Nỗi đau của sự hổ thẹn

noi-dau-cua-su-ho-then

Một trong những triệu chứng tồi tệ nhất của chấn thương tâm lý thời thơ ấu chính là cảm giác hổ thẹn – một cảm giác ngự trị như thể mình là một con người tồi tệ

Một trong những triệu chứng tồi tệ nhất của chấn thương tâm lý thời thơ ấu chính là cảm giác hổ thẹn – một cảm giác ngự trị như thể mình là một con người tồi tệ, một nỗi ghê sợ nguyên thủy dành cho chính bản thân, một sự xấu hổ sâu sắc và bao trùm về con người mình, những khát khao mình có và những gì mình đã làm. Hổ thẹn là một trong những hình thức tra tấn tâm lý khủng khiếp nhất.

Nguồn gốc của sự hổ thẹn hầu như luôn bắt nguồn từ thời thơ ấu. Chúng ta chịu đựng nỗi hổ thẹn vì – ở đâu đó trong quá khứ – đã có người gieo rắc sự hổ thẹn đó lên ta. Làm thế nào để khiến một đứa trẻ cảm thấy hổ thẹn? Thật đau lòng khi biết rằng chỉ cần rất ít. Hầu như không ai nhận ra mình đang làm điều đó, và càng không phải là nạn nhân – trừ khi hoặc cho đến khi họ nhận được sự giúp đỡ đúng cách. Tất cả những gì cần làm để nghiền nát một đứa trẻ bằng sự hổ thẹn là: đối xử với tâm hồn non nớt của chúng bằng thái độ khinh miệt, hạ thấp mọi nỗ lực của chúng, la mắng không tiếc lời mỗi khi chúng mắc lỗi, khiến chúng cảm thấy tồi tệ về cơ thể mình, bỏ mặc và phớt lờ chúng, hoặc công khai thể hiện sự ưu ái với một người khác.

Photo by Jonas Liübartas on Unsplash

Những người mang trong mình nỗi hổ thẹn thường không tin rằng có ai đó từng làm tổn thương họ. Họ không muốn than thở hay trách móc; họ chỉ bị thuyết phục đến mức tuyệt đối rằng bản thân mình tồi tệ một cách nguyên thủy. Họ là những người cuối cùng trên thế giới nghĩ đến việc trách cứ bất kỳ ai khác ngoài chính mình. Hổ thẹn đã ăn sâu vào tâm hồn họ đến mức họ không còn khả năng nhìn nhận bản thân một cách khách quan.

Mỗi khi có điều gì đó không suôn sẻ, người mang nỗi hổ thẹn ngay lập tức cảm thấy hoàn toàn và tuyệt đối có lỗi. Không có giới hạn cho sự tự trách móc mà họ tự dày vò bản thân mỗi khi xảy ra rắc rối trong công việc, tình bạn hay gia đình. Họ không bình tĩnh nghĩ rằng: “Đây chỉ là một trục trặc nhỏ, mình sẽ tìm cách giải quyết.” Thay vào đó, họ nghĩ: “Tôi là người tệ hại nhất từng tồn tại. Mọi thứ tôi làm đều sai. Tôi lại làm hỏng việc, và đây là bằng chứng cho sự ngu ngốc và xấu xa của tôi.”

Những người hổ thẹn không thể nắm bắt được sự tốt đẹp trong con người họ, cũng như quyền được phạm sai lầm. Ý nghĩ yêu thương bản thân khiến họ cảm thấy ghê tởm. Họ có thể cực kỳ ngọt ngào với người khác, nhưng lại đối xử với chính mình tàn nhẫn đến khó tin. Bên trong họ có một kẻ giám sát nghiêm khắc không bao giờ buông tha. Tâm trí họ tràn ngập những lời chỉ trích đau đớn: “Lại thế nữa kìa, đồ ngốc bé nhỏ. Tôi biết mà, lúc nào cũng ngu xuẩn như vậy…” Nếu chúng ta thấy một người lạ nói những lời như vậy với ai khác, có lẽ ta sẽ muốn gọi ngay cơ quan chức năng.

Không có gì lạ khi những người mang nỗi hổ thẹn thường thiếu tự tin. Khi muốn bày tỏ tình cảm với ai đó, họ hầu như không đủ sức để tiến gần. Những nỗ lực xây dựng sự nghiệp, viết sách, hay vun đắp tình bạn của họ luôn đứng trước nguy cơ sụp đổ, bởi những lời thì thầm về “sự tồi tệ” của họ luôn chực chờ trỗi dậy. Mỗi trở ngại mà họ gặp phải, mỗi sai lầm, đều nhanh chóng trở thành vũ khí cho kẻ tra tấn bên trong họ. Và rồi – tất nhiên – họ không thể nào cảm thấy thương xót cho chính mình, bởi làm thế chẳng khác nào tỏ lòng tha thứ cho một kẻ ngu ngốc – điều mà họ tin rằng mình không xứng đáng nhận được.

Phải là một người mạnh mẽ và đầy yêu thương mới có thể tiếp cận được người mang nỗi hổ thẹn, để nói với họ bằng giọng nói rõ ràng, kiên định – điều mà họ đã luôn cần được nghe:

“Bạn không phải là một người tồi tệ, thực ra bạn là một người rất tốt; chỉ là bạn đã có một tuổi thơ thật tệ mà thôi.”

Nguồn: THE AGONIES OF SHAME – The School Of Life

menu
menu