Mười Cách Trả Lời Cho Câu Hỏi ‘Sao Lại Trầm Thế?’

muoi-cach-tra-loi-cho-cau-hoi-sao-lai-tram-the

“Chẳng thích lúc được hỏi ‘Sao lại trầm thế?' đâu, nhưng luôn luôn tôi cứ phải nhận những lời thắc mắc kiểu như vậy. Tại sao nhỉ, sự ‘trầm' ấy của tôi kém duyên lắm à? Tôi biết phải đáp lại như thế nào đây?”

“Chẳng thích lúc được hỏi ‘Sao lại trầm thế?' đâu, nhưng luôn luôn tôi cứ phải nhận những lời thắc mắc kiểu như vậy. Tại sao nhỉ, sự ‘trầm' ấy của tôi kém duyên lắm à? Tôi biết phải đáp lại như thế nào đây?”

Trong một thế giới nơi 75% dân số đều là những người hướng ngoại, thì các cá nhân “trầm" rõ ràng sẽ bị áp đảo về quân số và hiểu nhầm thường xuyên. Độc sự im lặng thôi đã là đủ để khiến cho bạn bị căn vặn khôn nguôi, kiểu “Có chuyện gì thế?" hay “Sao lại trầm thế?". Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn thông tin về các nhân tố đứng sau những câu hỏi kiểu như này, cùng với một số phương pháp giúp bạn trả lời mà vẫn không làm mích lòng ai. 

Sao Sự “Trầm" Lại Khiến Người Ta Băn Khoăn?

Mặc dù cứ bị căn vặn hoài về chuyện ấy thì cũng phiền thật đấy, nhưng việc hiểu được cội rễ của vấn đề vẫn là hết sức quan trọng. Có thể bạn cảm thấy họ làm vậy là để khiến bạn bối rối hay để vạch mặt bạn, nhưng sự thật không phải như vậy đâu. Chúng tôi đã liệt kê ra những lý do phổ biến nhất đằng sau câu hỏi “sao bạn trầm thế", cụ thể như sau:

  • Họ thấy lo vì không biết bạn có thực sự thấy ổn
  • Họ e ngại rằng mình đã xúc phạm đến bạn
  • Họ sợ bạn không ưa họ
  • Sự im lặng của bạn khiến họ thấy không thoải mái
  • Họ là người hướng ngoại, và họ cho rằng bạn cũng thế
  • Họ muốn được tìm hiểu về bạn nhiều hơn
  • Họ muốn bạn biết rằng họ có quan tâm đến bạn

Đừng vội kết luận rằng người khác có ý đồ xấu, trừ phi đã thật sự chứng minh được điều đó. Kiên nhẫn thôi, và rộng lượng vào, ngay cả khi bạn có thấy thực sự bực mình về câu hỏi ấy đi chăng nữa. Cứ cho là họ hỏi chỉ vì thấy quan tâm và muốn đảm bảo rằng bạn đang không gặp chuyện gì đi - có vậy bạn mới đáp lại người ta bằng lời lẽ lịch sự và tôn trọng được. Có vô vàn cách trả lời cho bạn lựa chọn, tuy nhiên tốt nhất bạn vẫn nên xác định rõ mục tiêu của người hỏi, hoặc không thì cứ suy nghĩ tích cực cho rằng họ có chủ ý tốt thôi (cũng có nhiều khả năng là vậy mà). 

Dưới đây là mười cách trả lời cho câu hỏi “Sao lại trầm thế?”:

1. “À, Tớ Là Người Khá Ưa Sự Tĩnh Lặng Ấy”

Đây chính là lời đáp hay và thẳng thắn nhất, ở chỗ bạn thường chỉ phải trả lời đúng một lần thôi. Một khi đã hiểu và ghi nhớ được rằng “à, cái tính bạn nó vậy", đối phương sẽ không còn băn khoăn chuyện ấy nữa trong những lần trò chuyện sau. Ngoài ra, cách trả lời này cũng đồng thời giúp cho mọi người xung quanh bạn được thở phào nhẹ nhõm, bởi sự câm lặng của bạn hoá ra chẳng dây mơ rễ má gì đến họ. 

2. “Tớ Vốn Là Một Người Giỏi Lắng Nghe"

Lại một câu trả lời hay ho nữa, bởi nó sẽ khiến người khác nhìn nhận sự im lặng của bạn theo cách tích cực hơn - bạn chỉ đơn giản nhường chỗ cho người khác nói thôi mà. Cùng với đó, đối phương hiện tại cũng đã hiểu được rằng à, mặc dù không nói, bạn cũng vẫn đang tích cực tham gia và chú ý đến diễn biến của cuộc đối thoại. 

3. “Tớ Chỉ Đang Nghĩ Về…”

Khi đặt vấn đề về sự im lặng, đối phương thực ra chỉ muốn hiểu được chút đỉnh những suy nghĩ đang hiện hữu trong đầu bạn. Nói cách khác, câu hỏi trong trường hợp này có vai trò như tiếng gõ cửa - nếu muốn đứng dậy và mời họ vào dùng trà, thì bạn chỉ cần nói ra điều mình mới vừa nghĩ tới thôi. Quả là một câu trả lời vừa mang thiện chí, lại rất ấm áp và cởi mở. 

4. “Tự Dưng Tớ Lại Thần Người Ra Vậy Đó"

Nếu bạn không muốn chia sẻ hoặc không hiểu rõ mình vừa nghĩ đến điều gì, thì chỉ cần giải thích đơn giản như vậy thôi. Bạn sẽ có thể vừa an toàn thoát nạn, vừa không khiến người khác thấy tội lỗi vì đã trót đặt ra câu hỏi như vậy - ai mà chẳng có lúc “thần người ra", cũng dễ thông cảm mà.

5. “Chỉ Là Tớ Đang Phải Lo Nghĩ Nhiều Thứ Quá”

Cách trả lời này là đặc biệt hiệu quả nếu bạn quả thực đang ở trong tình trạng như vậy, và còn đang nói chuyện với người bản thân hết mực tin tưởng. Dẫu cũng nên nhớ rằng lời đáp này sẽ kéo theo hằng hà sa số những câu hỏi phía sau nữa đấy nhé, vì vậy chỉ nên được sử dụng nếu bạn thật sự muốn tâm sự thôi. 

6. “Tớ Thì Chẳng Ngại Sự Im Lặng Đâu"

Một câu trả lời vô cùng tích cực khác nữa, bởi nó cũng đồng thời thông báo cho người khác biết rằng ngay cả khi bạn “trầm" thì họ cũng không cần phải cố gắng nói để vơi lấp đi khoảng trống. 

7. “Tớ Cũng Khá Ít Nói"

Nếu bạn quả thực không nói nhiều, thì đây lại là một câu trả lời hết sức hữu dụng, với lý do tương tự như câu “cái tính tớ vốn đã vậy rồi": đối phương giờ đã hiểu được rằng trạng thái này là cố hữu đối với bạn, vì vậy trong tương lai cũng chẳng cần phải lo lắng thêm làm gì. 

8. “Tớ Dễ Ngại Lắm"

Nếu bạn có xu hướng trở nên dễ gần hơn khi đã làm thân với mọi người, thì câu trả lời này sinh ra chính là để dành cho bạn. Qua đây, người hỏi sẽ biết được rằng “à, bạn chỉ cần thêm thời gian để làm quen với mọi chuyện thôi", từ đó vẫn giữ lại trong mình một chút kì vọng về bạn ở thì tương lai. Sự thật thà và cởi mở kiểu này cũng sẽ giúp siết chặt lại khoảng cách giữa bạn và đối phương.

9. “Tớ Chỉ Đang Tự Mình Diễn Tập Thôi"

Nếu bạn là người hay cả nghĩ, thì đây chính là giải pháp hợp lý và thẳng thắn nhất dành cho bạn: một câu trả vô tư lự nhưng vẫn hết đỗi chân thành về những đợt tập dượt tinh thần thầm lặng. Ai mà chẳng từng có những khoảnh khắc như vậy, nên tình huống của bạn bất chợt lại trở nên vô cùng dễ hiểu. 

10. “Tớ Muốn Tiếp Thu Được Hết Mọi Chuyện"

Sử dụng lối đáp trả này, và bạn sẽ có thể đưa ra tín hiệu cho đối phương một cách rõ ràng rằng bạn đang ở trong “chế độ quan sát". Giống như khi xem phim, bạn lúc này chỉ đơn thuần muốn được trải nghiệm và tận hưởng thay vì cứ phải bàn luận phân tích lằng nhằng rối rắm. Người hỏi trong thời điểm hiện tại cũng đã biết được rằng “à, chẳng cần phải để ý quá nhiều đâu, vì bạn vẫn đang thấy vui vẻ mà.” 

Vậy, Tại Sao Bạn Lại Trầm Thế?

Bị người khác căn vặn thì phiền, nhưng nếu là bạn tự hỏi bản thân mình thì có khi sẽ có ích lắm đấy. Trạng thái im lặng thực ra cũng chẳng có gì là sai, nhưng nếu rất hiếm khi bạn mới trầm lắng như vậy, thì có lẽ vấn đề ở đây không chỉ đơn giản là do tính cách - có thể bạn thấy không thoải mái thì sao? Giả sử nhé, nếu tình trạng này chỉ xảy đến với bạn những khi tụ họp đông người/khi ở với nhiều người bạn không biết rõ, bạn có thể đã mắc hội chứng sợ xã hội (social anxiety). Đây là một tình trạng rất phổ biến, tác động lên 90% dân số ở những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời, nhưng thường thấy hơn cả là lúc họ đang phải giao thiệp với người lạ/một tập thể người. Nếu bạn chỉ trầm đi những khi lo lắng, thì trạng thái im lặng có thể đã có tác dụng như một tấm khiên giúp bạn ngó lơ đi nhiều điều. Nhưng thực ra điều này cũng chẳng lợi ích gì đâu, bởi theo các nghiên cứu khoa học, tình trạng này có khả năng sẽ khiến người khác mang ác cảm với bạn, và bạn càng giao cho nỗi sợ của mình nhiều quyền hành, thì nó sẽ càng được thế mà lần tới. Ngược lại, việc cố gắng nói nhiều sẽ giúp bạn giành lại những “ưu tiên” này và trở nên tự tin hơn với mọi người xung quanh.

Còn trong trường hợp cả hai tình huống trên đều không tương thích với bạn, thì có thể bạn chỉ đơn giản là sống nội tâm thôi - người hướng nội về bản chất đã khép kín, trầm lắng và nhút nhát hơn bình thường. Bạn cũng rất dễ bị chuyện giao thiệp làm cho kiệt sức, và sẽ cần dành nhiều thời gian cho bản thân hơn là người hướng ngoại, bởi bạn đã tự mình xây dựng được một thế giới nội tâm hết sức phong phú hiếm ai được bén mảng đến rồi kia mà. 

Nhưng nhớ nhé, ngay cả người hướng nội cũng vẫn sẽ cần đến các mối quan hệ xã hội nếu muốn giữ cho mình mạnh khoẻ và hạnh phúc. Sự cân bằng là hết sức quan trọng, vì thế đừng cứ chỉ cậy mình là “người hướng nội" rồi chui rúc trong xó nhà, không nói chuyện cùng ai. Việc cải thiện kỹ năng trò chuyện cũng sẽ giúp bạn hiểu về thế giới một cách rõ ràng hơn, đồng thời đảm bảo chắc chắn rằng bạn sẽ không chỉ có một mình trong thế giới nội tâm rộng lớn kia. 

Lời Kết

Thường thì đối phương chỉ hỏi về sự trầm lặng của những người trầm lặng vì họ thấy lo, “nhỡ đâu người ta không nói gì là do mình thì sao?". Nếu bạn có từng được căn vặn như vậy, thì điều quan trọng nhất là hãy giữ lại trong mình những suy nghĩ tích cực, rằng “hầu như họ đều có ý tốt mà". Cùng với đó, cũng đừng quên rằng 90% dân số đều mắc hội chứng sợ xã hội đến một mức độ nhất định, vì vậy người hỏi có lẽ chỉ đơn giản muốn được bạn trấn an là họ chẳng làm gì sai cả. Do vậy, lời đáp hoàn hảo sẽ phải thỏa mãn các tiêu chí sau: vừa chân thành, vừa tử tế, lại cũng đáp ứng được cả nhu cầu trấn an nói trên.  

Những Câu Hỏi Thường Gặp Về Sự Im Lặng

Im lặng là vô lễ à?

Cũng tuỳ, bởi còn phải xét đến tình huống nữa chứ: nếu người ta trực tiếp hỏi bạn mà bạn không trả lời, thì đúng là vô duyên thật. Nhưng ngược lại, nếu bạn chỉ im lặng lúc người khác đang nói chuyện và chưa có ai đả động gì đến bạn cả, thì cũng đâu có sao.

Tính hướng nội có xấu không?

Không đâu, trái lại ấy chứ, bởi người hướng nội có rất nhiều ưu điểm mà: họ tự lập hơn, biết mình biết ta, đã thế lại còn biết dành thời gian với bản thân sao cho đáng nữa chứ. Trừ khi bạn để cho tước hiệu này ngăn trở bạn kết nối với người khác, vậy mới xấu.

Nên khơi mào cuộc trò chuyện như thế nào?

Những người trầm lặng sẽ phải luyện tập nếu muốn khơi chuyện thật tự nhiên với ai khác. Điều quan trọng nhất là phải tập trung vào đối phương nhiều hơn: hãy khen ngợi bạn chuyện, hỏi bạn chuyện dăm câu, và thể hiện sự quan tâm của bản thân. 

Dịch giả: Nguyễn Hà Anh – Tâm Lý Học Tuổi Trẻ

Link bài gốc: “Why Are You So Quiet?” 10 Things To Respond

menu
menu