Ngôn ngữ và những cách sử dụng chúng
Khi mọi người sử dụng ngôn ngữ để miêu tả một trải nghiệm, suy nghĩ và cảm xúc của họ được định hình sâu sắc bởi cách mà họ sử dụng ngôn ngữ nhiều hơn là cảm xúc của họ trong trải nghiệm gốc.
Con người có khả năng sử dụng những ngôn ngữ phức tạp tốt hơn bất kỳ loài động vật nào trên Trái Đất. Ngôn ngữ thường xuyên được chúng ta sử dụng để giao tiếp với nhau, hay thậm chí là để xây dựng và duy trì xã hội loài người. Việc sử dụng ngôn ngữ cùng với tính xã hội của loài người là hai nhân tố không thể tách rời của Homo sapiens với tư cách một loài động vật sinh học.
Mục tiêu bài viết
- Xác định những thuật ngữ cơ bản để miêu tả việc sử dụng ngôn ngữ.
- Miêu tả quá trình chúng ta trao đổi thông tin thông qua việc sử dụng ngôn ngữ.
- Mô tả một số đặc điểm tiêu biểu của một cuộc hội thoại và ý nghĩa xã hội của chúng.
- Mô tả các hệ quả về mặt tâm lí của việc sử dụng ngôn ngữ và các ví dụ.
Giới thiệu
Hãy tưởng tượng hai người đàn ông tầm 30 tuổi, Adam và Ben, đang rảo bước trên hành lang. Phán đoán dựa vào phong cách ăn mặc, họ là những danh nhân trẻ tuổi, đang trong giờ nghỉ trưa. Hai người sau đó có một cuộc trò chuyện như sau:
Adam: Anh biết không, Gary vừa mua một chiếc nhẫn đấy.
Ben: Oh? Cho Mary đúng không? (Adam gật đầu)
Nếu bạn đang tưởng tượng cảnh tượng trên và lắng nghe cuộc đối thoại của họ, bạn có thể suy ra được gì? Đầu tiên, bạn hẳn sẽ đoán được rằng Gary đã mua một chiếc nhẫn cho Mary, không cần biết Gary và Mary là ai. Có thể bạn dễ dàng suy ra là Gary và Mary sắp kết hôn. Ngoài ra còn gì nữa? Có khả năng Adam và Ben là đồng nghiệp khá thân thiết với nhau, và cả hai người đều biết khá rõ về Gary và Marry. Nói cách khác, bạn có thể đoán được mối quan hệ xã hội của những người đang tham gia cuộc đối thoại và những người được nhắc đến trong cuộc đối thoại đó.
Ngôn ngữ được sử dụng trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Nếu tâm lí học là ngành khoa học về hành vi, thì nghiên cứu về việc sử dụng ngôn ngữ phải là một trong những chủ đề quan trọng nhất - do việc sử dụng ngôn ngữ cực kì phổ biến. Mỗi cộng đồng con người đều có một ngôn ngữ, trẻ sơ sinh (trừ những trẻ không may bị khuyết tật) học được ít nhất một ngôn ngữ mà không cần được dạy một cách bài bản. Thậm chí khi những đứa trẻ không có một vốn ngôn ngữ hoàn chỉnh được tập hợp lại với nhau, chúng có thể tự tạo ra và sử dụng ngôn ngữ riêng của chúng. Có một ví dụ trên thực tế về việc nhiều đứa trẻ với vốn từ hạn chế được tập hợp lại và bắt đầu phát triển một ngôn ngữ một cách tự nhiên với rất ít sự can thiệp từ người lớn. Tại Nicaragua những năm 1980, một nhóm trẻ khiếm thính được nuôi dưỡng ở nhiều nơi khác nhau được đưa đến trường học lần đầu tiên. Các giáo viên đã cố gắng dạy chúng tiếng Tây Ban Nha nhưng không thành công. Tuy nhiên, họ bắt đầu chú ý khi những đứa trẻ dùng tay và những cử chỉ, dường như để giao tiếp với nhau. Khi các nhà ngôn ngữ học vào cuộc để tìm hiểu về hiện tượng này - hóa ra những đứa trẻ đã tự sáng tạo ngôn ngữ ký hiệu của riêng chúng. Và đó là sự ra đời của một ngôn ngữ hoàn toàn mới, ngôn ngữ ký hiệu Nicaragua. Ngôn ngữ có ở khắp mọi nơi, và con người chúng ta được sinh ra để sử dụng chúng.
Chúng ta sử dụng ngôn ngữ như thế nào?
Nếu ngôn ngữ phổ biến đến vậy, thế chúng ta thực sự sử dụng chúng như thế nào? Một điều chắc chắn, một số người sử dụng chúng để viết nhật kí và làm thơ, nhưng hình thức cơ bản và quan trọng nhất của việc sử dụng ngôn ngữ là để giao tiếp giữa những cá thể với nhau. Đó là cách mà chúng ta học ngôn ngữ và cách mà chúng ta sử dụng chúng. Giống với Adam và Ben, chúng ta trao đổi từ ngữ và lời nói để giao tiếp với những người khác. Hãy lấy một ví dụ đơn giản nhất giữa hai người, Adam và Ben, đang nói chuyện với nhau. Theo Clark (1999), để có thể duy trì một cuộc đối thoại, những người tham gia phải nắm được cơ sở chung của cuộc trò chuyện. Cơ sở chung là nền tảng kiến thức chung của người nói và người nghe và họ nghĩ, họ cho rằng, hoặc mặc định là người còn lại có chung một hiểu biết với họ. Giống như khi Adam nói, “ Gary vừa mua một chiếc nhẫn,” anh ta mặc định là Ben hiểu ý nghĩa của những từ anh vừa nói, hiểu Gary là ai, và mua một chiếc nhẫn có nghĩa là gì. Khi Ben đáp, “Cho Mary đúng không,” anh ta cũng mặc định là Adam hiểu nghĩa những gì anh vừa nói, hiểu Mary là ai, và việc mua một chiếc nhẫn cho ai đó nghĩa là gì. Tất cả những hiểu biết trên được gọi là cơ sở chung của cuộc trò chuyện.
Lưu ý rằng, khi Adam nêu thông tin rằng Gary đã mua một chiếc nhẫn, Ben đáp lại bằng cách nêu lên suy đoán của anh ta về việc người nhận chiếc nhẫn là ai, cụ thể là Mary. Theo thuật ngữ đàm thoại, thì lời nói của Ben là minh chứng cho việc anh ấy hiểu những gì Adam nói__”Ừ, tôi đã hiểu là Gary đã mua một chiếc nhẫn”__ và hành động gật đầu của Adam là minh chứng cho việc anh cũng hiểu những gì Ben nói__”Ừ, tôi đã hiểu là anh hiểu ý của tôi là Gary đã mua một chiếc nhẫn”. Thông tin mới này ngay lập tức được thêm vào cơ sở chung giữa hai người. Do đó, cặp đối thoại giữa Adam và Ben (adjacency pair) cùng với cái gật đầu xác nhận đã hoàn thành một mệnh đề, “Gary mua một chiếc nhẫn cho Mary,” và điều này bổ sung thông tin cho cơ sở chung giữa hai người. Bằng cách này, cơ sở chung quyết định cách mà chúng ta nói, nhận vào thông tin mà cả hai đồng ý và minh chứng cho sự hiểu biết chung giữa hai người. Cơ sở chung phát triển khi những người tham gia cuộc hội thoại thay phiên nhau giữ vai trò người nói và người nghe, và tích cực trao đổi nói chuyện với nhau.
Cơ sở chung giúp điều chỉnh cách mọi người sử dụng ngôn ngữ. Ví dụ, nếu một người nói điều gì đó với người còn lại, anh ấy hoặc cô ấy sẽ điều chỉnh lời nói dựa vào cơ sở chung, nghĩa là những gì người nói nghĩ người nghe biết. Adam nói những gì anh đã nói bởi vì anh biết Ben sẽ biết Gary là ai. Nếu người nghe là một đồng nghiệp khác không biết gì về Gary, anh sẽ nói “Một người bạn của tôi sắp kết hôn”. Hiện tượng trên gọi là điều chỉnh khán giả (Audience design); người nói thiết kế lời nói cho những người nghe dựa vào hiểu biết của họ. Nếu những người nghe được người nói nhìn nhận là có vốn hiểu biết về một đối tượng được nhắc tới (Ben biết Gary), người nói có xu hướng sử dụng một nhãn mác ngắn gọn cho đối tượng ấy (Gary); đối với người nghe có ít hiểu biết về đối tượng, người nói có xu hướng dùng nhiều từ miêu tả hơn (Một người bạn của tôi) để giúp người nghe hiểu được ý của họ (Box 1).
Box 1. Điều chỉnh cách dùng từ bằng phương pháp điều chỉnh khán giả Trong một nghiên cứu có hệ thống về điều chỉnh khán giả, Fussell và Krauss (1992) phát hiện rằng khi nói về những người của công chúng, người nói thường thêm vào nhiều thông tin miêu tả (ngoại hình, địa vị) khi nói về những người kém nổi (Kevin Kline, Carl Icahn) hơn là những người nổi tiếng (Woody Allen, Clint Eastwood) để người nghe có thể hiểu là họ đang nói về ai. Một thí nghiệm tương tự từ Isaacs và Clark (1987) chỉ ra rằng những người quen thuộc với New York có thể nhanh chóng dự đoán mức độ thân thuộc với thành phố của người nghe và điều chỉnh cách giới thiệu về địa danh thành phố như cầu Brooklyn và sân vận động Yankee để người nghe dễ hiểu hơn. Nói chung, Grice (1975) đề xuất rằng người nói thường tuân theo một vài quy tắc giao tiếp nhất định bằng cách cố gắng cung cấp thông tin, thành thật, hữu ích, rõ ràng và rành mạch. |
Ta đã biết sử dụng ngôn ngữ là một hành động mang tính phối hợp, nhưng ta làm thế nào để điều chỉnh việc sử dụng ngôn ngữ của mình trong bối cảnh hội thoại? Giả sử chúng ta có một cuộc trò chuyện trong một nhóm người nhỏ với số người tham gia cuộc trò chuyện hiếm khi vượt quá 4 người. Theo một số thống kê, hơn 90 phần trăm những cuộc hội thoại diễn ra trong một nhóm với 4 người hoặc ít hơn. Một điều chắc chắn là phối hợp trong một cuộc hội thoại giữa 4 người sẽ dễ dàng hơn một cuộc hội thoại giữa 10 người. Nhưng thậm chí ngay cả khi chỉ giữa 4 người với nhau, nếu chúng ta nghĩ về nó, cuộc trò chuyện mỗi ngày gần như là một thành tựu phi thường. Chúng ta thường có những cuộc trò chuyện chớp nhoáng bằng cách trao đổi từ và câu ở thời gian thực trong môi trường ồn ào. Hãy nghĩ về những cuộc trò chuyện của bạn ở nhà, ở trạm xe bus, ở trung tâm mua sắm. Làm thế nào mà chúng ta có thể theo dõi cơ sở chung trong những trường hợp như vậy?
Pickering và Garrod (2004) cho rằng chúng ta có thể phối hợp cuộc trò chuyện là nhờ khả năng sắp xếp tương tác hành động của nhau ở các cấp độ sử dụng ngôn ngữ khác nhau: vốn từ (lexicon), cú pháp (syntax), cũng như tốc độ nói và trọng âm. Ví dụ, khi một người sử dụng một lối diễn đạt nhất định để chỉ một đối tượng trong cuộc trò chuyện, người còn lại có xu hướng sử dụng cùng một lối diễn đạt đó. Thú vị hơn, nếu một người nói “chàng cao bồi tặng một quả chuối cho tên cướp” thay vì “chàng cao bồi tặng tên cướp một quả chuối”, những người còn lại có xu hướng sử dụng những cấu trúc ngữ pháp tương tự (“cô gái đưa quyển sách cho chàng trai” thay vì “cô gái đưa chàng trai quyển sách”) ngay cả khi dùng những từ khác nhau. Cuối cùng, những người trong cuộc trò chuyện có xu hướng thể hiện cùng một giọng và tốc độ nói, và chúng thường gắn liền với danh tính xã hội của mọi người. Do đó, nếu bạn đã từng sống ở nhiều khu vực nơi mà mọi người có giọng hơi khác nhau (vd nước Mỹ và nước Anh), bạn có thể nhận thấy rằng khi bạn dùng giọng Mỹ khi nói chuyện với người Mỹ và dùng giọng Anh khi nói chuyện với người Anh.
Pickering và Garrod (2004) cho rằng liên kết giữa các cá nhân ở các cấp độ sử dụng ngôn ngữ khác nhau có thể kích hoạt các mô hình tình huống (situation models) tương tự trong đầu của những người tham gia cuộc trò chuyện. Mô hình tình huống đại diện cho chủ đề của cuộc trò chuyện. Nếu bạn đang nói về Gary và Mary với bạn bè của bạn, bạn có thể có một mô hình tình huống về Gary đưa cho Mary một chiếc nhẫn diễn ra trong đầu của bạn. Theo lí thuyết của Pickering và Garrod, khi bạn miêu tả tình huống này bằng cách sử dụng ngôn ngữ, những người khác trong cuộc trò chuyện sẽ bắt đầu sử dụng từ vựng và cú pháp tương tự và nhiều khía cạnh khác của ngôn ngữ được tập hợp lại. Khi các bạn làm vậy, các mô hình tình huống giống nhau bắt đầu được xây dựng trong tâm trí của tất cả mọi người thông qua một cơ chế có tên mồi (primming). Mồi xuất hiện khi bạn nghĩ về một khái niệm (nhẫn) gợi cho bạn về một khái niệm liên quan khác (hôn nhân, lễ cưới). Vậy nếu tất cả mọi người trong cuộc trò chuyện biết về Gary, Mary và chuỗi sự kiện có liên quan đến một chiếc nhẫn - đính hôn, đám cưới, hôn nhân, vân vân - tất cả đều có khả năng xây dựng một mô hình tình huống chung về Gary và Mary. Nhờ sử dụng khả năng bắt chước các cá nhân khác phát triển và kĩ năng nhận thức để để suy luận, con người chúng ta phối hợp dựa trên cơ sở chung, chia sẻ mô hình tình huống và giao tiếp với nhau.
Chúng ta nói về những gì?
Con người chúng ta làm gì khi đang nói chuyện? Chắc chắn, chúng ta có thể giao tiếp về những thứ tầm thường như tối nay ăn món gì, nhưng cũng nói về những điều phức tạp và trừu tượng hơn như ý nghĩa của sự sống và cái chết, tự do, bình đẳng, tình bạn, và rất nhiều những suy nghĩ triết học khác. Thực ra, khi quan sát những cuộc trò chuyện diễn ra một cách tự nhiên, tận 60%-70% những cuộc trò chuyện hàng ngày của cả nam giới và nữ giới, hóa ra là chuyện phiếm - mọi người thường nói về bản thân họ và những người họ biết. Cũng như Adam và Ben, con người sử dụng ngôn ngữ đề giao tiếp về thế giới xã hội của họ nhiều hơn để nói về những chủ đề khác.
Song việc ngồi lê đôi mách nghe có vẻ tầm thường và hạ thấp khả năng ngôn ngữ cao quý của chúng ta, không nghi ngờ gì là một trong những khả năng nổi bật của con người giúp phân biệt chúng ta với những loài động vật khác. Ngược lại, một số người lại cho rằng tám chuyện - hành động suy nghĩ và giao tiếp về thế giới xã hội của con người - là một trong những ứng dụng quan trọng nhất của ngôn ngữ. Dunbar (1996) phỏng đoán rằng hành vi tám chuyện ở con người tương tự như chải chuốt ở khỉ và các loài linh trưởng, khi hành vi quan tâm lẫn nhau được thể hiện qua việc chải chuốt, làm sạch bộ lông của nhau. Ông cho rằng đó là hành động mang tính xã hội, thể hiện rằng đối tác quan trọng như thế nào đối với một cá nhân. Hơn nữa, thông qua việc nói chuyện phiếm, con người có thể giao tiếp và chia sẻ góc nhìn của của bản thân về vòng tròn xã hội của họ, bạn bè và kẻ thù của họ là ai, nên làm gì trước những hoàn cảnh nhất định, vân vân. Bằng cách đó, họ có thể điều chỉnh vòng tròn xã hội của họ, kết bạn nhiều hơn và mở rộng nội nhóm (ingroup, hội nhóm hay cộng động mà một người thuộc về) để chống lại những nhóm khác (outgroups) có khả năng trở thành kẻ thù của họ. Dunbar lập luận rằng chính những tác động xã hội trên đã mang lại cho con người lợi thế tiến hóa và bộ não lớn hơn, từ đó giúp con người suy nghĩ được những vấn đề phức tạp và trừu tượng hơn và quan trọng hơn là giúp duy trì nội nhóm lớn hơn. Dunbar (1993) đã phát minh một phương trình ước tính quy mô trung bình của cộng đồng của loài linh trưởng từ kích thước vỏ não của chúng (phần não chịu trách nhiệm cho những hoạt động nhận thức bậc cao). Dựa trên thuyết bộ não xã hội của bản thân (social brain hypothesis), Dunbar chỉ ra rằng những chi linh trưởng có bộ não lớn hơn có xu hướng sống trong những cộng đồng lớn hơn. Xa hơn nữa, nhờ áp dụng phương trình trên, ông có thể ước tính được quy mô cộng đồng trung bình mà một người có thể có, kết quả là 150 người - xấp xỉ quy mô của một cộng đồng săn bắn hái lượm hiện đại. Dunbar lập luận rằng ngôn ngữ, bộ não và cộng đồng tiến hóa cùng nhau, ngôn ngữ và tập tính xã hội của con người là không thể tách rời.
Lý thuyết của Dunbar gây ra nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, dù ông có đúng hay không, việc sử dụng ngôn ngữ hàng ngày của chúng ta thường góp phần không nhỏ để duy trì cấu trúc hiện tại của các mối quan hệ xã hội. Cách chúng ta sử dụng ngôn ngữ có thể định hình cách chúng ta nhìn nhận thế giới xã hội của bản thân. Một điều thú vị là, có những dấu hiệu tinh tế trong ngôn ngữ mà mọi người dùng để truyền đạt mức độ mà hành động của ai đó chỉ là một trường hợp đặc biệt trong một bối cảnh nhất định hoặc là một khuôn mẫu đã xảy ra trên nhiều bối cảnh, hay nói cách khác là một đặc điểm tính cách của người đó. Theo Semin và Fiedle (1988), hành động của một người có thể được miêu tả bằng động từ thường để chỉ một hành động cụ thể (anh ta đang chạy), động từ trạng thái để chỉ trạng thái tâm lí (anh ta thích chạy), tính từ để chỉ tính cách, đặc điểm (anh ta rất khỏe), hoặc danh từ để chỉ vai trò (anh ta là một vận động viên). Tùy thuộc vào động từ hoặc tính từ (hoặc danh từ) được sử dụng, người nói có thể truyền đạt tính thường xuyên và ổn định của xu hướng hành động theo một cách nhất định của một cá nhân, giống như động từ truyền đạt tính cụ thể, trong khi tính từ truyền đạt tính lâu đài. Thú vị hơn, mọi người có xu hướng miêu tả một hành động tích cực của thành viên trong nội nhóm của họ bằng tính từ (anh ấy rất hào phóng) hơn là bằng động từ (anh ấy cho một người mù tiền), và một hành động tiêu cực của người ngoài nhóm bằng tính từ (hắn ta rất độc ác) hơn là bằng động từ (thằng ấy đá một con chó). Maass, Salvi, Arcuri, và Semin (1989) gọi đây là sự thiên vị bằng ngôn ngữ giữa các nhóm (linguistic intergroup bias), thiên kiến này có thể tạo ra hình ảnh đại diện cho mối quan hệ giữa các nhóm bằng cách cách tô vẽ hình ảnh đẹp cho nhóm của bản thân. Điều này có nghĩa là các thành viên trong nhóm đều là người tốt, và nếu họ có làm gì sai, đó là ngoại lệ trong bối cảnh đặc biệt, người ngoài nhóm đều là người xấu, và nếu họ có làm gì tốt, đó cũng là ngoại lệ.
Box 2. Cảm xúc và lời nói Con người có xu hướng kể những câu chuyện mang tính khơi gợi cảm xúc mãnh liệt. Những câu chuyện trên có thể lan truyền đến nhiều nơi nhờ mạng lưới xã hội của con người. Khi một nhóm gồm 33 sinh viên tâm lí tham quan một nhà xác trong thành phố (rõ ràng là một trải nghiệm đáng nhớ với nhiều người), họ chia sẻ trải nghiệm của bản thân với trung bình 6 người; từng người được nghe kể lại kể cho một người khác, người đó tiếp tục kể cho một người khác nữa. Đến lần thứ ba câu chuyện được kể lại, 881 người đã nghe về câu chuyện này trong khu dân cư chỉ trong vòng 10 ngày. Nếu mỗi người trong cộng đồng được liên kết với 6 người khác, và nếu một chuỗi câu chuyện được truyền đi hàng trăm bước thông qua Internet, khả năng một câu chuyện phiếm đầy cảm xúc chu du qua một mạng lưới xã hội khổng lồ không phải là không có khả năng. Không thể phủ nhận, truyền thuyết đô thị khơi gợi những cảm xúc sợ hãi và kinh tởm có xu hướng lan truyền thông qua không gian mạng và trở nên phổ biến trên Internet. |
Bên cạnh đó, khi mọi người trao đổi những câu chuyện phiếm của họ, nó có thể lan truyền qua những mạng lưới xã hội rộng hơn nữa. Nếu câu chuyện được truyền từ một người sang người thứ hai, người thứ hai có thể truyền cho người thứ ba, người này sau đó tiếp tục truyền cho người thứ tư, và cứ như vậy thông qua một chuỗi giao tiếp. Điều này hay xuất hiện ở những câu truyện khơi gợi cảm xúc (Box 2). Nếu những câu chuyện phiếm được kể lại nhiều lần và truyền miệng, nó có thể đến tai rất nhiều người. Khi các câu chuyện được truyền qua nhiều chuỗi giao tiếp, chúng có xu hướng bị quy ước hóa. Có một truyền thuyết của người Mỹ bản địa về “Cuộc chiến của những hồn ma” kể lại câu chuyện về cuộc gặp gỡ của một chiến binh với những hồn ma trên ca nô và trận chiến quỷ dị của anh với chúng. Anh bị trúng tên nhưng không chết, sống sót trở về để kể lại câu chuyện. Tuy nhiên, ngay sau khi thuật lại xong câu chuyện, anh ta trở nên đông cứng, một thứ đen kịt tuôn ra từ miệng anh, và anh mất. Khi câu chuyện được kể lại cho sinh viên ở Anh những năm 1920 và được kể lại bằng trí nhớ cho nhiều người khác, những người ấy tiếp tục kể cho nhiều người khác nữa, cứ như thế qua nhiều chuỗi giao tiếp, câu truyện trở thành chuyện về một chiến binh trên chiến trường, ca nô trở thành những chiếc thuyền, và thứ đen kịt từ miệng anh đơn giản trở thành linh hồn của anh. Nói cách khác, thông tin được thuật lại nhiều lần đã biến tấu thành một thứ dễ hiểu hơn cho nhiều người, tức là thông tin đã được đồng hóa vào cơ sở chung được hiểu bởi hầu hết những người trong cộng đồng ngôn ngữ. Gần đây hơn, Kashima (2000) đã tiến hành thí nghiệm tương tự bằng cách sử dụng một câu chuyện chứa một chuỗi sự kiện miêu tả sự tương tác của một cặp đôi trẻ bao gồm cả hành động mang tính định kiến và phản định kiến (Vd một người đàn ông xem thể thao trên tv vào chủ nhật và một người đàn ông hút bụi trong nhà). Sau khi được thuật lại nhiều lần, một lượng lớn thông tin phản định kiến bị loại bỏ, và thông tin mang tính định kiến có nhiều khả năng được giữ lại hơn. Vì định kiến là một phần của cơ sở chung trong cộng đồng, phát hiện này cũng cho thấy các câu chuyện được kể lại có nhiều khả năng tái tạo và giữ lại những nội dung thường thấy trong xã hội.
Những hệ quả tâm lí của việc sử dụng ngôn ngữ
Những hệ quả tâm lí của việc sử dụng ngôn ngữ là gì? Khi mọi người sử dụng ngôn ngữ để miêu tả một trải nghiệm, suy nghĩ và cảm xúc của họ được định hình sâu sắc bởi cách mà họ sử dụng ngôn ngữ nhiều hơn là cảm xúc của họ trong trải nghiệm gốc. Ví dụ, Halberstadt (2003) cho những người tham gia xem bức ảnh một người thể hiện một cảm xúc không rõ ràng và quan sát những người tham gia đánh giá cảm xúc ấy. Khi mọi người giải thích lí do người trong hình mang một nét mặt như thế, họ có xu hướng nhớ tới hình ảnh người trong ảnh cảm nhận về cảm xúc đó như thế nào hơn là chỉ đơn giản gắn nhãn cho cảm xúc.
Do đó, nói về cảm xúc của ai đó dường như làm sai lệch trí nhớ của người nói về cảm xúc của người đó. Hơn nữa, việc tự gắn nhãn trải nghiệm cảm xúc của chính mình dường như làm thay đổi quá xử lí thần kinh của người nói. Khi mọi người gắn nhãn những hình ảnh tiêu cực, hạch hạnh nhân - một bộ phận não chịu trách nhiệm xử lí các cảm xúc tiêu cực như sợ hãi - được kích hoạt ít hơn so với khi họ không có cơ hội để gắn nhãn chúng. Nhờ những tác động của việc diễn đạt cảm xúc bằng lời nói, việc nói ra các sự kiện tiêu cực trong cuộc sống có thể có tác dụng tích cực với những người phải chịu đựng nhiều trải nghiệm đau thương (Pennebaker & Seagal, 1999). Các nhà tâm lí học Lyubomirsky, Sousa và Dickerhoof (2006) phát hiện rằng viết và nói về những sự kiện tiêu cực trong cuộc sống giúp cải thiện sức khỏe tinh thần của chúng ta, trong khi chỉ nghĩ về điều đó thôi lại khiến tình hình tồi tệ hơn.
Box 3. Giả thuyết Sapir-Whorf Một ví dụ của giả thuyết Sapir-Whorf đến từ sự so sánh giữa người nói tiếng Anh và tiếng Trung. Trong tiếng Anh, thời gian thường được miêu tả ẩn dụ theo hướng trước và sau. Ví dụ “good times are ahead of us” hoặc “hardship can be left behind us”. Chúng ta có thể “move a meeting forward or backward”. Tiếng Trung cũng sử dụng phép ẩn dụ trước và sau nhưng cũng sử dụng phép ẩn dụ trên và dưới. Ví dụ, tháng trước được gọi là shang ge yue hoặc tháng ở dưới, và tháng sau được gọi là xia ge yue hoặc tháng ở trên. Nói cách khác, dòng thời gian trôi theo hàng ngang trong tiếng Anh nhưng lại trôi theo cả hàng ngang lẫn hàng dọc trong tiếng Trung? Liệu điều này có ảnh hưởng gì đến nhận thức của người nói tiếng Anh và người nói tiếng Trung không? Đây là những gì Boroditsky (2000) phát hiện. Đầu tiên, người nói tiếng Anh và người nói tiếng Trung nhận biết những câu dùng phép hàng ngang (vd tháng 6 đến trước tháng 8) không có nhiều khác biệt. Khi họ được cho xem những bức hình thể hiện vị trí hàng ngang (vd con sâu đen ở trước con sâu trắng), họ dễ dàng đọc và hiểu nhanh hơn khi được xem những bức hình thể hiện vị trí hàng dọc (vd quả bóng đen ở trên quả bóng trắng). Đều này ngụ ý rằng nghĩ về vị trí hàng ngang (trước và sau) đã mồi (gợi nhắc) người nói tiếng Anh và tiếng Trung về phép ẩn dụ hàng ngang dùng để miêu tả thời gian. Tuy nhiên, nhận thức của người nói tiếng Anh và tiếng Trung lại khác nhau đối với những câu không dùng phép ẩn dụ không gian như “August is later than June”. Khi được mồi bởi những câu chỉ vị trí hàng dọc trong không gian, người nói tiếng Trung hiểu câu nói nhanh hơn trong khi người nói tiếng Anh thì chậm hơn, khác với khi họ được mồi bởi vị trí hàng ngang. Dường như những người nói tiếng Anh không quen với việc suy nghĩ về ngày tháng theo hàng dọc, trên và dưới. Chắc chắn, nếu được rèn luyện để làm thể, khả năng hiểu của họ sẽ tương tự như người nói tiếng Trung. |
Một ảnh hưởng khác của ngôn ngữ, nếu một kiểu sử dụng ngôn ngữ (linguistic practice) được lặp lại nhiều lần bởi một lượng lớn người trong cộng đồng, nó có thể ảnh hưởng sâu sắc đến cách mọi người nghĩ và hành động. Khái niệm này được gọi là giả thuyết Sapir Whorf (box 3). Ví dụ, nếu bạn được đưa bảng mô tả về một người đàn ông tên Steven, người có nhiều trải nghiệm hơn mức trung bình của thế giới (ví dụ đi dụ lịch nhiều, kinh nghiệm việc làm đa dạng), có nền tảng gia đình tốt và kĩ năng xã hội nổi trội, bạn sẽ miêu tả Steven như thế nào? Bạn nghĩ bạn có thể nhớ được tính cách của anh sau 5 ngày không? Chắc là không. Nhưng nếu bạn biết tiếng Trung và đọc mô tả của Steven trong tiếng Trung, như Hoffman, Lau, và Johnson (1986) đã mô tả, khả năng cao là bạn sẽ nhớ anh ta khá rõ. Điều này là do tiếng Anh không có từ nào để miêu tả loại tính cách này, trong khi tiếng Trung có từ shì gù. Bằng cách này, ngôn ngữ mà bạn sử dụng có thể ảnh hưởng đến nhận thức của bạn. Thậm chí một số người khẳng định ngôn ngữ quyết định suy nghĩ, nhưng điều này là sai. Ngôn ngữ không hoàn toàn quyết định cách mà chúng ta nghĩ - suy nghĩ của chúng ta quá linh hoạt để bị điều khiển như thế - nhưng thói quen sử dụng ngôn ngữ có tác động đến thói quen suy nghĩ và hành động của chúng ta. Ví dụ, một số dạng ngôn ngữ dường như gắn liền với các giá trị văn hóa và thể chế xã hội. Lược bỏ đại từ là một ví dụ điển hình. Những đại từ như “I” và “you” được dùng để chỉ người nói và người nghe trong tiếng Anh. Trong một câu tiếng Anh, những đại từ này không thể được lược bỏ nếu chúng đóng vai trò là chủ ngữ trong câu. Nên câu “I went to the movie last night” là đúng, nhưng “Went to the movie last night” không phải là tiếng Anh tiêu chuẩn. Tuy nhiên trong những ngôn ngữ khác như tiếng Nhật, đại từ được phép, thậm chí là thường xuyên bị lược bỏ khỏi câu. Hóa ra những người sống tại các quốc gia nơi mà việc lược bỏ đại từ trong ngôn ngữ được chấp nhận có xu hướng đề cao giá trị tập thể hơn (vd nhân viên trung thành hơn với công ty) những người sử dụng ngôn ngữ không lược bỏ đại từ như tiếng Anh. Nhiều người cho rằng chính sự phân biệt rõ ràng giữa “I” và “you” nhắc nhở người nói về khác biệt giữa bản thân và người khác và sự khác biệt giữa các cá nhân. Những lối dùng từ như vậy đóng vai trò như lời nhắc nhở thường xuyên về giá trị văn hóa, do đó thúc đẩy mọi người hành động dựa trên cách họ nói.
Kết luận
Ngôn ngữ và hành động sử dụng ngôn ngữ là nhân tố thiết yếu trong tâm lí con người. Ngôn ngữ là công cụ thiết yếu cấu thành nên thế giới mà chúng ta đang sống ngày hôm nay. Liệu bạn có tưởng tượng một thế giới nơi mà máy móc được lắp ráp, những nông trại được cày cấy, và hàng hóa và dịch vụ được vận chuyển đến hộ gia đình của chúng ta mà không có ngôn ngữ? Liệu chúng ta có thể tạo ra luật lệ, đàm phán hợp đồng, thực thi các thỏa thuận và giải quyết tranh chấp mà không nói một từ nào? Phần lớn nền văn minh đương đại của con người sẽ không tồn tại nếu thiếu đi khả năng phát triển và sử dụng ngôn ngữ của con người. Giống như tháp Babel, ngôn ngữ có thể chia rẽ nhân loại, tuy nhiên cốt lõi chung của xã hội loài người bao gồm khả năng sử dụng ngôn ngữ bẩm sinh. Liệu chúng ta có thể sử dụng công cụ này một cách khôn ngoan hay không là một thách thức trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay.
Tham khảo thêm
- Bartlett, F. C. (1932). Remembering: A study in experimental and social psychology. Cambridge, UK: Cambridge University Press.
- Branigan, H. P., Pickering, M. J., & Cleland, A. A. (2000). Syntactic co-ordination in dialogue. Cognition, 75, B13–25.
- Clark, H. H. (1996). Using language. Cambridge, UK: Cambridge University Press.
- Clark, H. H., & Wilkes-Gibbs, D. (1986). Referring as a collaborative process. Cognition, 22, 1–39.
- Dunbar, R. (1996). Grooming, gossip, and the evolution of language. Boston, MA: Harvard University Press.
- Dunbar, R. I. M. (1993). Coevolution of neorcortical size, group size and language in humans. Behavioral and Brain Sciences, 16, 681–735.
- Dunbar, R. I. M., Duncan, N. D. C., & Nettle, D. (1995). Size and structure of freely forming conversational groups. Human Nature, 6, 67–78.
- Dunbar, R. I. M., Marriott, A., & Duncan, N. D. C. (1997). Human conversational behaviour. Human Nature, 8, 231–246.
- Fussell, S. R., & Krauss, R. M. (1992). Coordination of knowledge in communication: Effects of speakers’ assumptions about what others know. Journal of Personality and Social Psychology, 62, 378–391.
- Giles, H., Coupland, N., & Coupland, J. (1991) Accommodation theory: Communication, context, and consequence. In H. Giles, J. Coupland, & N. Coupland (Eds.), Contexts of accommodation: Developments in applied sociolinguistics (pp. 1–68). Cambridge, UK: Cambridge University Press.
- Halberstadt, J. (2003). The paradox of emotion attribution: Explanation biases perceptual memory for emotional expressions. Current Directions in Psychological Science, 12, 197–201.
- Hoffman, C., Lau, I., & Johnson, D. R. (1986). The linguistic relativity of person cognition: An English-Chinese comparison. Journal of Personality and Social Psychology, 51, 1097–1105.
- Holtgraves, T. M., & Kashima, Y. (2008). Language, meaning, and social cognition. Personality and Social Psychology Review, 12, 73–94.
- James, J. (1953). The distribution of free-forming small group size. American Sociological Review, 18, 569–570.
- Kashima, E., & Kashima, Y. (1998). Culture and language: The case of cultural dimensions and personal pronoun use. Journal of Cross-Cultural Psychology, 29, 461–486.
- Kashima, Y. (2000). Maintaining cultural stereotypes in the serial reproduction of narratives. Personality and Social Psychology Bulletin, 26, 594–604.
- Kegl, J., Senghas, A., & Coppola, M. (1999). Creation through contact: Sign language emergence and sign language change in Nicaragua. In M. DeGraff (Ed.), Language creation and language change Creolization, diachrony, and development (pp. 179–237). Cambridge, MA: The MIT Press.
- Lieberman, M., Eisenberger, N. I., Crockett, M. J., Tom, S. M., Pfeifer, J. H., & Way, B. W. (2007). Putting feelings into words. Psychological Science, 18, 421–428.
- Lyubomirsky, S., Sousa, L., & Dickerhoof, R. (2006). The costs and benefits of writing, talking, and thinking about life’s triumphs and defeats. Journal of Personality and Social Psychology, 90, 692–708.
- Maass, A., Salvi, D., Arcuri, L., & Semin, G. (1989). Language use in intergroup contexts: The linguistic intergroup bias. Journal of Personality and Social Psychology, 57, 981–993.
- Pennebaker, J. W., & Seagal, J. (1999). Forming a story: The health benefits of narrative. Journal of Clinical Psychology, 55, 1243–1254.
- Pickering, M. J., & Garrod, S. (2004). Toward a mechanistic psychology of dialogue. Behavioral and Brain Sciences, 27, 169–226.
- Sapir, E. (1921). Language: An introduction to the study of speech. New York, NY: Harcourt Brace.
- Semin, G., & Fiedler, K. (1988). The cognitive functions of linguistic categories in describing persons: Social cognition and language. Journal of Personality and Social Psychology, 54, 558–568.
- Whorf, B. L. (1956). Language, thought, and reality (J. B. Carroll, Ed.). Cambridge, MA: MIT Press.
Dịch: Hồng Ngọc
Nguồn: https://nobaproject.com/modules/language-and-language-use?fbclid=IwAR0LaD9lhZnUdjt3-4w2WMo_6iAM26AJYsQ1C_zPT3w6LE_22GbJptQj9Sg#content