Những 'vũ khí lợi hại' dành cho trẻ bị bắt nạt
Vậy chỉ có một con đường duy nhất để chống bắt nạt, đó là gia tăng khả năng chống đỡ và tự vệ của chính đứa trẻ.
Khi con trai lớn học lớp hai, vì không có điều kiện đưa đón, nên tôi quyết định chuyển con về trường học gần nhà. Ngày đầu tiên đến lớp, con rất tự tin, nhưng sau một tuần, con nói là không muốn đi học, muốn trở lại trường cũ.
Khi tôi hỏi thì con nói con không thích bạn T., bạn ấy toàn trêu con, đánh con. Là một người mẹ, tôi vô cùng lo lắng nên đã tới gặp cô giáo, nhờ cô hỗ trợ và cũng có nói chuyện riêng với bạn T., nhờ bạn T. để ý tới bạn Huy, vì bạn Huy mới đến, chưa quen bạn bè. Nhưng xem ra mọi thứ vẫn không có nhiều tác dụng, vì về nhà con vẫn kể là hôm nay bạn T. trêu con. Cho đến một ngày, con về nhà và hớn hở khoe: Hôm nay bạn T. chơi thân với con rồi, vì con vật tay với bạn ấy, bạn ấy bị thua, con đá bóng cùng đội với bạn ấy, con sút vào hai quả.
Lại đến chuyện con trai bé vào lớp một. Cách đây một tuần mẹ của một bạn trong lớp gọi điện mách là con trai bé bắt nạt một bạn trong lớp bé và yếu hơn mình. Tôi cùng con tìm ra cách giải quyết vấn đề, và cuối cùng con tự nhận ra là mình phải xin lỗi bạn ấy và dũng cảm tới gặp hai mẹ con bạn ấy để xin lỗi. Từ hôm đó tôi có gọi điện hỏi mẹ bạn ấy thì thấy con không còn bắt nạt hay trêu chọc bạn nữa.
Trong hành trình trưởng thành, hầu như đứa trẻ nào cũng từng ít nhất một lần ở trong tình huống bị bắt nạt hoặc trở thành người bắt nạt, bởi vì việc bắt nạt dường như rất phổ biến ở bất cứ trường học nào. Sự nguy hiểm của bắt nạt là ở chỗ nó không chỉ để lại những thương tổn trên cơ thể (trường hợp này thường dễ phát hiện và ngăn chặn), mà còn có thể tạo nên những chấn thương tinh thần lâu dài, ngấm ngầm, ảnh hưởng sâu sắc đến cả sự phát triển thể chất lẫn tinh thần, làm lệch lạc nhân cách của trẻ. Kẻ bắt nạt không chỉ có mặt ở trường học, mà có thể ở chính trong gia đình bạn, thậm chí ở chính bên trong bản thân đứa trẻ.
Giống như trong một đàn gà, con gà bé nhất, yếu đuối nhất, có một khuyết tật trên cơ thể thường bị cả đàn xa lánh, lấn lướt, trong cộng đồng trẻ con, những đứa trẻ yếu đuối, khác biệt, không có khả năng tự vệ rất dễ trở thành nạn nhân, bởi cộng đồng trẻ con đôi khi được tổ chức giống như một cộng đồng bán khai, trong đó tâm lí bầy đàn và bản năng thống trị sẽ trở thành những nhân tố chi phối. Sự can thiệp của người lớn gần như vô tác dụng, bởi cộng đồng này hành xử theo một thứ “luật rừng” mà những quy tắc của thế giới văn minh chưa chắc đã có thể chạm tới.
Vậy chỉ có một con đường duy nhất để chống bắt nạt, đó là gia tăng khả năng chống đỡ và tự vệ của chính đứa trẻ. Vậy làm thế nào để có thể gia tăng nội lực của trẻ, có một vũ khí và chiến lược tự vệ nào đó khiến đứa trẻ của bạn trở nên cứng cỏi để có thể không những bảo vệ mình khỏi bị tổn thương, mà còn có thể tấn công trở lại đối thủ?
Trong cuốn sách "Tớ không sợ bắt nạt" của Emmanuelle Piquet do Nhã Nam phát hành, tôi đã tìm thấy thứ vũ khí lợi hại đó, hay nói đúng hơn là một nghệ thuật tấn công có thể đánh bại mọi kẻ bắt nạt hung hăng và xảo quyệt nhất, được gọi là “hiệu ứng boomerang” hay “mũi tên kháng cự”, một thứ chìa khóa để suy nghĩ, đối đáp và hành động giúp trẻ trở nên mạnh mẽ, kiên cường để đối diện với nỗi sợ hãi của bản thân và xoay chuyển tình thế, dựa trên chính sức mạnh của kẻ yếu là lực tác động của kẻ mạnh. Nghệ thuật đó, có thể nói là tuyệt diệu. Tôi ước chi mình biết đến nó sớm hơn, trong khoảng vài chục năm trước, khi tôi còn là một đứa trẻ nhỏ thó, đầu trọc lóc, bị cả trường trêu chọc là Sư đi học. Nếu biết đến thứ vũ khí này, hẳn là tôi đã chẳng phải tốn biết bao nhiêu nước mắt, chẳng đến nỗi phải lao vào liều chết với bọn nó để chứng tỏ lòng can đảm của mình.
Bằng cách đưa ra những tình huống cụ thể của những đứa trẻ bị bắt nạt, những lời khuyên và quy trình phòng thủ và tấn công với những trường hợp thật cụ thể, cuốn sách thực sự đã trao cho trẻ một kỹ năng hữu ích để trưởng thành. Đó không chỉ là nghệ thuật chống bắt nạt, mà còn là nghệ thuật chiến thắng nỗi sợ hãi, chiến thắng bản thân để trở nên mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn trong cuộc sống.
Bắt nạt có thể được coi là hành vi gây hấn cả ở góc độ thể chất và tinh thần. Đặc biệt, hành vi gây hấn tinh thần biểu hiện qua nhiều hình thức khác nhau. Từ việc cố ý hạ thấp hay không coi trọng giá trị của người khác (cho rằng họ ngu ngốc, phủ nhận thành công của người khác), xúc phạm và hạ thấp người khác trước mặt mọi người, nhận xét về hình thức, trí tuệ, khả năng của người đó bằng những lời lẽ gây tổn thương hay lời lẽ mang tính chất khủng bố, đe dọa, tạo ra không khí căng thẳng, sợ hãi, lo lắng làm cho người khác luôn cảm thấy không an toàn. Người gây hấn cũng có biểu hiện như phớt lờ, từ chối cũng như không thể hiện tình yêu thương, giấu giếm lời chỉ dẫn khiến người khác bị nguy hiểm. Ngoài ra, sự gây hấn còn biểu hiện qua các hành động như xúi giục hay cưỡng ép người khác thực hiện hành vi không phù hợp, khiến người khác phát triển không bình thường về mặt cảm xúc và khó khăn trong giao tiếp xã hội. Hoặc, tạo ra nhiều áp lực buộc người khác phải làm những điều vượt quá khả năng hoặc không phù hợp với trình độ, lứa tuổi. Hành vi gây hấn còn biểu hiện ở việc tìm mọi cách cô lập không cho ai đó giao tiếp với những người xung quanh, hoặc ngăn cấm tiếp cận các dịch vụ xã hội như ý tế, giáo dục...Thậm chí họ còn cảm thấy thích thú khi người khác phải chứng kiến các hành động bạo lực. |