Khi Lòng Tốt Cần Có Nguyên Tắc
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều được răn dạy về lòng tốt, nhưng chắc không phải ai biết đến khái niệm “lòng tốt cần phải có giới hạn”, rằng “không nên ban phát lòng tốt một cách bừa bãi”.
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều được răn dạy về lòng tốt, nhưng chắc không phải ai biết đến khái niệm “lòng tốt cần phải có giới hạn”, rằng “không nên ban phát lòng tốt một cách bừa bãi”. Và đôi khi, trong cuộc sống, không phải lúc nào lòng tốt của bạn cũng được hoan nghênh, thậm chí chính bạn lại là người tự vấn bản thân: lòng tốt của mình đã sai ở đâu? Cuốn sách Lòng tốt của bạn cần thêm đôi phần sắc sảo sẽ giúp bạn có câu trả lời, cùng với đó là những giá trị sống đích thực.
Lòng tốt của bạn cần thêm đôi phần sắc sảo là cuốn sách được viết bởi tác giả, bác sĩ tâm lý Mộ Nhan Ca. Sách bàn về cách chúng ta nhìn nhận lòng tốt hiện nay, Mộ Nhan Ca đã “chọc trúng chỗ đau ngầm” của nhiều người, khiến Lòng tốt của bạn cần thêm đôi phần sắc sảo nhanh chóng trở thành bestseller, bán được hàng triệu bản và tạo nên cơn sốt tại Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong.
Tác giả Mộ Nhan Ca là một bác sĩ tâm lý. Anh là người tình cảm tinh tế, thích suy tư. Mộ Nhan Ca đã có nhiều công trình nghiên cứu tâm lý và dịch thuật. Các tác phẩm tiêu biểu của anh phải kể đến: Cuộc đời này phải sống vì bản thân mình; Đời khốc liệt bao nhiêu, bạn phải kiên cường bấy nhiêu.
Art by Vivian Hsia
Chương 1: Tưởng là tốt bụng, hoá ra nhu nhược
Tốt bụng là một đức tính tốt, nhưng bạn đừng ban phát lòng tốt của mình một cách bừa bãi. Ví như lòng tốt thiếu thường thức – bà cụ không có hiểu biết về y học giới thiệu đủ phương thuốc dân gian chỉ vì nghe nói công dụng tốt lắm. Hay ví như lòng tốt cưỡng ép đối phương theo kiểu ràng buộc đạo đức – ông ta giàu nứt đố đổ vách thế sao không đi làm từ thiện, quyên góp tiền cho những người có hoàn cảnh khó khăn? Nếu năm tháng tôi luyện cho bạn thêm đôi phần sắc sảo, bạn sẽ đối nhân xử thế thành thục hơn, chín chắn hơn và chắc chắn sẽ không ban phát lòng tốt của mình một cách vô nghĩa.
Tác giả không đưa ra định nghĩa nào cho lòng tốt, nhưng anh nhấn mạnh rằng, chúng ta không sống để nhượng bộ, nhượng bộ càng nhiều, không gian cho việc hít thở càng ít. Bạn càng nhún mình, hạnh phúc sẽ càng xa tầm tay với. Và bạn cũng không cần đặt mình vào vị trí quá thấp. Thứ mình muốn, phải tích cực giành lấy. Những thứ không thuộc về mình, phải học cách từ bỏ. Chuyện không muốn làm cũng không cần phải gượng ép bản thân; chuyện đã nhịn từ lâu thì không cần phải làm hết lần này đến lần khác. Đừng để người khác chà đạp giới hạn của bạn nữa. Một mực nhường nhịn hoặc lấy lòng người khác hết lần này đến lần khác, đó không phải lòng tốt mà là sự nhu nhược. Cũng đừng tiếp tục “u mê” làm những việc bạn cho là việc thiện mà người khác không thích, và bạn cũng không giỏi.
Có lẽ từ bé bạn đã được khen là người “tốt tính, hiền hoà, điềm đạm”, tuy không thích lắm nhưng bạn thường bỏ ngoài tai. Đến lúc lớn lên, bạn mới nhận ra rằng, có lẽ những người biết bản tính tốt bụng nhưng rành mạch rõ ràng, lại biết nổi nóng sẽ có cuộc sống tốt hơn. Tuy bạn luôn cố gắng để tránh nảy sinh mâu thuẫn, quan hệ cũng rộng, có nhiều bạn bè, nhưng có những việc lập trường lại không rõ ràng, dĩ hoà vi quý, khiến người khác không biết nguyên tắc của bạn ở đâu, rồi sẽ dần không còn tôn trọng và trân trọng bạn nữa.
Vì vậy, bạn có thể tốt bụng, nhưng cần cứng rắn.
Chương 2: Có câu “Chịu thiệt là phúc”, cơ mà
Những sách về triết lý cuộc sống hay dạy rằng thay vì oán trách người nào đó không đối tốt với mình, phải đặt mình vào hoàn cảnh người khác mà suy nghĩ, cảm thông cho họ, tin tưởng rằng “Ở hiền gặp lành”, người tốt nhất định sẽ gặp trái ngọt. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tự đặt câu hỏi vì sao cứ một mực rằng chúng ta phải cảm thông cho người khác? Nếu bản thân mình còn bị thương, thì sao lo cho người khác? Nếu bản thân mình còn chưa vực dậy nổi, thì làm sao có thể dìu người khác? Khi bạn bị tổn thương, liệu có thể đối tốt với những người làm tổn thương mình? Khi bạn đau khổ, cõi lòng chảy máu, liệu còn giữ được sự bình tĩnh trong tâm hồn?
Dù bạn chịu được tổn thương ấy, cũng không cần ép mình phải tha thứ cho kẻ đã làm tổn thương bạn. Cũng không cần cho rằng, vì người đó nên mới có bạn của ngày hôm nay. Bạn của hôm nay là do bản thân bạn đã mạnh mẽ, cố gắng biết chừng nào.
Bạn phải tin rằng, khi không có khả năng, chỉ nên đối tốt với những người tốt với mình mà thôi. Khi bạn có khả năng, trên thế gian này, không ai không đối xử tốt với bạn mà cũng chẳng có ai bạn không đối xử tốt được cả.
Chương 3: Người ấy không biết xót xa trước sự hy sinh thừa thãi
Thông thường trong quan hệ yêu đương hay hôn nhân, có ít nhất một bên phải chịu đựng sự hy sinh, nhưng cách hợp lý hơn cả là bất kể bên nào hy sinh nhiều hay ít, đều phải dựa trên cơ sở hai bên đồng ý và chấp nhận lẫn nhau. Nếu không, sự cho đi ngốc nghếch và hy sinh miễn cưỡng của bất cứ bên nào đều không bình thường.
Nếu đối phương thật sự yêu bạn, tôn trọng bạn, thì sẽ không thản nhiên trước những sự hy sinh của bạn. Ngược lại, bạn sẽ không vì câu “Tôi đã hy sinh nhiều như thế” để trói buộc đối phương. Trên thực tế, khi làm như vậy là bạn đang đối xử tệ với chính mình. Thay vì nghĩ cách làm sao “hy sinh cho tốt đẹp”, chi bằng hãy nghĩ cách “sống đẹp hơn.”
Đời người vốn không ai nợ ai. Người khác đối tốt với bạn, là vì họ thích; còn bạn đối tốt với người khác, là do bạn cam tâm tình nguyện. Không phải mọi sự cho đi đều có đền đáp, và không phải mọi sự cho đi đều cần đền đáp.
Cuộc sống đều là do bản thân tự lựa chọn. Bất kể là việc gì, chỉ cần người khác không ép buộc bạn, thì ngay khi quyết định làm thế, bạn đã hoàn thành cuộc trao đổi ngang giá về tình cảm rồi. Bạn không thể coi “việc tốt” này như khoản tiền gửi ngân hàng, bắt người khác phải trả hết lãi và gốc như bạn mong muốn được.
Chương 4: Bạn tốt bao nhiêu, thì người ấy có thể xấu bấy nhiêu
Khó khăn lớn nhất trong cuộc sống và công việc của chúng ta thường không đến từ năng lực, mà bắt đầu từ mối quan hệ giữa người với người. Lúc này, một người tốt bụng như bạn sẽ rất có khả năng lựa chọn nhượng bộ, chịu ấm ức, thà bản thân vất vả cũng phải giúp đỡ người khác. Thế nhưng, lâu dần bạn phát hiện, sự nhượng bộ của bạn sẽ chỉ khiến đối phương “được voi đòi tiên”, chứ không hề giúp thay đổi hiện trạng.
Có lẽ, bạn cũng từng ngốc nghếch cho rằng, tốt bụng chính là luôn nghĩ cho người khác, mọi thứ của bạn đều có thể buông bỏ, còn đối phương sẽ thấu hiểu bạn, thậm chí bị bạn làm cảm động. Nhưng thực tế thì tàn khốc hơn. Sự tốt bụng, khoan dung, nhân nhượng không giới hạn thật ra chính là dễ dãi, sẽ khiến đối phương được đằng chân lên đằng đầu, cuối cùng ép bạn đến chân tường.
Chương 5: Bạn không kiên cường đến thế, nhưng chỉ có thể một mình kiên cường
Nếu bạn hỏi ý kiến về một vấn đề, bạn bè sẽ đưa ra đủ các đáp án, nhưng bất kể bạn chọn làm theo lời đề nghị của ai, chỉ cần bạn sai, những người còn lại sẽ thi nhau nhảy vào dạy đời bạn với câu nói “Tao đã bảo rồi mà! Nếu như mày nghe tao thì đã …”
Mấu chốt vấn đề là, bạn không thể hễ gặp chuyện lại nghe theo ý kiến mọi người như vậy suốt đời, mà quan trọng hơn là, không một ai có thể luôn luôn đúng cả. Chỉ cần bạn nghe sai một lần, vẫn sẽ có những người đứng ra dạy đời tương tự. Nếu để những người cho bạn lời khuyên hoặc chỉ trích bạn trải qua hoàn cảnh tương tự, chưa chắc họ đã làm tốt hơn bạn. Vì vậy, họ không có tư cách bình luận bạn.
Chương 6: Có thể lo nghĩ thay cho người khác, nhưng phải sống vì bản thân
Có một câu như thế này, là “Không thể làm bạn bè, vì từng tổn thương nhau; không thể làm kẻ thù, vì từng yêu tha thiết”. Không có tình yêu nào lấy tổn thương làm mục đích, nhưng có vô số tình yêu mà kết cục lại là tổn thương còn lại. Nhiều luc, chúng ta cho rẳng, mong đợi ở một người là tình yêu, chăm sóc cho cuộc sống của một người là tình yêu. Do đó, chúng ta liên tục nảy sinh kỳ vọng với người đó, yêu cầu người đó sống theo phương thức mà mình mong muốn. Chưa kể nhiều khi, để nhấn mạnh cái gọi là tình yêu của mình, chúng ta đi làm một số việc mà bản thân cho là vì yêu người ấy, dùng những cách nhọc tâm nhọc sức để lấy lòng người ấy.
Đương nhiên, đây cũng là một cách yêu, nhưng cách thức này chỉ là chúng ta muốn trao đi. Chúng ta không hề xác định được đối phương có muốn tình yêu kiểu này không, thậm chí có cảm nhận được hay không.
LỜI KẾT
Lòng tốt của bạn cần đôi phần sắc sảo như một gáo nước lạnh, hắt tỉnh nhiều người có lòng tốt nhưng chưa có chọn lọc. Nếu bạn được nhận xét là người tốt bụng, có thể bạn sẽ cần đến cuốn sách này để lòng tốt của mình đặt đúng chỗ và vừa đủ lượng. Với lối diễn giải hết sức chân thành và cởi mở, lồng thêm vào những câu chuyện mà tác giả đã nhìn thấy qua cuộc sống xung quanh mình, tác giả đã âm thầm nhắn nhủ rằng : Có lúc, tốt bụng không thể thiếu khôn ngoan, nếu không thật sự sẽ chỉ như con số 0. Phải đấy, chỉ là con số 0 thôi bạn à. Đây là một cuốn sách rất thích hợp cho những ai đang sống rất tốt bụng nhưng lại còn hơi thiếu nguyên tắc trong việc sử dụng lòng tốt của mình cho đúng mực.
Tác giả: Mei Hoàng - Bookademy
Xem sách tại: https://shope.ee/2VMC0COj5U