Nối Lại Tình Xưa – Những bài học từ Nghiên cứu Grant (Grant Study) tại Harvard về những mối quan hệ trong quá khứ
Phát hiện độc đáo này đã làm sáng tỏ ảnh hưởng lâu dài của những mối quan hệ thuở ban đầu đối với hạnh phúc bền vững của chúng ta, mang lại những bài học quý giá về việc nuôi dưỡng và đong đầy những mối quan hệ.
Trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc và sự viên mãn, những mối quan hệ chúng ta xây dựng đóng một vai trò then chốt. Bài học sâu sắc nhất từ một trong những nghiên cứu đã kéo dài xuyên suốt trong lĩnh vực tâm lý học, nghiên cứu Grant, đã chỉ ra tầm quan trọng của việc kết nối lại với những người mà bạn yêu thương ở nửa đầu cuộc đời trong giai đoạn nửa sau của mình. Phát hiện độc đáo này đã làm sáng tỏ ảnh hưởng lâu dài của những mối quan hệ thuở ban đầu đối với hạnh phúc bền vững của chúng ta, mang lại những bài học quý giá về việc nuôi dưỡng và đong đầy những mối quan hệ.
NGHIÊN CỨU GRANT TẠI HARVARD: TỔNG QUAN SƠ LƯỢC
Bắt đầu từ năm 1938, Nghiên cứu Grant tại Harvard đã theo dõi cuộc sống của 268 người đàn ông suốt hơn 75 năm, nghiên cứu vô số những khía cạnh khác nhau của cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của họ, nhằm tìm hiểu điều gì góp phần tạo nên một cuộc sống viên mãn. Dữ liệu toàn diện của nghiên cứu cung cấp cái nhìn sâu sắc về các yếu tố ảnh hưởng đến hạnh phúc, sức khỏe và sự an lành.
SỨC MẠNH CỦA NHỮNG MỐI QUAN HỆ SƠ KHAI
Một trong số những kết luận rút ra từ nghiên cứu là ảnh hưởng lâu dài của mối quan hệ hình thành ở nửa đầu cuộc đời của mỗi người. Những mối quan hệ sơ khai, cho dù là với thành viên trong gia đình, với bạn bè hay với những mối quan hệ thân mật, đều đặt nền móng cho sự phát triển về mặt cảm xúc và xã hội. Việc kết nối lại với những con người này ở nửa sau của cuộc đời có thể mang đến sự tiếp diễn, sự buông bỏ, hoặc sự hài lòng sâu sắc.
Điều này không chỉ liên quan đến gia đình sinh học hay gia đình hạt nhân, mà còn liên quan đến những gia đình và tình bạn thân thiết mà chúng ta “được nhận” suốt cuộc đời. Tôi có vinh dự được kết giao với “gia đình” ở bốn châu lục trong suốt cuộc đời mình. Tôi có những người bạn đã 20 năm chưa gặp ở những quốc gia khác nhau tại châu u, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Phi nhưng vẫn ngồi xuống và nói chuyện với nhau như thể mới gặp từ hôm qua.
Image: Source: Shane Rounce/Unsplash
TẠI SAO VIỆC TÁI KẾT NỐI LẠI QUAN TRỌNG
- Khả năng phục hồi cảm xúc: Những mối quan hệ hình thành sớm thường cung cấp sự hỗ trợ và bền vững về mặt cảm xúc. Việc kết nối lại với những người bạn quen trước năm 8 tuổi (formative years) có thể đan lại những mối quan hệ tương trợ này, giúp tăng cường khả năng hồi phục cảm xúc trong cuộc sống sau này.
- Ý thức về nhân dạng: Những người bạn yêu thương ở nửa đầu cuộc đời đóng vai trò to lớn trong việc định hình con người của bạn. Việc kết nối lại với họ có thể củng cố ý thức về bản thân và cung cấp sự hiểu biết rõ ràng về hành trình sống của chúng ta.
- Sự chữa lành và buông bỏ: Ghé thăm những mối quan hệ đã qua cho ta cơ hội để chữa lành và buông bỏ. Giải quyết những khúc mắc chưa được tháo dỡ hay những cảm xúc còn đang lưu luyến có thể giải tỏa cảm xúc và mang lại cảm giác bình yên.
- San sẻ những kỷ niệm: Những kỷ niệm chung với những người ta yêu thương trong quá khứ có thể gợi lên cảm giác hoài niệm và niềm vui. Những ký ức này là lời nhắc nhở về sự đa dạng và phong phú của những trải nghiệm đã định hình cuộc sống của chúng ta.
TÁI KẾT NỐI – TỪNG BƯỚC TỪNG MỘT
- Suy ngẫm về mối quan hệ đã qua: Ngẫm nghĩ về những người có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời bạn. Tìm ra những người mà bạn muốn gặp lại và xem xét lý do tại sao họ quan trọng với bạn đến vậy.
- Tiếp cận: Với sự phát triển của mạng xã hội và phương tiện liên lạc điện tử, việc tiếp cận với những người thân thương trong quá khứ chưa bao giờ dễ dàng đến vậy. Một tin nhắn đơn thuần hay một cuộc gọi có thể là khởi đầu cho việc tái kết nối với họ.
- Hãy chân thành và cởi mở: Khi tái kết nối, hãy tiếp cận những cuộc trò chuyện một cách chân thành và cởi mở. Chia sẻ mong muốn được gắn kết lại với họ và lý do đằng sau. Sự chân thành này có thể mở đường cho những tương tác ý nghĩa về sau.
- Kế hoạch cho một cuộc hội ngộ: Nếu có thể, hãy lên kế hoạch cho một cuộc gặp mặt. Việc gặp gỡ mọi người có thể gia tăng sự gắn kết cũng như cho phép bản thân được trải nghiệm sự kết nối sâu sắc.
- Trân trọng thực tại: Trong khi kết nối lại với quá khứ, việc không xao nhãng với hiện tại cũng là điều quan trọng. Sử dụng những bài học có được trong quá khứ để củng cố cho những mối liên kết hiện tại và tương lai.
TỔNG KẾT
Nghiên cứu Grant cung cấp luận cứ thuyết phục cho rằng những mối quan hệ ban đầu của chúng ta có tác động lâu dài đến sự hạnh phúc và an lành của bản thân. Việc kết nối lại với những người mà chúng ta yêu thương trong nửa đầu cuộc đời có thể mang lại niềm vui to lớn, sự chữa lành và một lý tưởng sống mới. Trong khi chúng ta đang bị cuốn vào những mối bận tâm trong cuộc sống, việc nuôi dưỡng những mối quan hệ này có thể giúp bản thân xây dựng một cuộc sống giàu cảm xúc và đủ đầy hơn. Bằng cách tiếp cận và làm sống lại những mối quan hệ này, chúng ta có thể tạo nên một câu chuyện cuộc đời đầy hoàn chỉnh và thỏa mãn – tôi đang rất nóng lòng cho một cuộc gọi xuyên Nam Đại Tây Dương rồi đây.
Tác giả: Rebekka Grun von Jolk
Dịch giả: Hoàng Phúc - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ