Những điều cơ thể muốn nhắc nhở chúng ta

nhung-dieu-co-the-muon-nhac-nho-chung-ta

Một trong những đặc điểm kỳ lạ và nguy hiểm nhất của con người là chúng ta rất khó nhận biết được mình thực sự đang cảm thấy gì.

Một trong những đặc điểm kỳ lạ và nguy hiểm nhất của con người là chúng ta rất khó nhận biết được mình thực sự đang cảm thấy gì. Tâm trí rộng lớn và phức tạp của ta luôn chất đầy những ý nghĩ hỗn độn, những cảm xúc lặng thầm mà ta chẳng dám đối diện. Ta có thể đang giận dữ hoặc buồn bã nhưng lại không hề nhận ra. Ta có thể đang cảm thấy tội lỗi hay ganh tỵ mà chẳng mảy may hay biết.

Sự mù quáng này luôn bám lấy ta bởi ta chống lại những ý niệm có khả năng phá vỡ sự bình yên giả tạo, hình ảnh đẹp đẽ ta xây dựng về bản thân, hay những ảo tưởng ngọt ngào về chính mình. Chúng ta không thể giận dữ, bởi ta tin mình là người tử tế và không thể có cảm giác tiêu cực với một người thân yêu lớn tuổi. Ta cũng chẳng thể buồn vì không được mời dự tiệc, bởi ta tự thuyết phục rằng mình chẳng quan tâm đến những chuyện xã giao vặt vãnh. Và chắc chắn ta không thể ganh tỵ, bởi ta không phải kiểu người mơ ước điều mà người khác đang có.

Edgar Degas, Two Dancers, 1879

Trong khi phần lớn tâm trí của ta ưu tiên lãng quên hơn là thấu hiểu, vẫn có một góc nhỏ của lương tâm muốn ta nhìn thẳng vào sự thật – dù nó có cay đắng đến đâu. Đó là một phần nhỏ bé, nhưng vô cùng kiên trì và dai dẳng, không để ta yên cho đến khi được lắng nghe. Góc nhỏ ấy sẽ dùng mọi cách để đánh thức ta khỏi cơn mê – từ những lần suy sụp, bệnh tật, tật máy mắt, cho đến các hành vi cưỡng chế – với hy vọng ta sẽ nhận ra rằng: Có điều gì đó cần được nhìn nhận và giải quyết.

Khi mọi nỗ lực để cảnh tỉnh tâm trí đều vô ích, lương tâm sẽ chuyển sang cơ thể. Nó buộc ta phải cảm nhận những điều mà ta không dám đối diện, thông qua các triệu chứng. Những cảm xúc bị ta lãng quên sẽ quay lại ám ảnh ta dưới hình hài bệnh tật.

  • Nếu ta không nhìn thẳng vào cơn giận, nó có thể “định cư” ở vùng lưng dưới.
  • Nếu nỗi lo âu không được giải tỏa, nó sẽ trút xuống dạ dày.
  • Nếu sự bất mãn trong tình yêu bị kìm nén, nó có thể, theo nghĩa đen, làm tổn thương trái tim.
  • Những cảm xúc không được thổ lộ sẽ bộc phát thành đau lưng, táo bón, mất ngủ, đau nửa đầu hoặc rối loạn nhịp tim.

Đáng buồn thay, các bác sĩ – dù tốt bụng đến đâu – thường không đặt đúng câu hỏi. Họ tìm cách khắc phục vấn đề vật lý từ những hỏng hóc vật lý, mà không biết rằng có thể một người yêu cũ đã “làm đau” thận của ta, hay cơn giận dữ dồn nén với cha đang làm cứng đờ cột sống của ta.

Chính ta cần tự làm công việc này. Để cơ thể bớt đi những nỗi đau không lời, ta hãy thực hiện một bài tập đơn giản nhưng đầy ý nghĩa. Hãy nhắm mắt lại, có thể khi đang nằm trên giường, và từ từ “đi qua” từng bộ phận cơ thể. Ta hãy tự hỏi:

  • Nếu bộ phận này có thể nói, nó muốn nói điều gì với ta?
  • Trái tim ta cần điều gì?
  • Đôi vai, đôi chân, dạ dày đang muốn nhắn nhủ điều gì?

Ta sẽ bất ngờ khi thấy tâm trí mình có thể đưa ra câu trả lời rõ ràng hơn ta nghĩ. Có thể:

  • Đôi vai ta đang “năn nỉ” ta kết thúc một mối quan hệ.
  • Dạ dày ta đang “khẩn cầu” ta giảm bớt trách nhiệm.
  • Trái tim ta muốn một lần được nói lời xin lỗi.
  • Lồng ngực ta đã quá mệt mỏi khi phải giả vờ rằng mọi thứ vẫn ổn.
  • Phổi ta cần được hét lên, một lần cho thật lớn.

Nhiều cơn đau thể xác thực chất là cách cơ thể trả thù cho những cảm xúc ta từng cố gắng phớt lờ. Nhưng khi ta dám đối diện, chuyển những lo âu về lại tâm trí, và phá vỡ vòng trốn chạy bấy lâu nay, ta sẽ nhận ra cơ thể mình nhẹ nhõm và dễ chịu hơn nhiều.

Ta không chỉ chữa lành những nỗi đau của cơ thể, mà còn tìm lại được sự bình yên sâu thẳm trong tâm hồn. 

Nguồn: WHAT OUR BODIES ARE TRYING TO TELL US - The School Of Life

menu
menu