Nghĩ như giới ‘Giàu nhiều đời’: 5 hành vi cho thấy một người có văn hoá và nho nhã
Nếu bạn muốn học cách nghĩ và cách sống của giới “Old Money” (tạm dịch: “giàu nhiều đời”), hãy thử vận dụng 5 hành vi dưới đây - bởi sự giàu mạnh của họ không chỉ gói gọn trong việc họ có bao nhiêu tiền trong ví, mà nó còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế.
Nếu bạn muốn học cách nghĩ và cách sống của giới “Old Money” (tạm dịch: “giàu nhiều đời”), hãy thử vận dụng 5 hành vi dưới đây - bởi sự giàu mạnh của họ không chỉ gói gọn trong việc họ có bao nhiêu tiền trong ví, mà nó còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế.
1. DI SẢN VÀ TẦM NHÌN DÀI HẠN
Di sản, đối với nhiều người thuộc giới “giàu nhiều đời”, thường là một món đồ gia bảo có giá trị, có thể được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác và được các thế hệ gìn giữ.
Tư duy dài hạn của họ về quản lý tài sản rất rõ ràng và chính xác. Các chiến lược của họ không bao giờ là chiến lược ngắn hạn. Họ không tự hỏi: “Cái gì sẽ làm tôi giàu?”. Mà họ tự hỏi: “Cái gì sẽ giữ cho gia đình tôi vững vàng qua nhiều thế kỷ?”. Họ chuẩn bị cho một tương lai mà có thể họ sẽ không còn sống để nhìn thấy tương lai đó, nhưng những thế hệ sau của họ sẽ được thụ hưởng; giống như họ trồng những cái cây để con cháu họ sau này được hưởng bóng mát chứ người hưởng không phải là họ...
Kể cả khi bạn đang không có nhiều tiền, bạn vẫn có thể học tập hành vi này của giới “giàu nhiều đời”. Ví dụ, thay vì mua một chiếc xe hào nhoáng, hợp mốt và mau xuống cấp, bạn có thể đầu tư mua một chiếc xe đã qua sử dụng nhưng được bảo dưỡng tốt; hoặc một chiếc xe của một hãng xe mà có tiếng là có độ bền cao. Thay vì mua những bộ quần áo thời trang, mặc vài lần là bỏ, bạn hãy chọn trang phục chất lượng từ tầm trung trở lên và lâu lỗi thời... Những sản phẩm bạn mua này sẽ đem lại giá trị cho đồng tiền của bạn.
Thay vì khoe khoang vật chất, hãy tập trung bồi dưỡng cho những thứ có ý nghĩa: phát triển bản thân, hoàn thiện nhân cách, và xây dựng một tương lai vững chắc cho gia đình bạn.
Hãy tập đưa ra những lựa chọn khôn ngoan, bền vững, không chỉ cho bản thân, mà còn cho các thế hệ sau. Của cải không chỉ gói gọn trong những gì bạn đang có, mà còn là những gì bạn sẽ để lại sau khi qua đời. Đừng chỉ tự hỏi: “Tôi có thể mua được gì?”, mà hãy hỏi: “Tôi có thể để lại những gì?”
2. BIẾT CƯ XỬ VÀ CÓ THÁI ĐỘ TỐT
Giới “giàu nhiều đời” thường biết cách làm chủ miệng lưỡi của họ khi họ giận dữ, và sử dụng lời ăn tiếng nói của họ đúng nơi đúng lúc. Họ thể hiện sự tôn trọng người khác và sự tự trọng trong mọi tương tác xã hội.
Thử xem xét một tình huống: Một người đang dự một sự kiện xã giao và bất ngờ có người lỡ làm đổ cà phê lên bộ quần áo đắt tiền của họ. Thay vì nổi giận, “nạn nhân” tìm cách khiến cho tình huống bớt căng thẳng và không làm “kẻ tội đồ” cảm thấy xấu hổ hoặc khó xử. “Nạn nhân” vẫn giữ được phong thái đàng hoàng và sự cảm thông với người làm đổ cà phê chứ không chọn cách cư xử mất kiểm soát.
Tình huống thứ hai: Một nhóm người đang trò chuyện với nhau, và một người trong nhóm đó nêu lên một nhận định thiếu chính xác về vấn đề nào đó. Nếu ai đó trong nhóm là người tầm thường, có thể anh/cô ta sẽ xem đó là cơ hội để khoe khoang hiểu biết của mình và “sửa gáy” người nói sai. Nhưng một người biết cư xử sẽ tế nhị chuyển hướng cuộc trò chuyện theo hướng đúng mà không trắng trợn làm người nói sai bị mất mặt. Người có văn hóa và có giáo dục thường xem những tương tác xã hội là dịp để lắng nghe và hiểu nhau, chứ không phải để bắt lỗi và hạ nhục nhau.
Điều hay là, dù bạn có nhiều tiền hay ít tiền, bạn vẫn có thể vận dụng phép lịch sự và cách cư xử văn minh vào đời sống của mình. Phép lịch sự và cách cư xử cho thấy bạn biết tôn trọng người khác và được nuôi dạy tốt.
Các nghiên cứu cho thấy, những người lịch sự, biết cách cư xử thường được người xung quanh dành cho nhiều thiện cảm hơn, dễ kết bạn và dễ thành công trong sự nghiệp hơn.
Biết cách cư xử có thể giúp bạn mở những cánh cửa mà tiền không mở được. Lịch sự và biết cư xử là dấu hiệu cho thấy một người có trí thông minh xã hội: rằng người đó ý thức được những quy tắc trong xã hội, biết điều chỉnh hành vi của bản thân theo từng bối cảnh xã giao, biết tôn trọng cảm xúc và cảm nhận của người khác.
Các phẩm chất này được đánh giá cao ở mọi nơi, bất kể là nền văn hóa nào và địa vị xã hội của bạn ra sao.
3. THÀNH CÔNG TRONG THẦM LẶNG
Ngày nay, mạng xã hội cho phép chúng ta dễ dàng khoe những thứ mình có: xe mới, những chuyến du lịch sang chảnh,..., nhưng giới “giàu nhiều đời” thì không hay khoe khoang: họ đạt được những thành tựu của họ trong thầm lặng, và khi được hỏi về những thành tựu đó, họ thường nói về chúng một cách khiêm tốn.
Trong khi một số người thuộc giới “giàu mới phất” (“New Money”) chia sẻ lên mạng xã hội hình ảnh chiếc chuyên cơ họ vừa mua được, hay sợi dây chuyền kim cương họ vừa sắm,... , thì những người “giàu nhiều đời” chọn cách sống tránh xa sự dòm ngó của đám đông công chúng. Lý do là vì họ muốn bảo vệ sự riêng tư của họ; và vì họ tin rằng của cải không quyết định giá trị con người hay nhân cách của họ. Giới “giàu nhiều đời” thường tin vào những kết nối chân thật, chứ họ không tìm kiếm sự tung hô của đám đông.
Đôi khi, cũng cùng tham gia một loại sự kiện, nhưng trong khi nhiều người “giàu mới phất” thích chia sẻ hình ảnh kiểu ta đây được đi ra nước ngoài, thì người “giàu nhiều đời” cũng chia sẻ - nhưng mà là chia sẻ hình ảnh họ tham dự một sự kiện từ thiện hay hình ảnh những ngôi nhà họ xây được cho người nghèo ở các nước đang phát triển,...
Nếu bạn thích học hỏi điểm này ở giới “giàu nhiều đời”, hãy thử cân nhắc chia sẻ cho mọi người những thứ giúp con người bạn phong phú hơn, thay vì khoe những thứ xa xỉ bạn sắm được.
Trong các sự kiện xã giao, nếu như giới “giàu mới phất” thường thích kể lể về việc họ vừa được ngồi khoang hạng nhất trên một chuyến bay đi du lịch nước ngoài, thì nhiều người giới “giàu nhiều đời” sẽ chọn thảo luận với người khác về những chuyện giúp họ có thêm hiểu biết - như về một bộ phim tài liệu mà họ thấy có nhiều thông tin bổ ích. Tóm lại, họ tập trung vào việc thảo luận về những ý tưởng và những trải nghiệm - những thứ giúp họ mở mang tầm mắt.
4. MONG MUỐN "CHO ĐI"/LÀM THIỆN NGUYỆN
Giới “giàu nhiều đời” có thể kín tiếng về tài sản của họ, nhưng trong các hoạt động thiện nguyện, họ hào phóng nhiều như họ có thể. Tất nhiên, các hoạt động thiện nguyện của họ có thể giúp họ được miễn giảm thuế hoặc tạo dựng danh tiếng cho sản phẩm của họ, nhưng bạn cũng nên biết rằng có nhiều gia tộc “giàu nhiều đời” sống rất kín tiếng và không kể lể cho người khác biết về những gì họ cho đi.
Nhiều gia tộc giàu có trong lịch sử đã thành lập những tổ chức phi lợi nhuận và các tổ chức này phục vụ cho nhiều lĩnh vực thiện nguyện: giáo dục, nghệ thuật, văn hóa, môi trường, nghiên cứu khoa học, chăm sóc sức khỏe,...
Điều đó không có nghĩa là họ ném tiền vô tội vạ vào lĩnh vực nào đó, mà là họ đầu tư một cách có chiến lược để tìm ra những giải pháp lâu dài.
Nhưng tại sao họ muốn “cho đi” như vậy? Đó là vì họ cảm thấy mãn nguyện khi làm điều tốt. Họ thấy như họ đang tạo nên một di sản có ảnh hưởng tích cực lên xã hội, làm cho thế giới này tốt đẹp hơn một chút so với trước đây.
Tuy vậy, hoạt động thiện nguyện không phải là đặc quyền của người giàu. Tất cả chúng ta đều có thể làm được điều đó. Có lẽ bạn không đủ khả năng tài trợ tiền cho một trường đại học hay một bệnh viện; nhưng có vô số cách để cho đi.
Một tuần bạn rảnh vài ba giờ đồng hồ? Hãy làm tình nguyện viên cho một tổ chức từ thiện nào đó.
Bạn có kỹ năng gì đó? Hãy dùng nó để hỗ trợ một tổ chức phi lợi nhuận đang cần đến kỹ năng của bạn!
Hay một khoản tiền nhỏ bạn đóng góp theo khả năng của bản thân cũng có thể tạo khác biệt cho ai đó đang gặp khó khăn...
Hãy nhớ: Khoản đóng góp của bạn to hay nhỏ không quan trọng. Mà hãy duy trì việc đóng góp một cách đều đặn, thường xuyên!
Hãy nghĩ ra cách cống hiến cho xã hội phù hợp với bản thân. Có thể bạn không giàu, nhưng bạn vẫn có thể hào phóng.
5. COI TRỌNG GIÁO DỤC VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG TRÍ TUỆ
Với nhiều người giàu, việc học tập không chỉ là một nấc thang giúp họ có được công việc nào đó, mà là một hoạt động trọn đời, một phần quan trọng cho việc phát triển nhân cách và phát triển bản thân.
Học tập không chỉ là cố gắng lấy bằng cấp hay chứng chỉ, mà là siêng năng đọc, tìm tòi, suy ngẫm về nhiều lĩnh vực như nghệ thuật, khoa học, chính trị, văn hóa, lịch sử, triết học,...
Việc họ theo đuổi tri thức không hẳn là để “lòe” người, mà là một chiến lược lâu dài. Họ dùng kiến thức để ứng phó với những biến động của thế giới, để ra những quyết định khôn ngoan, để giữ gìn tài sản của họ và có những đóng góp có ý nghĩa cho xã hội.
Tư duy này cũng ảnh hưởng đến cách họ sống: Nhiều người giàu thường sở hữu nhiều sách thay vì nhiều siêu xe. Họ thích đi nghe các buổi thuyết trình của các chuyên gia trong lĩnh vực nào đó thay vì đi dự một bữa tiệc vớ vẩn. Mấu chốt ở đây là họ muốn nuôi dưỡng trí óc, chứ không phải nuôi dưỡng cái “tôi”.
Mọi người đều có thể và nên noi theo hành vi này. Hãy ưu tiên cho việc học tập. Học tập ở đây không hẳn là lấy nhiều bằng cấp, chứng chỉ. Mà bạn hãy xem việc học tập như một phương tiện để phát triển bản thân. Bạn có thể thử một số hoạt động sau:
- Xem hoặc nghe các chương trình bổ ích thay vì xem/nghe quá nhiều phim tình cảm
- Tập viết nhật ký, bạn có thể bắt đầu với năm phút mỗi ngày hoặc một trang mỗi ngày.
- Đọc nhiều
Kiến thức là thứ không ai có thể cướp khỏi bạn. Nó là một nguồn tài nguyên tăng lên khi được chia sẻ, chứ không hề giảm đi.
Của cải có thể giúp bạn mở một vài cánh cửa, nhưng tri thức mới là thứ dẫn lối cho bạn đến với thành công và sự mãn nguyện.
-----
HẾT
Ngô Triệu Khánh Ngọc sưu tầm và lược dịch từ YouTube