Niềm tin vào chế độ nhân tài không chỉ sai lầm mà còn có hại cho bạn

niem-tin-vao-che-do-nhan-tai-khong-chi-sai-lam-ma-con-co-hai-cho-ban

Ngày càng có nhiều nghiên cứu trong tâm lý học và khoa học thần kinh cho rằng tin vào chế độ nhân tài khiến con người trở nên ích kỷ hơn, ít tự phê bình bản thân hơn và thậm chí có khuynh hướng hành xử theo cách phân biệt đối xử hơn.

‘Chúng ta trung thành với tín điều của chúng ta khi một bé gái sinh ra trong cảnh bần cùng nhất biết rằng cô ấy có cùng cơ hội thành công như bất cứ ai khác …’ Barack Obama, diễn văn nhậm chức, 2013

‘Chúng ta phải tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các công ty và người lao động Mĩ.’ Donald Trump, diễn văn nhậm chức, 2017

Chế độ nhân tài đã trở thành một lý tưởng xã hội hàng đầu. Các chính trị gia trên khắp phổ tư tưởng liên tục quay trở lại với chủ đề rằng những phần thưởng của cuộc sống–tiền bạc, quyền lực, công việc, vào đại học–nên được phân bổ theo kỹ năng và sự nỗ lực. Phép ẩn dụ phổ biến nhất là ‘sân chơi bình đẳngmà theo đó những người chơi có thể vươn lên vị trí xứng đáng với tài năng, phẩm chất của họ. Về mặt khái niệm và đạo đức, chế độ nhân tài tỏ ra là thứ đối lập với các hệ thống như chế độ quý tộc cha truyền con nối, mà trong đó địa vị xã hội của một người được quyết định bởi ‘giải vàng trong làng đầu thai’. Dưới chế độ nhân tài, sự giàu có và lợi thế là phần thưởng chính đáng của tài năng, chứ không phải bởi may mắn ngẫu nhiên của những sự kiện bên ngoài.

Phần lớn mọi người không chỉ cho rằng thế giới nên được vận hành theo chế độ nhân tài, mà họ còn tin rằng nó nơi chuộng nhân tài. Ở Anh, 84% số người được hỏi trong cuộc khảo sát về thái độ xã hội của Anh năm 2009 nói rằng làm việc chăm chỉ là ’điều thiết yếu’ hoặc ‘rất quan trọng’ khi nói đến việc thăng tiến, và vào năm 2016, Viện Brookings đã phát hiện ra 69% người Mỹ tin rằng con người được tưởng thưởng vì trí tuệ và kỹ năng. Những người trả lời ở cả hai quốc gia đều tin rằng những yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như may mắn và xuất thân từ một gia đình giàu có, thì ít quan trọng hơn. Mặc dù những tư tưởng này rõ rệt nhất ở hai quốc gia đó thì chúng cũng khá phổ biến trên khắp thế giới.

Mặc dù được rất nhiều người tán đồng, song niềm tin cho rằng tài năng hơn là may mắn quyết định thành công hay thất bại trong cuộc đời rõ ràng là sai lầm. Đặc biệt vì tài năng, phần lớn là kết quả của may mắn. Tài năng và khả năng nỗ lực quyết tâm, đôi khi được gọi là ‘tính bền bỉ’ (grit), phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn lực di truyền/di sản gen và sự dạy dỗ giáo dục của một người.

Điều này không đề cập gì đến những hoàn cảnh, tình huống ngẫu nhiên có liên quan đến mọi câu chuyện thành công. Trong cuốn sách Success and Luck (2016), nhà kinh tế học người Mĩ Robert Frank kể lại những pha mạo hiểm (nhưng nếu thành công sẽ được thưởng hậu) và những trùng hợp ngẫu nhiên giúp Bill Gates xuất sắc vượt lên với tư cách là nhà sáng lập Microsoft, cũng như với sự thành công của Frank với tư cách là một học giả. May mắn can thiệp vào bằng cách ban cho con người tài năng/phẩm chất, và một lần nữa bằng cách đưa đến các hoàn cảnh, tình huống mà tài năng có thể chuyển thành thành công. Điều này không phủ nhận tính siêng năng và tài năng của những người thành công. Tuy nhiên, nó chứng minh rằng mối liên kết giữa tài năng và kết quả là hết sức mong manh và không rõ ràng.

Theo Frank, điều này đặc biệt đúng khi thành công to lớn một cách đáng nghi ngờ, và khi bối cảnh mà người ấy đạt được thành công có tính cạnh tranh. Chắc chắn là có những lập trình viên có tài năng gần gần như Gates song lại không thể trở thành người giàu nhất hành tinh. Trong những bối cảnh đầy cạnh tranh, những người có tài năng thì nhiều, nhưng người đạt được thành công thì rất ít. Thứ tách biệt hai kiểu người này chính là may mắn.

Ngoài việc sai lầm, ngày càng có nhiều nghiên cứu trong tâm lý học và khoa học thần kinh cho rằng tin vào chế độ nhân tài khiến con người trở nên ích kỷ hơn, ít tự phê bình bản thân hơn và thậm chí có khuynh hướng hành xử theo cách phân biệt đối xử hơn. Chế độ nhân tài không chỉ sai lầm mà nó còn có hại.

‘Trò chơi tối hậu thư’ là một thử nghiệm, phổ biến trong các phòng thực nghiệm tâm lý học, mà trong đó một người chơi (người đề xuất) được cho một khoản tiền và được bảo hãy đưa ra đề nghị chia tiền giữa anh ta và một người chơi khác (người đáp), người có thể chấp nhận lời đề nghị hoặc từ chối nó. Nếu người đáp từ chối lời đề nghị thì không người chơi nào nhận được tiền. Thử nghiệm được lặp đi lặp lại hàng nghìn lần, và người đề xuất thường đưa ra một sự phân chia tương đối đồng đều. Nếu số tiền được chia sẻ là $100, thì hầu hết đề nghị nằm trong khoảng từ $40-$50.

Một biến thể của trò chơi này cho thấy tin rằng một người có tài năng hơn dẫn đến hành vi ích kỷ hơn. Trong nghiên cứu tại Đại học Beijing Normal, những người tham gia chơi một trò giả mạo về kỹ năng trước khi đưa ra các đề nghị trong trò chơi tối hậu thư. Những người chơi bị làm cho tin tưởng (một cách mù quáng) rằng họ đã ‘chiến thắng’ thì đòi hỏi nhiều hơn cho bản thân họ hơn những người không chơi trò chơi kỹ năng. Các nghiên cứu khác xác nhận phát hiện này. Nhà kinh tế học Aldo Rustichini tại Đại học Minnesota và Alexander Vostroknutov tại Đại học Maastricht ở Hà Lan phát hiện thấy các đối tượng lần đầu tiên tham gia trò chơi kỹ năng thì ít có khả năng ủng hộ việc tái phân phối lại phần thưởng hơn những ai tham gia vào trò chơi may rủi. Chỉ cần có tư tưởng mình tài năng, giỏi giang thì cũng khiến con người dung túng hơn cho những kết quả không ngang bằng. Dù điều này được phát hiện thấy là đúng với tất cả những người tham gia thì hiệu ứng này rõ rệt hơn nhiều ở ‘những người chiến thắng’.

Ngược lại, nghiên cứu về lòng biết ơn chỉ ra việc ghi nhớ vai trò của sự may mắn làm tăng tính hào phóng. Frank trích dẫn một nghiên cứu mà trong đó chỉ đơn giản yêu cầu các đối tượng nhớ lại những yếu tố bên ngoài (may mắn, sự giúp đỡ của người khác) đã đóng góp vào thành công của họ trong cuộc sống khiến họ có nhiều khả năng làm từ thiện hơn những người được yêu cầu nhớ lại những yếu tố bên trong (nỗ lực, kỹ năng).

Có lẽ điều đáng lo ngại hơn, việc tin theo chế độ nhân tài như một giá trị dường như cổ súy cho hành vi phân biệt đối xử. Học giả quản lý Emilio Castilla tại Viện Công nghệ Massachusetts và nhà xã hội học Stephen Benard tại Đại học Indiana đã nghiên cứu về những nỗ lực để thực hiện các chính sách đãi ngộ nhân tài, chẳng hạn thù lao dựa theo thành tích ở các công ty tư nhân. Họ phát hiện thấy, ở các công ty công khai tin theo chế độ nhân tài như một giá trị cốt lõi, các nhà quản lý đã trao những phần thưởng lớn hơn dành cho nhân viên nam hơn nhân viên nữ với các đánh giá về thành tích công việc giống nhau. Sự ưu ái này biến mất khi chế độ nhân tài không được tiếp nhận rõ ràng như một giá trị.

Điều này là đáng ngạc nhiên bởi vì tính công bằng là cốt lõi của lời kêu gọi đạo đức của chế độ nhân tài. ‘Sân chơi bình đẳng là nhằm để tránh những sự bất bình đẳng không công bằng dựa trên giới tính, chủng tộc và những thứ tương tự. Song thật trớ trêu, Castilla và Benard phát hiện thấy, nỗ lực thực hiện chế độ nhân tài dẫn đến những kiểu bất bình đẳng mà nó muốn loại bỏ. Họ cho rằng ‘nghịch lý này của chế độ nhân tài’ xảy ra vì công khai thừa nhận chế độ nhân tài như một giá trị thuyết phục các thần dân về tính thành thật đạo đức của họ. Thỏa mãn với việc bản thân xứng đáng khiến họ ít có khuynh hướng xem xét lại hành vi của mình để tìm ra các dấu hiệu của định kiến.

Chế độ nhân tài không chỉ là một sai lầm mà còn là một niềm tin rất có hại. Như với bất kỳ hệ tư tưởng nào, một phần sức hút của nó là bởi nó biện minh cho tình trạng hiện tại, giải thích tại sao con người thuộc về nơi mà họ đang đứng trong trật tự xã hội. Nó là một nguyên tắc tâm lý có từ lâu mà mọi người thích tin rằng thế giới này là công bằng.

Tuy nhiên, ngoài việc được hợp pháp hóa, chế độ nhân tài cũng mang đến sự tâng bốc. Khi thành công được định đoạt bởi tài năng, mỗi chiến thắng có thể được xem như sự phản ánh về giá trị và đức tính của một người. Chế độ nhân tài là hình thức tự ca ngợi bản thân bậc nhất của các nguyên tắc về phân phối. Tư tưởng thuật giả kim của nó là chuyển tài sản thành lời ca tụng, bất bình đẳng vật chất thành sự cao trội cá nhân. Nó cho phép người giàu có và quyền lực xem bản thân họ là những thiên tài làm việc có năng suất, hiệu quả. Trong khi hiệu ứng này ấn tượng nhất trong số những người thuộc tầng lớp thượng lưu, gần như bất kỳ thành tựu nào cũng có thể được nhìn qua cặp mắt của chế độ nhân tài. Tốt nghiệp phổ thông, thành công trong nghệ thuật hay chỉ đơn giản là kiếm ra tiền đều có thể được xem như bằng chứng của tài năng và nỗ lực. Cũng thế, những thất bại trong cuộc đời trở thành dấu hiệu của khiếm khuyết, kém cỏi cá nhân, đưa đến một lý do tại sao những kẻ nằm ở dưới đáy của thang bậc xã hội xứng đáng sống ở đó.

Đây là lý do tại sao các cuộc tranh luận về việc những nhân vật đặc biệt ‘tự lực cánh sinh/một tay dựng nên cơ đồ’ đến mức độ nào và tác động của những dạng ‘đặc quyền’ khác nhau có thể trở nên nảy lửa. Những tranh luận này không chỉ là về việc ai nhận được thứ gì; mà nó còn xét đến chuyện con người có thể nhận bao nhiêu ‘công trạng’ cho những thứ mà họ sở hữu, về những gì mà sự thành công của họ cho phép họ tin vào phẩm chất nội tại của họ. Đó là lý do tại sao, dưới giả định của chế độ nhân tài, quan niệm cho rằng thành công cá nhân là nhờ ‘ăn may’ có thể khá là xúc phạm. Thừa nhận ảnh hưởng của các yếu tố từ bên ngoài dường như đang hạ thấp hoặc phủ nhận sự tồn tại của tài năng cá nhân.

Mặc cho sự trấn an về đạo đức và sự tâng bốc cá nhân mà chế độ nhân tài mang đến cho người thành công, mọi người cần từ bỏ nó như một niềm tin về cách thế giới vận hành và như một lý tưởng xã hội nói chung. Nó là thứ sai lầm, và tin theo nó tức là đang khuyến khích sự ích kỷ, phân biệt đối xử và thờ ơ với cảnh ngộ khó khăn của những người thiếu may mắn.

 

Ảnh: Post Office mural The Bauxite Mines (1942) by Julius Woeltz. Courtesy Library of Congress

Nguồn: https://aeon.co/ideas/a-belief-in-meritocracy-is-not-only-false-its-bad-for-you

menu
menu