Những khám phá kỳ thú về chuyện hôn nhân và tình dục cách đây một thế kỷ

Khi hình dung về đời sống tình cảm của các thế hệ cha ông, ta thường có hai cách nghĩ trái ngược.
Khi hình dung về đời sống tình cảm của các thế hệ cha ông, ta thường có hai cách nghĩ trái ngược. Có người tin rằng ngày xưa mọi thứ đẹp đẽ hơn, con người sống có đạo đức hơn, coi trọng lời thề nguyền hôn nhân hơn, nên cũng hạnh phúc và thủy chung hơn. Cũng có người lại nghĩ một cách thực tế đến mức bi quan, rằng người xưa bị ràng buộc trong những mối quan hệ không trọn vẹn, sống theo khuôn phép xã hội hơn là cảm xúc thật, và không hẳn đã hạnh phúc như chúng ta – những con người hiện đại, tự do, giải phóng và tiến bộ.
Nhưng khi nhìn vào dữ liệu lịch sử thực sự, cả hai giả thuyết ấy đều có phần phiến diện.
Vào thập niên 1920, bác sĩ tâm thần học Gilbert Van Tassel Hamilton đã thực hiện một trong những nghiên cứu tiên phong đầu tiên về tình dục và hôn nhân. Khi ấy, chủ đề này vẫn còn là điều cấm kỵ – ngay cả trong giới khoa học. Các học giả trong trường đại học bị giới hạn trong những gì họ có thể nghiên cứu và công bố.
Hamilton đã thực hiện một cuộc khảo sát bài bản, công phu, với mục tiêu tìm hiểu thực tế đời sống vợ chồng trong các gia đình Mỹ. Ông phỏng vấn 100 người đàn ông và 100 người phụ nữ đã kết hôn, độ tuổi từ 22 đến 62, phần lớn ở độ tuổi 30-40. Một phần tư số người tham gia chưa có con, và một nửa có từ hai con trở lên.
Để tránh việc người khảo sát ảnh hưởng đến câu trả lời, mỗi người tham gia được phát một xấp thẻ ghi 400 câu hỏi đã được đánh máy sẵn – những câu hỏi này được thiết kế để khám phá mọi khía cạnh của đời sống hôn nhân một cách có hệ thống. Người tham gia đọc từng câu hỏi, rồi trả lời, và người khảo sát chỉ ghi lại nguyên văn câu trả lời ấy. Những buổi phỏng vấn kéo dài nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày, và thu được khoảng 80.000 phản hồi chi tiết, tỉ mỉ.
Hamilton không chọn người tham gia một cách ngẫu nhiên. Bởi lẽ, hầu hết những hiểu biết thời đó về hôn nhân và tình dục đều đến từ các bệnh nhân tìm đến bác sĩ – tức là những người đang gặp rắc rối trong đời sống cá nhân. Hamilton muốn khảo sát những người “bình thường”, khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, chứ không phải những người đang trong trạng thái bất ổn.
Ông chọn những người có khả năng tự quan sát, suy ngẫm, diễn đạt cảm xúc, suy nghĩ của mình một cách rõ ràng và sâu sắc. 90% số đàn ông và 73% số phụ nữ tham gia đã từng học đại học; 78% đàn ông và 46% phụ nữ đã có bằng cấp. Tất cả nam giới và gần một nửa số phụ nữ làm trong các ngành nghề chuyên môn như bác sĩ, luật sư, giáo viên, nghệ sĩ, mục sư, biên tập viên, kiến trúc sư…
Hamilton không hề cho rằng nhóm người ông nghiên cứu có thể đại diện cho toàn xã hội. Ông cũng thừa nhận kích thước mẫu nhỏ và sự thật rằng độ chính xác của dữ liệu phụ thuộc vào mức độ trung thực của người tham gia. Tuy vậy, ông tin rằng đa số họ đã trả lời rất thật lòng. Những cuộc phỏng vấn kéo dài tạo ra sự tin cậy và thân mật, khiến người tham gia sẵn sàng chia sẻ cả những điều thầm kín nhất – như thể họ đang được trị liệu tâm lý miễn phí. Hamilton từng viết: “Phần lớn chúng ta đều thích nói về bản thân – một cách chân thành và dài dòng – miễn là ta cảm thấy an toàn và được tôn trọng.”
Tuy không phản ánh toàn cảnh đời sống hôn nhân trong thập niên 1920, nghiên cứu của Hamilton vẫn mở ra một cánh cửa thú vị để ta nhìn lại cách một bộ phận người thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu thời đó đã sống, đã yêu, và đã đối diện với những vấn đề hôn nhân ra sao. Công trình của ông được ca ngợi là “cách tiếp cận khách quan và bài bản nhất trong nghiên cứu về hôn nhân cho đến nay.” Như Hamilton nhận xét, “dù không mang tính đại diện, nhưng những phát hiện này vẫn rất đáng giá và gợi mở.”
Kết quả nghiên cứu được xuất bản thành sách học thuật với nhan đề A Research in Marriage vào năm 1929. Năm sau đó, ông cùng đồng tác giả Kenneth MacGowan cho ra mắt một phiên bản dành cho công chúng rộng rãi với tên gọi What Is Wrong With Marriage. Và sau đây là một vài con số và sự thật thú vị nhất từ công trình đầy tâm huyết ấy.
TRẢI NGHIỆM TÌNH DỤC TRƯỚC HÔN NHÂN
Người xưa vẫn thường nói: “Thuở ban đầu lưu luyến ấy, nghìn năm hồ dễ mấy ai quên.” Nhưng liệu tình yêu trong sáng, ít va vấp trước hôn nhân có thực sự góp phần xây nên một cuộc hôn nhân hạnh phúc? Theo kết quả nghiên cứu của Hamilton, câu trả lời dường như là: Có.
Những người có ít mối quan hệ tình cảm – dù có yếu tố tình dục hay không – trước khi kết hôn, thường có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc hơn. Trong số những người tham gia nghiên cứu, 46% nam giới và 65% phụ nữ là còn trinh khi bước vào hôn nhân.
76% nam và 86% nữ chỉ từng quan hệ tình dục với một người duy nhất – chính là người họ cưới làm vợ/chồng.
30% nam giới và 21% phụ nữ đã từng có quan hệ với người bạn đời tương lai của mình trước khi kết hôn, nhưng chưa từng gần gũi với bất kỳ ai khác.
Nếu cộng hai nhóm này lại – những người hoàn toàn chưa từng quan hệ trước và những người chỉ từng quan hệ với bạn đời – ta có thể thấy rằng chỉ có 14% phụ nữ và 24% nam giới đã từng gần gũi thể xác với người không phải là người bạn đời sau này của họ.
Và điều thú vị là, những người giữ gìn đến hôn nhân lại có xu hướng sống hạnh phúc hơn sau đó.
Trong số những người đàn ông còn trinh khi cưới, 57% cho biết họ hài lòng với cuộc sống hôn nhân, so với tỷ lệ trung bình là 51%.
Đối với phụ nữ, 49% những người chưa từng quan hệ trước hôn nhân cảm thấy hạnh phúc, so với mức trung bình là 45%.
Cả hai nhóm – người từng quan hệ với chính người bạn đời trước hôn nhân và người từng có trải nghiệm với người khác – đều có tỷ lệ hạnh phúc thấp hơn mức trung bình.
Một điểm đáng chú ý khác trong nghiên cứu là: Gần như tất cả những người tham gia đều từng sử dụng biện pháp tránh thai, trừ một vài trường hợp biết rõ mình không thể sinh con. Điều này khá đặc biệt, vì vào thời điểm đó, việc buôn bán và sử dụng các phương pháp tránh thai vẫn còn bị kiểm soát nghiêm ngặt.
Vì lý do kiểm duyệt, Hamilton không thể ghi rõ họ dùng phương pháp gì, nhưng ông có ghi nhận rằng:
“Chỉ một nửa số người tham gia cảm thấy biện pháp mình dùng là an toàn. Chưa đến một phần ba phụ nữ và chưa đến một phần tư đàn ông cảm thấy mình đã tìm được phương pháp tránh thai hiệu quả.”
Ngoài ra, 21% phụ nữ từng phá thai, và hai người khác từng sử dụng thuốc với mục đích chấm dứt thai kỳ nghi ngờ – con số này, một cách đáng ngạc nhiên, tương đương với tỷ lệ phá thai ngày nay.
CHUYỆN ÂN ÁI TRONG HÔN NHÂN
Một thực tế không mấy ai nói ra: có tới 46% phụ nữ chưa từng đạt cực khoái khi quan hệ tình dục. Trong khi đó, tất cả đàn ông tham gia khảo sát đều từng đạt đỉnh khi "ân ái". (Hamilton không định nghĩa rõ “quan hệ tình dục” là gì, nhưng có lẽ ông ám chỉ đến việc giao hợp qua đường âm đạo).
Về con số ít ỏi phụ nữ đạt cực khoái khi giao hợp, Hamilton nhận xét: “Khoa học dường như vẫn còn rất mù mờ về vấn đề này. Chủ đề này chưa được nghiên cứu nhiều — có lẽ bởi phần lớn các nhà nghiên cứu tình dục đều là nam giới — và gần như không có tài liệu nào thật sự đáng giá về cả khía cạnh sinh lý lẫn tâm lý.”
Ngày nay, các con số đã phần nào thay đổi, nhưng khoảng cách vẫn còn rõ ràng:
- Chỉ khoảng 15% đến 25% phụ nữ hiện đại cho biết họ có thể đạt cực khoái đều đặn chỉ từ giao hợp, mà không cần thêm kích thích nào khác.
- Từ 50% đến 70% phụ nữ nói rằng họ cần được kích thích điểm G hoặc âm vật — trong lúc quan hệ hoặc bên cạnh đó — mới có thể đạt khoái cảm.
- Khoảng 10% đến 20% phụ nữ cho biết họ hiếm khi hoặc chưa từng đạt cực khoái chỉ từ quan hệ.
- Và 10% đến 15% phụ nữ chưa từng nếm trải cảm giác "lên đỉnh", dù là trong hoàn cảnh nào.
Một nghiên cứu gần đây thực hiện với cả người dị tính và đồng tính đặt câu hỏi: “Mỗi khi quan hệ, bạn thường đạt cực khoái bao nhiêu phần trăm trong số đó?”
Kết quả:
- Nam giới trả lời khoảng 70-85%,
- Phụ nữ trả lời từ 46-58%.
Tỷ lệ phụ nữ đạt cực khoái trong năm đầu hôn nhân không khác biệt đáng kể giữa nhóm lấy chồng còn "zin" và nhóm lấy người từng trải. Tuy nhiên, số phụ nữ không thể đạt cực khoái suốt nhiều năm trong hôn nhân lại cao hơn ở nhóm lấy chồng còn trinh.
Điều đáng mừng là: khả năng đạt cực khoái thông qua giao hợp có thể được vun đắp theo thời gian, khi hai người cùng học hỏi, cùng thấu hiểu nhau. Trong số những người phụ nữ không hề đạt cực khoái trong năm đầu hôn nhân, có 18 người sau đó đã dần cảm nhận được cảm giác ấy.
Một điều khá bất ngờ: màn dạo đầu và sự đầu tư vào “khúc dạo tình” không mấy liên quan đến khả năng đạt cực khoái của phụ nữ khi quan hệ. “Dữ liệu của chúng tôi cho thấy: trong tổng số 200 người tham gia, việc chuẩn bị kỹ càng hay sáng tạo trong màn dạo đầu không ảnh hưởng đáng kể đến kết quả. Những người tỉ mỉ, cầu kỳ hay đơn giản, ít chuẩn bị — cuối cùng vẫn có tỷ lệ đạt cực khoái ngang nhau.”
Người phụ nữ khi đã chạm đến khoái cảm bên người chồng của mình, thường có xu hướng nói rằng họ yêu anh ấy. “68% những người phụ nữ bày tỏ rằng họ yêu chồng đã từng đạt cực khoái khi quan hệ. Trong khi đó, chỉ 53% những người không yêu chồng có được cảm giác này. Gần một nửa số phụ nữ không yêu chồng chưa từng nếm trải cảm giác trọn vẹn của cực khoái, so với chỉ 32% ở nhóm có tình yêu trong hôn nhân.”
Phụ nữ lớn lên trong những mái nhà nơi cha mẹ không né tránh chuyện giới tính, nơi những câu hỏi ngây thơ của tuổi nhỏ được đón nhận bằng sự khích lệ, sẻ chia — họ có nhiều khả năng hơn để đạt khoái cảm khi yêu. Trong số những người từng được cha mẹ khuyến khích khi hỏi về tình dục, có 73% đã từng đạt cực khoái khi quan hệ. Ngược lại, trong nhóm phụ nữ mà tuổi thơ chỉ nhận về ánh nhìn lúng túng, những câu trả lời vòng vo, né tránh — chỉ 42% từng có được cảm giác ấy.
Điều này càng rõ ràng hơn trong một chi tiết nhỏ: trong số 18 người phụ nữ không đạt cực khoái trong năm đầu tiên sau cưới, chỉ duy nhất một người từng được cha mẹ khuyến khích, cởi mở khi hỏi về giới tính lúc nhỏ.
Một điều có thể khiến nhiều người bất ngờ: tự khám phá bản thân (thủ dâm) không hẳn mang đến khả năng dễ đạt cực khoái hơn khi yêu. 74% phụ nữ từng tự khám phá cơ thể mình, nhưng trong số đó, chỉ 51% đạt cực khoái khi quan hệ với chồng. Trong khi đó, 62% số phụ nữ chưa từng thủ dâm lại từng có được cảm giác này.
Khả năng đạt cực khoái khi yêu cũng không phải là thước đo chắc chắn cho hạnh phúc hôn nhân. Những người vợ hạnh phúc cũng chỉ nhỉnh hơn 7% về khả năng đạt khoái cảm so với những người không hạnh phúc. Và đáng chú ý hơn cả: 42% những cuộc hôn nhân được cho là hạnh phúc vẫn hạnh phúc dù người vợ chưa từng trải qua khoái cảm thực sự.
Câu chuyện ham muốn — tưởng chừng như hai người cùng nhịp, cùng khát khao — nhưng sự thật lại khác: chỉ 23% nam giới và 21% phụ nữ nói rằng cả hai luôn cùng lúc có nhu cầu gần gũi.
- 39% đàn ông và 27% phụ nữ cho biết: ham muốn thường trùng khớp, nhưng “người vợ đôi khi chấp nhận theo ý chồng.”
- Và có tới 11 người đàn ông và 29 người phụ nữ thừa nhận rằng: người vợ thường hoặc luôn là người “thuận theo” mong muốn của chồng.
Có 7 người đàn ông và 3 người phụ nữ chia sẻ rằng người chồng đôi khi là người chiều theo ham muốn của vợ. Đáng chú ý, tất cả những người đàn ông này đều trên 37 tuổi — như thể sự trưởng thành mang lại cho họ sự thấu hiểu, mềm mỏng hơn trong chuyện chăn gối.
Khi được hỏi: “Vợ/chồng bạn có sẵn lòng gần gũi thân mật với bạn với tần suất bạn mong muốn không?”, 64% nam giới và 60% phụ nữ trả lời “Có” hoặc “Phần lớn là có.”
Thế nhưng, không phải mọi thứ đều suôn sẻ. 35% đàn ông từng gặp phải tình trạng “bất lực ở mức độ nào đó” khi gần gũi vợ mình — một thực tế ít được thổ lộ nhưng không hiếm gặp.
Dù vậy, sự hấp dẫn về thể xác vẫn còn đó:
- 85% đàn ông cho biết họ vẫn thấy vợ mình quyến rũ, trong đó có 6 người cảm thấy vợ mình ngày càng hấp dẫn hơn theo thời gian.
- Chỉ có 2 người đàn ông chưa bao giờ thấy vợ mình hấp dẫn về mặt thể xác.
- Về phía phụ nữ, 66% vẫn thấy chồng mình cuốn hút, nhưng có 5 người chưa từng thấy chồng mình hấp dẫn về mặt xác thịt.
Khi những cảm xúc trong hôn nhân không còn đủ đầy, một số người tìm đến nơi khác để lấp đầy những khoảng trống:
- 28% đàn ông và 24% phụ nữ thừa nhận đã từng ngoại tình.
- Tuy nhiên, chỉ 29% đàn ông và 17% phụ nữ trong số đó cho biết họ đang sống trong một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Ngoài ra, còn có 17 phụ nữ và 1 người đàn ông thổ lộ rằng họ từng gắn bó với một người ngoài cuộc hôn nhân, không phải bằng thể xác, mà bằng tình cảm — những mối quan hệ âm thầm, nhiều khi chỉ là một ánh mắt thấu hiểu hay một sự lắng nghe dịu dàng.
Số lượng những mối quan hệ ngoài luồng tăng rõ rệt khi những người tham gia bước vào tuổi 40, đặc biệt là ở phụ nữ — có lẽ khi ấy, người ta bắt đầu đối diện với những mong mỏi sâu xa hơn, và cũng dám đặt câu hỏi: "Mình còn xứng đáng được yêu và được rung động không?"
Gần hai phần ba số phụ nữ đã từng ngoại tình cho biết họ không thể đạt cực khoái khi quan hệ với chồng mình.
Mặc dù sự thiếu vắng cảm giác "lên đỉnh" không gắn liền trực tiếp với mức độ hạnh phúc hôn nhân, nó lại có liên hệ rõ ràng với những cuộc phiêu lưu ngoài hôn nhân.
Hamilton đưa ra một giả thuyết: “Chính khoảng trống này trong đời sống của họ đã khiến họ tìm đến người đàn ông khác, với hy vọng có được một trải nghiệm trọn vẹn hơn.”
Thế nhưng, một sự thật đầy chua xót: gần như không có người phụ nữ nào, dù đã ngoại tình, lại có thể đạt cực khoái với người tình.
Như thể những khao khát họ kiếm tìm không chỉ nằm ở thể xác, mà là một điều gì đó sâu xa hơn – sự kết nối, sự nâng niu, hay đơn giản là cảm giác được thật sự hiểu và thuộc về.
HẠNH PHÚC TRONG HÔN NHÂN
Khoảng một nửa số người tham gia khảo sát cho biết họ đang sống trong một cuộc hôn nhân hạnh phúc hoặc tương đối hạnh phúc. Một phần tư cho rằng cuộc sống vợ chồng của họ không có điều gì khiến họ bất mãn hay phiền lòng đáng kể. Một phần tư khác thừa nhận có những điều chưa hài lòng về người bạn đời, nhưng những điều đó không đủ lớn để làm lu mờ những điểm tích cực và dễ chịu mà họ đang có. Khoảng 13–14% các cặp đôi phải đối mặt với những vấn đề dai dẳng, nhưng giữa họ vẫn tồn tại một mối gắn bó sâu sắc. Còn lại, gần 40% đang ở trong những cuộc hôn nhân được xem là “không thể chịu đựng nổi”.
Nam giới nhìn chung cảm thấy hạnh phúc hơn phụ nữ trong đời sống hôn nhân. Có 29% nam giới và 21% phụ nữ khẳng định họ thực sự hạnh phúc trong hôn nhân; thêm 22% nam giới và 24% phụ nữ cho biết họ hài lòng, dù vẫn còn một vài điều kiện nhỏ đi kèm. Như vậy, tổng cộng có 51% nam giới và 45% phụ nữ cảm thấy hạnh phúc hoặc tương đối hạnh phúc với người bạn đời của mình.
Dẫu chỉ khoảng một nửa các cuộc hôn nhân được đánh giá là thành công, nhưng khi được hỏi những câu mang tính cá nhân và cảm xúc sâu hơn, người tham gia lại thể hiện sự gắn bó với hôn nhân nhiều hơn con số thống kê bề nổi:
Khi được hỏi: “Anh/chị có muốn tiếp tục sống cùng người bạn đời của mình… vì anh/chị yêu người ấy không?”, 78% nam giới trả lời “Có”. Con số ở phía phụ nữ cũng cao không kém – 75%.
Câu hỏi khác là: “Nếu như bằng một phép màu, anh/chị có thể bấm nút để chưa từng kết hôn với người hiện tại, liệu anh/chị có làm điều đó không?” – 66% nam giới và 64% phụ nữ đã dứt khoát nói “Không”. Những người còn lại hoặc do dự, hoặc trả lời “Có”.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều phụ nữ hơn nam giới xem cuộc hôn nhân của mình là một “thất bại” – tỷ lệ là 53% ở phụ nữ so với 37% ở nam giới.
Đáng chú ý, nam giới có xu hướng cảm thấy bất mãn với hôn nhân sớm hơn phụ nữ. Hơn một phần ba cho biết họ đã thấy không hài lòng với vợ mình ngay trong năm đầu sau cưới. 15% thậm chí nói rằng họ đã cảm thấy hụt hẫng vì một số điều ở người bạn đời từ khi còn đính hôn, hoặc ngay từ đầu. Trong khi đó, chỉ 26% phụ nữ cảm thấy bất mãn trong năm đầu tiên sau khi kết hôn, và chỉ có duy nhất một người phụ nữ chia sẻ rằng cô từng hoài nghi về cuộc hôn nhân ngay trong thời gian đính hôn. Tuy nhiên, từ năm thứ hai đến năm thứ sáu, số phụ nữ bắt đầu cảm thấy không hạnh phúc gấp ba lần nam giới – và chỉ sau năm thứ sáu, tỷ lệ bất mãn ở nam giới mới dần bắt kịp.
Khả năng đạt được hạnh phúc trong hôn nhân dường như tăng theo độ tuổi kết hôn, cho đến khoảng 35 tuổi. Những người kết hôn trước tuổi 25 có tỷ lệ hôn nhân hạnh phúc thấp nhất. Hạnh phúc trong hôn nhân tăng lên rõ rệt ở những người kết hôn muộn hơn, và đạt đỉnh ở nhóm từ 30 đến 34 tuổi. Dù gần một nửa số phụ nữ khảo sát đã lập gia đình trước tuổi 25 – con số cao nhất trong các nhóm tuổi – nhưng đây lại là nhóm kém hạnh phúc nhất: chỉ có 28% phụ nữ trong nhóm này cảm thấy hài lòng với hôn nhân, trong khi ở nhóm phụ nữ kết hôn từ 30 đến 34 tuổi, con số đó là 63%.
Những người đàn ông có vợ học cao hơn mình lại thường cảm thấy viên mãn hơn trong hôn nhân. 78% trong số họ thừa nhận rằng họ đang sống hạnh phúc bên người bạn đời có trình độ học vấn vượt trội – một con số cao hơn hẳn so với mức trung bình là 51%. Thế nhưng, điều trớ trêu là những người phụ nữ học nhiều hơn chồng lại không có được niềm vui trọn vẹn như thế – chỉ 32% trong số họ cho biết họ hài lòng với cuộc hôn nhân của mình, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 45%.
Những người vợ có chồng học cao hơn mình thì rơi vào khoảng trung bình về mức độ hạnh phúc trong hôn nhân. Còn những người chồng vượt trội về học vấn so với vợ thì lại không mấy vui vẻ – chỉ 39% trong số họ cảm thấy hôn nhân là một nơi bình yên.
Dường như, sự chênh lệch về học vấn đã để lại những khoảng cách khó lấp đầy. Khi một người bước đi quá xa trên con đường tri thức, còn người kia dừng lại sớm hơn, khoảng cách ấy đôi khi không chỉ là giữa kiến thức mà còn là giữa tiếng nói, giữa cảm xúc và cả sự đồng cảm. Những người đã bước lên cao hơn lại dễ thấy lạc lõng nếu không thể cùng người mình yêu thương chia sẻ những tầng sâu của suy nghĩ.
Trong những gia đình mà người vợ là người đi làm kiếm tiền, mức độ hạnh phúc dường như cũng bị ảnh hưởng theo một cách nào đó. Những người chồng có vợ ở nhà nội trợ có vẻ mãn nguyện hơn – 61% trong số họ nói rằng họ hài lòng với cuộc hôn nhân của mình. Con số này giảm xuống còn 44% ở những người có vợ cùng gánh vác kinh tế. Với phụ nữ, sự khác biệt còn rõ rệt hơn: 63% những người vợ “phụ thuộc” về tài chính cảm thấy hạnh phúc trong hôn nhân, trong khi chỉ 25% phụ nữ đi làm có được cảm giác ấy.
Có lẽ, khi người phụ nữ bước ra ngoài, cùng làm việc, cùng kiếm sống, họ không chỉ gánh thêm áp lực mà còn đối mặt với những tổn thương thầm lặng trong chính tổ ấm của mình – nơi đôi khi vẫn chưa sẵn sàng để đón nhận một người vợ vừa mạnh mẽ ngoài xã hội, vừa dịu dàng trong căn bếp nhỏ.
Và rồi, trong những nếp nghĩ khác biệt, phụ nữ và đàn ông cũng không hoàn toàn đồng thuận khi nói về sự hy sinh vì con cái. Chỉ 53% phụ nữ cho rằng vợ chồng nên tiếp tục sống trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc để giữ gìn mái ấm cho con, trong khi có đến 62% đàn ông cho rằng như vậy là đúng.
MÂU THUẪN TRONG HÔN NHÂN
Phụ nữ thường khắt khe hơn với chồng mình so với cách mà các ông chồng đánh giá vợ. Khi được hỏi về những điều không hài lòng với người bạn đời, 39% đàn ông không có phàn nàn nghiêm trọng nào về vợ, trong khi chỉ có 25% phụ nữ có cùng cảm nhận về chồng. "61 người đàn ông và 75 người phụ nữ đều tìm thấy điều gì đó 'đặc biệt không hài lòng' ở người bạn đời của mình."
Khi được hỏi về những thay đổi, nếu có, họ muốn thực hiện đối với thói quen và hành vi của vợ, 21% đàn ông trả lời "Không gì cả" ở khía cạnh đầu tiên, và 45% muốn mọi thứ giữ nguyên ở khía cạnh thứ hai. Chỉ có 14% và 36% phụ nữ không muốn thay đổi gì về thói quen hành vi và tâm lý của chồng.
Khi được yêu cầu mô tả tính cách của người bạn đời một cách rõ ràng nhất có thể, 29% đàn ông và 17% phụ nữ không nhắc đến bất kỳ đặc điểm không mong muốn nào. Trong khi mỗi người đàn ông chỉ nêu ra trung bình một đặc điểm tiêu cực khi mô tả vợ, thì mỗi người phụ nữ lại liệt kê trung bình ba đặc điểm tiêu cực khi nói về chồng.
Tuy nhiên, phụ nữ không chỉ liệt kê nhiều đặc điểm tiêu cực ở chồng mà họ cũng liệt kê nhiều điểm tích cực hơn. Các bà vợ đưa ra gấp ba lần số đặc điểm tốt đẹp khi nói về chồng so với số đặc điểm mà các ông chồng nói về vợ.
Hamilton nhận xét: "Như vậy, phụ nữ thể hiện khả năng chi tiết hóa mà điều này đã lặp lại xuyên suốt trong nghiên cứu."
Các ông chồng chỉ đánh giá vợ khắt khe hơn vợ đối với chồng về mặt ngoại hình. Khi được hỏi về những thay đổi về ngoại hình, nếu có, họ muốn thực hiện đối với người bạn đời, 45% phụ nữ nói "Không gì cả," so với 38% đàn ông có cùng đáp án.
Khi được hỏi về những nguồn gốc gây sự không hài lòng trong hôn nhân, cả đàn ông lẫn phụ nữ đều thường xuyên đề cập đến những khó khăn về tính khí hơn là vấn đề tình dục. Những phàn nàn về tính khí chiếm 37% ở phụ nữ và 49% ở đàn ông, trong khi những bất mãn về tình dục chỉ có 30% phụ nữ và 39% đàn ông phản ánh.
Những phàn nàn phổ biến hơn:
Nguyên nhân thứ ba thường xuyên được nhắc đến dẫn đến sự không hài lòng trong hôn nhân là "nô lệ trong gia đình/thiếu tự do," một phàn nàn được 18 phụ nữ và 10 đàn ông chia sẻ.
"Vấn đề kinh tế" chỉ đứng thứ tư trong danh sách những nguồn gốc gây bất mãn trong hôn nhân, với chỉ 16 phụ nữ và 8 đàn ông đề cập đến. Mặc dù những vấn đề tài chính thường được xem là một nguồn cơn căng thẳng lớn trong hôn nhân, nhưng qua việc phân tích những cuốn tự truyện của các tham gia viên, Hamilton chỉ ra rằng "sự căng thẳng về tiền bạc thực chất thường là dấu hiệu của một vấn đề khác trong hôn nhân," thay vì "nguyên nhân gây ra rắc rối."
Khi được hỏi về những nguồn gốc gây sự không hài lòng trong hôn nhân, 10 phụ nữ đáp rằng, “Mọi thứ đều sai.” Chỉ có 2 đàn ông đưa ra cùng một câu trả lời.
Một đặc điểm cá nhân mà các ông chồng mong muốn thay đổi nhất ở vợ mình chính là tính khí. Khi được hỏi về những thay đổi, nếu có, họ muốn thực hiện đối với tính cách của vợ, câu trả lời phổ biến nhất, được 28% đàn ông đưa ra, là họ muốn vợ mình có tính khí tốt hơn. (Từ "tính khí" thời bấy giờ không chỉ bao gồm khuynh hướng dễ nổi giận, mà còn chỉ tâm trạng và thái độ chung của một người.) Những thay đổi phổ biến khác mà các ông chồng mong muốn ở vợ mình là:
- Thông minh hơn: 27%
- Đam mê/hấp dẫn hơn về mặt thể xác: 25%
- Ít la mắng hơn: 24%
Đặc điểm cá nhân mà các bà vợ muốn thay đổi nhất ở chồng cũng chính là tính khí. 36 phụ nữ mong muốn thay đổi tính khí của chồng; trong khi 29 phụ nữ muốn chồng mình điềm đạm hơn, 7 người lại muốn chồng có tính cách mạnh mẽ hơn, bớt hiền hòa và ngoan ngoãn. Những thay đổi phổ biến khác mà các bà vợ mong muốn ở chồng là:
- Ít ích kỷ hơn: 34% (“Một số phụ nữ coi sự u sầu và ủ rũ như là dấu hiệu của sự ích kỷ” và trong sự ích kỷ này “gần như bao gồm mọi tật xấu khác”)
- Nói nhiều hơn: 30%
- Quan tâm hơn: 26%
NHỮNG GHI CHÚ CUỐI CÙNG
Không thể so sánh trực tiếp những con số thống kê này với các nghiên cứu hiện đại, vì dữ liệu nghiên cứu về các vấn đề này thay đổi rất lớn tùy theo câu hỏi được đặt ra và đối tượng nghiên cứu (cần nhớ rằng, những người tham gia trong nghiên cứu của Hamilton không đại diện cho xã hội rộng lớn).
Chẳng hạn, về câu hỏi hạnh phúc hôn nhân nói chung, tỷ lệ người cho rằng họ hạnh phúc trong hôn nhân ngày nay thường dao động từ 40% đến 60%, tùy vào từng cuộc khảo sát. Các cuộc thăm dò của Gallup thường chỉ ra rằng khoảng 56% những người đã kết hôn ở Mỹ cho biết họ "rất hạnh phúc" với cuộc hôn nhân của mình. Tuy nhiên, cần phải xem xét rằng vào những năm 1920, việc ly hôn là điều hết sức khó khăn, dẫn đến tỷ lệ ly hôn chỉ khoảng 10-15%, trong khi ngày nay tỷ lệ ly hôn ở các cuộc hôn nhân đầu tiên là khoảng 40%. Do đó, tỷ lệ hạnh phúc trong các cuộc hôn nhân hiện đại chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi thực tế rằng nhiều người, những người lẽ ra sẽ sống trong những cuộc hôn nhân không hạnh phúc cách đây một thế kỷ, giờ đây đã lựa chọn chia tay.
Vì vậy, cuối cùng, chính người đọc sẽ là người rút ra kết luận riêng của mình về những gì đã thay đổi – hay chưa thay đổi – về tình dục và hôn nhân trong suốt 100 năm qua.
Nguồn: Fascinating Insights on the State of Sex and Marriage 100 Years Ago | Art Of Manliness