Nên Nói Gì Trong Lúc Hẹn Hò? - The School of Life
Theo phản xạ, ta sẽ cứ thế thao thao bất tuyệt về các điểm tin thời sự mới nhất, một vài chi tiết liên quan đến môi trường, hoặc những thành tựu đáng kể trên con đường sự nghiệp cá nhân.
Theo phản xạ, ta sẽ cứ thế thao thao bất tuyệt về các điểm tin thời sự mới nhất, một vài chi tiết liên quan đến môi trường, hoặc những thành tựu đáng kể trên con đường sự nghiệp cá nhân. Nhưng nếu coi việc hẹn hò là một buổi “thử vai" để tìm hiểu xem rốt cuộc hai người có hoà hợp về lâu về dài được hay không, thì ta cũng nên cố gắng khơi gợi ra từ đối phương những sự thật sâu kín chứ. Trên thực tế, ta sẽ chỉ thực sự được “chứng nhận” là đã làm tốt, nếu giữa chừng được người ấy nhận xét những câu như kiểu “Chưa có bạn hẹn nào lại hỏi anh/em nhiều câu nặng về tâm lý đến thế đâu đấy.”, hay thậm chí “Em/Anh là bác sĩ tâm lý ạ?”. Vì chính những bình luận này cũng đồng thời phản ánh sự hời hợt của đa số các cuộc hội thoại - trái ngược hẳn với cách gợi chuyện mới mẻ và đầy hào hứng từ một người, mà từ lần đầu gặp mặt đã muốn tập trung tìm hiểu về con người ta ngay và luôn.
Nếu bạn cũng muốn bản thân có thể biết thêm nhiều điều hơn về bạn hẹn, thì hãy tham khảo danh sách câu hỏi sau:
- “Anh/em khóc lần gần đây nhất vì điều gì?”
Ta không chỉ quan tâm đến những điều thuận lợi, mà còn hỏi han cả về những vấp ngã nữa. Cuộc đời ai mà chẳng có muôn vàn góc khuất, và ta rất sẵn lòng trao trả cho đối phương cái quyền để được đau buồn, được than thở.
Bạn cũng đừng quên chia sẻ câu trả lời của bản thân với người ấy nhé.
- “Hồi còn bé anh/em có gặp khó khăn ở đâu không?”
Dẫu chẳng ai muốn, nhưng việc cha mẹ đôi lúc vô tình làm tổn thương con mình chắc chắn sẽ xảy ra, và câu hỏi này có thể giúp ta, một cách hết sức tế nhị, nắm bắt được quan điểm của người ấy đối với một giai đoạn kịch tính của đời người mang tên “tuổi thơ". Bởi dù ít dù nhiều, thì ai mà chẳng từng bị ảnh hưởng bởi quá trình trưởng thành, khiến con người về sau có thể hoặc nghiêm túc quá, hoặc buông thả quá; hoặc ham mê quá, hoặc hờ hững quá với tiền bạc; rồi thì hoặc sợ sệt quá, hoặc suy đồi quá trên phương diện tình dục. Chẳng ai giống ai, hẳn rồi, nhưng với mỗi cá nhân thì sự xáo trộn này lúc nào cũng sẽ hiện ra rõ mồn một trong đầu. Nên suy cho cùng, thì việc nắm bắt được phiên bản hồi còn là trẻ con của một người sẽ giúp lý giải hành vi và tính cách của người đó lúc đã trưởng thành, ngoài ra còn giúp thêm thắt vào trong cuộc hẹn của hai bạn những giờ phút trải lòng và sẻ chia, mỗi khi đối phương cảm thấy quá khứ như đang dồn về nữa.
- “Anh/Em thấy hối hận về điều gì?”
Cuộc đời của ta còn được định nghĩa bởi những con đường, những lựa chọn, những tình huống ta chưa từng nếm trải. Và bởi người ấy, khi tiết lộ ra các sai lầm của mình, có thể sẽ cảm thấy hơi xấu hổ một chút; nên nếu ta biết lắng nghe một cách thật bình tĩnh và thận trọng, thì ta cũng đang đồng thời làm một điều chưa từng có tiền lệ (trừ những khi đi điều trị tâm lý), chính là trao trả lại cho đối phương cái quyền để được lắng nghe và được an ủi, rằng đã là người thì ai mà không từng mắc lỗi. Cử chỉ này sẽ khiến cho người ấy cảm thấy yên lòng hơn rất nhiều, so với việc được mời đi ăn ở những nhà hàng sang trọng, đắt đỏ.
- “Nếu được thì anh/em muốn nói lời xin lỗi với ai?”
Cũng liên hệ với câu trước qua cùng một chủ đề về cảm giác tội lỗi trong quá khứ, câu hỏi này sẽ tạo không gian để cả hai cùng thú nhận, và còn phần nào chuộc lỗi nữa.
- “Anh/Em muốn được ai tha thứ về điều gì?”
Bằng câu hỏi này, ta cũng đang âm thầm khơi gợi ra từ người ấy những đặc điểm của bản thân mà họ nhận thức được là vẫn chưa tốt, chưa đẹp. Thế thì hay hơn là hỏi một câu thẳng đuột như “Anh/Em có tật xấu gì không?” - họ sẽ thấy bối rối lắm đấy. Đừng để họ độc thoại nhé, mà hãy thỉnh thoảng thêm thắt các chi tiết về mình.
- “Người yêu cũ không thấu hiểu được anh/em ở khoản nào?”
Một khi đã biết rút kinh nghiệm từ những mối tình không thành, thì độ bền chặt của quan hệ giữa ta và người ấy cũng sẽ tăng vọt. Ngoài ra, qua đây ta cũng có thể nắm được câu trả lời đại khái cho một số những câu hỏi khác, ví như “Họ có biết rõ những yếu tố khiến cho cuộc tình đi đến hồi kết không?” và “Họ coi đây là dịp để học hỏi và sửa chữa, hay để đổ lỗi cho ai khác?”
- “Anh/Em có điều gì muốn thổ lộ với cha mẹ mình không?”
Câu hỏi này thậm chí còn có khả năng khiến cho người ấy rơi lệ, vì nhìn lại thì quả thật giữa ta và cha mẹ - hai con người độc nhất trên thế giới mà ta đồng thời vừa thích, vừa ghét, lại cũng mang nợ quá nhiều - còn tồn tại muôn vàn những niềm đau giấu kín. Nhưng ngược lại, ta sẽ được người ấy tâm sự cho những điều dường như cha mẹ nói riêng và cả gia đình nói chung không nên nghe, vì họ quá mỏng manh, lúc nào cũng cảnh giác, đã thế lại còn rất kiêu hãnh nữa chứ. Điều này cũng có lợi cho cả người ấy nữa, khi đã phải kìm nén lại quá lâu và rất cần được giải toả.
- “Ở chỗ làm việc, có bao giờ anh/em cảm thấy mình lạc loài chưa? Trên phương diện nào?”
Ta giờ đây đã có thói quen bình thường hoá mọi sự, cho rằng ai cũng gặp khó khăn tương tự nhau khi làm việc tại chốn công sở, để rồi cứ thế thì ta cũng nương tựa luôn vào đó hòng chống chọi lại cái “nỗi đau bất tài" vẫn luôn phải đương đầu trong cuộc sống thường ngày. Sự “vơ đũa cả nắm" như trên sẽ còn khiến những người xung quanh trở nên mất cảnh giác, thậm chí buông xuôi nữa.
Sau khi trả lời qua lại các câu hỏi thuộc dạng như trên, thì chỉ qua một vài giờ, ta đã chợt bắt gặp bản thân trải qua điều gì thật khác lạ: ta yêu nhiều hơn một chút. Hiện tượng này thực ra cũng đâu có gì bí hiểm - đều do đôi bên đã hiểu thêm được rất nhiều về mọi mặt của đối phương, từ những khao khát, lầm lỗi, sự hối hận, khuyết điểm, đến cả nỗi sợ hãi nữa. Thật chẳng có gì quyến rũ hơn những dịp trao đổi thân mật đa chiều; thật chẳng có gì giống với tình yêu hơn là sự hàm ơn ta dành cho đối phương, vì đã bỏ công bỏ sức để nhìn nhận lại ta và chấp nhận ta; thật chẳng có gì khơi dậy từ trong ta lòng trắc ẩn nhiều bằng cái khi người ấy tin tưởng ta và trải lòng với ta.
Danh sách các câu hỏi tham khảo khác:
- “Tuổi thơ đã khiến cho hành trình ‘vào đời' của anh/em khó khăn hơn ở điểm nào?”
- “Người bạn nào khiến anh/em ghen tị nhất?”
- “Anh/Em hay lo lắng điều gì khi trời đã về khuya?”
- “Có nét tính cách nào anh/em không có, nhưng lại thấy rất cuốn hút khi bắt gặp ở ai khác không?”
- “Anh/Em trông đợi điều gì ở một người bạn chí cốt?”
- “Yếu tố nào dễ khiến cho các cuộc hội thoại đi chệch hướng nhất?”
- “Nếu được có thêm cho mình một người anh/chị/em ruột lý tưởng, thì người ấy thế nào?”
- Điền vào ô trống: “Mỗi khi thấy thích một người, thì anh/em sẽ đều thấy lo lắng về…”
- Điền vào ô trống: “Nếu bạo dạn hơn một chút, thì anh/em sẽ…”
- Điền vào ô trống: “Nếu có ai đó thực sự hiểu anh/em, thì họ sẽ…”
- “Anh/em bây giờ với anh/em lúc còn nhỏ có giống nhau điểm gì không?
- “Anh/em muốn thay đổi điều gì về bản thân?”
- “Anh/em có thấy gia đình mình đặc biệt kì cục ở khoản nào không?”
- “Đối với anh/em thì thứ gì là dễ nghiện nhất?”
- “Anh/em sợ nhất là bị người ta bàn tán sau lưng mình cái gì?”
- “Hãy liệt kê ra ba nỗi lo hàng đầu của anh/em lúc này.”
- “Trong gia đình anh/em thì tiền có vai trò như thế nào?”
----
Dịch giả: Nguyễn Hà Anh – Tâm Lý Học Tuổi Trẻ
Link bài gốc: What to Talk About on a Date I The School of Life