Người nhạt nhẽo
Một trong những điều thú vị nhất về một số người chính là lý do tại sao họ lại... nhạt nhẽo đến vậy.
Một trong những điều thú vị nhất về một số người chính là lý do tại sao họ lại... nhạt nhẽo đến vậy. Họ có thể là những người vô cùng tử tế, tốt bụng, trên lý thuyết thì rất thông minh, nhưng, nếu chúng ta thành thật, đôi khi chúng ta khó mà tỉnh táo khi ở cạnh họ.
Nhận ra điều này không phải dễ dàng, nhất là khi người nhạt nhẽo ấy có thể là cha mẹ, con cái, sếp của chúng ta, hoặc một người bạn thân yêu từ thời đi học, người mà ta đã rủ ra dùng bữa thật lâu. Thay vì chấp nhận thực tế, ta thường tự trách mình vì đã thấy họ quá tẻ nhạt.
René Magritte, Landscape of Baucis, 1966
Vậy điều gì khiến một người trở nên nhàm chán? Một quy luật tâm lý hữu ích có thể được tóm lại như sau: Một người sẽ trở nên vô cùng tẻ nhạt khi họ nói một đằng, trong khi đáng lẽ họ nên nói về một điều khác hoàn toàn. Chủ đề họ nói ra có thể rất học thuật hay đáng nể. Đó có thể là về cuộc Chiến tranh Punic lần thứ hai, cách phân tử khuếch tán trong môi trường chân không, hay triển vọng kinh tế của Indonesia trong tám tháng tới. Nhưng nếu họ cứ liên tục đào sâu vào những chủ đề cao siêu ấy, khi thực sự trong lòng đang lảng tránh một điều gì đó, thì kết quả là người nghe sẽ chỉ muốn ngừng nghe tất cả.
Một chủ đề có thể chỉ thú vị khi nó không phải là công cụ để người nói chạy trốn khỏi điều gì khác.
Vậy, người nhàm chán này đang lảng tránh điều gì? Điều đó có thể rất xa rời với chủ đề họ đang nói. Không phải là nghệ thuật Pháp thế kỷ 19, mà là sự thất vọng sâu sắc về sự nghiệp của họ. Không phải những đấu tranh chính trị trong quốc hội, mà là nỗi tiếc nuối về mối quan hệ đã tan vỡ tám năm trước.
Người nói liên tu bất tận sử dụng ngôn từ không phải để chia sẻ, mà để đẩy khoảng cách xa khỏi một vài lời đáng lẽ phải được thổ lộ. Họ bị thôi thúc giải thích toàn bộ Sophocles, cơ chế tỷ giá hối đoái ở Bolivia, hoặc chiến thuật của Thụy Sĩ tại World Cup, chỉ để tránh phải đối mặt với cách mình đã nuôi dạy con cái hay thực hiện công việc.
Thực ra, người nhàm chán không thực sự nhàm chán; họ chỉ đang chạy trốn khỏi những điều sâu sắc và đau lòng nhất trong tâm hồn mình.
Là người lắng nghe, chúng ta nên học cách nhận ra khi nào mình cảm thấy chán nản, và đôi khi, hãy nhẹ nhàng hỏi: “Đây rõ ràng là một chủ đề rất thú vị, nhưng liệu có điều gì khác, sâu hơn trong lòng bạn, mà bạn thật sự cần chia sẻ vào lúc này không?” Và thay vì coi đó là một sự xúc phạm, người nói sẽ nhận ra rằng người bạn đang ngồi đối diện thực sự là người mà họ đã thiếu vắng từ lâu: một người có thể chấp nhận những phần buồn đau và bi thương trong họ, một người khao khát giúp họ tìm lại bản thân đích thực của mình.
Nguồn: THE BORING PERSON – The school of life