Phải Làm Gì Nếu Bạn Muốn Biến Mất?

phai-lam-gi-neu-ban-muon-bien-mat

Đôi lúc, khi cuộc sống trở nên khó khăn, bạn có thể nghĩ đến việc muốn biến mất. Có thể bạn cảm thấy thế giới này quá bất công, hoặc cũng có thể bạn cảm thấy bị choáng ngợp với những gì bạn cần phải làm hay bạn ước rằng mối quan hệ mình có thể khác đi.

Đôi lúc, khi cuộc sống trở nên khó khăn, bạn có thể nghĩ đến việc muốn biến mất. Có thể bạn cảm thấy thế giới này quá bất công, hoặc cũng có thể bạn cảm thấy bị choáng ngợp với những gì bạn cần phải làm hay bạn ước rằng mối quan hệ mình có thể khác đi. Đây là những lúc bạn không kiểm soát được mọi thứ và đơn giản là chỉ muốn biến mất, để không phải lo nghĩ về chúng. 

Cảm thấy muốn biến mất là một cảm giác giống như thể nó mang tới một cơ hội để bạn tạm dừng cuộc sống lại. Nếu biến mất, bạn sẽ không phải nói với bất kỳ ai về những gì đã xảy ra, bạn sẽ không cần tìm cách đối phó với lão sếp cục cằn của mình, hay thậm chí đơn giản là không phải nhìn đống bát đĩa bẩn trong bồn rửa và nghe chúng chế nhạo về cuộc đời bạn nữa. 

Trên thực tế, cảm giác muốn biến mất có liên quan đến sự xấu hổ gắn với những cảm giác không thoải mái khi bị phơi bày một sự việc nào đó. Nó cũng đi kèm với một phản ứng sinh lý góp phần vào hành vi buông bỏ và rút lui.

Rachel Gersten, cố vấn sức khỏe tâm thần cho biết không có gì là sai khi có cảm giác này. Nó xuất hiện ở rất nhiều người, đặc biệt là khi họ phải trải qua thời kỳ khó khăn - và đó là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn. 

Dưới đây là một số lời khuyên nếu bạn có cảm giác muốn biến mất.

Lưu Ý Về Những Tín Hiệu Hiện Tại

Gersten khuyên bạn nên lưu ý vào lần tới khi bạn nghĩ về việc muốn biến mất. Bạn đang làm gì? Bạn đang ở cùng với ai? Bạn cảm thấy thế nào? Bạn ở đâu? Đây là tất cả các tín hiệu cần chú ý, bất kể chúng có vẻ lớn hay nhỏ.

Có thể bạn muốn biến mất mỗi khi đứng xếp hàng ở cửa hàng tạp hóa sau một ngày dài làm việc. OK, chắc chắn rồi, việc mua sắm hàng tạp hóa có thể rất tẻ nhạt, nhưng nếu bạn lùi lại một chút, bạn sẽ biết rằng việc biến mất là không đáng.  

Muốn biến mất là một cơ chế phòng vệ bảo vệ bạn khỏi những cảm xúc mà bạn có thể đang cố lờ đi.

Bạn có cảm thấy lo âu khi vào một khu chợ đông đúc? Bạn có bực bội khi người bạn đời của mình muốn bạn đi chợ không? Có thể bạn phải chen chúc giữa dòng xe cộ đông đúc để đến nơi bạn cần đến hoặc bạn sợ đụng mặt người yêu cũ ở gần đó. Hoặc có thể bạn cảm thấy rằng không có chỗ cho niềm vui trong cuộc sống giữa những sự đơn điệu của công việc và việc nhà.

Trong ví dụ này, chỉ cần lưu ý rằng bạn đang cảm thấy những cảm xúc gắn với một địa điểm vào một thời điểm cụ thể và nó chỉ ra một điều gì đó nhỏ cần thay đổi. Điều này có nghĩa là bạn nên thay đổi một chút trong các hành vi khiến bạn cảm thấy muốn biến mất. Thay vì đứng xếp hàng sau một ngày dài làm việc hoặc thay vì chen chúc đi chợ, hãy thử đặt hàng online. 

Hành Động Ngược Lại

Nếu bạn cảm thấy muốn biến mất, cảm giác này có thể khiến bạn cảm thấy như bị cô lập. Hậu quả về sức khỏe tâm thần của nó rất nghiêm trọng, bao gồm cả những vấn đề về trầm cảm. 

Để thoát khỏi cảm giác này, có một cách rất hiệu quả, dựa trên lý thuyết về trị liệu hành vi biện chứng, đó là hành động ngược lại.

Ý tưởng đằng sau việc hành động ngược lại là, khi chúng ta cảm thấy đau khổ về cảm xúc, những gì mà chúng ta tin vào là điều mà cảm xúc đang cố nói với chúng ta. Nếu bạn cảm thấy xấu hổ, điều này có nghĩa là cảm xúc của bạn có thể đang bảo bạn tự cô lập mình. Hành động ngược lại—trong trường hợp này là tiếp tục kết nối thay vì rút lui và cô lập—có thể làm giảm cảm giác muốn biến mất.

Kể Cho Bản Thân Một Câu Chuyện Khác

Một khái niệm từ liệu pháp tường thuật (narrative therapy) được gọi là ngoại hóa (externalization) có thể giúp bạn thay đổi câu chuyện mà bạn đang kể cho chính mình.

Thay vì nghĩ "Tôi muốn biến mất", hãy thử đặt tên cho những gì muốn bạn biến mất. Có xấu hổ không? Sợ xấu hổ? Tự nói với bản thân rằng "sự xấu hổ muốn tôi biến mất" có thể tạo khoảng cách giữa bạn và những suy nghĩ này. Điều này có thể giúp bạn lùi lại một bước và nhận ra rằng chính những suy nghĩ vô ích này đang muốn bạn biến mất.

Nghỉ Ngơi, Tạm Dừng

Gersten khuyên bạn nên tạm rời xa thứ khiến bạn muốn biến mất. Nếu công việc khiến bạn nghĩ đến việc biến mất, có thể một kỳ nghỉ dài không khả thi, nhưng nghỉ một ngày hoặc thời gian thực sự được nghỉ ngơi là những cách dễ dàng hơn để bạn có thể loại bỏ những suy nghĩ về việc muốn biến mất.

Cảm Giác Muốn Biến Mất Có Phải Là Triệu Chứng Của Trầm Cảm?

Bạn có thể lo lắng rằng việc muốn biến mất có nghĩa là bạn đang bị trầm cảm hoặc có ý định tự tử. Gersten nói rằng muốn biến mất không nhất thiết đồng nghĩa với việc được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm hoặc cảm giác muốn tự tử. Nhưng nó cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo rằng có nhiều điều đang xảy ra với sức khỏe tinh thần của bạn, đặc biệt là tùy thuộc vào tần suất bạn có suy nghĩ muốn biến mất. Nếu suy nghĩ muốn biến mất xuất hiện nhiều lần trong ngày hoặc trong nhiều ngày kéo dài, bạn cần tìm đến một nhà trị liệu.

Một nhà trị liệu có thể giúp bạn tìm ra các công cụ để đối phó với những cảm xúc này hoặc hướng dẫn bạn khám phá những thay đổi mà bạn muốn thực hiện trong cuộc sống của mình.

Chuyên gia trị liệu tâm lý có thể hỏi bạn xem bạn có cảm thấy những điều khác có thể dẫn đến trầm cảm không, chẳng hạn như thay đổi cách ăn uống, cách ngủ hoặc mức năng lượng. Một cuộc hẹn có thể bao gồm các chẩn đoán để xác định ý nghĩa của việc muốn biến mất đối với bạn. Điều đó có nghĩa là bạn muốn tự sát hay đơn giản là bạn muốn thoát khỏi một việc nào đó?

Ngay cả khi bạn nói với nhà trị liệu rằng bạn có ý định tự tử, điều này không có nghĩa là bạn sẽ phải nhập viện. Chia sẻ những suy nghĩ này với nhà tâm lý trị liệu của bạn có thể giúp họ phát triển phương pháp điều trị phù hợp và giảm thiểu rủi ro và qua đó họ sẽ giúp bạn lập một kế hoạch an toàn nếu họ tin rằng bạn có thể gây nguy hiểm cho chính mình.

Nguồn: Verywellmind - What to Do When You Want to Disappear

Theo Tâm lý Việt Pháp

menu
menu