Nghiên cứu: Tình thương cha mẹ tác động lớn đến thành công của con sau này

nghien-cuu-tinh-thuong-cha-me-tac-dong-lon-den-thanh-cong-cua-con-sau-nay

Trong nhiều năm qua, chương trình “Sự hưng thịnh của nhân loại” của đại học Harvard đã nghiên cứu về cách nuôi dạy trẻ và tác động của nó lên quá trình phát triển và trưởng thành của trẻ sau này.

Trong nhiều năm qua, chương trình “Sự hưng thịnh của nhân loại” của đại học Harvard đã nghiên cứu về cách nuôi dạy trẻ và tác động của nó lên quá trình phát triển và trưởng thành của trẻ sau này. Kiểu nuôi dạy con về cơ bản có thể xét theo hai góc độ sau: tình thương ấm áp và kỷ luật nghiêm khắc. Dựa trên cách thể hiện nhiều hay ít của hai khía cạnh này mà ta có thể chia thành bốn kiểu nuôi dạy.

Tình thương hay kỷ luật?

Nếu cha mẹ thể hiện nhiều yêu thương nhưng vẫn giữ tính kỷ luật cao với con mình, hình thức này gọi là kiểu uy quyền. Ngược lại, quá hà khắc và ít thể hiện tình yêu dành cho con được gọi là kiểu độc tài. Cha mẹ quá yêu thương mà ít có kỷ luật sẽ được gọi là kiểu nuông chiều. Cuối cùng là kiểu thờ ơ, khi cha mẹ ít thể hiện tình thương, và ít ràng buộc kỷ luật lên con cái.

(Ảnh: Tyler J. VanderWeele)

Nghiên cứu cho thấy kết quả khá đồng nhất rằng, kiểu nuôi dạy thể hiện nhiều tình yêu thương và tính kỷ luật cao là tốt nhất dành cho trẻ.

Tuy nhiên rất nhiều nghiên cứu về đề tài này chỉ được thực hiện trên kết quả đơn lẻ và từng kết quả một. Sau khi thực nghiệm với các gia đình khác nhau, với các kiểu nuôi dạy khác nhau, vẫn khó có được một cái nhìn tổng quan về điểm yếu cũng như điểm mạnh của từng kiểu nuôi dạy.

Hơn thế nữa, đa phần các nghiên cứu đều dựa trên các mẫu tiêu biểu tại một thời điểm nhất định, điều đó có nghĩa là các dữ liệu được thu thập tại một thời điểm nhất định, thay vì thu thập nhiều lần trong suốt một khoảng thời gian. Ví dụ, nếu tình thương và sự thấu hiểu của cha mẹ là nhân tố quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ nhỏ thì liệu đó có thật sự là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả tốt đẹp về sự lớn khôn, trưởng thành của con cái không, hay nó chỉ là sự trùng hợp, ví dụ đứa trẻ vốn dĩ ngoan ngoãn, dù trong trường hợp nào nó cũng sẽ như vậy, và chính sự ngoan ngoãn đó khiến người khác yêu thương nó. Để giải quyết cho các vấn đề trên thì dữ liệu cần được thu thập nhiều lần trong một khoảng thời gian, lý tưởng nhất là được thực hiện trên các trẻ có sự phát triển lành mạnh.

Trong năm 2019, các nhà khoa học Harvard đã công bố hai nghiên cứu thực nghiệm, vào tháng một trên tạp chí Social Science and Medicine, và vào tháng năm trên tạp chí điện tử Nature Human Behavior. Cả hai nghiên cứu này đều dùng dữ liệu được thu thập trong nhiều năm, xem xét tác động của nhiều kiểu nuôi dạy khác nhau trên những trường hợp trẻ có sức khỏe tốt và hạnh phúc, sử dụng phương pháp nghiên cứu chặt chẽ hơn, và kết luận hầu như không khác so với các phát hiện trước đó. Trẻ được nuôi dạy theo kiểu uy quyền (được thương yêu nhiều nhưng vẫn có kỷ luật cao) thuộc nhóm thành công nhất sau này trong cuộc sống.

Một phát hiện thú vị của hai cuộc nghiên cứu này là: tình thương yêu của cha mẹ là nhân tố áp đảo.

Trẻ khi được nuôi dạy với tình thương dạt dào cùng với kỷ luật cao (kiểu nuôi dạy uy quyền) cho kết quả tốt nhất sau này khi trẻ khôn lớn, bên cạnh đó, nhóm trẻ được nuôi dạy với kiểu nuông chiều (được yêu thương nhiều và ít áp đặt kỷ luật) xếp ở vị trí thứ hai, mang về kết quả tốt hơn so với nhóm được nuôi dạy theo kiểu độc đoán (nghiêm khắc và không thể hiện nhiều tình thương). Không có gì ngạc nhiên khi nhóm thờ ơ lại đứng cuối danh sách (trẻ bị bỏ bê, ít được quan tâm và cũng ít bị áp đặt kỷ luật). Tóm lại, tình thương cha mẹ dành cho con mình đóng vai trò thiết yếu nhất. Khi xem xét dưới góc độ riêng lẻ thì tình thương cha mẹ vẫn là phương diện quan trọng nhất mà các nhà nghiên cứu có thể xác định.

Kết quả này đặc biệt được minh chứng cụ thể trong nghiên cứu trên tạp chí Nature Human Behaviour; xem xét nhiều khía cạnh của việc nuôi dạy con tích cực. Trong nghiên cứu này, tình thương cha mẹ ở tuổi thơ ấu (được đo lường dựa trên mức độ hài lòng trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, thường xét về yếu tố tình thương và sự gắn bó) là nhân tố trợ giúp cho trẻ trong những năm sau đó, giúp giảm 46% chứng phiền muộn, 39% chứng lo âu, 68% chứng rối loạn ăn uống, gia tăng khả năng xử lý cũng như cách bộc lộ cảm xúc, và giảm thiểu việc hút thuốc lá và cần sa.

Một yếu tố khác trong cách nuôi dạy con, như bữa ăn gia đình cũng khá quan trọng nhưng không thể so được với tình thương. Tương tự, nghiên cứu trên tạp chí Social Science and Medicine, sự ấm áp trong tình thương cha mẹ tác động sâu rộng đến sự lớn khôn và thành công của con cái sau này. Mối liên kết này lên các mặt (như sự hạnh phúc, các mối quan hệ tích cực và sự tự chấp nhận) còn lớn hơn so với các mặt khác (như tính xã hội của con trẻ), nhưng nhìn chung hầu như tất cả đều có tác động tích cực.

Nghiên cứu chỉ ra vai trò quan trọng của tình thương yêu đối với sự thịnh vượng của xã hội. “Tình yêu thương” mang nhiều ý nghĩa khác nhau với từng người khác nhau, trong nhiều ghi chép về thần học, tình yêu thương được hiểu là một khao khát và/hoặc một cam kết trong việc trao nhận tình thương giữa người với người. Khi thơ ấu, trẻ nhỏ nên biết yêu thương mọi người xung quanh, và thể hiện tình thương đó trong suốt cuộc đời của chúng, điều đó là nguồn sức mạnh to lớn tạo nên một xã hội hưng thịnh.

Bên cạnh những hành động nhằm mang lại điều tốt đẹp cho người được yêu thương, trải nghiệm về tình thương còn khẳng định giá trị thật và giá trị nội tại của một con người. Nó tạo lập một khế ước, đáp ứng khát khao cháy bỏng trong sâu thẳm của con người về mối dây liên kết với những người xung quanh. Vậy thì, không có gì là khó hiểu nếu trải nghiệm về tình thương có sức ảnh hưởng sâu sắc lên rất nhiều mặt như sức khỏe và sự hạnh phúc của con người. Tình yêu thương thường không được nhắc đến trong các cuộc thảo luận của ngành y tế hay sức khỏe cộng đồng như một yếu tố cấu thành nên sức khỏe. Nhưng có lẽ điều này sẽ thay đổi khi mà ngày càng nhiều các nghiên cứu chỉ ra tầm quan trọng của tình thương yêu.

Nghiên cứu của Harvard cũng có một số hạn chế.

Tuy nhân tố quan trọng trung tâm là trải nghiệm sự ấm áp hay tình thương của cha mẹ, rất khó để đo lường mức độ của tình thương và tính kỷ luật. Việc đo lường thường sẽ không chính xác hoàn toàn. Ước lượng mức độ kỷ luật của cha mẹ dành cho con cái không mang tính chi tiết, và không cụ thể là dưới hình thức nào. Phạm vi có thể khảo sát cùng với các dữ liệu cũng có giới hạn. Chúng không bao gồm các đánh giá về tính cách. Thực vậy, các đo lường về tính cách vẫn còn mang tính sơ khai và rất khó nghiên cứu. Nhưng chúng ta có thể kỳ vọng rằng, cách nuôi dạy con cái với tính kỷ luật tốt sẽ góp phần hình thành nhân cách cũng như đóng góp tích cực sau này khi trẻ trưởng thành. Tuy có những hạn chế nhất định, nhưng nghiên cứu cho thấy rõ ràng tầm quan trọng của những trải nghiệm về tình thương khi trẻ còn nhỏ.

Tình yêu thương có thể được trải nghiệm theo nhiều cách khác nhau, một khía cạnh là sự tha thứ. Tha thứ là bỏ qua cảm giác phẫn nộ, khó chịu khi bị xúc phạm, đó là một dạng thể hiện của tình yêu thương. Vậy, tình yêu thương cần được chú tâm nhiều hơn nữa trong khoa học thực nghiệm, trong đời sống cũng như các bài diễn thuyết công cộng, với vai trò là một nhân tố quan trọng mang lại sự hưng thịnh cho xã hội.

 

Tham khảo

Chen, Y. Kubzansky, L., and VanderWeele, T.J. (2019). Parental warmth and flourishing in mid-life. Social Science and Medicine, 220:65-72.

Chen, Y., Haines, J. Charlton, B., and VanderWeele, T.J. (2019). Positive parenting improves multiple aspects of health and well-being in young adulthoodNature Human Behavior, in press: https://doi.org/10.1038/s41562-019-0602-x.

 

Theo Tiến sĩ Tyler J. VanderWeele 

Thúy Anh biên dịch

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/us/blog/human-flourishing/201906/how-parental-love-impacts-flourishing-later-in-life

menu
menu