Nghiên cứu: Đọc tiểu thuyết tăng cường các kết nối và chức năng cho não bộ
Các nhà thần kinh học mới đây đã phát hiện rằng đọc tiểu thuyết có thể cải thiện các chức năng não bộ ở nhiều mức độ khác nhau.
Các nhà thần kinh học mới đây đã phát hiện rằng đọc tiểu thuyết có thể cải thiện các chức năng não bộ ở nhiều mức độ khác nhau. Nghiên cứu này của họ có tên là “Ảnh hưởng ngắn hạn và dài hạn của một cuốn tiểu thuyết tới sự kết nối trong não bộ,” thực hiện tại trường Đại học Emory và được đăng tải trên Tạp chí Kết nối Não bộ.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc dồn hết tâm trí vào một cuốn tiểu thuyết có thể nâng cao sự liên kết trong não bộ và cải thiện các chức năng của não. Điều thú vị là đọc tiểu thuyết cho phép người đọc cải thiện khả năng đặt bản thân vào tình huống của người khác và kích thích trí tưởng tượng – giống như việc các cơ bắp bị kích thích khi người ta chỉ mới nghĩ đến việc chơi thể thao vậy.
Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, thói quen đọc sách hiện đại đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Các con số thống kê không cho biết chính xác có bao nhiêu người đang đọc tiểu thuyết trong thập kỷ này so với một thập kỷ trước. Nhưng có một điều chắc chắn là những người đọc phổ thông đang mua nhiều tiểu thuyết hơn là các cuốn sách thể loại khác – đồng thời tiếp nhận các dữ kiện, tin tức và tri thức từ mạng Internet. Trong năm 2012, chỉ có 4 trong số 20 cuốn sách bán chạy nhất không phải là tiểu thuyết.
“Con người ngày nay thích chạy trốn,” Carol Fitzgerald nhà sáng lập mạng lưới Book Report Network cho biết. “Với số trang sách nhất định, câu chuyện mở ra, phát triển rồi đóng lại, và rất nhiều điều đang diễn ra trên thế giới hiện nay không giống như vậy. Mỗi lần chạy trốn được gói gọn trong một cuốn sách và bạn có thể thưởng thức nó.”
Lần cuối bạn đọc một cuốn tiểu thuyết hay là khi nào?
Bạn có phải là một người thích đọc tiểu thuyết? Đáng ngạc nhiên là có tới 42% số sinh viên tại Mỹ không bao giờ đọc sách trở lại sau khi tốt nghiệp đại học (và con số này ở Việt Nam có lẽ còn nhiều hơn).
Theo một cuộc khảo sát năm 2012 của hãng Pew có tên “Dự án Internet và Cuộc sống Mỹ”, những người thích đọc tiểu thuyết bị thôi thúc bởi nhu cầu làm phong phú thêm bản thân và nói về sở thích đọc sách của họ như sau: “Tôi thích được tiếp xúc với những ý tưởng và được trải nghiệm nhiều thời gian, địa điểm và sự kiện.”
Một người khác nói, “Tôi xem nó là chất kích thích cho tâm trí, và nó rất thư giãn.” Một số khác bày tỏ sự thoải mái khi được sống cuộc sống của nhân vật và có một “cuộc sống khác trong tâm trí.”
Theo báo cáo này, đọc sách còn là một lựa chọn phong cách sống, mong muốn được thoát khỏi dòng chảy liên tục của thông tin dưới dạng hình ảnh hiện nay. Những người đọc sách nói rằng: “Tôi thích tưởng tượng mọi thứ trong đầu mình hơn là xem chúng trên TV… Đọc sách là một lựa chọn khác ngoài TV và lần nào nó cũng chiến thắng TV… Đọc sách tốt hơn bất cứ thiết bị điện tử nào khác.” Một câu trả lời tổng kết lại cảm xúc chung của những người ham muốn đọc sách như sau, “Tôi yêu việc có thể thoát khỏi con người mình.”
Khả năng cải thiện thuyết tâm tư là một trong nhiều lợi ích của việc rời khỏi bản thân và đặt mình vào vị trí của người khác thông qua tiểu thuyết. Nếu bạn là cha của một cô bé 6 tuổi, bạn sẽ nhận ra được những lợi ích về trí tưởng tượng và nhận thức của con trẻ khi chúng được thả mình vào câu chuyện và học cách cảm thông với các nhân vật hư cấu.
Mặc dù vẫn còn rất nhiều người đang đọc tiểu thuyết, nhưng nghiên cứu mới này khẳng định rằng con người ở mọi độ tuổi nên được khuyến khích đọc sách nhiều hơn nữa và chịu khó xem TV ít đi.
Một gia đình phổ thông ở Mỹ năm 2014 có 2,86 chiếc TV, cao hơn 18% so với tỷ lệ năm 2000 (2,43 chiếc/hộ), và cao hơn 43% so với năm 1990 (2,0 chiếc). Ở Mỹ hiện nay, số TV trong một ngôi nhà còn nhiều hơn số người trung bình sống trong ngôi nhà đó. Trung bình, trẻ em dưới 8 tuổi dành 90 phút một ngày để xem TV hoặc các đĩa DVD.
Gần 33% trẻ em Mỹ sống trong những căn nhà có TV mở gần như suốt cả ngày. Trẻ em trong độ tuổi từ 8-18 xem TV ba tiếng đồng hỗ mỗi ngày. Trung bình, 61% trẻ em dưới 2 tuổi sử dụng một dạng thiết bị có màn hình nào đó, và 43% xem TV suốt ngày. Những số liệu này thật khiến chúng ta nhức nhối.
Một trong những vấn đề của việc xem TV là nó làm giảm thuyết tâm tư. Thuyết tâm tư (Theory of mind – ToM) là khả năng hiểu rằng người khác, cũng giống như chính mình, có khả năng suy nghĩ, cảm xúc, và ước muốn của riêng họ; và cách suy nghĩ, cảm xúc của họ có thể khác suy nghĩ, cảm xúc của chính mình.
Nhưng không may thay, TV lại là hình thức tương tác thụ động nhất trong tất cả các dạng truyền thông và là dạng thức có thể làm giảm thuyết tâm tư nhiều nhất. Một nghiên cứu có tên “Mối liên hệ giữa tiếp xúc với TV và thuyết tâm tư của trẻ em mẫu giáo” đã được đăng tải tháng 11 năm 2013 trên Tạp chí Giao tiếp. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng trẻ em mẫu giáo có TV trong phòng ngủ và xem TV càng nhiều thì càng yếu trong việc hiểu được đức tin và khao khát của người khác, và quá trình phát triển nhận thức gặp nhiều hạn chế.
Đọc sách giúp cải thiện kết nối trong não bộ
Những thay đổi xuất hiện từ việc đọc tiểu thuyết được ghi nhận tại bán cầu não trái, đây là khu vực não bộ có liên hệ với khả năng lĩnh hội ngôn ngữ, và khu vực phụ trách giác quan-vận động chính của não bộ. Các nơron thần kinh tại khu vực này được cho là có thể đánh lừa não bộ, làm nó tưởng rằng cơ thể đang làm một việc gì đó trong khi thực tế không phải. Hiện tượng này có tên gọi là nhận thức hữu thể.
Nhận thức hữu thể cũng có tương tự như sự hình dung trong thể thao – chỉ cần nghĩ về việc chơi bóng rổ cũng có thể kích hoạt các nơron có liên quan tới hành động chơi bóng rổ.
“Chúng tôi phát hiện ra những thay đổi ở hệ thống thần kinh có liên quan tới hệ thống vận động và giác quan của cơ thể, cho thấy rằng đọc một cuốn tiểu thuyết có thể đưa bạn nhập vai vào nhân vật chính,” Giáo sư thần kinh học Gregory S. Berns, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết. Năng lực đặt mình vào vị trí của người khác sẽ cải thiện thuyết tâm tư của bạn.
“Các câu chuyện [tiểu thuyết] định hình cuộc sống của chúng ta và trong vài trường hợp có thể làm nên cá tính con người,” Tiến sĩ Bern, giám đốc Trung tâm Chính sách Thần kinh của trường Đại học Emory tại Atalanta cho biết. Ông nói thêm, “Chúng tôi muốn hiểu xem làm cách nào các câu chuyện đi vào trong não của chúng ta, và chúng ảnh hưởng tới não bộ như thế nào.”
Lối kể truyện của tiểu thuyết là một dạng thức giao tiếp nhiều khía cạnh có thể kích thích nhiều vùng của não bộ. Mặc dù một số nhà ngôn ngữ học và lý thuyết văn chương đã mô tả những yếu tố của một câu chuyện, các nghiên cứu sinh học thần kinh cũng chỉ mới bắt đầu xác định những khu vực của não bộ bị kích thích khi người ta đọc truyện.
Để xác định xem các kết nối trong não bộ kéo dài được lâu nhất bao lâu, các nhà nghiên cứu đã đo lường sự thay đổi của các kết nối trong trạng thái nghỉ trước và sau khi đọc một cuốn tiểu thuyết. Các nhà khoa học đã chọn tiểu thuyết thay vì truyện ngắn vì độ dài và chiều sâu của tiểu thuyết có thể cho phép họ tiến hành các phép đo trong cùng một điều kiện nhiều lần hơn.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành quét fMRI (chụp cộng hưởng từ chức năng) não bộ của 21 sinh viên khi họ đang trong trạng thái nghỉ ngơi. Sau đó các sinh viên được yêu cầu đọc các phần của cuốn tiểu thuyết ly kỳ “Pompeii” ra mắt năm 2003 của tác giả Robert Harris trong vòng 9 đêm. Các nhà nghiên cứu sẽ quét não bộ của các sinh viên này vào các buổi sáng sau đó. Phép đo cũng được tiến hành liên tục trong 5 ngày sau khi họ đọc xong cuốn sách.
Kết luận: Đọc sách giúp cải thiện nhận thức hữu thể và thuyết tâm tư
Kết quả quét não cho thấy kết nối trong não bộ của các sinh viên được tăng cường vào buổi sáng sau khi đọc sách. Các khu vực có cải thiện sự kết nối bao gồm bán cầu não trái, khu vực não có liên hệ với sự thông hiểu ngôn ngữ, cũng như các rãnh não trung tâm có liên hệ tới cảm giác và vận động.
“Bờ phía trước của các rãnh có chứa những nơron thần kinh điều khiển chuyển động các bộ phận của cơ thể,” Berns cho biết. “Bờ phía sau chứa những nơron tiếp nhận tín hiệu cảm giác từ các bộ phận cơ thể. Sự kết nối được cải thiện tại đây là một phát hiện đáng ngạc nhiên, nhưng nó cho thấy có lẽ hành động đọc sách đã đưa người đọc nhập vai vào nhân vật chính.”
Khả năng đặt bản thân mình vào vị trí của người khác thông qua nhận thức hữu thể là chìa khóa để nâng cao thuyết tâm tư và cả lòng trắc ẩn. Mặc dù nghiên cứu này không trực tiếp đưa ra những kết luận trên, nhưng dường như nếu chúng ta khuyến khích con trẻ đọc sách – thay vì xem TV – thì thuyết tâm tư và khả năng đồng cảm của chúng trước những đau khổ của người khác sẽ được đề cao.
Đọc một cuốn tiểu thuyết hay cho phép trí tưởng tượng của bạn cất cánh. Tiểu thuyết cho phép bạn quên đi những rắc rối thường nhật và đưa bạn tới một thế giới kỳ thú nhưng chân thực trong tâm trí bạn. Hiếm khi nào một bộ phim dựng lại từ một cuốn sách lại có thể hay bằng chính bản thân cuốn sách đó. Thậm chí ngay cả những kỹ xảo điện ảnh tối tân nhất cũng không thể so sánh được với năng lực tái tạo hình ảnh từ trí tưởng tượng của chúng ta.
Berns kết luận, “Tối thiểu thì chúng ta có thể nói rằng đọc truyện – đặc biệt là những tác phẩm có lối tường thuật mạnh mẽ – sẽ định hình lại các mạng lưới liên kết trong não bộ trong ít nhất vài ngày. Nó cho thấy cái cách mà các câu chuyện có thể “sống“ cùng chúng ta. Điều này có ý nghĩa quan trọng với trẻ em và việc định hình bộ não của chúng.”
Tìm một cuốn tiểu thuyết hay và phù hợp với bản thân có thể không dễ dàng cho lắm. Nhưng bạn có thể bắt đầu từ những tác phẩm kinh điển đã trải qua thử thách của thời gian, hoặc bắt đầu ngay từ danh sách những tiểu thuyết bán chạy nhất trong năm qua.
Theo Psychology Today
Dịch bởi Quốc Hùng - Trithucvn.org