứng từ những vấn đề tâm lý khác nhau.
  • Tần suất của những buổi trị liệu.

Khi trị liệu không đem lại kết quả mong muốn

Đôi khi, cũng giống như những mối quan hệ khác, mối quan hệ giữa người bệnh và nhà trị liệu không diễn ra trơn tru. Đó có thể là kết quả của nhiều lí do, từ sự tường thích giữa hai người cho tới lỗi của nhà trị liệu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng tâm lý trị liệu nói chung không thể giúp bạn.

Nếu bạn không cảm thấy dễ chịu trong quá trình trị liệu, hãy cân nhắc thử một liệu pháp khác hoặc tìm tới một nhà trị liệu khác. Bạn cũng có thể nghĩ tới việc đổi loại trị liệu nếu trò chuyện không phải thứ bạn muốn làm.

Nếu triệu chứng của bạn đã trở nặng, thuốc sẽ là một lựa chọn tốt. Nếu không, bạn cũng có thể tìm tới trị liệu nghệ thuật (art therapy) - một loại trị liệu không yêu cầu việc trò chuyện nhiều.

“Với một số người, trị liệu bằng cách trò chuyện đem lại hiệu quả đáng kể, nhưng với một số khác thì không” - Johnson bổ sung. Tuy nhiên, dù là cách nào, bạn cũng cần phải thực sự bỏ ra công sức.

Mặc dù cơ bản thì bạn không thể là nhà trị liệu cho chính mình, tự chăm sóc bản thân cũng là một ý hay.

Kết luận

Tâm lý trị liệu là không gian để bạn bày tỏ cách cảm nhận, hành động và suy nghĩ với một cá nhân được đào tạo chuyên nghiệp để hướng dẫn bạn.

Tâm lý trị liệu có thể là một việc cá nhân một - một nhưng cũng tồn tại dưới hình thức nhóm.

Tâm lý trị liệu dựa hoàn toàn trên khoa học và có hiệu quả với rất nhiều các vấn đề và chứng bệnh tâm lý. Bạn không cần phải được chẩn đoán mới có thể tìm tới tâm lý trị liệu.

Bạn có thể bắt đầu bằng cách tìm tới sự tư vấn của một chuyên gia và quyết định cách mà bản thân sẽ làm việc với vấn đề của mình.

Dịch giả: Thành Vinh –   Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ 

Link bài gốc: What Is Psychotherapy and How Does It Help?

------------------------

Nếu Bạn đang cần sự hỗ trợ về tâm lý, hãy gọi cho Psychologist Vietnam - Dịch Vụ Hỗ Trợ Sức Khỏe Tinh Thần cung cấp dịch vụ tham vấn, trị liệu cho trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn và chủ doanh nghiệp có nhu cầu phát triển về thể chất, tinh thần, với nhiều nhà trị liệu, tham vấn trong nước và nước ngoài có trình độ chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm.

Liên hệ với chúng tôi để được tham vấn và đưa ra lộ trình trị liệu (online, trực tiếp) phù hợp:

Phone: 0812151220 (Whatsapp/Viber/Telegram)

Facebook: https://www.facebook.com/PsychologistVietnam

Email: [email protected]

Địa chỉ: 136 Nguyễn Phạm Tuân, Phường Hòa Hải, Quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng

 
menu
menu