Nguyên tắc khan hiếm và những mối quan hệ không lành mạnh

Vì sao những người có vẻ xa cách về mặt cảm xúc lại trở nên cuốn hút hơn bao giờ hết?
Bạn có để ý rằng chúng ta thường bị hấp dẫn bởi những người khó tiếp cận, hoặc cảm thấy nặng lòng hơn với mối quan hệ ngay khi nó bắt đầu xa cách? Điều này không phải là ngẫu nhiên, mà chính là nguyên tắc khan hiếm đang vận hành. Nguyên tắc này giải thích tại sao chúng ta thường đánh giá cao những gì hiếm hoi hoặc có nguy cơ mất đi.
Trong chuyện tình cảm, khan hiếm không chỉ khiến chúng ta bị thu hút mà còn khuếch đại cảm xúc, thay đổi cách nhìn nhận và tác động sâu sắc đến cách chúng ta yêu thương, kết nối. Hiểu được cách nguyên tắc này chi phối cuộc sống tình cảm sẽ giúp bạn nhận ra khi nào nó đang âm thầm ảnh hưởng đến cảm xúc và quyết định của mình.
Dưới đây là cách nguyên tắc khan hiếm ảnh hưởng đến các mối quan hệ và cách để chúng ta đối diện nó một cách tỉnh táo hơn.
1. Sự cuốn hút của những điều khó đạt được
Khi ai đó có vẻ “khan hiếm” hoặc khó gần, họ bỗng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt chúng ta. Điều này có thể biểu hiện tinh tế qua việc chúng ta bị lôi cuốn bởi một người lạnh lùng, khó đoán, hoặc rõ ràng hơn khi sự bất định của họ tạo nên một bức màn bí ẩn.
Trong chuyện tình cảm, đây chính là động lực cho "cuộc săn đuổi," nơi cảm giác theo đuổi mang lại sự hưng phấn—thậm chí đôi khi còn thú vị hơn cả mối quan hệ thực tế. Tuy nhiên, sự phấn khích ngắn hạn này thường kéo theo những mô thức không lành mạnh, như sự lệ thuộc cảm xúc hoặc mất cân bằng nỗ lực trong mối quan hệ.
Một nghiên cứu năm 2013 được công bố trên Sage Open chỉ ra rằng tình yêu không được đáp lại—thường bị ảnh hưởng bởi cảm giác khan hiếm—thiếu đi sự đam mê sâu sắc, cam kết và đầu tư lẫn nhau của một mối quan hệ lành mạnh. Thay vào đó, nó thường đi kèm với hỗn loạn cảm xúc, khiến tình yêu trở nên đầy sóng gió và ít thỏa mãn hơn.
Photo: Gabrielle Maurer / Unsplash
2. Nỗi sợ đánh mất những gì mình có
Khan hiếm không chỉ ảnh hưởng đến giai đoạn đầu của mối quan hệ mà còn tác động mạnh mẽ đến những mối quan hệ lâu dài. Khi cảm nhận được rằng đối phương đang dần xa cách hoặc ít quan tâm hơn, nỗi sợ mất mát trong ta sẽ trỗi dậy. Nỗi sợ này có thể khiến chúng ta bám víu, cố gắng bù đắp, hoặc ra sức "sửa chữa" những vấn đề có thể chưa hề tồn tại.
Trong nghiên cứu nói trên, khi người tham gia trải nghiệm khan hiếm (chẳng hạn nhận được ít sự hỗ trợ hơn trong một nhiệm vụ), họ phản ứng bằng cách phóng đại những điểm mạnh của mình và hạ thấp những điểm yếu.
Trong mối quan hệ, phản ứng này có thể khiến chúng ta vô tình phóng đại vai trò của mình hoặc ý nghĩa của mối quan hệ, tạo cảm giác rằng nó mong manh hơn thực tế. Điều này về lâu dài có thể dẫn đến những hành vi không lành mạnh như chiếm hữu, tự ti mãn tính, hoặc luôn cần được trấn an—những điều lại vô tình làm tổn thương chính mối quan hệ mà ta muốn bảo vệ.
3. Khan hiếm và giá trị bản thân
Nguyên tắc khan hiếm không chỉ tác động đến cách ta nhìn nhận đối phương mà còn ảnh hưởng đến giá trị bản thân trong mối quan hệ. Khi tin rằng tình yêu, sự quan tâm hay tình cảm là điều hiếm hoi, chúng ta dễ cảm thấy mình không đủ tốt.
Tâm lý này khiến nhiều người chấp nhận những mối quan hệ không như ý, từ đó củng cố cảm giác tự ti. Khan hiếm tạo nên một vòng luẩn quẩn độc hại, nơi tình yêu bị xem như thứ cần phải “chứng minh,” bằng cách duy trì những hành vi ta sợ nhất—giữ khoảng cách hoặc kiểm soát—để tránh bị từ chối.
Nghiên cứu năm 2023 trên Current Psychology cho thấy hai yếu tố quan trọng—sự tự tin trong việc vượt qua thử thách và khả năng tự kiểm soát—giải thích vì sao khan hiếm thường dẫn đến các quyết định bốc đồng. Trong mối quan hệ, điều này có thể khiến chúng ta ở lại trong một mối quan hệ không hạnh phúc để tránh cảm giác cô đơn.
Chìa khóa để thoát khỏi vòng xoáy này chính là yêu thương bản thân và đặt ưu tiên vào những mối quan hệ lành mạnh, cởi mở, nơi cả hai bên không cần phải "chứng tỏ" giá trị.
4. Khan hiếm và sự thao túng cảm xúc
Nguyên tắc khan hiếm đôi khi còn bị sử dụng như một công cụ thao túng trong mối quan hệ. Một người có thể cố ý hoặc vô thức giữ lại sự quan tâm, giao tiếp, hoặc cảm xúc, tạo cảm giác khan hiếm để nâng cao giá trị bản thân.
Tuy nhiên, những mối quan hệ như vậy thường mất cân bằng, khi một người phải không ngừng theo đuổi sự gắn kết dường như luôn ngoài tầm với.
Điều này tương tự như sức hút của một số “tính cách bóng tối” trong mối quan hệ. Một nghiên cứu năm 2016 trên European Journal of Personality chỉ ra rằng các đặc điểm như bốc đồng, bướng bỉnh và nổi loạn thường thu hút đối phương trong ngắn hạn, dù chúng mang lại nhiều rủi ro về mặt cảm xúc.
Nhận diện những động lực này là bước đầu tiên để bảo vệ sự bình an nội tâm. Một mối quan hệ lành mạnh dựa trên sự tôn trọng, giao tiếp cởi mở và tình cảm chân thành—không phải những chiến lược thao túng.
Học cách yêu thương theo tư duy dồi dào
Để thoát khỏi tư duy khan hiếm, chúng ta cần chuyển sang góc nhìn dựa trên sự dồi dào, an toàn và biết ơn. Những mối quan hệ dồi dào là nơi các bên sẵn lòng thể hiện tình cảm, chia sẻ cởi mở và luôn trấn an nhau một cách tự nhiên.
Thay vì tìm kiếm sự xác nhận thông qua khan hiếm, hãy nhắc nhở bản thân rằng một mối quan hệ khỏe mạnh được xây dựng trên nền tảng kết nối bền vững, chân thành. Khi ta tập trung vào sự dồi dào, tình yêu sẽ trở thành một hành trình trưởng thành, hỗ trợ và vững chắc—không còn bị ám ảnh bởi những nỗi lo do khan hiếm mang lại.
Nguồn: How the Scarcity Principle Creates Unhealthy Relationships – Psychology Today