Nghệ Thuật Giao Tiếp: Làm Thế Nào Để Tránh Tỏ Ra Vị Kỷ

nghe-thuat-giao-tiep-lam-the-nao-de-tranh-to-ra-vi-ky

Trong thời đại mà những công cụ xã hội phụ trợ cũ mà nhiều người dựa vào đã dần biến mất, con người ta trở nên khao khát sự chú ý.

Tháng trước tôi có hẹn ăn trưa cùng một người bạn mà lâu lắm rồi chưa gặp. Vì trước đó đã từng đọc và viết về việc làm thế nào để trở thành một người nói chuyện ấn tượng và lôi cuốn, tôi tuân theo lời khuyên truyền thống về việc hãy lắng nghe nhiều hơn là nói và hãy hỏi người đối diện những câu hỏi liên quan đến bản thân họ. Điều này là nhằm mục đích làm vui lòng người nói chuyện cùng bạn. Tôi nghĩ rằng đây là một chiến lược hiệu quả bởi vì bạn tôi đã nói về mình cả tiếng đồng hồ và chẳng buồn hỏi tôi lấy một lời.

Khi chúng ta nói về những điều nên và không nên trong việc xây dựng một cuộc nói chuyện thú vị trước đây, chắc hẳn có ai đó đã thắc mắc rằng, “Nhưng nếu như cả hai người cứ thi nhau mà đặt câu hỏi thì sao?” Vâng, đó quả thật là một vấn đề cần suy nghĩ, nhưng tôi vẫn chưa từng thấy việc này xảy ra. Thay vì thế, hầu hết mọi người đều có vẻ gặp khó trong việc đưa ra câu hỏi và nhường sân khấu cho người khác.

Trong thời đại mà những công cụ xã hội phụ trợ cũ mà nhiều người dựa vào đã dần biến mất, con người ta trở nên khao khát sự chú ý. Họ mang khát vọng này vào trong những cuộc đối thoại, và xem đó như là một trận đấu mà người thắng là người có khả năng thu hút sự chú ý về mình nhiều nhất có thể. Và điều này khiến cho kỹ năng giao tiếp trở thành một thứ nghệ thuật bị đánh mất.

Cuộc Đối Thoại Vị Kỷ

Trong cuốn sách The Pursuit of Attention (tạm dịch: Truy cầu sự chú ý), nhà xã hội học Charles Derber đã chia sẻ một kết quả nghiên cứu đáng kinh ngạc về sự tương tác trực diện được thực hiện dựa trên việc theo dõi 1.500 cuộc nói chuyện và ghi lại cách mọi người trao đổi và giành lấy sự chú ý như thế nào. Tiến sĩ Derber đã phát hiện ra rằng bất kể ý định tốt đẹp, và thường là hoàn toàn vô thức, hầu hết mọi người đều phải khổ sở với thứ mà ông gọi là “cuộc đối thoại vị kỷ.”

Người vị kỷ khi nói chuyện luôn tìm cách hướng sự chú ý của người khác về phía họ. Phản ứng đầu tiên của bạn trước lời nhận xét này thường sẽ là, “Ô, tôi không hề làm vậy, nhưng tôi biết có người như thế!” Nhưng bạn đừng kết luận vội. Những cuộc đối thoại vị kỷ thường không thể hiện việc đòi hỏi sự chú ý một cách lộ liễu; hầu hết mọi người đều dành ít nhất một vài sự tôn trọng và tuân thủ những chuẩn mực và qui tắc xã hội. Thay vì thế, nó được thể hiện dưới những hình thức tinh vi hơn nhiều, và tất cả chúng ta đều vấp phải lỗi này lúc này hay lúc khác. Mọi người đều ít nhiều cảm thấy khó chịu khi mà chúng ta không thể chờ người khác dừng lại câu chuyện của họ để ta có thể chen vào; chúng ta thường giả vờ như đang thật sự lắng nghe chăm chú, nhưng thực ra ta chỉ tập trung vào những điều mà ta sẽ nói đến một khi có cơ hội.

Vì vậy ngày hôm nay chúng ta sẽ bàn tới các cách thức mà một cuộc đối thoại vị kỷ có thể len lỏi vào trong sự tương tác của ta với người khác. Dù cho việc những cuộc đối thoại có thể được phân tích kỹ lưỡng đến vậy nghe ra có vẻ hơi kỳ lạ một chút, nhưng nghiên cứu của Tiến sĩ Derber sẽ cho thấy những cái nhìn sâu sắc giúp bạn thấy được một cuộc đối thoại được mở ra như thế nào và vì sao mà bạn lại dễ dàng rơi vào cái bẫy của cuộc đối thoại vị kỷ đến vậy. Và tất cả những điều này đều đã ứng nghiệm đối với tôi.

Sự Thú Vị Không Có Gì Sánh Kịp Của Lối Nói Chuyện Kiểu Cũ

Trước khi chúng ta đi vào các hình thức của lối nói chuyện vị kỷ, hãy dành ra khoảng một phút để tìm hiểu về việc tại sao trước tiên chúng ta lại cần phải quan tâm đến sự lành mạnh của các cuộc nói chuyện của mình.

Có thể bạn đã biết vì sao mà việc làm chủ nghệ thuật giao tiếp lại là một công cụ vô giá trong việc xây dựng sự lôi cuốn của bản thân cũng như là để kết nối với những người khác, cho dù là nhằm mục đích liên quan đến công việc hay chỉ vì niềm vui cá nhân. Nhưng nó cũng là một phần quan trọng trong việc thực hiện một nhu cầu sâu sắc của con người vì chúng ta là loài động vật xã hội

Liệu khi bạn hẹn hò tụ tập với bạn bè vào buổi tối, các bạn có hẹn gặp nhau tại một nhà hàng mới, cùng làm vài cuốc bia, và vui vẻ nói cười suốt tối hay không? Và khi bạn đi lấy xe ra về, tôi dám cá là bạn sẽ nhận thấy trong lòng mình bùng lên cảm giác tích cực và ấm áp với sự thoả mãn và niềm vui sâu sắc. Đó chính là những tác động mà một cuộc trò chuyện tuyệt vời có thể gây ra cho bạn. Tham gia vào các cuộc đối thoại thực sự gia tăng hạnh phúc cho bạn và làm phong phú thêm cuộc sống của bạn.

Nhưng ngày nay niềm vui mà một cuộc trò chuyện hay ho mang lại ngày một hiếm hoi hơn. Trong thời đại của những điện thoại di động, tin nhắn, và thư điện tử, chúng ta ít có những sự tương tác trực diện với nhau, và do đó khi mà ta gặp gỡ trực triếp một ai đó, thì các kỹ năng xã hội của chúng ta có thể trở nên suy yếu đôi chút. Vì vậy chúng ta có thể mài giũa lại đôi chút nghệ thuật giao tiếp, và tạo nên nhiều cuộc nói chuyện tuyệt vời hơn nữa trong cuộc sống của chúng ta.

Giao tiếp: Cạnh tranh hay Cộng tác?

“Chất lượng của bất kỳ sự tương tác nào đều phụ thuộc vào xu hướng của những người tham gia tìm kiếm và chia sẻ sự chú ý. Sự cạnh tranh gia tăng khi một người tìm kiếm sự chú ý chủ yếu ở bản thân họ; sự hợp tác xuất hiện khi những người tham gia sẵn sàng và có thể sống vì người khác.” – Tiến sĩ Charles Derber

Một cuộc trò chuyện hay là một điều thú vị; đó không thể là nỗ lực của một cá nhân duy nhất – mà nó phải là sự nỗ lực nhóm. Mỗi một cá nhân cần phải hi sinh một chút vì lợi ích của cả nhóm như là một tổng thể và như là mục đích cuối cùng, mới mong nâng cao sự hài lòng mà mỗi cá nhân được nhận. Nó giống như là một bài hát có giai điệu ở tông độ cao, và mỗi cá nhân trong nhóm cần góp sức mình để giữ cho ca khúc không bị lạc điệu. Chỉ một người hát lệch tông thôi cũng đủ để làm hỏng luôn cả ca khúc.

Đó là lý do vì sao mà những cuộc đối thoại cần mang tính cộng tác thay vì cạnh tranh lại quan trọng đến thế. Nhưng nhiều người (và như tiến sĩ Derber nhận định, đặc biệt là người Mỹ, bởi vì nền văn hoá đề cao sáng kiến cá nhân, sự tự tin, và tự lực) đã khiến việc giao tiếp trở thành một cuộc cạnh tranh. Họ muốn xem xem liệu mình có thể vượt trội hơn những người khác trong nhóm hay không bằng cách hướng sự chú ý vào bản thân mình nhiều nhất có thể. Điều này được thực hiện thông qua những chiến thuật tinh vi của cuộc đối thoại vị kỷ.

Cuộc Đối Thoại Vị Kỷ Biểu Lộ Như Thế Nào

Vậy thì hãy tiến vào phần cốt lõi của chủ đề này. Làm thế nào mà một cuộc đối thoại vị kỷ lại có thể xuất hiện trong sự tương tác trực diện gần như là hoàn hảo?

Trong suốt một cuộc đối thoại, mỗi một người đều có thể chủ động. Sự chủ động này có thể là trao sự chú ý hoặc là nhận sự chú ý. Những người đối thoại vị kỷ tập trung nhiều vào vế sau hơn bởi vì họ quan tâm tới việc thoả mãn nhu cầu của bản thân. Việc chủ động giành lấy sự chú ý có thể được thể hiện dưới hai dạng: chủ động và bị động.

Cuộc đối thoại vị kỷ chủ động

Sự hồi đáp mà một người đưa ra đối với lời mà người khác nói có hai dạng: phản ứng định hướng và phản ứng ủng hộ. Sự phản ứng ủng hộ duy trì sự chú ý vào người nói và chủ đề câu chuyện mà người đó đề cập tới. Sự phản ứng định hướng cố gắng sắp đặt để người khác thay đổi chủ đề câu chuyện và huớng sự chú ý tới họ. Ta hãy thử tham khảo các ví dụ dưới đây để hiểu rõ hơn về hai loại phản ứng này:

Phản ứng ủng hộ

James: Tôi đang muốn mua một chiếc xe hơi.
Rob: Ô vậy hả? Thế anh đang tìm hiểu mẫu xe nào rồi?

Phản ứng định hướng

James: Tôi đang muốn mua một chiếc xe hơi.
Rob: Ô, vậy hả? Tôi cũng muốn mua một chiếc xe mới đây.
James: Thật á?
Rob: Ừ, tôi vừa thử lái con Mustang hôm qua và thấy ổn lắm.

Trong ví dụ đầu tiên, Rob tập trung sự chú ý vào James với phản ứng ủng hộ của mình. Trong ví dụ thứ hai, Rob cố gắng xoay chuyển câu chuyện về phía mình với sự phản ứng định hướng.

Phản ứng định hướng thường rất tinh vi. Mọi người đặt nó trong một sự biến chuyển tốt đẹp để nguỵ trang cho sự phản ứng của mình với những thứ đại loại như, “Nghe hay đấy,” “Thật á?” “Tôi cũng thấy thế,” ngay trước khi họ đưa ra một nhận định về chính bản thân mình. “Ồ vâng?” Và rồi họ sẽ buộc chặt sự phản ứng của mình vào câu chuyện của họ, “Tôi cũng đang muốn mua một chiếc xe mới đây.”

Giờ thì điều quan trọng cần phải chỉ ra là một sự phản ứng định hướng sẽ chỉ mở ra cơ hội cho một người để thu hút sự chú ý, nhưng điều đó không nhất thiết phải mang ý nghĩa rằng họ sẽ như vậy. Đây là vấn đề về mục đích. Bạn có thể chỉ đơn giản muốn nhấn mạnh những gì mà người khác từng nói và chia sẻ một số kinh nghiệm của bạn tước khi hướng câu chuyện quay về người kia. Đó là sự lành mạnh và tự nhiên của việc trao và nhận trong giao tiếp. Chúng ta hãy quay trở lại với câu chuyện của Rob và James:

James: Tôi đang định mua một chiếc xe mới
Rob: Ô, vậy hả? Tôi cũng đang nghĩ tới chuyện đó đây.
James: Thật không vậy? Hay là chúng ta cùng đi chọn xe xem sao.
Rob: Được thôi. Thế anh thích loại xe gì?
James: Vấn đề là – tôi đang không biết phải bắt đầu từ đâu.
Rob: Ừ, thế với anh điều quan trọng nhất là gì – tiết kiệm xăng, không gian, hay động cơ?

Và thế là ở đây dù Rob cũng có đề cập đến bản thân mình, nhưng anh ấy lại hướng cuộc hội thoại trở về phía James. Trong khi những người nói chuyện vị kỷ chỉ biết nói về chính mình cho tới khi cuộc hội thoại chuyển hướng về phía họ. Như là ví dụ dưới đây:

James: Tôi đang định mua một chiếc xe mới.
Rob: Ô, vậy hả? Tôi cũng đang nghĩ tới chuyện đó đây.
James: Thật không vậy? Hay là chúng ta cùng đi chọn xe xem sao.
Rob: Được thôi. Tôi vừa lái thử con Mustang ngày hôm qua và thấy rất được.
James: Nghe hay vậy. Chắc là tôi không cần tới xe thể thao đâu.
Rob: Ừ, tôi muốn một chiếc xe phải có ít nhất 300 mã lực và chắc chắn là ghế ngồi phải được bọc da. Tôi đã kể cho anh nghe về hồi thằng bạn tôi cho tôi lái thử cái con Maserati của nó chưa ấy nhỉ?
James: Anh có người bạn nào hay vậy?

Hầu hết những người nói chuyện vị kỷ - cần phải thật cẩn trọng nếu không sẽ thành ra bất lịch sự - sẽ pha trộn thiện chí ủng hộ của họ với việc cố gắng đổi hướng cuộc đối thoại, chỉ sử dụng thêm một vài phản hồi định hướng nữa, cho tới khi chủ đề câu chuyện cuối cùng cũng tập trung vào họ. Những người nói chuyện vị kỷ đạt được thành công khi họ tạo ra sự phản ứng ủng hộ từ phía người cùng tương tác của mình. “Anh có người bạn nào hay vậy?”

Tóm lại, việc chia sẻ về bản thân không có gì là sai trái cả, cho tới khi mà bạn hướng câu chuyện trở lại với người đã mở đầu nó. Quy tắc hay nhất có thể áp dụng ở đây là đừng vội xen vào câu chuyện quá sớm với những tình tiết về bản thân mình; khi mà bạn càng tham gia sớm vào câu chuyện, thì bạn sẽ càng có vẻ như đang cố gắng thu hút sự chú ý về phía mình. Thay vì thế, hãy để cho người khác kể hết câu chuyện hay giãi bày vấn đề của họ trước tiên, và rồi bạn hãy chia sẻ kinh nghiệm của bản thân cho họ.

Cuộc đối thoại vị kỷ bị động

Đối thoại vị kỷ có thể tồn tại dưới một dạng thức tinh vi hơn thế nữa. Thay vì chen vào câu chuyện và nói về bản thân mình và cố gắng gợi chủ đề câu chuyện, những người nói chuyện vị kỷ có thể đơn giản trì hoãn phản ứng ủng hộ của mình cho tới khi câu chuyện của người khác kết thúc và rồi họ có thể làm chủ sân khấu.

Để hiểu rõ điều này vận hành ra sau, chúng ta hãy xem qua ba dạng thức tồn tại của phản ứng ủng hộ – mỗi một hình thức đều cho thấy một mức độ tăng cao của sự tham dự và hứng thú với chủ đề và người nói:


Sự công nhận cơ bản: Những sự thừa nhận tối thiểu cho thấy bạn đang lắng nghe là, “Vâng,” “Ừ,” “Ừm,” “Vâng.”
Sự khẳng định ủng hộ: Sự thừa nhận mà cho thấy việc lắng nghe tích cực. “Hay đấy.” “Bạn nên thử xem sao.” “Như thế là không đúng đâu.”
Câu hỏi ủng hộ: Những câu hỏi cho thấy bạn không chỉ lắng nghe, mà còn muốn được nghe thêm nữa. “Tại sao bạn lại cảm thấy như vậy?” “Anh ta trả lời thế nào khi bạn nói như vây?” “Thế bây giờ bạn định làm gì?”

Một người đối thoại vị kỷ sẽ chấm dứt câu chuyện của người khác theo cách của mình bằng việc trì hoãn những lời phản hồi ủng hộ như thế này, đặc biệt là khi không đưa ra một câu hỏi nào hết cả. Phép xã giao đòi hỏi rằng chúng ta không nên dông dài và chia sẻ mọi chi tiết của câu chuyện ngay khi mới bắt đầu. Chúng ta chỉ nên nói một chút thôi, và rồi đợi những câu hỏi kế tiếp, vì thế mà ta mới có thể biết được rằng người nói chuyện cùng ta thấy hứng thú trước những điều ta nói. Nếu thiếu đi những câu hỏi này, người nói sẽ bắt đầu nghi ngờ về tính hấp dẫn của những điều mà họ đề cập tới. Vì vậy mà họ sẽ ngừng nói và tập trung sự chú ý tới người khác. Và đó là chiến thắng giành cho người nói chuyện vị kỷ.

Những người nói chuyện vị kỷ cũng sẽ cho thấy việc họ không quan tâm tới người nói bằng cách trì hoãn sự công nhận cơ bản của mình – là tất cả những lời quan trọng như “Vâng” và “Ừm.” Những người giao tiếp hiệu quả đặt sự công nhận cơ bản của mình vào đúng chỗ, tại những quãng ngắt rất tự nhiên trong cuộc đối hoại. Người vị kỷ cố gắng tuân theo những sự kỳ vọng xã hội bằng cách đưa ra cho người nói một vài sự công nhận thoáng qua, nhưng thực ra họ không thực sự lắng nghe, và quên sạch những gì họ nghe được chỉ sau một vài giây. Người nói có thể dễ dàng nhận ra những điểm lệch lạc này và sẽ ngừng nói chuyện và chuyển hướng sự chú ý của họ về phía người vị kỷ.

Cuối cùng, thêm một dạng thức khác của cuộc đối thoại vị kỷ cần phải tránh là chiến thuật “Ôi, nói về tôi như thế là đủ rồi, tôi muốn nghe thêm về chuyện của bạn!” Mọi người sẽ thường nói câu này vào phút cuối, để thể hiện phép lịch sự và tỏ ra quan tâm đến người kia, trong khi thực tế họ không dành cho người đó sự chú ý quá một vài phút.

Trở thành bậc thầy về nghệ thuật giao tiếp

Việc tránh cạm bẫy của việc giao tiếp vị kỷ sẽ giúp bạn trở thành một người sành sỏi và lôi cuốn. Một khi có ai đó đưa ra một chủ đề trò chuyện, việc của bạn là rút ra câu chuyện từ đó bằng cách trao cho họ sự khuyến khích dưới dạng những lời công nhận cơ bản và khẳng định ủng hộ, và theo sát câu chuyện bằng cách hỏi các câu hỏi ủng hộ. Một khi câu chuyện của họ đã kết thúc, bạn có thể đưa ra câu chuyện của chính mình. Nhưng như những gì chúng ta đã đề cập đến trước đó, cần phải có hai người mới có thể nhảy điệu tango. Đây là lúc để người đối diện đặt câu hỏi cho bạn. Nếu không, bạn sẽ cảm thấy buồn bã khi nhận ra, như là tôi cũng đã nhận ra trong lúc dùng bữa trưa với người bạn của mình, bạn đang lắng nghe một cuộc độc thoại bất tận. Thế thì, bạn hãy cứ mỉm cười và thưởng thức bữa ăn trưa.

 

Người dịch: December Child

Nguồn: http://www.artofmanliness.com/2011/05/01/the-art-of-conversation-how-to-avoid-conversational-narcissism/

Source: The Pursuit of Attention by Charles Derber

menu
menu