Nguồn gốc của Tính ái kỷ, Thái nhân cách và Thủ đoạn nham hiểm

nguon-goc-cua-tinh-ai-ky-thai-nhan-cach-va-thu-doan-nham-hiem

Ai từng trải qua tuổi thơ bất ổn có khả năng cao sẽ mắc phải những nét tính cách “đen tối”

Những điểm chính

  • Tuổi thơ bất ổn có liên quan đến sự gia tăng hành vi thái nhân cách (psychopath), ái kỷ (narcissistic) và thủ đoạn xảo quyệt (Machiavellian) khi trưởng thành.
  • Tuổi thơ bất ổn có liên quan đến sự suy giảm hành vi tử tế, hợp tác và đáng tin cậy khi trưởng thành.
  • Hoàn cảnh kinh tế-xã hội thời thơ ấu không dự đoán được Bộ ba Tính cách Đen tối hoặc Bộ ba Tính cách Cao quý.

Hãy xem xét điều này: Những đứa trẻ xuất thân trong gia đình nghèo có xu hướng đạt được kết quả tốt hơn những đứa trẻ được nuôi dạy ở trại mồ côi, như tôi đã lưu ý trong một bài viết trước đó trên Psychology Today.

Điều này rất đáng chú ý khi nói đến những kết quả quan trọng như tỷ lệ tốt nghiệp, sử dụng ma túy, thu nhập trong tương lai và hành vi phạm tội, phần lớn chúng ta chỉ tập trung vào các yếu tố kinh tế.

Nhưng trên thực tế, sự bất ổn trong gia đình dường như là một yếu tố dự báo mạnh mẽ hơn cả hoàn cảnh kinh tế-xã hội của gia đình đối với quỹ đạo cuộc đời của một đứa trẻ. Những người học cao cứ mãi chăm chăm vào ảnh hưởng của sự giàu có lên điểm thi chuẩn. Chúng ta thường ít thảo luận về tuổi thơ bất ổn làm phát sinh những hành vi có hại ở người trưởng thành như thế nào. Ví dụ, ảnh hưởng của thời thơ ấu bất ổn đến hành vi phạm tội ở người trưởng thành tương đương với ảnh hưởng của hoàn cảnh kinh tế-xã hội của gia đình đến điểm thi SAT.

Photograph: Gareth Fuller/PA

Có khả năng là những hành vi tai hại đó là hệ quả của những thay đổi trong hai chùm tính cách quan trọng: Bộ ba Tính cách Đen tối Bộ ba tính cách Cao quý. Bộ ba Đen tối bao gồm 3 tính cách sau đây:

  • Chứng ái kỷ (sự vĩ đại, tự đề cao bản thân, đặc quyền)
  • Thái nhân cách (nhẫn tâm, hay hoài nghi, bốc đồng)
  • Thủ đoạn xảo quyệt (lợi dụng, lừa dối và thao túng một cách có chiến lược)

Trong một cuộc nghiên cứu năm 2016 được công bố trên tạp chí Evolutionary Psychology (Tâm lý học Tiến hóa) với tiêu đề Các nguồn lực, điều kiện sống khắc nghiệt và sự bất ổn khó đoán: Hoàn cảnh kinh tế-xã hội có liên quan đến Bộ ba tính cách đen tối,” các nhà nghiên cứu đã đo lường những nét tính cách thuộc Bô ba Đen tối ở con người. Những người tham gia đánh giá mức độ đồng tình của họ với những câu chẳng hạn như:

  • “Nhiều hoạt động nhóm có xu hướng tẻ nhạt khi thiếu tôi,” và “Mọi người xem tôi như nhà lãnh đạo thiên bẩm.” (Chứng ái kỷ.)
  • “Ai giở trò với tôi luôn thấy ân hận về điều này,” và “Tôi thích trêu chọc những kẻ thua cuộc.” (Thái nhân cách.)
  • “Thật thông minh khi nắm được thông tin mà bạn có thể dùng để chống lại ai đó sau này,” và “Tránh xung đột trực tiếp với người khác vì biết đâu một ngày nào đó họ có thể hữu dụng cho tôi.” (Thủ đoạn xảo quyệt.)

Những người tham gia cũng trả lời nhiều câu khác nhau về thời thơ ấu của họ, bao gồm:

  • “Trong khoảng thời gian này, cha mẹ tôi đã trải qua cuộc ly hôn hoặc ly thân đầy căng thẳng,” và “Nhiều người thường đến và đi khỏi nhà tôi một cách ngẫu nhiên.” (Tuổi thơ bất ổn.)
  • “Tôi lớn lên ở một khu phố tương đối giàu có,” và “Gia đình tôi thường có đủ tiền trang trải hồi tôi còn bé.” (Hoàn cảnh kinh tế-xã hội thời thơ ấu.)

Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy tuổi thơ bất ổn dự báo được đáng kể cả ba Nét tính cách Đen tối khi trưởng thành. Mối liên kết mạnh mẽ nhất là với chứng thái nhân cách (r = .23). Trên toàn bộ thang đo Bộ ba tính cách Đen tối, mối tương quan là r = .20. Điều này không phải là đặc biệt lớn, nhưng vẫn đáng lưu tâm. Tác động gần tương đương với mối liên kết giữa điểm thi ở trường và thu nhập trong tương lai.

Ảnh hưởng của tuổi thơ bất định khó đoán đặc biệt lớn đối với nam giới, so với nữ giới. Có nghĩa là, những bé trai được nuôi dạy trong những gia đình bất ổn đặc biệt có khả năng có số điểm cao ở Bộ ba Đen tối khi trưởng thành so với những bé gái được nuôi dạy trong gia đình bất ổn.

Điều quan trọng là, hoàn cảnh kinh tế-xã hội thời thơ ấu không có mối liên hệ nào với Bộ ba nét tính cách Đen tối ở người trưởng thành. Sống trong gia đình nghèo khó không có ảnh hưởng tương tự như sống trong cảnh hỗn loạn. Các nhà nghiên cứu đi đến kết luận rằng:

"Tất cả mọi người đều có nguy cơ cao hoặc thấp đối với những tính cách thuộc Bộ ba Đen tối … tiếp xúc với những hoàn cảnh cụ thể là yếu tố kết tủa, quyết định kích hoạt tính cách của con người và vị trí trên miền liên tục của Bộ ba Đen tối. Những trải nghiệm (hoặc ít ra thì, hồi ức) về sự bất định và khó dự đoán của tuổi thơ có thể là một số điều kiện tiên quyết kích hoạt tính ích kỷ, tính đua tranh và chống đối xã hội tiềm ẩn trong con người được phát hiện thấy trong những nét tính cách thuộc Bộ ba Đen tối."

Song nhiều người có thể thắc mắc muốn biết về vai trò của di truyền khi nói đến những nét tính cách này. Trong cuốn sách Machiavellianism: The Psychology of Manipulation, giáo sư tâm lý học Tamás Bereczkei viết rằng, “Mặc dù yếu tố di truyền có thể đóng một vai trò nhất định trong sự phát triển lối sống và tư duy Machiavellian (chủ nghĩa xảo quyệt), lối sống và tư duy xảo quyệt chủ yếu và trước hết là một hệ quả của những ảnh hưởng từ môi trường sống.”

Ông chia sẻ nghiên cứu từ các cuộc nghiên cứu về trẻ sinh đôi, chỉ ra rằng gen chỉ chịu trách nhiệm cho 31% sự khác biệt giữa mọi người trong nét tính cách xảo quyệt. Nói cách khác, đối với nét tính cách thuộc Bộ ba Đen tối này thì môi trường quan trọng hơn gen.

Ngoài ra, những nghiên cứu khác cho rằng các yếu tố môi trường có thể ảnh hưởng đến sự biểu hiện về mặt hành vi của chứng thái nhân cách.

Trong cuốn sách của ông Without Conscience, nhà tâm lý học pháp chứng Robert Hare cho rằng "các yếu tố xã hội và cách dạy dỗ của cha mẹ giúp định hình biểu hiện hành vi của tính thái nhân cách, nhưng ít ảnh hưởng đến việc thiếu khả năng cảm thông hay phát triển lương tâm. Tự thân quá trình điều kiện hóa xã hội dù có cố gắng tới đâu cũng không thể tạo ra được khả năng biết quan tâm đến người khác."

Hare đang muốn nói rằng tâm lý của những kẻ thái nhân cách là không thể thay đổi được. Tuy nhiên, biểu hiện hành vi của chứng thái nhân cách có thể được định hình và kìm chế bởi cha mẹ, cách nuôi dạy và những yếu tố thuộc môi trường. Đối với những người hâm mộ loạt phim truyền hình Dexter thì đây là lý do đằng sau “The Code of Harry.” Cha nuôi của Dexter nhận ra Dexter vẫn sẽ luôn có ham muốn giết người, vì vậy ông đã hướng cái thôi thúc giết chóc ấy của con trai tránh xa những người vô tội.

Trong một trường hợp thực tế về chứng thái nhân cách, vài năm trước, có một nhà khoa học thần kinh tên là James Fallon đã phát hiện ra bản thân ông là một người thái nhân cách. Từng tự xưng là một người theo Thuyết xác định di truyền (genetic determinist: là niềm tin rằng hành vi của con người được kiểm soát trực tiếp bởi gen hoặc một số thành phần sinh lý của họ), ông đã thay đổi quan điểm của mình khi ông xem xét đến lối giáo dục đầy tình yêu thương và ấm áp đã kìm hãm những xung lực hiểm ác của ông. “Tôi được yêu thương, và điều đó đã bảo vệ tôi,’” ông lý giải.

Fallon tin rằng nếu như ông được nuôi dạy ở một môi trường khác (ví dụ, không phải trong một gia đình trung lưu còn nguyên vẹn), thì cuộc đời ông ngày hôm nay trông sẽ rất khác biệt.

Điều quan trọng cần lưu ý là Bộ ba Đen tối không phải là một công cụ chẩn đoán cho các chứng rối loạn nhân cách. Nó chỉ đo lường chứng ái kỷ và chứng thái nhân cách cận lâm sàng.  

Bây giờ ta hãy bàn đến Bộ ba Cao quý. Đây là một chùm gồm ba đặc điểm tính cách thuận xã hội:

  • Chủ nghĩa nhân văn (đánh giá cao thành tựu và những sáng tạo của người khác).
  • Triết lý của Immanuel Kant (khuynh hướng cư xử bằng sự chính trực và trung thực hơn là lừa dối và bùa mê quyến rũ).
  • Niềm tin vào nhân loại (tin rằng con người nói chung là tốt đẹp và đáng tin cậy).

Để cho rõ ràng thì cả hai khái niệm Bộ ba Đen tối và Bộ ba Cao quý đều nằm trên một phổ. Tất cả chúng ta đều có một chút của cả hai Bộ đó. Nhưng một người đạt số điểm cao ở một trong hai bộ thì sẽ là người mà ta nên tin tưởng hoặc tránh xa.

Trong một nghiên cứu năm 2019, một nhóm các nhà nghiên cứu do Scott Barry Kaufman đứng đầu đã hỏi người tham gia mức độ đồng tình của họ với những câu sau đây:

  • “Tôi có xu hướng vỗ tay tán thưởng thành công của người khác,” và “Tôi thích lắng nghe tâm sự của người khác từ mọi tầng lớp xã hội.” (Chủ nghĩa nhân văn.)
  • “Tôi thích tính trung thực hơn sự quyến rũ,” và “Khi nói chuyện với mọi người, tôi hiếm khi nghĩ về những thứ tôi muốn nhận được từ họ.” (Triết lý của Immanuel Kant.)
  • “Tôi có xu hướng nhìn thấy những điều tốt đẹp nhất ở mọi người,” và “Tôi có xu hướng tin tưởng rằng người khác sẽ chơi đẹp với tôi.” (Niềm tin vào nhân loại.)

Người tham gia cũng trả lời cho những câu hỏi về thu nhập của gia đình họ hồi bé và sự bất định khó đoán thời thơ ấu. Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy tuổi thơ bất ổn dự báo về những nét tính cách thuộc Bộ Ba Cao quý thấp hơn ở người trưởng thành (r = -.21).

Điều quan trọng là, hoàn cảnh kinh tế-xã hội thời thơ ấu không có mối quan hệ nào với Bộ ba Tính cách Cao quý ở người trưởng thành. Điều này phản ánh phát hiện rằng hoàn cảnh kinh tế-xã hội thời thơ ấu không dự đoán được những nét tính cách thuộc Bộ ba Đen tối khi trưởng thành. Phát hiện này nhất quán với quan điểm cho rằng lớn lên trong cảnh nghèo khó không có tác động tương tự như việc lớn lên trong cảnh hỗn loạn.

Nói tóm lại, sự bất ổn trong gia đình thời thơ ấu dường như dẫn đến sự gia tăng hành vi lừa dối, máu lạnh, tính bốc đồng và gây hấn. Ngược lại, tuổi thơ bất ổn liên quan đến sự suy giảm của lòng tử tế, tính đáng tin cậy, sự hào sảng rộng lượng và trung thực. Nếu chúng ta muốn giảm bớt hành vi thái nhân cách và thúc đẩy nhiều hơn nữa hành vi nhân văn thì việc tích cực ủng hộ những gia đình ổn định và an toàn dành cho trẻ em có thể là một chiến lược mang lại nhiều lợi ích.

 

Tìm đọc thêm về chứng Thái nhân cách trong cuốn Kẻ ác cạnh bên 

Dịch: Rubi

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/us/blog/after-service/202108/the-roots-narcissism-psychopathy-and-machiavellianism

menu
menu