Nỗi lo âu không hồi kết

noi-lo-au-khong-hoi-ket

Lời hứa hẹn ngọt ngào nhưng lừa dối mà bao nỗi lo âu gieo vào lòng ta, ấy là: rồi chúng sẽ chấm dứt, nếu… nếu ta học xong, nếu ta kiếm được việc làm, nếu ta tìm được một người để nên duyên,...

Lời hứa hẹn ngọt ngào nhưng lừa dối mà bao nỗi lo âu gieo vào lòng ta, ấy là: rồi chúng sẽ chấm dứt, nếu… nếu ta học xong, nếu ta kiếm được việc làm, nếu ta tìm được một người để nên duyên, nếu ta dựng xây được một tổ ấm. Nhưng sự thật – trần trụi, lặng lẽ và u ám – lại khiến lòng người chao đảo, đến mức khó mà chấp nhận nổi: rằng dù ta cố gắng đến đâu, lo âu vẫn có thể là một phần vĩnh viễn trong tâm hồn ta, một người bạn đồng hành không bao giờ chịu rời xa. Nó là một trong những nỗi khổ đau biến hóa khôn lường và khéo léo nhất, luôn tìm ra cách để quay lại, khuấy động lòng ta và chen vào giữa ta và những điều ta cố gắng tận hưởng – một ngày nắng đẹp, một cây cam trĩu quả, hay nụ cười của con trẻ. Điều ta lo sẽ thay đổi; nhưng cái bản chất lo âu – dường như chẳng bao giờ chịu rời đi.

Vì sao vậy? Có phải chúng ta – những kẻ mang nỗi lo thường trực – đã bị nguyền rủa, bị chọn ra để nhận lấy một bản án suốt đời, mãi mãi không được quên đi những hiểm họa, những ân hận, những nỗi tủi nhục… dù chỉ trong vài tiếng ngắn ngủi?

Có lẽ, giữa muôn vàn điều khiến ta trăn trở, ta nên thôi day dứt về chính nỗi lo của mình. Hãy thử đón nhận nó với vẻ điềm tĩnh, một chút giận dữ âm thầm và nụ cười buồn bất lực.

Edvard Munch, Melancholy, 1891

Bởi suy cho cùng, ta lo lắng là có lý do cả: vì ta được sinh ra trong một thế giới không gì là chắc chắn. Vì ta đã từng bị bỏ rơi – và có thể sẽ còn bị bỏ rơi nữa. Vì thuở ban đầu ta không được ẵm bồng, vỗ về đủ đầy, và nỗi sợ đã in hằn trong từng tế bào. Vì mẹ từng là một bóng hình đáng sợ, và cha thường gào thét. Vì người khác đã từng tàn nhẫn với ta từ khi ta còn chưa đủ lớn để hiểu rằng lỗi không nằm ở bản thân mình.

Ta lo vì dù năng lực kiểm soát cuộc đời đã tăng lên, thử thách cũng theo đó mà nhiều hơn. Vì ta chọn nhầm người, hay người đúng thì lại rời xa ta. Vì tiền bạc trở nên rối ren. Vì thời cuộc bỗng hóa điên loạn. Vì thân thể trở nên yếu ớt. Vì ta đã có kẻ thù. Vì thời gian đang trôi đi một cách chóng mặt. Vì ta thiếu những người bạn đích thực – những người cho phép ta yếu mềm, những người cũng khổ đau như ta, những người đủ dịu dàng để nhìn thấy tổn thương của ta từ bên trong. Ta lo vì ta vẫn chưa có một nơi gọi là nhà – một chốn cho ta thôi giả vờ, được khóc khi cần và chẳng phải giải thích gì thêm.

Có biết bao cách được đề nghị để xoa dịu cảm giác bất an: hít thở sâu, vận động, hít thở khí trời, ăn thêm trái cây, ngồi tĩnh lặng. Những lời khuyên ấy đầy thiện chí. Ta yêu quý những người thầy mang đến chúng. Nhưng cũng quan trọng không kém, là quyền được gọi tên nỗi đau của mình và than thở về nó – một cách ầm ĩ, không bị ép phải tỏ ra khôn ngoan hay trưởng thành. Được phép khóc nức nở, thậm chí gào thét – dù là trong âm thầm. Được may mắn tìm thấy những người cùng khổ đau như ta, và sẽ không cố ép ta phải tô hồng hay chối bỏ sự thật.

Có lẽ sự bình yên lớn lao nhất mà ta có thể đạt được, chính là khi ta chấp nhận rằng nỗi giày vò này sẽ không bao giờ thật sự chấm dứt. Ta có thể tìm niềm an ủi trong những bức tranh tĩnh tại, trong những lời hứa về thanh thản; nhưng sâu thẳm bên trong, chúng vẫn luôn là điều ngoài tầm với. Sự chấp nhận ấy là một niềm an ủi cứng cỏi đến tê tái. Chúng ta lạ lùng, nhưng không cần cảm thấy mình là những kẻ bị nguyền rủa riêng biệt. Nhiều người cũng giống hệt như ta – dù hiếm khi dám nói ra giữa chốn đông người, dù chẳng để lộ chút dấu hiệu gì bên ngoài. Nhưng với chúng tôi – những người đồng cảm – chúng tôi hiểu. Chúng tôi biết. Chúng tôi cũng cảm thấy y như vậy. Chúng ta có thể là những người bạn thân thiết nhất của nhau, những kẻ đồng hành qua miền đất của lo âu, chờ đợi một cái ôm giữa khổ đau, và bật cười – đầy yêu thương và tuyệt vọng – trước nỗi đau triền miên, tàn nhẫn không nguôi.

Nguồn: THE ANXIETY THAT NEVER ENDS | The School Of Life

menu
menu