Người đọc sách không bao giờ cô đơn – The School Of Life

nguoi-doc-sach-khong-bao-gio-co-don-the-school-of-life

Những cuốn sách hiểu rõ con người ta giống như người cha, người mẹ yêu quý hoặc người bạn thân chí cốt luôn chấp nhận, và chịu đựng được những xúc cảm kì quặc sâu kín nhất trong ta

Bạn đang lật giở trang sách và bỗng nhận thấy một điều vừa lạ lẫm vừa tuyệt vời: cuốn sách đã ... “hạ gục” bạn. Hiển nhiên là tác giả (có thể đã qua đời từ hàng thế kỷ trước đó) không hề biết bạn nhưng những gì họ viết cứ như thể hiểu rõ hết về bạn vậy. Và họ bắt đầu chắp bút về những bí mật mà bạn kể - và biến nó thành một câu chuyện xoay quanh những nhân vật với tên gọi khác nhau, hoặc thành một bài luận ngầm trích dẫn vấn đề của bạn.

Chúng ta lúc nào cũng cảm thấy chẳng có ai hiểu nổi ta sâu sắc, dù đó có là những người bạn tâm giao gần gũi, hào phóng, ngọt ngào và đồng cảm. Nỗi cô đơn vẫn luôn hiện hữu kể cả khi nhìn cơ bản thì mọi thứ đều tiến triển tốt đẹp.

Cuốn sách đang được bàn tới chính là cuốn cất tiếng nói tới hàng triệu người như series Harry Potter hoặc cuốn “Schiller’s Letters on the Aesthetic Education of Mankind” (tạm dịch: Toàn văn của Schiller về giáo dục mỹ học của nhân loại), được viết vào cuối thế kỷ XVIII, với những nỗ lực khơi dậy chủ nghĩa lý tưởng cao quý với chủ nghĩa hiện thực chính trị. Đó có thể là sách phát triển bản thân về giới tính và nhắm trúng vấn đề bạn đang day dứt. Hoặc bạn có thể thấy Mademoiselle de Maupin, viết bởi Theophile Gautier vào giữa thế kỷ XIX, kể về câu chuyện giữa chàng trai và cô gái đều phải lòng nhân vật trung tâm – ca sĩ nhạc kịch Mademoiselle de Maupin và câu chuyện đã khai thác sâu vào những phức tạp của ham muốn tình dục. Như thần giao cách cảm, cuốn sách đó như được viết chính xác dành cho bạn vậy.

 

Sách hiểu bạn qua việc chỉ ra và phát triển rất nghiêm túc một vấn đề mà thường bị người đời lãng quên nhưng lại có ý nghĩa lớn lao với sự tồn tại của bạn.

Ví dụ, đó có thể là cảm giác như người xa lạ giống Harry Potter lúc chung sống với nhà Dursleys. Trải qua thời gian dài, Harry Potter phải sống quanh những người mà không hề có ý niệm về nguồn cội thực sự cũng như những phép thuật của cậu. Harry bị coi là một con quái vật ghê tởm vì những khả năng có thể giúp cậu trở thành nhân vật nổi tiếng và quan trọng ở một thế giới khác. Cuốn sách này quả thực tái hiện rất đỗi sống động cảm giác bị ghét bỏ, không được trân trọng.

Sách còn đánh thức lòng trắc ẩn trong bạn với những điều xứng đáng được đối xử với ánh nhìn nhân hậu mà thực tế không được như vậy. 

Điều này được minh chứng qua cuốn “Lost Illusions” của Balzac. Nhân vật trung tâm Lucienne vô cùng tồi tệ: anh ích kỷ, tham lam, kiêu ngạo, lợi dụng bạn bè, mắc nhiều sai lầm lớn trong sự nghiệp của mình. Balzac khắc họa nhân vật này chẳng hiện thân cho giá trị gì ngoài tính xấu. Nhưng ông lại tập trung xoáy sâu vào các động lực sau công việc mà Lucienne làm (đó là niềm mong mỏi được thành công trong khi cả thế giới chống lại anh và nỗi sợ bị làm bẽ mặt). Balzac rõ ràng rất yêu thích nhân vật này. Mặt tối trong Lucienne như đang được cuốn sách lắng nghe dịu dàng: "Tôi biết chứ. Anh bị tổn thương, và anh làm tổn thương người khác".

Trong cuốn Middlemarch, George Eliot kể câu chuyện về Dorothea Brooke - một cô gái hay dè bỉu, chê bai người khác. Cô có nhiều ưu điểm và mong muốn cứu rỗi thế giới, nhưng thực tình lại chẳng làm được gì mấy. Dorothea có một cuộc hôn nhân bất hạnh và tiêu tốn phần lớn cuộc đời mình rên rỉ về nó. Rõ ràng, lỗi hoàn toàn là ở cô ấy. Cô có muôn vàn cơ hội nhưng lại toàn để lỡ mất. George Eliot đã không dùng những câu văn, lời lẽ miêu tả nhân vật này mà thông qua những chi tiết hành động, những khía cạnh tính cách của cô gái dần được bộc lộ với độc giả. Tuy vậy, chúng ta đôi lúc có cùng cảm xúc và trải nghiệm giống nhân vật Dorothea. George Eliot không nói những cảm xúc tiêu cực, những khó khăn ta gặp luôn dễ chịu mà bà chỉ khẳng định một điều: Bất kì ai đều có thể trải qua những sự kiện như thế, kể cả một cá nhân rất đỗi bình thường và tốt bụng; và đừng lo, bạn không chỉ có một mình đâu.

Được thấu hiểu hẳn là một điều tốt, thậm chí có thể trở thành niềm vui, và trên hết là Nó có ích cho ta. Cảm thấy cô đơn với những khó khăn của bản thân làm bạn ngày một phiền muộn. Chúng ta ám ảnh và lo rằng không có ai có khả năng hiểu và cảm nhận được những vấn đề của ta mà chỉ biết chế giễu và khinh miệt điều dó. Chúng ta sợ phải chia sẻ với bạn bè vì linh cảm được lời chối từ bối rối. Trong khi ấy, những cuốn sách lại như hiểu rõ con người ta giống như người cha, người mẹ yêu quý hoặc người bạn thân chí cốt luôn chấp nhận, chịu đựng cách hành xử kỳ quặc. Những nỗi buồn khổ khó lý giải hoặc những niềm vui khi ấy được sách "trải lại" thành những khúc đoạn của trải nghiệm, cùng với niềm cảm thông và lòng nhân từ.

Trạm Đọc

Theo The Book of Life

menu
menu