Vì sao chúng ta nên thực hành viết tự động

vi-sao-chung-ta-nen-thuc-hanh-viet-tu-dong

Thông thường, khi viết, chúng ta thường đặt mục tiêu là phải mạch lạc, trau chuốt.

Thông thường, khi viết, chúng ta thường đặt mục tiêu là phải mạch lạc, trau chuốt. Chúng ta suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi đặt bút, cẩn thận kiểm tra chính tả, chỉnh sửa những từ chưa hoàn hảo, thậm chí xóa đi cả đoạn văn dài để cuối cùng có thể cảm thấy rằng những gì mình viết ra phản ánh đúng suy nghĩ thật sự trong lòng.

Nhưng có một triết lý viết khác, mang đến cách nhìn hoàn toàn mới về thế nào là một bài viết “hay”. Phương pháp này vẫn hướng đến việc diễn đạt chân thực suy nghĩ của chính mình, nhưng lại cho rằng cách tốt nhất để làm điều đó không phải là cẩn trọng đến từng từ, từng câu mà là không suy nghĩ quá nhiều, không tự dằn vặt hay chỉnh sửa, mà thay vào đó, chỉ đơn giản viết ra mọi thứ xuất hiện trong đầu vào đúng khoảnh khắc nó xuất hiện. Không cần logic, không cần thanh lịch, không cần thông minh, và đôi khi cũng không cần tỉnh táo.

Cy Twombly, Untitled, 1971

Phương pháp này, gọi là “viết tự động”, yêu cầu ta chọn một chủ đề cảm xúc quan trọng – chẳng hạn, “Mẹ của tôi,” “Cha của tôi,” “Người bạn đời của tôi,” hoặc “Điều tôi thật sự muốn” – rồi viết thật nhanh, không ngừng nghỉ, trong vòng hai phút. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng việc viết mà không dừng lại, không ngừng suy nghĩ, lại là một thử thách kỳ lạ và kiệt sức.

Khi ta đứng lại và đọc những gì vừa tuôn trào ra từ tâm trí, những cảm xúc về cha mẹ, người bạn đời hay những khao khát sâu kín có thể xuất hiện rất khác so với những gì ta nghĩ ban đầu. Ta có thể phát hiện ra mình căm ghét nơi trước đây ta tin rằng mình yêu thương, hoặc ngược lại, cảm thấy yêu quý ở nơi từng ngỡ là thờ ơ. Những tầng lớp khao khát, đố kỵ, giận dữ hay buồn bã – mà ta vẫn vô thức kìm nén mỗi ngày để trông có vẻ “bình thường” – giờ đây có cơ hội được bộc lộ.

Giá trị của việc viết tự động nằm ở chính khả năng phơi bày những cảm xúc đối nghịch mà ta thường không dám thừa nhận. Phần lớn con người thật của ta bị giam cầm bởi những quy tắc, bởi nỗi sợ làm tổn thương người khác, bởi sự xấu hổ với những mong muốn đi chệch khỏi con đường thông thường. Thế nhưng, sự chối bỏ chính mình này cũng là cội nguồn của lo âu, cáu kỉnh, mất ngủ và trầm cảm – những hình thái “phản kháng” của những suy nghĩ thật mà ta luôn cố chối bỏ, không để chúng bước vào ý thức.

Viết tự động sẽ không biến ta thành những nhà văn “vĩ đại”. Nhưng nó có thể làm một điều còn hữu ích hơn thế: giải phóng chúng ta khỏi những dối trá nội tâm, khỏi những áp lực khiến ta bất an, bồn chồn hơn mức cần thiết. Những đoạn văn ngắn ngủi, lộn xộn nhưng mãnh liệt trong hai phút ấy sẽ giúp ta đối mặt với con người thật mà bấy lâu nay ta sợ phải đối diện.

Nguồn: WHY WE SHOULD PRACTICE AUTOMATIC WRITING - The School Of Life

menu
menu