Chấm dứt nạn bắt nạt trong vòng 10 giây

cham-dut-nan-bat-nat-trong-vong-10-giay

Chuyển sự chú ý từ sân khấu sang khán giả.

Hồ Huntington, nằm ở độ cao 2.500 feet trên dãy núi Sierra Nevada về phía đông nam của Yosemite, là ngôi nhà của Trại Hướng đạo sinh Kern từ năm 1939. Đây là một hồ nước sâu được biết đến vì làn nước xanh trong và băng giá, đồng thời là nơi tuyệt vời để câu cá.

Vào cuối tháng 6 năm 1963, các trại sinh đại diện cho Binh đoàn 41 từ sa mạc California đang xếp hàng để ăn trưa tại Trại Kern, thì bỗng đâu có hai hướng đạo sinh đến từ quân đội đã tóm lấy một hướng đạo sinh thứ ba, lột trần truồng cậu ta và ném cậu xuống dưới chân của những người bạn hướng đạo sinh. 

Nhóm hướng đạo sinh ngay lập tức bật cười khi cậu thanh niên khỏa thân đứng dậy và chạy nhanh đến cabin để mặc lại đồng phục, cùng danh dự còn sót lại của cậu.

Trong số những người cười to nhất là Trưởng Hướng Đạo, một kỹ sư gần 50 tuổi và là cha của một trong những thành viên trong quân đội, gào lên với chàng trai khỏa thân đang chạy trốn, “Cậu cởi quân phục à!”

Tiếng cười vốn đã lớn, lại càng ầm ĩ hơn. Hầu hết các hướng đạo sinh đang tập trung đều biết đến chàng trai bị sỉ nhục này từ thời mẫu giáo và không thích cậu ta lắm. Biệt danh của cậu ấy từ năm lớp ba là “Spaz," viết tắt của spastic. Spaz là người nhút nhát, không hòa đồng, lạc lõng, và là một đứa to mồm trong lớp học. Cậu ấy bị xem là đứa đáng ghét nhất ở trường.

Nói cách khác, đối với các hướng đạo sinh đã biết đến Spaz, thì cậu ta xứng đáng với tất cả những gì mình đang nhận. Spaz cũng phải chịu thôi khi một trong những bạn học hướng đạo sinh của cậu đốt tóc cậu vào đêm lửa trại tối hôm trước, và Spaz từng “chuốc lấy đau khổ” khi Binh đoàn 41 bỏ rơi cậu trên một con đường mòn hẻo lánh trong thời gian nghỉ ngơi trong cuộc đi bộ vào ngày thứ hai của trại.

Tôi biết rõ câu chuyện của Spaz vì tôi nhìn thấy cậu ấy mỗi ngày—khi tôi soi gương để cạo râu.

Trại Kern không phải là lần đầu tiên cũng như lần cuối cùng mà tôi bị bắt nạt hồi còn bé, và tôi rút ra kinh nghiệm rằng không phải chẳng có ai quan tâm khi thấy tôi đang khổ sở, mà người ngoài cuộc rất quan tâm: Họ thích thú và cổ vũ cảnh tượng đó. Thậm chí người lớn như Trưởng Hướng Đạo của tôi, người đáng lẽ phải bảo vệ tôi, cũng thích xem mấy cảnh này.

Cảm giác của tôi hồi đó—và bây giờ—là những người ngoài cuộc đóng một vai trò rất lớn trong việc nạn nhân hóa những đứa trẻ bị bắt nạt và rằng việc khiến những người ngoài cuộc thay đổi hành vi của họ có thể làm giảm đi đáng kể nạn bắt nạt cùng nhiều tác hại của nó. Những tác hại này bao gồm tình trạng tự sát ở tuổi teen (80 phần trăm số thanh thiếu niên tự kết liễu đời mình từng bị bắt nạt), bạo lực học đường (86 phần trăm số kẻ xả súng học đường từng “bị ăn hiếp”), và trầm cảm, lo âu và lạm dụng ma túy ở tuổi teen—thường kéo dài đến tuổi trưởng thành.

Nghiên cứu về hành vi ủng hộ tôi: Hơn 80 phần trăm số vụ bắt nạt xảy ra trước sự chứng kiến của người khác, và 57 phần trăm trẻ em tiểu học cho biết từng chứng kiến hành vi bắt nạt hằng năm. Ngoài ra, những cuộc phỏng vấn kẻ bắt nạt cho thấy sự có mặt của một khán giả là một trong những động cơ chính của chúng để bắt nạt: theo lời tự thú của kẻ bắt nạt thì bắt nạt một người bạn học là cách hay để nâng cao danh tiếng của bạn và nhận được sự tôn trọng.

Như ở Trại Kern, thường thì người ngoài cuộc chẳng làm gì để ngăn chặn hành vi bắt nạt hoặc tích cực cổ vũ nó bằng cách cười đùa, chế nhạo và “đập tay chúc mừng” kẻ bắt nạt. Các nghiên cứu về học sinh tiểu học cho thấy mặc dù một số em thú nhận là thấy thích thú khi thấy cảnh bắt nạt, nhưng nhiều em nói rằng “ngăn chặn nó không phải là việc của em,” hoặc sợ bị báo thù nếu chúng can thiệp, hoặc sau này bị bạn bè khinh miệt là kẻ “mách lẻo” nếu chúng báo cáo hành vi bắt nạt với người lớn.

Và với lý do chính đáng: Có một lần, tôi đã thu hết can đảm để báo cáo về chuyện bắt nạt của các bạn học cùng lớp cấp 3 trong tiết thể dục, giáo viên dạy thể dục, là một trong những huấn luyện viên bóng đá, khịt mũi nói, “Tôi chúa ghét những đứa hay than vãn,” và phạt tôi úp mặt vào tường, trước mặt các bạn nữ của lớp thể dục.

Trẻ con sớm nhận ra rằng người lớn—giống như những người bạn đứng ngoài cuộc của chúng—thường đổ lỗi cho nạn nhân, vì vậy chúng không làm gì để chặn đứng nạn bắt nạt khi nó đang xảy ra và giữ kín chuyện này sau đó.

Nhưng các cuộc khảo sát ở trường học cho thấy rằng khi người ngoài cuộc can thiệp thì các vụ bắt nạt giảm đi đáng kể. Trong một nghiên cứu “tự nhiên” toàn diện về nạn bắt nạt trường học, Hawkins, Pepler, và Craig phát hiện thấy những người ngoài cuộc can thiệp vào các vụ bắt nạt chỉ có 19% tổng số lần, nhưng khi họ can dự vào—ví dụ, bằng cách đơn giản yêu cầu kẻ bắt nạt dừng lại ngay—thì hành vi bắt nạt hầu như luôn chấm dứt. Thống kê do Hiệp hội Chăm sóc Tích cực Trẻ em Hoa Kỳ thu thập cho thấy mặc dù nạn bắt nạt vẫn là một vấn đề lớn ở trường học bất chấp các sáng kiến ​​chống bắt nạt phổ biến, các vụ bắt nạt dừng lại trong vòng 10 giây và 57% các trường hợp khi những người ngoài cuộc can thiệp vào.

Một bài báo năm 2013 của Padgett và Notar trên Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục, có tiêu đề "Bystanders are the key to stopping bullying," (Người ngoài cuộc là chìa khóa để ngăn chặn hành vi bắt nạt) đã phác thảo một số chiến lược để khuyến khích trẻ em can thiệp. Trong số này gồm:

  • Các video xây dựng sự thấu cảm đối với nạn nhân bị bắt nạt và mô hình các biện pháp can thiệp đồng đẳng thích hợp. Một video hiệu quả có thể kể câu chuyện về một học sinh bị bắt nạt sợ đến trường, nhưng bất chấp những cơn đau dạ dày, ác mộng và mất ngủ, bằng cách nào đó mà cậu ấy vẫn tìm thấy can đảm để đi học mỗi ngày. Một đứa trẻ khác trong câu chuyện, nó ngưỡng mộ sự can đảm của nạn nhân nên quyết định một ngày nọ sẽ can thiệp vào giữa kẻ bắt nạt và đứa trẻ bị bắt nạt và kiên quyết nói, “Dừng lại ngay.”
  • Mô phỏng, trong đó học sinh đóng vai kẻ bắt nạt, nạn nhân và người ngoài cuộc để chúng có thể trực tiếp trải nghiệm cảm giác của từng vai. Trẻ có thể được cho thấy các biện pháp can thiệp hiệu quả của người ngoài cuộc, chẳng hạn như hợp lại thành một nhóm—có sự an toàn về số lượng—để yêu cầu kẻ bắt nạt dừng hành vi của chúng.
  • Hành vi nhất quán và có thể dự đoán được từ giáo viên. Cụ thể là, giáo viên và những người lớn khác cần xắn tay vào việc khi có báo cáo về hành vi bắt nạt và không phớt lờ hay trừng phạt những ai phàn nàn về chuyện bắt nạt hay thông báo về việc bắt nạt của người khác.
  • Chứng minh với trẻ, thông qua việc mô phỏng hoặc các video kể chuyện, rằng sự can thiệp có thể khiến chúng được người khác tôn trọng hơn. Ví dụ, một video về bắt nạt có thể cho thấy những người đứng ngoài cuộc không “đập tay chúc mừng” kẻ bắt nạt, mà dành nó cho một đứa trẻ dũng cảm dám xen vào giữa kẻ bắt nạt và nạn nhân.

Biện pháp cuối cùng này có thể là hiệu quả nhất vì nó xác định được cốt lõi của vấn đề rằng tại sao đa số kẻ bắt nạt lại bắt nạt và tại sao những người chứng kiến lại chẳng làm gì: địa vị xã hội.

Những kẻ bắt nạt thành công nâng cao địa vị xã hội của chúng trên sự đau khổ của nạn nhân. Những người chứng kiến hành vi bắt nạt có nguy cơ đánh mất địa vị xã hội nếu họ can thiệp vào—và có thể bị ăn đòn. Họ lo lắng—với lý do chính đáng—về việc mất “danh tiếng của mình” nếu chỉ điểm. Cuối cùng, về phần những nạn nhân bị bắt nạt đã học được rằng “việc than vãn” với người lớn chỉ khiến cho địa vị khốn khổ của họ ngày càng thấp kém hơn mà thôi.

Niềm tin của tôi về mối liên kết mạnh mẽ giữa việc phấn đấu giành được địa vị xã hội và nạn bắt nạt     chỉ là quan điểm cá nhân. Sau nhiều năm sống trong khổ sở dưới tay của những kẻ bắt nạt, và sống dưới đáy của kim tự tháp xã hội cho đến khi tôi 18 tuổi, trong tôi có một nhu cầu mạnh mẽ phải nâng cao vị thế xã hội của mình sau khi thoát khỏi quê nhà để theo học đại học.   

Sau khi ra trường, tôi làm việc chăm chỉ để thăng tiến trong công ty, để tôi có thể—cuối cùng thì—có được sự tôn trọng dành cho bản thân.

Nhưng khi tôi chuyển sang những vị trí quyền lực cao hơn, một sự thay đổi đã xảy đến với tôi: Như thường xảy ra với các nạn nhân bị bắt nạt, bản thân tôi đã trở thành một kẻ bắt nạt. Tôi chưa bao giờ—hay đe dọa—sẽ dùng đến cách bạo lực thân thể, nhưng tôi đã công khai hạ nhục cấp dưới của tôi.

Thật đáng xấu hổ khi phải thú nhận, động cơ duy nhất khi bạo hành bằng lời nói với nhân viên dưới quyền của mình là niềm tin cho rằng bằng cách nào đó sẽ nâng cao vị thế của tôi trước những người chứng kiến việc bắt nạt. Suy cho cùng thì từ lúc 5 tuổi, tôi đã thấy chiến lược này lần nào cũng phát huy tác dụng, dù là ở sân chơi trường tiểu học hay trong phòng thay đồ ở trường phổ thông.    

Tôi không sửa đổi tật xấu của mình cho đến khi có một giám đốc điều hành đồng nghiệp—không phải sếp tôi, người đã thăng chức cho tôi vì ông nghĩ rằng tôi là một “cá sấu”— nói với tôi lúc uống bia rằng việc tôi lăng nhục cấp dưới chỉ phản tác dụng: Cả cấp dưới và đồng nghiệp đều không tin tưởng tôi. Theo đồng nghiệp của tôi, họ gọi tôi bằng biệt danh bí mật là “Quý ông Cá Tính” đối với những nhận xét mang tính chỉ trích, phỉ báng của tôi trong các buổi đánh giá thiết kế kỹ thuật và và các cuộc họp tài chính.

Tôi sửng sốt khi biết rằng mình đã chuyển từ việc bị khinh thường vì là một nạn nhân sang bị khinh thường vì là một kẻ bắt nạt người khác.

Đối với học sinh tiểu học thì hầu như không có gì quan trọng hơn là sự tôn trọng và chấp nhận của bạn bè chúng, vì thế mà tôi tin rằng sự tôn trọng của bạn bè là củ cà rốt và, như trong trường hợp của tôi là cây gậy có thể giảm bớt đại dịch bắt nạt ở trường học và nơi làm việc.

Tôi không tự hào rằng tôi đã tiếp tục kéo dài cái vòng luẩn quẩn người bị bắt nạt-trở thành-kẻ bắt nạt khi tôi vươn lên vị trí quyền lực, nhưng kinh nghiệm đau thương để lại cho tôi một niềm tin mãnh liệt rằng khi cố gắng giảm bớt nạn bắt nạt, chúng ta nên bớt tập trung vào những kẻ bắt nạt, những kẻ lúc nào cũng sẽ ở bên chúng ta bất kể ta làm gì, mà hãy tập trung nhiều vào khán giả mà kẻ bắt nạt đang trình diễn màn bắt nạt của hắn.

Bởi xét cho cùng thì bất cứ màn trình diễn nào mà không có khán giả thì sẽ nhanh chóng bị hủy bỏ.

 

Tham khảo

http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/1467-9507.00178/full

https://search.proquest.com/openview/d525e123dfffe32be707fc93846e5539/1…

http://www.hrpub.org/download/201308/ujer.2013.010201.pdf

http://www.nveee.org/statistics/

https://www.childtrends.org/wp-content/uploads/2014/12/119_fig1.jpg

http://www.familycircle.com/teen/bullying/bullying/

https://students.com.miami.edu/netreporting/?page_id=1269

http://americanspcc.org/bullying/statistics-and-information/

http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1002/ab.21418/abstract

https://link.springer.com/chapter/10.1007/978-3-319-12697-5_30

https://www.forbes.com/sites/alicegwalton/2012/07/05/bully-psychology-w…

http://www.bbc.com/earth/story/20160822-why-bullying-is-such-a-successf…

http://neurosciencenews.com/bully-reward-aggression-4601/

http://www.brainfacts.org/in-society/in-society/articles/2015/bullying-…

http://www.care2.com/causes/the-neuroscience-of-bullying.html

http://www.nature.com/neuro/journal/v19/n4/full/nn.4264.html

http://oxfordindex.oup.com/view/10.1093/oi/authority.20110803095956644

https://search.proquest.com/openview/d525e123dfffe32be707fc93846e5539/1…

http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/15374416.2011.597090

http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1359178909001050

 

Nguồn: Psychology Today

menu
menu