Những khó khăn của việc ‘kể quá nhiều’
Ta nghe nói rất nhiều về những vấn đề của những người không biết cách thân mật, những người dường như không thể bộc lộ bất cứ điều gì về cảm xúc thật của mình.
Ta nghe nói rất nhiều về những vấn đề của những người không biết cách thân mật, những người dường như không thể bộc lộ bất cứ điều gì về cảm xúc thật của mình. Nhưng hiếm khi ta để tâm đến một vấn đề đối nghịch nhưng không kém phần nghiêm trọng: những người không thể giữ lại chút gì cho riêng mình, những người để cơn khao khát được gần gũi lấn át cả sự thận trọng cho chính sự an toàn của họ, những người – trong một nỗ lực đau lòng để thu hút sự chú ý của người khác – sẵn sàng phơi bày, chỉ sau vài phút gặp gỡ, những bí mật đáng ra họ nên mang theo suốt cuộc đời.
Điều này không có nghĩa là ta phủ nhận sự thú vị mà những người hay "kể quá nhiều" mang lại cho đời sống xã hội. Họ không phải là kiểu người ngồi bàn luận về sự suy thoái kinh tế hay chuyến du lịch gần đây. Với họ, tiếp xúc con người phải chạm đến tận cùng sự thật. Vì vậy, ta có thể nhanh chóng được nghe về vấn đề tình dục của người yêu cũ họ, cuộc cãi vã cay đắng về bản di chúc của mẹ, chính xác số tiền họ kiếm được, khó khăn về hệ tiêu hóa, tư thế yêu thích trong phòng ngủ và những tổn thương thuở thơ ấu.
Nhưng cái giá mà họ phải trả cho những điều được bộc bạch ấy lại không hề nhỏ. Một buổi tối vui vẻ thường được nối tiếp bằng một buổi sáng tràn ngập cảm giác xấu hổ. Khi tiếng cười đã lắng xuống, họ có thể cảm thấy như mình bị xâm chiếm bởi một cơn bốc đồng mà chính họ cũng không nhận ra. Đó là một ham muốn kéo người khác vào tận cùng bản thể của mình, nhưng lại không đủ sức mạnh để đặt ra những giới hạn tối thiểu về việc người nghe là ai và nên biết những gì.
Đằng sau sự thôi thúc ấy, thường có một câu chuyện phát triển đầy tổn thương. Chúng ta chia sẻ quá nhiều khi đã từng cô đơn quá mức; ta không nhận ra rủi ro của việc phơi bày quá đà khi lớn lên trong những môi trường mà mọi thứ thật lòng hay chân thật gần như không hề tồn tại. Ta vội vã thú nhận vì chưa ai từng chỉ dạy ta một con đường chậm rãi, bình tĩnh dẫn đến sự thân mật. Với những đứa trẻ từng cô lập, chẳng có hồi chuông cảnh báo nào vang lên khi ta có một cuộc trò chuyện không rào cản với một người chỉ vừa bước vào đời ta hai mươi phút trước. Ta không biết tự trang bị cho mình một lớp giáp nào, bởi những nỗi đau và nguy hiểm thường xuất phát từ những nơi khác.
Qua thời gian, ta có thể học cách chấp nhận việc giữ lại cho mình một chút bí ẩn. Ta có thể cân nhắc kỹ lưỡng giữa "cơn hưng phấn tức thời" của việc kể lể và cảm giác an toàn bền vững hơn. Có lẽ, ta chỉ nên chia sẻ với rất ít người về những gì đang xảy ra trong đời sống tình cảm, sức khỏe hay công việc của mình – không phải vì ta muốn trở nên khép kín hay nhàm chán, mà vì ưu tiên hàng đầu của ta đã trở thành chăm sóc cho chính mình.
Ta không cần trả lời quá nhiều câu hỏi xâm phạm, cũng không cần đặt ra những câu hỏi ấy cho người khác. Ta sẽ nhận ra rằng không có gì đáng hoảng sợ nếu sau món khai vị, ta vẫn đang nói về những gì ai đó làm cuối tuần qua, hay loại găng tay mà họ thích. Không cần phải tự trách mình nhạt nhẽo khi rơi vào những cuộc trò chuyện tầm thường. Ta không hề tẻ nhạt; ta chỉ đang bình tĩnh tìm hiểu – trong một quá trình có thể kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm – liệu mình có thực sự gặp được một trong số rất ít người xứng đáng nghe những điều sâu kín nhất trong tâm hồn mình.
Nguồn: THE DIFFICULTIES OF OVERSHARING - The School Of Life