Những câu hỏi lý tưởng để hỏi tại các buổi gặp gỡ
Trên đời – hãy cho là vậy – có rất ít người thực sự nhàm chán, nhưng lại có vô số người trở nên trông có vẻ nhàm chán, chỉ vì một lý do thật giản đơn, cảm động và hoàn toàn có thể tránh được: họ đang hỏi nhau những câu hỏi sai.
Trên đời – hãy cho là vậy – có rất ít người thực sự nhàm chán, nhưng lại có vô số người trở nên trông có vẻ nhàm chán, chỉ vì một lý do thật giản đơn, cảm động và hoàn toàn có thể tránh được: họ đang hỏi nhau những câu hỏi sai.
Họ thường – với mong muốn không gây khó xử hay bất thường – chìm vào những cuộc trò chuyện xoay quanh thời gian di chuyển từ nhà đến công ty, một scandal nào đó trong chính trường, chuyện vặt vãnh của một người quen của người quen, hoặc kế hoạch cho kỳ nghỉ sắp tới. Trong cuộc đời ngắn ngủi mà ta được ban tặng, khi bên trong ta luôn cháy bỏng một khát khao thầm lặng – mong mỏi tìm thấy sự đồng điệu cho những nỗi buồn và ước vọng – thì việc cứ mãi lạc lối vào những câu chuyện nhạt nhẽo như vậy thực sự là một bi kịch.
Photo: Inga Seliverstova, 2019 (Pexels)
Một loài sinh vật đã biết cách đào tạo các nhà địa vật lý, các chuyên gia thần kinh học; đã xây dựng các học viện để giảng dạy sinh học, đại số, tiếng Phần Lan và lịch sử Trung Cổ; đã viết các cuốn sổ tay vận hành tàu ngầm và máy chế biến thực phẩm – lại hầu như bỏ qua việc giáo dục, hướng dẫn hay tạo ra các nghi thức cho nghệ thuật trò chuyện.
Hãy thử tưởng tượng một buổi tối lý tưởng, cuối tuần, trong một không gian ấm cúng, với một người dẫn chuyện thân thiện và một nhóm khách mời ngồi quây quần bên bàn. Mỗi người sẽ được mời rút một tấm thẻ từ bộ bài đặt ở giữa – và trả lời câu hỏi trên đó với một sự chân thành hiếm thấy. Đây là những câu hỏi mà nếu ta đủ dũng cảm để vượt qua nỗi sợ, ta sẽ khao khát được nói ra và lắng nghe:
- Bạn cảm thấy mình vô lý ở những điểm nào?
- Bạn hy vọng có thể được tha thứ vì điều gì?
- Nếu có thể thay đổi một điều gì đó về thời thơ ấu, bạn sẽ thay đổi điều gì?
- Trong các mối quan hệ, bạn có những mặt khó chịu nào?
- Nỗi lo lắng nào của bạn mà người khác có lẽ không bao giờ ngờ tới?
- Bạn không thích điều gì ở chính mình?
- Điểm yếu của bạn trong công việc là gì?
- Những phần nào trong tính cách của bạn thực chất là lớp phòng thủ cho những tổn thương thời thơ bé?
- Trong tình yêu, bạn ước mình có thể thẳng thắn yêu cầu điều gì hơn?
- Điều gì ở bạn là đáng ngưỡng mộ nhất?
- Bạn ước mình có thể thay đổi điều gì về bản thân?
- Bạn từng vô tình làm tổn thương người khác như thế nào?
- Những khuyết điểm nào ở bản thân mà bạn thường ngại thừa nhận với người khác?
- Bạn sợ người khác sẽ nghĩ sai về mình ở điểm nào?
Cuối cùng, chúng ta phải đối mặt với một lựa chọn: giữa giữ vững vẻ ngoài đáng ngưỡng mộ hoặc chấp nhận cô đơn. Điều mà ta có thể đánh mất trong việc tỏ ra "ấn tượng" có thể được bù đắp bằng tính nhân văn sâu sắc.
Nếu ta trả lời những câu hỏi như vậy một cách chân thành, ta sẽ không còn là những con người bất khả xâm phạm, tự tin, hiểu biết như ta luôn cố gắng tỏ ra. Thay vào đó, ta sẽ nhắc đến chuyện chia tay đã qua, nỗi bất an luôn ám ảnh, cảm giác bất lực trong công việc. Ta có thể ngập ngừng khi nước mắt chực trào.
Nhưng sau tất cả, ta sẽ trở thành một hình mẫu còn đáng ngưỡng mộ hơn cả sự bất khả xâm phạm: đó là những con người đủ mạnh mẽ để chia sẻ vết thương của mình, đủ sâu sắc để cười chính mình, đủ tỉnh táo để dám kỳ quặc – và cuối cùng, sẵn sàng để chạm đến tình bạn chân thành.
Nguồn: IDEAL QUESTIONS TO ASK AT PARTIES