Muốn được yêu quý? Hãy học cách sống của chủ nghĩa khắc kỷ

muon-duoc-yeu-quy-hay-hoc-cach-song-cua-chu-nghia-khac-ky

Bạn có muốn xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp hơn không? Nếu có, hãy thử lắng nghe lời khuyên từ… các nhà Khắc Kỷ.

Nghe có vẻ kỳ lạ, đúng không? Hầu hết mọi người nghĩ rằng các triết gia Khắc Kỷ lúc nào cũng lạnh lùng, vô cảm – chẳng phải kiểu người lý tưởng để học hỏi về cách cư xử trong các mối quan hệ.

Nhưng đó chỉ là hiểu lầm. Những bậc thầy Khắc Kỷ cổ đại rất coi trọng đức hạnh, sự tự chủ và khả năng kiểm soát cảm xúc tiêu cực. Và nếu bạn muốn trở thành một người dễ mến, ba điều đó chính là chìa khóa.

Hơn nữa, phương pháp của họ còn được khoa học chứng minh. Chủ nghĩa Khắc Kỷ đã truyền cảm hứng cho Liệu pháp Nhận thức – Hành vi (CBT), một trong những phương pháp tâm lý trị liệu hiệu quả nhất hiện nay.

Vậy chúng ta có thể học được gì từ những triết gia Khắc Kỷ để trở thành một người được yêu quý hơn?

Hãy cùng khám phá.

1. Bớt Nói Về Mình, Lắng Nghe Nhiều Hơn

Ngắn gọn thế này: Đừng nói về bản thân quá nhiều. Hãy tập trung vào người đối diện.

Bậc thầy Khắc Kỷ Epictetus đã dạy:

"Khi trò chuyện, hãy tránh nhắc đến thành tích hay những khó khăn của bản thân quá nhiều. Dù bạn có thấy thú vị khi kể về những trải nghiệm của mình, người khác lại không cảm thấy hứng thú đến vậy."

Khoa học cũng ủng hộ điều này. Nghiên cứu cho thấy việc nói về bản thân mang lại cảm giác dễ chịu hơn cả ăn uống hay nhận tiền.

Trong cuốn Barking Up the Wrong Tree, tác giả viết:

"Nhà thần kinh học Diana Tamir phát hiện ra rằng khi bạn nói về bản thân, não bộ sẽ tiết ra nhiều dopamine – chất tạo cảm giác hưng phấn – hơn cả khi bạn ăn ngon hay nhận tiền."

Nhưng nếu bạn muốn người khác thực sự thích ở bên mình, hãy để họ cũng có cơ hội cảm thấy vui vẻ. Lắng nghe họ, để họ được nói, được chia sẻ.

2. Đừng Để Lời Chê Bai Làm Bạn Bực Tức

Nếu có ai đó bảo bạn "Ngốc như cục đá", bạn sẽ phản ứng thế nào?

Theo triết gia Epictetus, hãy đáp lại bằng sự hài hước tự trào:

"Anh đánh giá tôi cao quá rồi. Tôi còn ngốc hơn cả cục đá ấy chứ!"

Người kia có thể đang cố tình xúc phạm bạn, nhưng để cơn nóng giận bùng lên chỉ làm mọi thứ trở nên tệ hại hơn. Hãy bình tĩnh, phản ứng bằng sự hài hước và tự chủ.

Hơn nữa, nếu biết bỏ qua cảm xúc tiêu cực và chỉ tập trung vào nội dung của lời chỉ trích, bạn có thể rút ra những bài học hữu ích.

Trong cuốn How to Be a Stoic, Massimo Pigliucci viết:

"Càng rèn luyện khả năng chịu đựng những lời chỉ trích, bạn càng trở nên mạnh mẽ hơn về mặt tinh thần… Hãy gạt bỏ sự tổn thương và xem liệu có điều gì trong đó có thể giúp bạn cải thiện bản thân không."

Vậy nên, lần sau nếu có ai nói điều gì không hay về bạn, hãy nhớ: Đó có thể là một bài học quý giá, chứ không chỉ đơn thuần là một lời xúc phạm.

Bạn đã học cách kiểm soát phản ứng khi bị xúc phạm. Nhưng nếu bạn là người lỡ lời nói ra điều gì đó tệ hại, thì sao?

Làm sao để tránh những câu nói khiến bạn phải hối hận về sau?

3. Lắng Nghe Thiên Thần Trên Vai Bạn

Bạn muốn hành xử đúng đắn hơn? Hãy tưởng tượng có một người mà bạn vô cùng kính trọng đang đứng sau lưng mình. Có thể đó là bà của bạn, một người thầy, hoặc ai đó bạn ngưỡng mộ.

Bạn có muốn cư xử tệ hại trước mặt họ không? Chắc chắn là không.

Triết gia Seneca từng dạy rằng hãy sống như thể luôn có ai đó dõi theo từng hành động của bạn. Hãy tưởng tượng bạn phải giải thích mọi việc mình làm với "phiên bản lý tưởng" của bản thân.

Nếu bạn không dám hành xử như thế trước mặt bà mình, vậy thì đừng làm thế chút nào.

4. Xem Mọi Người Như Người Thân

Chúng ta thường đặt gia đình lên trên bạn bè, và bạn bè lên trên những người xa lạ. Điều đó rất tự nhiên.

Nhưng nếu bạn thử kéo những vòng tròn đó lại gần nhau hơn một chút – gần với trái tim mình hơn thì sao?

Triết gia Hierocles từng mời gọi chúng ta tưởng tượng về những vòng tròn đồng tâm. Bạn đứng ở trung tâm, vòng đầu tiên là gia đình, vòng tiếp theo là bạn bè, rồi đến đồng hương, đồng bào, và cuối cùng là toàn thể nhân loại. Ông khuyên rằng hãy cố gắng kéo tất cả những vòng tròn đó lại gần hơn, nhắc nhở bản thân rằng tất cả họ đều là con người, đều xứng đáng được quan tâm như cách bạn yêu thương gia đình và bạn bè của mình.

Nghe có vẻ hay, nhưng làm sao để thực hành điều này?

Bạn có để ý rằng một số chàng trai khi gặp bạn thân thường chào bằng câu “Chào ông anh” không?

Các nhà Khắc Kỷ hoàn toàn ủng hộ điều này. Họ thậm chí còn khuyến khích bạn gọi những người cùng tuổi là anh chị em, những người lớn tuổi là cô chú, bác. Điều này giúp hình thành một lối tư duy gần gũi hơn, và dần dần, bạn sẽ thực sự cảm thấy những người xung quanh như người thân trong gia đình.

Ban đầu có thể hơi kỳ quặc, nhưng nếu bạn làm điều đó với một nụ cười duyên dáng – như một người bạn thực sự – thì đây có thể là một cách tuyệt vời để kết nối với mọi người.

Và để họ xích lại gần bạn hơn.

Tóm Lại

Đây là 4 thói quen của chủ nghĩa Khắc Kỷ giúp bạn trở thành người dễ mến hơn:

  1. Bớt nói về mình: Bạn càng để người khác nói, họ càng thấy thích ở bên bạn.
  2. Đón nhận lời chê bằng sự hài hước: Ai đó nói bài viết này dở tệ? Tin tôi đi, tôi còn viết những bài tệ hơn thế.
  3. Lắng nghe thiên thần trên vai bạn: Hãy nhớ rằng bà của bạn đang dõi theo, đừng ăn nói bừa bãi.
  4. Xem mọi người như người thân: Đối xử với họ như anh chị em, cô chú – và họ cũng sẽ đối xử với bạn như thế.

Liệu bạn có trở thành bậc thầy giao tiếp chỉ sau một đêm không? Dĩ nhiên là không. Nhưng người Khắc Kỷ không mong cầu sự hoàn hảo – họ chỉ mong hôm nay tốt hơn hôm qua một chút.

Hãy nói ít hơn, cười nhiều hơn trước những lời chê bai, và cư xử như thể bà bạn đang quan sát. Bạn sẽ thấy mọi người yêu quý bạn hơn rất nhiều.

Tin tôi đi, anh bạn… hoặc chị bạn.

Nguồn: Stoicism Reveals 4 Rituals That Will Make You Loved 

Tác giả: Eric Barker. Anh cũng là tác giả của bộ sách CHÓ SỦA NHẦM CÂY và THÂN AI NẤY LO – sự thật về tình yêu, tình thân và bản chất con người
 
 
menu
menu