Nỗi đau ngọt ngào trong tình yêu

noi-dau-ngot-ngao-trong-tinh-yeu

Đây là kiểu quan hệ mà cường độ của nỗi đau tỉ lệ thuận với cường độ của sự tuyệt vời.

Khi nghĩ về một “mối quan hệ tồi tệ”, ta thường hình dung đến những kịch bản đen tối và kinh khủng nhất: bạo lực thể xác, nghiện ngập, giận dữ, ép buộc, phê bình thô bạo. Đó là một danh sách dài và đáng báo động.

Xem nhẹ bất kỳ điều nào trong số đó thật là dại dột. Nếu ai đó mà ta quan tâm (hoặc có thể chính là ta) rơi vào một hoàn cảnh như vậy, ta sẽ mong họ được hỗ trợ khẩn cấp nhất.

Dẫu vậy, có lẽ vẫn còn một kiểu quan hệ khác cũng đáng được chú ý vì mức độ đau đớn và nguy hiểm của nó, dù nhìn từ bên ngoài, không hề có cảnh tượng đáng trách hay hành vi đáng lên án nào. Hàng xóm sẽ chẳng nhận thấy có gì bất thường, và có khi chính ta cũng chẳng nhận ra. Đây không phải là kiểu bạn đời xấu xa hay có ý đồ xấu – và chính điều đó lại tạo nên vấn đề.

Đây là kiểu quan hệ mà cường độ của nỗi đau tỉ lệ thuận với cường độ của sự tuyệt vời. Ta thấy vô cùng khó để rời xa, chính bởi vì – ở quá nhiều mức độ – ta yêu thích được ở bên người ấy. Cảm xúc khi thì đau khổ tột cùng, khi lại ngọt ngào hơn bất cứ điều gì ta từng trải nghiệm. Như thể một thần Cupid tinh quái đã đưa ta vào vùng đất của nỗi đau ngọt ngào đến say mê.

Hãy tưởng tượng về kiểu người mà chúng ta đang nói đến. Trước hết và quan trọng nhất, họ thực sự là người có một trái tim nhân hậu. Đây không phải kiểu người tự cao, thao túng hay lừa dối mà ngày nay thường bị lên án. Chúng ta biết rõ đây là người tử tế từ trong ra ngoài. Họ dịu dàng, hài hước, ngọt ngào và rất chân thành với ta. Họ thật lòng yêu thương và muốn điều tốt cho ta – và chúng ta biết điều đó. Họ hiểu rõ những góc khuất trong ta, lắng nghe mỗi khi ta cần, từng chăm sóc ta tận tình khi ta ốm đau và đã cho thấy lòng trung thành không thể phủ nhận vào những thời điểm quan trọng.

Raphael, The Triumph of Galatea, 1512

Nhưng rồi, trong một góc khác của con người họ, có những yếu tố khiến cho ta, dù khao khát sự cam kết và mong mỏi một mối quan hệ lâu dài đến đâu, vẫn không bao giờ có thể thực sự an tâm, không thể hoàn toàn tận hưởng mối quan hệ ấy. Ta chẳng thể nào cảm thấy an toàn như mình mong muốn, chẳng khi nào có được sự bình yên dài lâu mà không bị những cơn sóng ngờ vực và đau khổ quấy rầy.

Có lẽ người bạn đời ấy đang nỗ lực theo đuổi thành công trong công việc, điều này có nghĩa là ta chẳng thể nào biết rõ khi nào họ sẽ có mặt bên cạnh, hay liệu họ có ở lại bao lâu. Chúng ta không thể trách họ, chúng ta hiểu những gì họ đang trải qua và áp lực mà họ đang gánh chịu. Nhưng dù vậy…

Hoặc người ấy đang đối mặt với những thử thách tâm lý mà ta hiểu rất rõ (có thể chính ta cũng từng trải qua những giai đoạn tương tự). Họ thường xuyên rơi vào trạng thái trầm lắng, chán nản. Những điều này không liên quan gì đến ta cả, mà gốc rễ của nó đến từ tuổi thơ, từ những tổn thương mà ta thật lòng đồng cảm. Nhưng rồi…

Hoặc có lẽ, người ấy gặp khó khăn trong việc duy trì sự đáng tin cậy, điều mà họ cho là có thể liên quan đến tính cách đặc biệt. Có thể họ thực sự muốn đúng giờ, muốn sắp xếp chu đáo và quan tâm đến những lo toan của ta. Nhưng rồi không ít lần, ta cứ mãi ngóng chờ, băn khoăn khi nào họ sẽ xuất hiện, bực dọc vì lại phải gánh vác thêm trách nhiệm. Ta hiểu và thông cảm. Nhưng mà…

Hoặc, họ rất ngại phải truyền đạt những tin xấu. Họ là người có tính cách mềm mỏng, không muốn làm ai thất vọng. Họ luôn cố gắng không làm bạn bè hay ta buồn, nhưng điều đó cũng đã khiến họ vô tình làm ta lo lắng, thậm chí là giận dỗi.

Thêm vào đó, dường như càng khó khăn hơn khi ta vẫn có thể trò chuyện thẳng thắn với họ về những điều này. Họ lắng nghe, thật sự lắng nghe. Họ hiểu ta muốn nói gì, nhận thức được việc làm người khác phiền lòng là thế nào. Họ xin lỗi chân thành, mong ta tha thứ theo những cách thật cảm động. Nhưng mà…

Khi nghe đến cụm từ “thao túng tâm lý”, ta dễ nghĩ đến việc ai đó yêu thương nhưng lại cố tình gây tổn thương với mục đích điều khiển chúng ta. Còn từ “tự luyến” khiến ta tưởng tượng đến ai đó có trái tim băng giá, âm thầm mang một bản chất độc ác. Nhưng nếu chúng ta yêu cầu một cỗ máy tạo ra “người khó hiểu nhất trên đời” – người mà ta phân vân không biết nên ở lại hay rời đi – thì nó sẽ không bao giờ tạo ra một con quỷ. Thay vào đó, nó sẽ tạo ra một người tử tế, chu đáo, dịu dàng và hào phóng đến nỗi dù vậy vẫn đều đặn khiến ta rơi vào vòng xoáy buồn bã, bực bội, và hoang mang.

Cuối cùng, trong những tình huống như vậy, cách duy nhất để phá vỡ sự bế tắc là tập trung vào một điều duy nhất. Không phải là họ tốt thế nào. Không phải là ta yêu họ đến đâu. Không phải là họ quan tâm ta ra sao. Những suy nghĩ này – dẫu có ý nghĩa trong các trường hợp khác – lại không có tác dụng ở đây. Chúng ta cần tập trung vào một điều mà có lẽ ta đã né tránh bấy lâu nay: thời gian. Cụ thể hơn là thực tế rằng ta không có vô hạn thời gian. Mỗi ngày trôi qua trong mập mờ và căng thẳng là một ngày ta sẽ không bao giờ lấy lại được. Mỗi ngày mà ta không có được sự bình yên và rõ ràng là một ngày tiến gần hơn đến dấu chấm cuối cùng của cuộc đời. Ta có rộng lượng đến mức để điều này tiếp tục không? Ta có muốn xé thêm bao nhiêu trang trong cuốn sách đời mình chỉ để chúng vĩnh viễn bị lãng phí?

Chúng ta không gặp phải một “ác quỷ”; điều đó sẽ dễ dàng quá. Chỉ là, dù tình cảm có mãnh liệt, dù sự kết nối có sâu sắc, liệu cuối cùng ta có còn đủ thời gian cho điều này không…

Nguồn: EXQUISITE AGONY IN LOVE

menu
menu