Nỗi buồn sau khoảnh khắc yêu đương

Nếu tình dục thực sự đơn giản như cách xã hội thường gợi ý, có lẽ chúng ta sẽ không cảm thấy quá khác biệt giữa trước và sau khi chạm đến khoái cảm.
Nếu tình dục thực sự đơn giản như cách xã hội thường gợi ý, có lẽ chúng ta sẽ không cảm thấy quá khác biệt giữa trước và sau khi chạm đến khoái cảm. Nhưng thực tế, với nhiều người, cảm giác ngay sau cơn cực khoái không hẳn là sự gắn kết hay niềm vui, mà là một loại buồn bã rất riêng – một nỗi buồn cô đơn và khó tả, bởi nó thật khó nói ra mà không sợ bị hiểu lầm là vô ơn hay ích kỷ. Ngay sau khi vừa trải nghiệm một trong những khoảnh khắc khoái lạc nhất của đời người, chúng ta lại rơi vào trạng thái u uất kỳ lạ.
Nằm trong bóng tối mờ nhạt, bên cạnh người bạn đời đang thở đều, giấc ngủ có thể không đến. Tâm trí rong ruổi qua những ngóc ngách sâu thẳm, không chịu buông tha cho ý thức. Chúng ta tỉnh táo nhưng đầy bất an, nặng nề và buồn bã. Làm sao điều gì đó tràn đầy niềm vui lại có thể dẫn đến nỗi buồn sâu sắc đến thế?
Cội rễ của nỗi buồn sau tình dục nằm ở việc nhận ra rằng sex thường đưa chúng ta vào những cảm xúc và hành động đối lập hoàn toàn với cách chúng ta cư xử và tin tưởng hàng ngày. Một người điềm đạm, nhẹ nhàng có thể cầu xin được trói chặt và đánh đập trong cơn đam mê. Một người vốn trung thành và cẩn trọng có thể phá bỏ mọi lời thề mà họ từng cam kết. Trong một câu lạc bộ ồn ào, một tâm hồn sâu sắc và trí tuệ có thể dành hàng giờ trò chuyện cùng một người xa lạ mà không hề có mối kết nối sâu sắc nào.
Khoảnh khắc cực khoái qua đi, ta lập tức đối diện với sự chia rẽ nội tâm sâu sắc ấy. Ngày xưa, đây có lẽ là lúc người ta tìm đến nhà thờ hay đền chùa. Họ sẽ nhúng mình vào nước thánh hoặc thì thầm lời xưng tội với một vị linh mục nghiêm nghị. Chúng ta có thể chế giễu những nghi lễ đó, nhưng chúng tồn tại vì một lý do: chúng thấu hiểu sức hút mãnh liệt của dục vọng và sự mâu thuẫn với những lý tưởng cao đẹp của con người. Chúng cảm thông với nỗi khát khao trở thành người tử tế, trung thành, khôn ngoan nhưng lại bị cuốn hút bởi những cám dỗ đê mê và lạc lối.
Nỗi mặc cảm và buồn bã ấy thường bắt đầu từ thời niên thiếu. Chỉ ngay trước đó thôi, chúng ta vẫn là những đứa trẻ trong sáng, hồn nhiên. Ta có thể kể mọi chuyện với mẹ mình, niềm vui lớn nhất là cưỡi ngựa hay chơi mô hình tàu lửa. Thế rồi bỗng dưng, ta phải khóa mình trong phòng tắm, ám ảnh bởi những hình ảnh lén lút hiện lên trong đầu. Và ngay sau khi mọi chuyện kết thúc, một bóng tối trĩu nặng bao trùm lên tâm hồn – một bóng tối mà ta có lẽ chưa bao giờ thực sự rũ bỏ được.
Nỗi buồn và sự xấu hổ đặc biệt rõ nét khi ta ở bên một người mà mình không thực sự yêu – nhưng có thể họ lại yêu ta rất nhiều. Làm sao ta có thể, chỉ vì một vài khoảnh khắc đụng chạm, lại hành xử đầy mâu thuẫn đến thế? Ta có thể điên rồ mong muốn được thú nhận với người bạn đời vừa trao thân, rằng ta không hề có cảm xúc đúng mực với họ – dù cho những gì vừa xảy ra nói khác. Ta muốn được họ tha thứ, muốn họ hiểu rằng ta đã lạc lối, rằng ta chẳng phải người tệ bạc nhưng chỉ là ta không biết cách khác.
Trong cơn kiệt sức sau tình dục, ta nhận ra biết bao thời gian đã bị lãng phí. Những giờ phút ta bỏ ra để mưu toan, đắm chìm trong ảo mộng, đáng ra đã có thể dùng để hoàn thành một kịch bản, viết xong kế hoạch kinh doanh hay nộp bài luận đại học. Ta có thể đã trở về nhà tắm cho những đứa trẻ nhỏ bé đang mong ngóng ta. Và trong phút chốc, ta có thể chỉ muốn tan biến.
Điều ta khao khát hơn tất cả là một người bạn đời có thể đồng cảm với những hỗn loạn ấy, người mà ta có thể thú nhận rằng, dù có thế nào, ta vẫn là một con người tốt bụng nhưng đã lạc đường, và chỉ muốn trở về. Không phải về ngôi nhà cũ, mà là một nơi đủ bao dung, đủ rộng lớn để chấp nhận con người thật của ta và vẫn yêu thương ta.
Nỗi buồn sau tình dục nhắc ta rằng, ta không muốn mãi chia rẽ trong nội tâm. Ta không muốn cứ phải giả vờ là một người mà trong lòng ta không phải. Ta khao khát được là chính mình: vừa nhục dục, vừa tử tế, vừa trung thực. Và cũng vì thế, ta cảm thấy quá đỗi buồn bã.
Nguồn: ON POST-COITAL MELANCHOLY - The School Of Life