Những khiếm khuyết của người bạn đời – và lý do đằng sau

Nghe có vẻ không lãng mạn chút nào khi ta dành thời gian để suy nghĩ thấu đáo về những khiếm khuyết của người bạn đời.
Nghe có vẻ không lãng mạn chút nào khi ta dành thời gian để suy nghĩ thấu đáo về những khiếm khuyết của người bạn đời. Người ta thường cho rằng, khi yêu, ta chỉ nên đắm chìm trong những điều tuyệt vời nơi họ. Nhưng thật ra, việc nhìn nhận rõ ràng và sâu sắc về những khuyết điểm của người ta đang sẻ chia cuộc sống lại có thể là điều tử tế và bền vững nhất để nuôi dưỡng tình yêu.
Bởi vì sự thành công hay thất bại của một mối quan hệ không phụ thuộc vào việc người kia có khuyết điểm hay không – bởi chắc chắn họ có. Điều quan trọng nằm ở cách ta diễn giải những khiếm khuyết ấy: cách ta thấu hiểu vì sao trong quá khứ họ từng – và trong tương lai có thể sẽ tiếp tục – là một người khó chịu, khó hòa hợp. Bí quyết là liệu ta có thể chuyển từ việc coi những điều khiến ta bực bội là dấu hiệu của sự ích kỷ hay điên rồ sang việc nhận ra đó là những biểu hiện của nỗi đau và lo âu. Ta chỉ thực sự biết yêu khi phản ứng mặc định trước hành vi khó chịu của đối phương không phải là tức giận vì cảm thấy quyền được hạnh phúc của mình bị đe dọa, mà là tò mò, tự hỏi những tổn thương nào trong quá khứ của họ đang trỗi dậy.
Trong những khoảnh khắc yếu đuối, ta thường dễ kết luận rằng những thiếu sót của đối phương bắt nguồn từ sự cố ý. Họ như thể cố tình khiến ta đau khổ, như thể đang mang trong mình một ý định quỷ quái muốn hạ nhục ta. Khi họ không đủ đam mê trong chuyện chăn gối, hoặc khi họ quá đòi hỏi, quá luộm thuộm, quá cầu kỳ, hay hay tranh luận, hoặc không có những ý kiến thú vị mà ta mong muốn, ta nghĩ rằng đó là điều họ hoàn toàn có thể thay đổi, nếu họ thực sự muốn. Nhưng họ không quan tâm, họ ích kỷ và cố ý phá hủy cơ hội hạnh phúc của ta.
Thế nhưng, sự thật gần như luôn khác xa như vậy. Những điều khiến ta khó chịu ở họ thường bắt nguồn từ những trải nghiệm thời thơ ấu – từ rất lâu trước khi họ gặp ta. Đó là những chiến lược mà họ đã phát triển để đối phó với áp lực của tuổi thơ. Có lẽ một người mẹ quá khắt khe và đòi hỏi đã khiến họ cảm thấy việc bừa bộn, không ngăn nắp là cách nổi loạn cần thiết: một tuyên bố độc lập quan trọng, để rồi giờ đây họ mang trong mình niềm tin rằng việc treo quần áo ngay ngắn hay giữ bếp sạch bóng chỉ là thói quen của những kẻ độc tài. Hành vi của họ hôm nay có thể khiến ta bực mình, nhưng họ không phải là người xấu – họ chỉ đang lặp lại những vết hằn khó khăn từ tuổi thơ.
Hoặc có lẽ họ lớn lên trong một gia đình không mấy ổn định về mặt xã hội, và giờ đây, họ luôn muốn tiêu tiền thật nhiều, muốn khoe khoang, dễ bị thu hút bởi những người mà ta chẳng mấy ngưỡng mộ. Họ luôn muốn tham dự tiệc tùng và hay phàn nàn nếu cảm thấy ta ăn mặc không đủ chỉn chu. Những hành vi đó dễ làm ta phát cáu, nhưng nếu nhìn theo cách khác, ta có thể thấy đó là nỗ lực bù đắp cho những cảm giác nhục nhã trong quá khứ. Họ có thể sẽ không bao giờ thực sự thừa nhận điều này với ta – nhưng thay vì chỉ trích khía cạnh ấy ở họ, ta có thể cố hiểu và phần nào tha thứ khi nghĩ đến nguồn gốc sâu xa của những điều đó. Họ không chỉ đơn thuần là một kẻ kiêu ngạo, mà đang cố gắng, trong khả năng của mình, để thoát khỏi những khổ đau đã qua.
Những khía cạnh ít đáng yêu hơn ở đối phương hầu như luôn có thể được hiểu là cách họ phản ứng trước những nỗi sợ hãi và lo âu. Nếu họ có vẻ lười biếng, có thể là vì họ yêu cầu sự hoàn hảo đến mức sợ hãi việc phạm sai lầm. Nếu họ hay hờn dỗi, có lẽ vì họ cảm thấy mình không thể diễn đạt được điều mình thực sự mong muốn. Nếu họ dễ nóng giận, đó có thể là do những lo lắng về thất bại trong công việc – được thúc đẩy bởi bóng dáng của một người cha hay phán xét trong tâm trí họ.
Mọi hành động không vừa ý đều có thể được diễn giải theo cách đầy bao dung – hoặc không. Và, nghe có vẻ kỳ lạ, cách diễn giải bao dung thường lại đúng hơn cả. Điều này hiển nhiên khi chúng ta nhìn vào chính mình. Ta hiểu rất rõ rằng những khía cạnh khó ưa của bản thân không xuất phát từ bản chất xấu xa, mà từ những nỗi sợ hãi và lo âu. Ta tự thấy mình đáng được thông cảm hơn là phán xét. Và nếu điều này đúng với ta, thì chắc chắn cũng đúng với người bạn đời của ta.
Khi bước vào một mối quan hệ, ta cần chấp nhận rằng ta sẽ không thể thích được những khía cạnh tồi tệ nhất của đối phương – và cũng không nên mong đợi điều đó. Đồng thời, ta phải thừa nhận rằng họ gần như chắc chắn sẽ không thay đổi nhiều. Nhưng những điều này không nên là yếu tố quyết định tình yêu. Ta sẵn sàng yêu không phải khi gặp được một người hoàn hảo hay đạt đến trạng thái điềm tĩnh như bậc hiền triết, mà là khi ta có thể – trong những khoảnh khắc nhẹ nhàng hơn – diễn giải một cách bao dung với những thiếu sót của họ.
Điều này đòi hỏi ta phải vượt qua cảm giác ám ảnh rằng mình sẽ hạnh phúc hơn với một người khác. Sau một thời gian gắn bó, rất nhiều người mới xuất hiện xung quanh sẽ có vẻ thú vị, tử tế hơn. Đôi lúc, ta có thể gặp một ai đó dường như tốt hơn hẳn: họ ấm áp hơn, hài hước hơn, hấp dẫn hơn, lắng nghe tốt hơn, hoặc có chung những đam mê giống ta hơn. Sự so sánh này ngay lập tức khiến người bạn đời hiện tại trở nên kém hấp dẫn. Và ta tự hỏi: "Tại sao mình lại nghĩ đến việc gắn bó cả đời với một người nhiều khiếm khuyết như vậy?"
Nhưng sự thật là, bạn đời của ta không phải người duy nhất có những tổn thương. Sự khác biệt chỉ nằm ở chỗ ta hiểu họ quá rõ. Người bạn đời phải chịu thiệt thòi vì "lợi thế" của việc ở bên ta đủ lâu để ta được tiếp xúc, từng chút một, với tất cả những nhược điểm của họ. Sự chắc chắn rằng ta có thể hạnh phúc hơn với một người khác thực ra xuất phát từ sự thiếu hiểu biết. Đó là kết quả của việc ta chưa tiếp xúc đủ lâu với "những phần xấu xí nhất" trong tính cách của người mới – những phần chắc chắn sẽ xuất hiện, không phải vì ta biết rõ họ, mà vì ta hiểu về con người nói chung, và họ, bất chấp vẻ ngoài hấp dẫn, cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Thật hữu ích, dù hơi lạ lùng, nếu ta thử liệt kê trong đầu danh sách bảy điều khiến ta khó chịu nhất ở người bạn đời. Một số điều có thể quá nhỏ nhặt, một số lại rất nghiêm trọng. Nhưng bài tập này không nhằm để chỉ trích hay kết tội. Ta đang chuẩn bị nền tảng để yêu thương.
Tiếp đó, ta cần cố gắng tưởng tượng cách giải thích bao dung nhất cho những điều khó chịu ấy. Điều gì trong quá khứ của họ đã dẫn đến những thói quen khó sửa, những nỗi ám ảnh hay lo lắng thái quá đó? Làm thế nào một người tốt đẹp, trải qua những hoàn cảnh họ không mong muốn, lại có thể trở thành như vậy? Ta đang tập chuyển từ lối nhìn bực dọc – coi những thiếu sót là dấu hiệu của sự ngu ngốc, ích kỷ, nhẫn tâm hay ác ý – sang một cách nhìn dịu dàng hơn, nhân hậu hơn, yêu thương hơn, khi nhận ra đó là biểu hiện của những bất hạnh trong quá khứ. Hành vi khó chịu của họ không chứng minh rằng họ xấu xa (dù trong những lúc căng thẳng ta luôn nghĩ như vậy), mà chỉ cho thấy họ đang mang trong mình một nỗi khổ tâm nào đó, xứng đáng được thông cảm.
Việc diễn giải bao dung các thiếu sót của người bạn đời không làm chúng trở nên dễ chịu hơn. Họ vẫn là người đôi lúc cản trở ta, hay phê bình ta quá mức, hoặc quá bám víu, lạnh nhạt, hay thậm chí có chút kiêu kỳ (hoặc bất cứ điều gì khiến ta bực mình). Nhưng bằng cách này, ta sẽ bớt cảm giác ghê tởm hay hoảng sợ trước những điều đó. Ta đang xây dựng sức mạnh để tiếp tục đồng hành cùng họ – vì ta hiểu rằng những thiếu sót ấy không làm họ kém xứng đáng được yêu. Trái lại, chính những điều đó khiến họ càng cần đến tình yêu của ta hơn.
Nguồn: WHAT IS WRONG WITH YOUR PARTNER – AND WHY - The School Of Life