Phân biệt giới tính kiểu nhân từ - Đàn ông kiểm soát phụ nữ bằng lời khen như thế nào
Có gì sai khi nói rằng phụ nữ nhân hậu hơn đàn ông?
Có gì sai khi nói rằng phụ nữ nhân hậu hơn đàn ông?
Trong cuộc tranh luận dài đằng đẵng về việc liệu đàn ông và phụ nữ giống nhau hay khác nhau, một trong những điều lạ lùng mà các nhà nữ quyền ghét chính là bị miêu tả là “tử tế” một cách khuôn sáo - là người nhân hậu hơn, biết quan tâm hơn… so với đàn ông. Thoạt đầu những lời lẽ này nghe giống như lời khen, nhưng các nhà nữ quyền đã chỉ ra nghiên cứu tâm lý giải thích làm thế nào mà những cách thức mô tả về phụ nữ “tử tế” ấy lại nhằm để duy trì vị thế quyền lực của đàn ông một cách ý nhị.
Các nhà xã hội học và tâm lý học đã khám phá hiện tượng áp bức ở nhiều nhóm đối tượng khác nhau, và đã xác định được những phương thức giúp duy trì thâm căn cố đế một mối quan hệ bất bình đẳng về quyền lực. Họ nhận thấy có một thứ cứ lặp đi lặp lại: khi có rất nhiều tương tác giữa hai nhóm, các thái độ giữa họ có thể khởi đầu chỉ với sự đối địch, nhưng sau đó chúng bắt đầu trở nên mâu thuẫn nước đôi. Trong cuốn sách Chiếc bao tay nhung: Chế độ gia trưởng và xung đột trong các quan hệ giới tính, giai cấp và sắc tộc (The Velvet Glove, 1994), nhà xã hội học người Mỹ Mary Jackman viết rằng, hãy lấy bất kỳ 2 nhóm có tương quan thống trị - bị trị, và theo dõi những tương tác của họ theo thời gian. Sự đối địch thuần túy giữa họ tan biến - vì nó buộc phải thế - người ta không thể sống gần nhau trong một trạng thái hoàn toàn đối địch.
Ví dụ, trong chế độ thực dân, một quan điểm đã nảy sinh mà người da trắng gọi là “gánh nặng của đàn ông da trắng.” Điều này cho phép những người đàn ông da trắng theo chủ nghĩa thực dân tự coi bản thân họ là người tốt “mang gánh nặng” một nhiệm vụ khó khăn là giúp đỡ những người dân bản địa nghèo nàn, thay vì ngày ngày đối mặt với sự thật là họ đang bóc lột thể xác và vùng đất của những người bản địa ấy. Bằng cách này, họ có thể xoa dịu lương tâm của mình và làm dịu bớt cảm giác tội lỗi chồng chất về những hành vi của họ. Bên cạnh đó, để những điều hoang đường ấy xoa dịu tội lỗi, những người đàn ông đó dần dà tin rằng những điều hoang đường ấy là sự thật, và tự thuyết phục bản thân rằng họ có tình cảm chân thành đối với những người mà họ đang bóc lột.
Các nhà tâm lý học người Mỹ Peter Glick và Susan Fiske viết trong bài báo năm 1996 của họ “Tổng hợp về phân biệt giới tính nước đôi: Khác biệt giữa kiểu thù địch và kiểu nhân từ” mà những loại thế lực (và điều hoang đường) giống nhau đang vận động trong mối quan hệ giữa đàn ông và phụ nữ. Ở các xã hội săn bắt và hái lượm, không có tôn ti thứ bậc giữa các giới, nhưng cùng với sự dịch chuyển sang các cộng đồng trồng trọt, quyền kiểm soát của đàn ông đối với các tổ chức chính trị, kinh tế, pháp luật và tôn giáo dần lớn mạnh. Đàn ông muốn phụ nữ đóng những vai trò cụ thể để giúp đàn ông đạt được thành công trong vị trí của họ, và cách dễ dàng nhất để khiến phụ nữ đảm nhận những vai trò đó là vờ như chúng thuộc về “thiên bẩm” với phụ nữ.
Nếu những khuôn mẫu này luôn luôn gây tổn hại một cách rõ ràng cho nhóm bị áp bức thì - theo Glick và Fiske - chúng có thể làm tăng khả năng chống đối và nổi loạn. Ngược lại, nếu chúng được thể hiện dưới dạng lời khen thay vì lời xúc phạm thì chúng có thể dễ dàng được nhóm có vị thế thấp chấp nhận hơn. Chúng thậm chí còn được tiếp thu qua nội tâm hóa, vì vậy họ - trong trường hợp này là phụ nữ - dần tin rằng họ quả thực có những đặc tính đó từ khi sinh ra. Điều này có nghĩa là họ đang đi theo con đường tự nhiên khi hỗ trợ công việc của đàn ông, nuôi nấng con cái và chăm lo nhà cửa, và nói chung là trở thành người tử tế, chu đáo và nhân hậu.
Phân biệt giới tính nước đôi
Mối quan hệ quyền lực không đồng đều giữa đàn ông và phụ nữ có thêm một yếu tố nữa làm tăng nhu cầu đối với sự khen ngợi (cũng là định kiến phân biệt giới tính kiểu nhân từ, và đó là “quyền lực nhị nguyên” do phụ nữ nắm giữa, theo lời Glick và Fiske. “Nhị nguyên” có ý chỉ những thứ có 2 phần, và giữa mọi cặp đôi dị tính đều có một sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai người - đàn ông có thể nắm giữ cấu trúc quyền lực, nhưng họ cũng cần phụ nữ để quan hệ tình dục và sinh con. Do đó mới tòi ra câu đùa cổ xưa về phụ nữ: “không thể sống với họ, không thể sống thiếu họ.” Theo lời học giả thời Phục hưng Hà Lan Erasmus, nó bắt nguồn từ thượng nghị sĩ La Mã Cato già, vào khoảng năm 300 TCN, người đã nói rằng “cuộc sống với những bà vợ quả là không dễ chịu, nhưng thiếu họ thì đàn ông cũng không thể nào sống được.”
Không giống như một số nhóm đối địch với nhau, hai nhóm này cần đến nhau, và hơn thế nữa, họ cần nhau theo những cách thân mật, vì vậy họ phải tìm ra một cách thức để tồn tại bên nhau, như jackman chỉ ra, ngay cả khi tình trạng quyền lực bị duy trì ở trạng thái mất cân bằng.
Phân biệt giới tính kiểu nhân từ
Thuật ngữ “Phân biệt giới tính kiểu nhân từ” được các nhà xã hội học áp dụng vào việc mô tả hành vi của những người đàn ông có tình cảm với phụ nữ song vẫn cảm thấy cần phải nắm quyền kiểm soát trong mọi mối quan hệ nam - nữ, và họ phải dựa vào những lối biện hộ nhẹ nhàng hơn về sự thống trị của đàn ông và khuôn mẫu dễ được chấp nhận hơn. Dạng thức này của sự phân biệt giới tính xem ra có vẻ lịch sự.
Thói gia trưởng vẫn còn đó, nhưng thay vì công khai thể hiện sự thống trị, đàn ông ra tay “nghĩa hiệp” theo một cách “nhân từ” hơn. Những người đàn ông này cũng xem phụ nữ là yếu hơn, nhưng thay vì dùng điều này như một cái cớ để hăm dọa cho phụ nữ phải ngoan ngoãn phục tùng, họ tự xem bản thân là người bảo vệ và người chu cấp, đặc biệt khi họ đang ở trong một mối quan hệ phụ thuộc mang tính nhị nguyên, chẳng hạn như với vợ.
Khuôn mẫu nhân từ lại ít hung hăng hơn. Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy một người đàn ông thực hiện cách tiếp cận này thì không bôi nhọ phụ nữ nhiều bằng lý tưởng hóa phụ nữ. Họ có xu hướng đặt phụ nữ lên bệ thờ thay vì ném họ ra vỉa hè. Những người đàn ông này xem phụ nữ là điềm tĩnh, nhân từ, ấm áp, chu đáo, dịu dàng, cùng mọi đức tính khác để làm nên một người vợ và người mẹ hoàn hảo. Cứ như thể nhờ sự trùng hợp hoàn hảo, những người phụ nữ chu đáo đó và những vai trò nội trợ lại vừa vặn quá chừng. Toàn bộ quan điểm phân biệt giới tính kiểu nhân từ do đó được biện minh như là “điều tự nhiên”, và theo cách này, nó trở nên hiển nhiên không thể chối cãi. Những người đàn ông theo phương pháp nhân từ có nhiều khả năng miêu tả vợ họ là “một nửa tuyệt vời của tôi”. Về mặt tính dục, những người đàn ông này không xem thân thể của phụ nữ như vật thể để đối xử tùy theo ý thích, mà như đối tượng sẽ giúp họ đạt đến sự “toàn vẹn”, theo một cách có vẻ lãng mạn.
ĐIỂM MẤU CHỐT CẦN CHÚ Ý
Lời khen ngợi bạn nhận được có mức độ tâng bốc tương tự nếu được dành cho một người đàn ông hay không?
ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH
Nếu cảm thấy dè chừng trước một lời khen ngợi, bạn có thể đang trải nghiệm kiểu phân biệt giới tính nhân từ. Nghe thì có vẻ lịch sự nhưng nó đặt bạn vào vị trí thấp kém hơn trong tương quan quyền lực. Tương tự vậy, mô tả phụ nữ là người “nhân hậu hơn” đàn ông là cách nói ngắn gọn rằng phụ nữ sử dụng cảm xúc nhiều hơn. Vì lý trí được đánh giá cao hơn trí tuệ cảm xúc trong hầu hết các xã hội đương thời, nên điều này lại đẩy đàn ông lên 1 vị thế thượng đẳng hơn.
Từ khóa: Benevolent Sexism (Phân biệt giới tính kiểu nhân từ)
✌️ Trích từ cuốn sách Ơn Giời, De Beauvoir Trả Lời: Lời Khuyên Từ Những Nhà Nữ Quyền Hàng Đầu
của tác giả: Freya Rose, Tabi Jackson Gee
- Tôi có quá tử tế để được làm sếp không?
- Tôi có buộc phải đi nhậu nhẹt với các đồng nghiệp nam để thăng tiến trong sự nghiệp không?
- Tại sao lúc nào tôi cũng cảm thấy béo? Tại sao tôi cứ mua thêm quần áo mới thế?
- Nếu đàn ông có thể sinh con, mọi chuyện sẽ khác chứ?
…
Rất nhiều câu hỏi thú vị và thực tế, ảnh hưởng sâu sắc đến phụ nữ thuộc mọi hoàn cảnh xã hội và ở bất cứ đâu trên thế giới sẽ được xem xét và trả lời bởi các nhà nữ quyền nổi tiếng từ quá khứ đến hiện tại (Simone de Beauvoir, Betty Friedan, bell hooks, Kate Millett,…)
Mỗi nhà tư tưởng này đều có tác động quan trọng đến thế giới mà chúng ta đang sống. Họ đều đối mặt và đấu tranh với những vấn đề nhức nhối nhất thời cuộc của họ, mà vẫn còn nổi cộm cho tới ngày nay. Họ sẽ giúp bạn nhìn thế giới khác đi một chút, gỡ bỏ rào cản của định kiến, của bất bình đẳng giới và vượt qua giới hạn của chính mình.
Cuốn sách “Ơn giời, de Beauvoir trả lời” là một cuốn cẩm nang hướng dẫn về chủ nghĩa nữ quyền, với sự cố vấn của tất cả nhà nữ quyền vĩ đại nhất mọi thời đại.
(Cuốn sách gồm 320 trang in 4 màu với rất nhiều sơ đồ, bảng biểu, hình minh hoạ sinh động.)