Những nhu cầu thầm lặng khiến một số người đàn ông ngoại tình

nhung-nhu-cau-tham-lang-khien-mot-so-nguoi-dan-ong-ngoai-tinh

Họ không ngoại tình vì tình dục. Họ đang khao khát được nhìn thấy, được trân trọng, được cảm nhận là có giá trị.

Ý chính

  • Sự phản bội của đàn ông thường không bắt nguồn từ ham muốn thể xác, mà từ nhu cầu được quan tâm, công nhận và khao khát cảm giác được cần đến.
  • Một số người đàn ông chọn ngoại tình như cách “thuê ngoài” việc chăm sóc cảm xúc khi những nhu cầu đó không được đáp ứng trong hôn nhân.
  • Việc chăm sóc cảm xúc trong tình yêu là một công việc âm thầm, liên tục và quá thường xuyên chỉ đi theo một chiều.

Chúng ta vẫn thích những câu chuyện gọn gàng: đàn ông ngoại tình vì ham muốn. Vì tham lam. Vì ích kỷ. Thế là xong chuyện? Chưa đâu. Còn xa lắm. Sự thật phức tạp và nhiều cảm xúc hơn ta muốn thừa nhận.

Trong những cuộc nghiên cứu mà tôi thực hiện với những người đàn ông đã từng ngoại tình, lý do không phải là vì họ quá ham muốn hay vì đời sống phòng the nhạt nhẽo. Mà vì một điều gì đó lặng lẽ hơn. Buồn hơn. Họ không đi tìm cực khoái. Họ đang đi tìm… ý nghĩa. Thứ mà họ thực sự khao khát, tôi gọi là việc chăm sóc cảm xúc trong tình yêu. Điều này không biện minh cho hành vi của họ. Nó chỉ cho ta thấy điều gì đang thực sự diễn ra bên trong.

Việc chăm sóc cảm xúc trong tình yêu là gì?

Đó là công việc tinh thần mà nhiều người đàn ông ngầm mong đợi từ bạn đời: sự quan tâm đều đặn, lời cảm ơn nhẹ nhàng, những cái gật đầu ghi nhận, ánh mắt tôn trọng, những lời nhắn nhủ ấm lòng.

Trong các mối quan hệ khác giới, phụ nữ thường là người mặc định gánh vác phần việc này. Họ duy trì “nhiệt độ cảm xúc” của mối quan hệ, liên tục, âm thầm, bền bỉ, như một phần tất yếu của tình yêu.

Nhưng trớ trêu thay, sự chăm sóc ấy thường chỉ đi theo một chiều, không được đáp lại, và lại bị xem như một phần “bản chất nữ giới”, như thể họ sinh ra là để làm việc đó.

Với nhiều người đàn ông, những hành động nho nhỏ đó, một lời khen, một ánh nhìn ấm áp, một tin nhắn dịu dàng, chính là bằng chứng cho thấy: họ vẫn là một người đàn ông thực thụ.

Patrick, 33 tuổi, chia sẻ: “Tôi cảm giác mình như tấm giấy dán tường trong chính ngôi nhà của mình. Cô ấy chẳng còn hỏi về ngày của tôi nữa. Tôi có biến mất cũng chẳng chắc cô ấy sẽ để ý.”

Holden, 41 tuổi, nói: “Tôi chỉ cần cảm thấy ai đó muốn mình ở đó. Nếu mỗi ngày tôi đều không có cảm giác ấy, tôi bắt đầu tự hỏi mình còn ở lại đây để làm gì.”

Với họ, ngoại tình không phải để thay thế vợ. Mà để hàn gắn một phiên bản cũ kỹ đang dần phai mờ trong chính mình.

Ngoại tình như cách “thuê ngoài” sự chăm sóc cảm xúc

Hãy rõ ràng: không điều gì trong số này có thể biện minh cho việc phản bội. Họ đã lựa chọn. Nhưng nếu ta muốn hiểu vì sao nó xảy ra, ta cần lắng nghe những gì họ nói.

Họ nói rằng họ vẫn yêu vợ. Họ muốn ở lại. Nhưng họ cảm thấy bị lãng quên. Cảm thấy mình là gánh nặng. Nhưng họ lại không nói điều đó với vợ mình.

Mark, 38 tuổi, kể: “Tôi rửa bát, đưa con đi học, mà… không gì cả. Không lời cảm ơn. Không câu ghi nhận. Tôi có chết đuối ngay trước mắt cô ấy chắc cũng không ai để ý.”

Derrick, 44 tuổi, nói: “Cô ấy không còn nhìn thấy tôi nữa. Trước kia cô ấy thường nói tôi làm tốt. Giờ thì chỉ là im lặng.”

Paul, 40 tuổi, trải lòng: “Tôi cố giúp vợ việc nhà. Nhưng nếu không nhận được một lời cảm ơn, hay một phản hồi gì đó, tôi bắt đầu trượt dốc. Tôi cảm giác mình là một gánh nặng – một việc vặt nữa mà cô ấy phải chịu đựng.”

Và thế là, họ tìm đến mối quan hệ ngoài luồng như một lối tắt để nhận lại sự xác nhận mà họ khao khát.

image: StockPhotoDirectors/Shutterstock

Yếu tố nam tính

Với nhiều đàn ông, sự ghi nhận và lời khen không chỉ là cảm xúc – nó gắn liền với việc “được làm đàn ông”.

Mất việc? Bị lơ là ở nhà? Không chỉ là cảm giác bị chối bỏ, mà còn là đòn giáng vào lòng tự tôn đàn ông.

Nhiều nghiên cứu cho thấy: khi đàn ông cảm thấy bản lĩnh đàn ông của mình lung lay, họ sẽ tìm mọi cách để giành lại nó. Có người chọn bạo lực. Có người lao đầu vào công việc. Và có người tìm đến một ai đó khiến họ cảm thấy mình vẫn còn là đàn ông.

Zack, 49 tuổi, chia sẻ: “Cô ấy chán tôi rồi. Nếu tôi còn là người đàn ông đủ tốt, cô ấy đã nhìn tôi say mê như trước kia, đã nói rằng tôi tuyệt vời như ngày nào.”

Những người đàn ông này không cố sửa cuộc hôn nhân của họ. Họ đang cố sửa lại hình ảnh phản chiếu của chính mình.

Lối rẽ mang tên Ngoại tình

Họ cảm thấy mình là gánh nặng, vô hình, kém cỏi, thậm chí là gây phiền toái. Họ khao khát một lời khen từ vợ, bởi khi không có điều đó, họ không còn cảm thấy mình là đàn ông nữa. Nói cách khác, khi việc chăm sóc cảm xúc trong mối quan hệ đổ vỡ, không chỉ tình yêu bị ảnh hưởng, mà cả cách họ nhìn nhận chính mình cũng thay đổi.

Họ không nhận được sự ghi nhận như kỳ vọng. Nhưng thay vì cất lời, họ chọn im lặng. Thay vì đối thoại, họ hành động. Họ đi tìm một ai đó có thể phản chiếu lại một phiên bản tốt hơn của chính họ. Emmett, 52 tuổi, kể: “Cô ấy nói tôi thật tuyệt vời. Nói rằng vợ tôi hẳn là mù mới không nhìn ra điều đó. Và thật lòng mà nói… tôi đã say mê điều đó.”

Vậy rồi sao nữa?

Với nhiều người đàn ông, ngoại tình không phải vì muốn một người phụ nữ khác. Mà là vì muốn được trở thành một người đàn ông khác, thú vị hơn, được mong muốn hơn, đủ “nam tính” hơn. Họ không rời bỏ cuộc hôn nhân của mình, mà đang cố chạy trốn khỏi phiên bản đàn ông mà họ sợ mình đã trở thành. Jason, 35 tuổi, chia sẻ: “Người phụ nữ đó khiến tôi cảm thấy như chẳng có điều gì ở tôi bị đánh mất.”

Khao khát đó, được khao khát, được ngưỡng mộ, được cảm thấy “mình vẫn còn là đàn ông”, là thứ họ không biết cách nói ra. Và thế là họ hành động thay vì trò chuyện.

Trong suốt nhiều thập kỷ, phụ nữ vẫn được kỳ vọng là người gánh phần lớn gánh nặng cảm xúc trong mối quan hệ, bằng sự tinh tế âm thầm: quan sát tâm trạng, đưa ra lời động viên, giữ nhịp cảm xúc đều đặn. Công việc chăm sóc cảm xúc ấy là một kiểu “nuôi dưỡng bản ngã” bền bỉ và không tên. Và nó gần như luôn là công việc một chiều. Kỳ vọng đặt ra là: phụ nữ phải luôn biết khi nào cần động viên, cần dịu dàng, cần trao ánh nhìn đầy ghi nhận, mà không cần ai nhắc, không cần ai đáp lại, và không cần đòi hỏi gì thêm.

Nhiều người đàn ông lớn lên và sống với cảm giác dựa dẫm vào cái giàn giáo tinh thần đó mà không hề nhận ra rằng ai đó đang xây dựng và sửa chữa nó mỗi ngày. (Và công việc đó vất vả đến mức nào.) Khi sự chăm sóc ấy bắt đầu mờ nhạt đi vì mệt mỏi, kiệt sức hay vì đã quá lâu không được đáp lại, khoảng trống để lại là một cú rơi tự do.

Họ không được dạy để nhận diện nhu cầu cảm xúc của mình, chứ chưa nói đến việc bày tỏ nó. Họ chỉ cảm thấy mặt đất dưới chân mình như đang rung chuyển. Và khi lòng tự tôn của họ được buộc chặt vào cách bạn đời phản hồi lại mình, thì chỉ một thay đổi nhỏ, ít sự âu yếm hơn, ít lời khen hơn, một giọng nói thờ ơ hơn, cũng có thể khiến họ cảm thấy mình bị chối bỏ.

Bề ngoài, cuộc hôn nhân vẫn ổn. Nhưng bên trong, với họ, nó đang âm thầm rạn nứt. Những câu chuyện đó chỉ ra một điều sâu xa hơn: áp lực phải thể hiện bản lĩnh đàn ông khiến nam giới dễ tổn thương hơn chúng ta tưởng. Nó tạo nên một nền móng mong manh, thứ có thể sụp đổ bất cứ lúc nào khi những lời ngợi khen và sự chú ý không còn nữa.

Và khi điều đó xảy ra, một số người chọn rẽ sang lối khác, lối rẽ mà tôi gọi là “ngoại tình như một lối thoát” để níu giữ hình ảnh về một bản ngã mà họ chỉ còn thấy được khi người phụ nữ phản chiếu lại.

Điều này không phải để tha thứ hay bao biện cho sự phản bội. Không có gì làm dịu đi tổn thương mà nó gây ra. Nhưng nó giúp ta nhìn lại mọi chuyện từ một góc khác, rộng hơn, sâu hơn. Bởi nếu ta cứ mãi khăng khăng rằng đàn ông ngoại tình chỉ vì ham muốn thể xác, thì ta sẽ bỏ lỡ câu chuyện thật sự và cả cơ hội để thay đổi nó. 

Tài liệu tham khảo:

Joseph, L. J., & Black, P. (2012). Who's the Man? Fragile Masculinities, Consumer Masculinities, and the Profiles of Sex Work Clients. Men and Masculinities, 15(5), 486–506.
https://doi.org/10.1177/1097184X12452112

Maass, A., Cadinu, M., Guarnieri, G., & Grasselli, A. (2003). Sexual harassment under social identity threat: The computer harassment paradigm. Journal of Personality and Social Psychology, 85(5), 853–870. https://doi.org/10.1037/0022-3514.85.5.853

Munsch, C. L. (2015). Her support, his support: Money, masculinity, and marital infidelity. American Sociological Review, 80(3), 469–495. https://doi.org/10.1177/0003122415579989

Stanaland, A., & Gaither, S. E. (2023). When is masculinity “fragile”? An expectancy-discrepancy-threat model of masculine identity. Personality and Social Psychology Review. https://doi.org/10.1177/10888683231179431

Shumka, L., Hutchinson, I. W., & Wilson, M. (2017). “I Wanted to Feel Like a Man Again”: Hegemonic Masculinity in Relation to the Purchase of Street-Level Sex. Frontiers in Sociology, 2, Article 15. https://doi.org/10.3389/fsoc.2017.00015

Tác giả: Alicia M. Walker Ph.D.

Nguồn: The Unspoken Needs That Lead Some Men to Cheat | Psychology Today

menu
menu