Phải Làm Gì Khi Bỗng Chốc Cả Thế Giới Quay Lưng Lại Với Bạn?
Tại sao bị phớt lờ và xa lánh lại tổn thương đến vậy và những điều cần làm
Tẩy chay, "hành động phớt lờ và xa lánh ai đó", gây tổn thương như cách sự cô đơn giết chết ta, cũng là lý do tại sao chúng ta lại đề phòng nó theo một cách cực kỳ nhạy cảm. Tuy có sự khác biệt giữa mỗi người về việc chúng ta nhạy cảm tới đâu, nhưng khó mà có ai lại không thấy buồn và tức giận khi bị phớt lờ bởi người vợ/chồng của mình hay biết rằng mình không được mời tới buổi sum họp của gia đình. Mọi người thường che giấu cảm xúc tổn thương của mình trong sự hổ thẹn vì việc bộc lộc ra ngoài có vẻ như chỉ khiến cho mọi chuyện tệ đi. Bằng cách nào đó chúng ta lo sợ rằng một khi đã để cảm xúc tuôn trào thì nó sẽ mãi không thay đổi được. Chúng ta cũng thường đổ lỗi cho mình vì bị tẩy chay, cho rằng hoặc là chúng ta xứng đáng bị đối xử như vậy, hoặc là chúng ta đã phóng đại vấn đề và không nên quá nhạy cảm như thế. Chúng ta tự nhủ “Này, đừng trẻ con như vậy. Chuyện này không có gì nghiêm trọng mà” Hmmm. Thật sự là vậy sao?
Đôi khi, cảm xúc khiến chúng ta mông lung, bối rối. Tôi chẳng giống một người tự lập hay tự tin chút nào. Chiến đấu cho cách sống của mình kể cả khi hầu hết mọi người xung quanh không cùng quan điểm; việc biệt lập đối với tôi như là một thử thách thú vị.... hoặc ngược lại. Nhưng tại sao tôi lại bận tâm khi người phụ nữ mà tôi thậm chí không thích, đột nhiên ngắt quãng cuộc trò chuyện giữa tôi và cô ta, quay ra chào hỏi và bắt chuyện với người một người mà tôi cũng không thích? Tại sao tôi lại chạnh lòng khi hai người bạn đi xem giải bóng chuyền hồi trung học không rủ tôi ngồi và nói chuyện phiếm cùng họ? Thật dễ hiểu khi mà người ta lại cảm thấy tổn thương khi bị xa lánh bởi những người mình yêu quý và coi trọng. Nhưng thật khó để chỉ ra lý do vì sao chúng ta lại ngay lập tức cảm thấy bị tẩy chay khi bị khước từ hoặc không được chăm chút tình cảm?
Kipling Williams và cộng sự (2000), đã có khám phá đầy bất ngờ trong cuộc nghiên cứu gây chấn động rằng chúng ta cảm thấy bị tẩy chay ngay cả trong thế giới ảo, và tôi không nói về sân chơi mới trên mạng xã hội. Những nhà nghiên cứu đã thiết kế một trò chơi điện tử đơn giản với 3 chấm nhỏ trên màn hình chuyền bóng cho nhau và người chơi kiểm soát 1 chấm. 2 người chơi còn lại không tồn tại và chuyển động của chúng do máy tính kiểm soát. Nếu 2 chấm đó dần dần chỉ chuyền bóng qua lại với nhau mà không chuyền cho người chơi, họ thường cảm thấy bực bội, mất kiểm soát và thấy lạc lõng. 1486 người đến từ 62 quốc gia tham gia. Những kết quả này có thể xuất hiện lại khi những người tham gia biết rằng trò chơi này đã bị điều khiển. Cảm giác tồi tệ sau khi bị bỏ rơi dường như là một phản ứng sinh học.
Từ thuở sơ khai, loài người đã luôn khao khát được thuộc về “vòng tròn xã hội” kể cả khi những phần tử trong vòng tròn đó có tệ hại đến mấy vì họ nghĩ những loài vật ở ngoài có thể còn nguy hiểm hơn, như sư tử, hổ và gấu… Khi phải rời khỏi nhóm, chúng ta luôn muốn mình là người chủ động làm điều đó. Thay vì bị trục xuất khỏi đất nước của mình, chúng ta sẽ cảm thấy ổn hơn khi là người di cư và tự nguyện bước ra khỏi mạng lưới an toàn đó. Tương tự với những người hướng nội, họ nghe theo con người tận sâu của họ và quyết định trở nên cô độc, họ là những người tự quay lưng. Rời đi cần sự can đảm, nhưng so với rời đi, bị đẩy ra đem lại một cảm giác kinh khủng.
Source: Dollar Photo Club
Vậy phải làm gì khi ta bị tẩy chay? Sau đây là một vài cách để đối phó:
1. Hãy nghiêm túc nhìn nhận
Cảm thấy tồi tệ sau khi bị tẩy chay không phải là dấu hiệu của bệnh thần kinh, mà chỉ là một phản ứng bản năng của loài người. Hãy quan sát cảm xúc của mình như một người biệt lập đầy tò mò khi đã hiểu rằng sự tẩy chay thực sự tồn tại, rằng nó xảy ra vô tình hay cố ý, rằng nó có thể là một công cụ dùng để giữ trật tự cho một nhóm người hoặc cá nhân có xu hướng tẩy chay. Hãy nhìn nhận vấn đề một cách triết lý và nhìn nhận theo khung cảnh rộng hơn. Ai là người bị tẩy chay? Tẩy chay đối tượng đó có làm cho mọi người đỡ lo lắng và thấy an toàn hơn không? Trong khi nghĩ kỹ về vấn đề này, chúng ta đã cách ly bản thân và cảm xúc một cách hợp lý để giữ được cái đầu lạnh.
2. Hãy nhìn nhận một cách hóm hỉnh nếu có thể
Vậy khi một người quyết định phớt lờ và xa lánh bạn, thảm họa nào sẽ thực sự ập đến? Liệu bạn có thực sự nhìn thấy “sư tử, hổ, gấu” không? Nơi bạn đang ở có phải là một khu rừng đầy nguy hiểm? Hay bạn chỉ đang phản ứng như một chú mèo nhảy dựng lên trong hoảng loạn khi nhầm quả dưa chuột với loài rắn lục? Nếu bạn có thể cười và bỏ qua chuyện đó, hãy cứ làm vậy. Như tôi đã bàn luận trong cuốn Một thuyết hợp nhất về sự hạnh phúc của mình, sự vui vẻ có thể được ngộ ra về sau trong cuộc đời (Chương 12)
3. Đặt mình vào vị trí của người khác
Có thể bạn ít khi nghĩ rằng mình phải thông cảm, nhưng trong trường hợp này thấu hiểu được góc nhìn của người khác rất hữu ích. Mục đích cốt lõi của sự tẩy chay không phải là để làm tổn thương người bị xa lánh, mà là để tự bảo vệ mình. Mọi người đều đang phải chiến đấu trong cuộc chiến của riêng mình. Có thể họ xa lánh bạn vì đơn giản họ cần được trấn an bởi người khác không phải bạn. Có thể những thứ mà họ gặp phải lại là những thứ không thuộc tầm hiểu biết của bạn. Dù rất khó để chỉ rõ nguyên nhân của sự tẩy chay, nhưng động cơ của nó đều liên quan đến tổn thương và lo lắng. Bảo vệ bản thân bạn là hành động chính đáng, nhưng hãy tha thứ khi có thể.
4. Đứng dậy lên tiếng
Bởi lẽ sự tẩy chay có thể xảy ra do vô tình hoặc vì những lý do chính đáng và cả không chính đáng, hãy đứng dậy lên tiếng và nhắc nhở người khác về sự tồn tại của bạn. Để đạt hiệu quả, hãy làm điều này với sự tự tin và bình tĩnh.
5. Kết nối với bản thân bạn
Nếu bạn không thể kết nối lại với mọi người, hãy cố tập trung vào bản thân bạn với thái độ trân trọng, thân thiện nhất có thể. Hãy tiếp cận với chính mình như là một người bạn thân. Nếu cần thiết, hãy tìm một người bạn thân thực sự. Tận dụng lúc sợi dây kết nối với cuộc sống trỗi dậy trong bạn, hãy thắt chặt nó. Bất kể điều gì xảy ra trong đời sống xã hội của bạn, hãy nhớ rằng bạn là một phép nhiệm màu của tạo hóa, một phần của tự nhiên không bao giờ bị tách rời khỏi Chúa hay những người không tin vào Chúa thường gọi là “mạng lưới của sự tồn tại”.
Sưu tầm và dịch: Mai
Biên dịch: Linh Vũ
Nguồn: https://www.psychologytoday.com/us/blog
Nguồn: A Crazy Mind