Nỗi hoang tưởng trong đời thường

Khi chẳng có gì ẩn sau những dòng chữ...
Hồi tôi còn học cao học, có một người bạn học từng vô tình không nhận được một email gửi chung cho toàn bộ sinh viên chương trình. Và rồi, anh ấy chợt nghĩ: Hay là mình đã bị đuổi khỏi trường rồi, mà chẳng ai nói cho biết?
Dù lý trí anh thừa hiểu mọi chuyện không thể nào vô lý đến thế, trường cao học vốn không phải là một tổ chức vận hành theo những quy tắc mơ hồ, đầy ẩn ý, nơi một ai đó có thể bị loại khỏi cuộc chơi mà không lời cảnh báo hay lý do rõ ràng. (Dù, theo một cách nào đó, một hội nữ sinh thì lại có thể giống như thế. Có một câu chuyện kỳ lạ về một cô gái tên “Rose” bị loại khỏi hội nữ sinh của mình chỉ với một lời thông báo lạnh lùng: “Cậu biết mình đã làm gì rồi đấy.”)
Nỗi lo lắng vô căn cứ của anh bạn tôi, thật ra, không phải là chuyện hiếm gặp. Những suy nghĩ như “Sao anh ấy lại hỏi mình câu đó nhỉ?”, “Sao cô ấy mấy ngày mới trả lời tin nhắn?”... đều là những phản ứng phổ biến trước những tương tác rất đỗi bình thường, hoàn toàn không mang ý nghĩa sâu xa gì. Trong giao tiếp hàng ngày, những gì ta thấy thường chính là tất cả những gì có, còn những “thông điệp ẩn sau câu chữ” mà ta cố đọc ra, thì thật ra... chẳng tồn tại.
Tôi gọi xu hướng nhìn nhận những chuyện vụn vặt đời thường như thể chúng mang theo điềm báo hoặc ý nghĩa sâu xa là “nỗi hoang tưởng trong đời thường”. Giống như nhiều tình trạng tâm lý mang tính lâm sàng khác, hoang tưởng cũng có những “phiên bản nhẹ nhàng”, phổ biến hơn rất nhiều. Và đó là điều tôi muốn khám phá ở đây: Hoang tưởng đời thường là gì? Vì sao nó xảy ra? Và nó gây ra những hệ quả gì?
Hoang tưởng và những biến thể của nó
Cần lưu ý rằng xu hướng mà tôi đang nói đến không chỉ sinh ra lo lắng vô căn cứ, mà đôi khi còn tạo ra những hy vọng hão huyền, những lâu đài xây trên cát. Dù sự sợ hãi không có lý do thường phổ biến hơn cảm giác vui mừng sai chỗ, nhưng cả hai thật ra lại là hai mặt của cùng một đồng xu: chúng đều bắt nguồn từ việc ta tưởng rằng một cử chỉ, một câu nói hay một sự kiện nào đó, thật ra chẳng có ý nghĩa gì, lại đang “ẩn chứa điều gì đó.”
Tính cách lo âu (neuroticism) có thể làm lệch lạc cách ta nhìn nhận thế giới không chỉ bằng cách phủ một màu ảm đạm lên mọi thứ, mà đôi khi còn bằng cách khiến sự vật trở nên rực rỡ hơn, sống động hơn thường lệ. Và vì cả hy vọng mù quáng lẫn sợ hãi vô lý thường có chung một nguồn gốc, chúng có thể tồn tại song song, dẫn đến những cơn “chập chờn” cảm xúc, nơi một người hôm nay tưởng mình là vua của thế giới, nhưng hôm sau lại nghĩ mình là kẻ bị cả xã hội ruồng bỏ (hoặc đôi khi, tất cả những cảm xúc ấy đến rồi đi chỉ trong... một buổi chiều).
Vậy, những dao động này bắt nguồn từ đâu?
Source: Larsgustav/Pixabay
Điên rồ mà không bệnh tật
Hoang tưởng đời thường, ở một khía cạnh nào đó, có điểm tương đồng với trạng thái tinh thần của người đang ốm. Với người bệnh, những thứ bình thường quanh ta lại bỗng mang ý nghĩa đặc biệt. Virginia Woolf, trong bài tiểu luận "Về Cái Ốm", đã viết về hiện tượng này, rằng bệnh tật có thể:
“…khiến một số khuôn mặt trở nên thiêng liêng, khiến ta lặng thinh chờ đợi tiếng cót két của bậc thang, và khiến những gương mặt vắng bóng được bao phủ bởi một tầng ý nghĩa mới, trong khi tâm trí ta bịa ra hàng ngàn câu chuyện tình, những huyền thoại quanh họ…”
Và sau đó:
“Khi ốm, lời nói dường như có một chất huyền diệu. Ta cảm được những điều vượt khỏi lớp vỏ bề mặt của từ ngữ…”
Nhưng dù cả trong bệnh tật lẫn hoang tưởng đời thường, tâm trí ta đều có xu hướng thấy được ý nghĩa ở những nơi không có, thì chỉ riêng trong cơn ốm thật sự, thế giới mới mang màu sắc thần bí rõ ràng. Người bệnh dường như tách mình khỏi những ràng buộc của đời sống thường nhật. Trong cơn sốt, ta như được miễn trừ trách nhiệm, thậm chí có thể cảm thấy mình nhẹ nhõm, thoát ly khỏi chính cơ thể này. Cơn sốt mang ta đi, những giấc mơ mê sảng đưa ta đến những miền lạ, và chính ở những miền ấy, điều phi thường có thể xảy ra.
Còn hoang tưởng đời thường thì khác
Nó vẫn nằm trong khuôn khổ của cuộc sống như ta vốn biết. Cái nhìn bị bóp méo ở đây cũng là cái nhìn, nhưng lại là một cái nhìn rất... quen thuộc. Nhãn quan âu lo, hoài nghi vẫn bám chặt lấy những gì thường nhật, những điều rất người. Người nằm liệt giường vì ốm có thể cảm thấy mình như một kẻ hoàn toàn mới. Nhưng người bị hoang tưởng đời thường thì vẫn là “cái tôi cũ” mà anh ta luôn biết. Có thể anh ấy không muốn là người như thế nữa, nhưng... không thoát ra được. Anh ấy vẫn là mình, một cách đầy mâu thuẫn, đầy chật chội, đầy trăn trở, giữa muôn trùng những suy nghĩ vụn vặt đời thường mà không sao dập tắt được.
Cả bệnh tật lẫn hoang tưởng đời thường đều mang chút gì đó giống như giấc mơ và cả điên loạn. Bởi trong cả giấc mơ lẫn trong tâm trí của người đang rơi vào trạng thái hoang tưởng, mọi thứ dường như đều thấm đẫm một ý nghĩa sâu xa nào đó. Điều ấy không có gì lạ: ý nghĩa không chỉ đến từ lý trí, mà nhiều khi nó được cảm nhận. Và khi tâm hồn ta đang tràn ngập cảm xúc, ta dễ thấy ý nghĩa ở cả những nơi vốn chẳng có gì, chỉ vì ta cảm thấy như thế.
Nhưng hoang tưởng đời thường vẫn khác với cả ba trạng thái kia, bởi nó có thể trở thành trạng thái mặc định của một con người. Ta có thể tỉnh giấc sau một giấc mơ, hồi phục sau một trận ốm, thậm chí thoát ra khỏi những cơn điên cuồng. Nhưng hoang tưởng đời thường thì không dễ gì dứt ra, bởi nó thường bắt nguồn từ tính cách, từ nếp nghĩ ăn sâu bám rễ và nó bướng bỉnh bám lấy ta, mặc cho lý trí đã ra sức gỡ bỏ.
Ta có thể, giống như anh bạn tôi đã kể lúc đầu, thừa hiểu rằng chẳng có lý do gì để nghi ngờ điều mình đang nghĩ. Ấy vậy mà cảm giác bất an vẫn cứ thì thầm: “Biết đâu… biết đâu chừng… lỡ như có điều gì thật đấy thì sao?”
Vòng siết của lo âu
Không chỉ vì tâm trí ta dễ gán ghép ý nghĩa cho những điều vô thưởng vô phạt mà nỗi hoang tưởng đời thường có đất sống. Còn một nguyên nhân nữa: cuộc sống vốn là một cánh cửa mở cho vô vàn cách hiểu. Mỗi sự việc, mỗi lời nói, thậm chí cả những khoảng lặng, đều có thể hàm chứa điều gì đó nhiều hơn vẻ ngoài, và đều có thể được diễn giải theo đủ kiểu.
Dĩ nhiên, có những cách hiểu là khiên cưỡng. Nhưng trong rất nhiều trường hợp, ta chẳng thể nào chứng minh chắc chắn rằng người kia chỉ có ý như những gì họ nói. Ta có thể yêu cầu sự trấn an, và người kia có thể dành cho ta những lời dịu dàng. Nhưng sự an ủi đó thường chẳng kéo dài lâu, vì rồi họ sẽ lại nói điều gì khác, và ta lại bắt đầu diễn giải.
Ta có thể thấy điệu vũ của lo âu và trấn an ấy hiện lên rõ rệt trong những mối quan hệ tình cảm, và nhiều khi, chính nó là điều giết chết tình yêu.
Trong những cuộc tình ấy, với người mang trong mình nỗi bất an thường trực, thì không một lời trấn an nào là đủ.
Người yêu nói:
— “Arden là một người tuyệt vời.”
Và ta đáp lại:
— “Ý anh là em không tuyệt vời sao?”
— “Không, không phải vậy. Anh đâu có ý như thế.”
Có thể lời phân bua ấy giúp làm dịu tâm trí bồn chồn trong chốc lát. Nhưng rồi hoài nghi lại trở lại, như một chiếc kim đồng hồ luôn quay về đúng vị trí cũ:
— “Sao cô ấy lại nói Arden tuyệt vời? Cô ấy thật sự nghĩ gì khi nói vậy?”
Tình yêu hay sự bóp nghẹt?
Anaïs Nin, người từng vật lộn với nỗi lo âu trong tình yêu, từng viết trong nhật ký:
“Lo âu là kẻ sát nhân lớn nhất của tình yêu, vì nó giống như cái siết nghẹt của người sắp chết đuối… Lo âu là thứ ta không thể đặt lên vai người khác, vì nó làm họ ngộp thở…”
Dẫu vậy, nỗi lo âu hoang tưởng ấy không phải là điều không thể vượt qua. Có thể lý trí không đủ sức đánh bại nó, nhưng tình yêu có thể.
Muốn vậy, ta phải dừng lại và nhìn thẳng vào điều mà nỗi lo đời thường ấy đang âm thầm gây ra cho những người mà ta thương yêu. Chính Anaïs Nin cũng đã học cách chế ngự nỗi lo trong tim mình bằng cách đó.
Bà viết: “Tôi đã mất nhiều năm chìm trong nỗi buồn để học cách bay vòng như những cánh chim quanh người mình yêu, sao cho tình yêu không bị đóng băng thành một nhà tù… [Lo âu] là căn bệnh tinh thần dễ lây lan nhất, và nếu ta thật sự yêu ai đó, ta phải bảo vệ họ khỏi nó. Bởi lo âu không liên quan gì đến tình yêu cả, nó là điều đối lập hoàn toàn. Và không một tình yêu nào có thể sống nổi trong những bức tường dựng nên từ sợ hãi.”
Nguồn: Paranoia in Everyday Life | Psychology Today