Nghiện thức khuya để bù đắp cho chính mình
Các chuyên gia cho rằng nhiều người nghiện thức khuya lướt mạng để bù đắp cho bản thân sau khoảng thời gian bận rộn trong ngày.
"Rõ ràng chỉ định xem thông báo, cuối cùng lại xem một loạt tin mới. Bấm điện thoại lên check tin nhắn của bạn rồi đi ngủ, vòng bạn bè lại hiện lên. Kết quả, càng xem tôi càng lướt xem càng tỉnh táo, sảng khoái và không thể dừng lại được", Tiến sĩ Xu Yi, tác giả bài viết trên The Paper, chia sẻ.
Dù biết sẽ rất khó để dậy sớm vào ngày hôm sau, nhiều lần tự hứa hôm nay sẽ đi ngủ sớm, nhưng cuối cùng ông lại lặp lại vòng luẩn quẩn lướt mạng xã hội tới khuya.
Xu Yi không phải người duy nhất vướng vào vòng lặp thức khuya - mệt mỏi - hối hận - thức khuya. Theo vị tiến sĩ, điện thoại thông minh được thiết kế để khiến con người bị nghiện.
Ngày càng nhiều người trẻ thức khuya lướt mạng, bù đắp cho bản thân sau khi bận rộn với công việc trong ngày.
Nhà tâm lý học Adler tin rằng khi một người bị thất vọng theo cách nào đó, họ sẽ vô thức sử dụng các phương pháp khác để bù đắp. Cơ chế này mang lại những lợi ích nhất định, có thể giải tỏa lo lắng, bồn chồn và duy trì sự cân bằng tâm lý, tuy nhiên nếu bù đắp quá nhiều hoặc sai phương pháp thì có thể gây ra tác dụng không tốt.
Ví dụ, một số người chán nản trong sự nghiệp sẽ chơi game điên cuồng, sử dụng chiến thắng trong trò chơi để lấy lại danh dự. Một số người thậm chí sử dụng bạo lực gia đình để đạt được cảm giác thành tựu. Đó là cơ chế trả đũa.
Khi một người dành nhiều thời gian cho công việc hay học tập trong ngày, họ không có thời gian riêng cho bản thân. Buổi tối, sau khi hoàn thành công việc, dù đã muộn, họ cũng muốn tận hưởng chút thời gian của riêng mình bằng cách xem thật nhiều tin mới để bù đắp những bận rộn đó.
Thức khuya thực chất là một sự phản kháng thầm lặng của bộ não đối với cuộc sống mệt mỏi ban ngày.
Thoát khỏi vòng luẩn quẩn
Trước khi smartphone xuất hiện, các hoạt động giải trí chủ yếu dựa vào máy tính. Dù khá thuận tiện nhưng máy tính không thể nào so sánh với điện thoại - khi người ta có thể mang theo chúng để nghe nhạc lúc đi tắm và cả đi vệ sinh.
Quan trọng là dùng điện thoại lâu có thể khiến người ta bị rơi vào "kén thông tin" mà ứng dụng đã thiết lập.
Trong thời đại big data (dữ liệu lớn), thông tin và sở thích của người dùng đã nhanh chóng bị các ứng dụng thu thập. Mỗi khi bạn tìm kiếm, thích, bình luận hay thậm chí xem video chỉ vài giây, hành động đó sẽ được thu thập và lưu trữ.
Cơ sở dữ liệu về "chân dung người dùng" nhanh chóng được phác họa. Sau đó, những nội dung phù hợp với sở thích sẽ được đẩy lên đúng với từng người dùng. Điều này khiến họ ngày càng nghiện lướt mạng.
Với nhiều người, việc dùng điện thoại 8 tiếng/ngày để làm việc và thu thập thông tin là chuyện thường. Nhưng nếu nhìn liên tục vào màn hình trong thời gian dài có thể gây khô mắt, khó chịu, giảm thị lực.
Có một số phương pháp giúp bạn thoát khỏi vòng lặp "thức khuya trả đũa". Cách tốt nhất là hãy dành một khoảng thời gian để thư giãn và ở một mình trong ngày.
Về mặt tâm lý, "một mình" có nghĩa là trạng thái cởi mở với những cảm xúc có ý nghĩa với cá nhân. Bạn có thể dừng lịch trình bận rộn để cho mình chút thời gian ngắn.
Ví dụ, cứ một giờ làm việc sẽ nghỉ ngơi 10 phút. Hít thở sâu vài cái, đứng dậy duỗi eo hoặc tán gẫu với bạn bè, chuẩn bị một bữa ăn nhẹ để bổ sung năng lượng.
Tắm nước nóng trước khi đi ngủ sẽ giúp tâm trạng tốt hơn và giảm tần suất thức khuya.
Mọi người buồn ngủ khi não tiết ra chất melatonin, sự bài tiết chất này chịu ảnh hưởng từ ánh sáng bên ngoài. Tắt đèn càng sớm sẽ giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Bạn có thể bí mật làm điều gì đó ngoài khuôn phép để thay thế cho việc "thức khuya trả đũa". "Cảm giác kiểm soát" ảnh hưởng rất nhiều đến hạnh phúc. Khi con người cảm thấy không kiểm soát được cuộc sống của mình, họ sẽ rơi vào tiêu cực và cố làm điều gì đó để bù đắp.
Nguồn: https://zingnews.vn/nghien-thuc-khuya-de-bu-dap-cho-chinh-minh-post1274958.html