Người Độc Thân Đang Chờ Đợi Điều Gì?

nguoi-doc-than-dang-cho-doi-dieu-gi

Những người độc thân tự chủ thường có một cuộc sống tuyệt vời. 

LUẬN ĐIỂM

- ‘The sociology of time’ cho ta biết chờ đợi có mối liên hệ với quyền lực xã hội.

- Trong các nền văn hóa dám nghĩ dám làm, chờ đợi là đặc điểm của sự thụ động.

- Sai lầm khi nghĩ rằng tất cả những người độc thân đều có mong muốn được kết đôi.

Hầu hết mọi người đều không thích sự chờ đợi. Chẳng ai muốn mắc kẹt ở một đoạn đường nào đó thay vì tìm đến nơi mà mình muốn đến. Chờ đợi là lãng phí thời gian. Nó khiến chúng ta nóng lòng và mất kiên nhẫn. Giả sử chúng ta đang chờ đợi một tin tức nào đó mà không biết là tin tốt hay tin xấu thì thật sự rất căng thẳng. Tuy nhiên, vẫn có những sự chờ đợi tích cực – ví dụ như mong đợi một điều gì đó tốt đẹp sẽ xảy ra và tập trung hi vọng vào điều đó – nhưng nhìn chung thì chờ đợi là một cảm giác gây nhàm chán, bực bội và khó chịu. 

Nhà xã hội học Kinneret Lahad tin rằng ở Israel và Hoa Kì (và có thể những nơi khác nữa) độc thân được coi là khoảng thời gian chờ đợi – đặc biệt là phụ nữ độc thân  (hoặc do ‘văn hóa hình thành’). Cô ấy đã lý giải điều này trong bài viết “Singlehood, waiting, and the sociology of time” được đăng tải trên Diễn Đàn Xã Hội Học và chủ đề này cũng được đề cập nhiều trong cuốn A Table for One: A Critical Reading of Singlehood, Gender and Time.

Lahad yêu cầu chúng tôi xem xét cách mà mọi người suy nghĩ về một người phụ nữ độc thân:

  • Cô ấy đang chờ đợi điều gì?
  • Tại sao cô ấy vẫn còn độc thân?
  • Cô ấy sẽ lỡ mất cơ hội. 
  • Tại sao cô ấy lại lãng phí thời gian như vậy?
  • Thời gian của cô ấy đang dần trôi đi.

Hầu hết ý kiến cho rằng phụ nữ độc thân đều trong trạng thái chờ đợi điều gì đó và nó khiến cho phụ nữ độc thân bị kỳ thị bởi ánh nhìn của người khác. 

Những bài hát nổi tiếng về chủ đề phụ nữ độc thân đang chờ đợi cơ hội

Một số bài hát nổi tiếng về cuộc sống độc thân mà Lahad đề xuất cũng nhấn mạnh chủ đề chờ đợi. Một bài hát của Ira Gershwin (được trình bày bởi Ella Fitzgerald và Billie Holiday) có lời bài hát như sau:

Một ngày nào đó anh ấy sẽ đến

Người đàn ông tôi yêu

Một người to lớn và mạnh mẽ

Người đàn ông tôi yêu

Khi anh ấy đến với tôi

Tôi sẽ gắng sức giữ anh ấy ở lại

Đó là một trong những điều tích cực của việc chờ đợi mang lại, ít nhất là đối với phụ nữ độc thân muốn được kết đôi với một người đàn ông. Nhưng, Eleanor Rigby của The Beatles lại hoàn toàn khác:

Ah, nhìn tất cả những người cô đơn

Eleanor Rigby nhặt gạo nhà thờ nơi tổ chức đám cưới

Sống trong mộng tưởng

Đợi chờ nơi cửa sổ, ngẩn ngơ bên cửa sổ

Nó sẽ dành cho ai đây?

Hai bài hát nói lên sự khác nhau trong cách nhìn nhận về tình trạng độc giữa hai thế hệ phụ nữ trẻ và người lớn tuổi hơn. Lahad giải thích:

... ở giai đoạn đầu, sự chờ đợi của họ được hiểu là lãng mạn và một chất kích thích tích cực, [nhưng] khi độc thân có nguy cơ kéo dài quá lâu, chờ đợi dần trở thành nỗi kinh sợ, mơ hồ và đáng lo ngại.

Tâm lý chờ đợi: Bất lực và bị động

Thông thường, mọi người đều mong muốn được kết đôi, điều này được xem là đặc biệt đúng với mọi người phụ nữ. (Không phải đâu). Phụ nữ độc thân mới là những người mong muốn được kết đôi. Họ bất lực và mong chờ một người đủ mạnh mẽ để kéo mình ra khỏi vũng lầy độc thân nhàm chán — trong các câu chuyện điển hình, người ấy chính là chàng hoàng tử.

Thục chất, việc chờ đợi khiến người ta trở nên phiền muộn vì không biết khi nào tình trạng này mới kết thúc. Phụ nữ độc thân chờ đợi càng lâu, họ càng bị coi là dậm chân tại chỗ. Họ chậm trễ và không tuân theo quy định thời gian điển hình cho các sự kiện diễn ra trong cuộc sống. Tôi nghĩ đây là mô hình phát triển cuộc sống - nhiệm vụ (developmental life-tasks model). Nếu bạn độc thân “quá lâu”, bạn sẽ bị kỳ thị. Nếu bạn đã kết hôn nhưng rất ‘lâu’ sau đó mới có con (hoặc không có con), điều này một lần nữa khiến bạn phải đối mặt với sự kỳ thị.

Một đặc điểm tâm lý của việc chờ đợi khiến nó trở thành vấn đề bị kỳ thị trong các nền văn hóa dám nghĩ dám làm là vì sự chờ đợi đại diện cho tính thụ động. Những người ngồi không và chờ đợi điều gì đó xảy ra với mình là biểu hiện của sự thụ động. Đôi khi là những người lười biếng.

Chủ đề về sự chờ đợi cũng thường xuyên xuất hiện trong các nghi lễ đám cưới. Phù dâu và những cô nàng độc thân sẽ xếp hàng để chờ bắt hoa cưới, tượng trưng cho niềm hy vọng mình sẽ trở thành cô dâu tiếp theo. Ngược lại, không có nghi lễ dành cho đàn ông độc thân cả. Tôi nghĩ rằng một trong những cảnh phổ biến nhất trong "Sex and the City" là cảnh bó hoa được tung về phía bốn người phụ nữ độc thân và họ đã mặc kệ bó hoa rơi xuống trước mắt mình. Điều này ngụ ý rằng họ không muốn tham gia các nghi lễ hạ thấp giá trị bản thân đó.

Tôi biết được từ bài báo của Lahad rằng có một "lời chúc phúc" phổ biến từ người đã kết hôn dành cho người độc thân trong đám cưới ở Israel: Bekarov Ezlech !, có nghĩa là "Sớm thôi!" Lahad trích dẫn từ một chuyên mục tư vấn nổi tiếng của Israel nói về sự may mắn:

Tôi muốn hỏi tại sao những bà dì này, những người đã không gặp tôi kể từ Bat Mitzvah của tôi, họ nghĩ rằng họ biết tôi muốn gì trong cuộc sống của tôi ngay bây giờ… Thành thật mà nói, chẳng biết phước lành này sẽ dành cho tôi hay cho họ nữa. 

Ở Hoa Kỳ, vốn dĩ câu ‘Bạn sẽ là người tiếp theo’ là một lời khen. Xong, một số phụ nữ độc thân rỉ tai nhau là hãy nói điều tương tự với người có “lời khen” đó trong đám tang.

Mọi thứ vẫn nở rộ mà không phải là chờ đợi. 

Điều khiến tôi khó chịu nhất là định kiến của mọi người về phụ nữ độc thân đang “chờ đợi” vì họ thường bị coi là tự phụ. Những người nghĩ rằng người độc thân sẽ mãi dậm chân tại chỗ cho đến khi gặp được Người ấy, người hội tụ đủ yếu tố mà người độc thân muốn kết hôn cùng. Niềm tin cho rằng điều mà tất cả những người độc thân mong ước là được kết đôi cùng với một ai đó chính là sai lầm.

Tất nhiên, vẫn có những người độc thân muốn kết hôn, những người thực sự đã trải qua những năm tháng cô độc không mong muốn trước khi “cuộc sống thực sự” của họ bắt đầu. Nhưng thật sai lầm khi cho rằng tất cả, hoặc hầu hết những người độc thân đều nghĩ như vậy. Đối với nhiều người độc thân - đặc biệt là những người độc thân tự chủ thì cuộc sống độc thân mới là cuộc sống đích thực của họ. Đối với họ, sống độc thân là một cuộc sống có ý nghĩa, viên mãn nhất và vui vẻ nhất. Họ không dậm chân tại chỗ — họ chỉ đang sống cuộc đời của họ một cách đủ đầy và sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa.

Tác giả: Bella DePaulo Ph.D

Dịch giả: Huyền My 

Biên tập: Khánh Minh 

Link bài gốc: Single People, What Are You Waiting For ?

Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ

menu
menu