Phong Cách Của Một Người Đàn Ông Có Học Thức
"Điều gì làm nên một người đàn ông có học thức? Bằng cấp anh ta sở hữu? Vốn từ ngữ phong phú của anh ta hay là số sách anh ta đã đọc?"
Những phẩm chất làm nên một người đàn ông có học thức đã được bàn cãi và tranh luận trong nhiều năm. Tuy nhiên, tôi đã thực sự bị thu hút bởi mô tả về người đàn ông có học thức mà tôi tìm thấy trong quyển sách How to live a Good Life của Tư lệnh hải quân Hoàng gia Anh, Edward Whitehead (the Schweppes guy!). Ông ta viết: “một người đàn ông có học thức được định nghĩa như là người có thể tự làm cho bản thân thấy thú vị, làm cho người khác thấy thú vị, và thích thú với ý tưởng mới lạ”.
Anh ta có thể tự làm cho bản thân thấy thú vị
“Chỉ những người muốn có tất cả mọi thứ đều bày sẵn ra cho anh ta, là hay cảm thấy buồn chán” – Billy Graham
“Chán quá!” là tiếng rên rỉ phàn nàn của nhiều đứa trẻ rảnh rỗi trong kỳ nghỉ hè hay nghỉ thu giữa kỳ học. Chúng hi vọng bố mẹ sẽ mang tới điều gì đó để giải thoát chúng khỏi sự buồn chán (nếu mẹ các bạn giống mẹ tôi, bà ấy sẽ luôn châm biếm với một gợi ý, “dọn phòng của con thì sao?”).
Thật không may, nhiều người đàn ông không bao giờ đủ trưởng thành để thoát khỏi nhu cầu tiêu khiển của bản thân thông qua sự giúp đỡ của người khác và không hoàn thiện bản thân theo hướng tự khơi gợi cảm hứng cho chính mình (tôi gọi là tự tiêu khiển). Đây là mẫu người đàn ông sẽ hơi cúi đầu tại bàn ăn tối khi mọi người nói chuyện sau khi ăn (tôi đã chứng kiến điều này), là chàng sinh viên cằn nhằn trong suốt chuyến đi của lớp tới một bảo tàng địa phương, hay người khách tới thăm thành phố xinh đẹp của bạn nhưng không có ý niệm là anh ta muốn làm gì trong thời gian lưu lại, và giao phó toàn bộ kế hoạch khám phá cho bạn.
Lý do đằng sau việc mấy đứa trẻ luôn cảm thấy buồn chán không phải là do không có lựa chọn giải khuây nào có sẵn – chúng luôn có đồ chơi và trò chơi vây quanh – mà do chúng chỉ duy trì được sự chú ý ngắn ngủi với những thứ này. Chúng chơi đùa với mỗi thứ một chút và sau đó không biết nên chơi gì tiếp theo. Người đàn ông có học thức là người có thể để bản thân đắm chìm vào một công việc, một thói quen, một cuộc trò chuyện hay một quyển sách vì anh ta đã phát triển khả năng tập trung, chú ý của bản thân.
“Khi con người cảm thấy buồn chán, lý do chủ yếu là ở bản thân họ” –Eric Hoffer
Tất nhiên là ở thời đại hiện nay, với chiếc iphone trong tay, việc tiêu khiển trở nên dễ dàng. Bất kỳ ai cũng có thể xua đuổi sự buồn chán bằng việc lướt web hay nhắn tin. Thử thách thực sự đối với 1 người đàn ông có học thức là liệu anh ta có thể tự tiêu khiển mà không có sự hiện diện của công nghệ hay hoàn cảnh thực tế không cho phép sử dụng các phương tiện công nghệ hay không. Bạn có thể tự khơi gợi cảm hứng tại một buổi họp nhàm chán, trong khi đi cắm trại hay trong một buổi nói chuyện tại bữa tiệc tối? Một người đàn ông có học thức có thể và trớ trêu thay, anh ta làm điều đó hoàn toàn dễ dàng chỉ bằng cách giữ lại một khả năng quan trọng của thời thơ ấu – sự tò mò. Người đàn ông có học thức tò mò một cách tham lam về thế giới xung quanh anh ta và người khác. Trong bất kỳ tình huống nào, anh ta luôn tìm thấy một điều gì đó để tìm hiểu, học hỏi và quan sát. Nếu anh ta mắc kẹt ở đâu đó mà không có điện thoại và bạn đồng hành, anh ta sẽ sử dụng thời gian để giải quyết một vấn đề triết học mà anh ta đã suy nghĩ lâu nay; tâm trí của người đàn ông có học thức là một kho chứa các ý tưởng mà anh ta có thể kéo ra ngoài và nghiền ngẫm để giết thời gian trong mọi hoàn cảnh.
Có thể làm cho một người bạn thấy hứng thú
Nếu một người buồn tẻ và không thể tự tạo cảm hứng cho bản thân, sẽ thật may mắn nếu anh ta có một người bạn có học thức để giúp khơi gợi cảm hứng!
Những người đàn ông có học thức là cội nguồn của những cuộc vui, là người giúp cho các cuộc trò chuyện trở nên sống động và được biết tới như là người sở hữu sức hấp dẫn vô tận.
Anh ta có thể làm được điều đó bởi vì sự phong phú của những gì anh ta đọc và bề dày của kinh nghiệm bản thân. Anh ta có một kho vũ khí những câu chuyện thú vị về những chuyến đi và trải nghiệm thử thách bản thân. Anh ta cập nhật những câu chuyện mới nhất và những sự kiện khoa học đột phá. Trong bất kỳ một nhóm nào bất kể đặc điểm xã hội của họ, anh ta đều có những câu chuyện sẽ hấp dẫn được họ.
Abraham Lincoln là một ví dụ điển hình về người đàn ông có học thức có thể truyền cảm hứng cho những người khác. Mặc dù Lincoln chỉ có 1 năm được đào tạo trong hệ thống giáo dục bài bản, ông đã đọc ngấu nghiến rất nhiều sách và dành cả đời cho sự học. Kết quả là ông có một khả năng nói chuyện với bất kỳ ai về bất kỳ vấn đề gì và làm cho họ thấy hào hứng. Adeline Judd, vợ của Nghị sĩ Norman Judd, nhắc lại một trải nghiệm của bà về sự lôi cuốn của Abe Lincoln như sau:
Bà viết “Ông Lincoln, người mà có quê hương ở miền đất xa xôi so với Great Lakes, dường như bị ám ảnh bởi vẻ đẹp hung vĩ và ấn tượng của miền đất tách biệt với thế giới này. Trong giọng nói cao, nhưng trong trẻo và rõ ràng của mình, ông bắt đầu nói về những bí ẩn trong nhiều thế hệ, xóa nhòa khoảng cách giữa những gì chúng tôi đã biết và những thứ bên ngoài hiểu biết của chúng tôi; của thơ ca và vẻ đẹp của chòm sao Orion và Arcturus khi những nhà chiêm tinh xưa kia chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chúng khi chúng du hành theo quỹ đạo quanh trái đất; những khám phá kể từ thời phát minh ra kính viễn vọng đã đem tới sự hiểu biết và tri thức mà trước đó là khó hiểu và bí ẩn; về những tính toán tuyệt vời của các nhà khoa học, những người đã đo lường khoảng cách dường như vô tận của không gian chia cắt các hành tinh trong hệ mặt trời của chúng ta, từ trung tâm là mặt trời của chúng ta, từ các mặt trời khác mà lấp lánh trên bầu trời của chúng ta hàng đêm.”
“Khi không khí của đêm đã trở lên quá lạnh để ở lại trên quảng trường, chúng tôi đi vào phòng khách, ngồi trên chiếc sofa dài của ông ấy và khoanh tay chăm chú nhìn ông, Lincoln tiếp tục nói về những khám phá và phát minh đã được thực hiện trong một thời gian dài từ hiện tại trở về thời kỳ mà con người còn sử dụng các vật chất thô sơ. Ông phỏng đoán dựa trên hiểu biết của con người hiện tại rằng, việc gia tăng sức mạnh của những ống kính viễn vọng trong những năm tới, sẽ mang tới những khám phá tuyệt vời trong giai đoạn cuối của thiên niên kỷ, như chứng minh rằng với khả năng trời phú được ban cho, con người phải trở thành bất tử và trở nên cao quý”
Bà Judd tiếp tục “Chúng tôi không thể diễn tả hết ấn tượng do cuộc nói chuyện của ông Lincoln tạo ra”. Sau khi ông Lincoln đi khỏi, ông Judd đã nhận xét: “Càng tiếp xúc với ông Lincoln, tôi càng ngạc nhiên với những thành tựu của ông ấy, khả năng lưu trữ kiến thức tuyệt vởi của ông ấy trong nhiều linh vực về khoa học và việc học không ngừng của ông trong những năm tháng đứng sau quầy bar. Một giáo sư tại Đại học Yale cũng không thể truyền cảm hứng và mang tới nhiều kiến thức hơn được”.
Tất nhiên trong nhiều chủ đề mà người đàn ông có học thức đã nghiên cứu, hành vi con người và tâm lý cũng là một trong số đó, do đó anh ta hiểu rằng con người sẽ trở lên duyên dáng nhất khi người khác có vẻ quan tâm đến họ. Ở đây, Lincoln đã tỏ ra rất xuất sắc, như một trong những người chép sử của ông ghi nhận: “như những người thực sự vĩ đãi khác, ông ấy là một người rất biết cách lắng nghe”.
Ngoài ra, tôi cũng muốn thêm rằng, một người đàn ông cần biết cách để kể một câu chuyện đùa. Tôi đoán rằng việc kể một câu chuyện đùa đã lỗi thời, nhưng tôi vẫn thực sự yêu thích việc này.
Anh ta luôn thích thú với những ý tưởng mới lạ
Điều này có vẻ là điều đơn giản nhất ….. nhưng để có một tư duy cởi mở không hề dễ dàng, phải không các bạn?
Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, không những con người không phải là những thực thể duy lý mà con người còn thường tự huyễn hoặc bản thân là duy lý, nhưng chúng ta không biết rằng, một cách vô thức chúng ta liên tục định hướng suy nghĩ, niềm tin và động lực một cách phi lý.
Ví dụ vì "hiệu ứng phản tác dụng", khi chúng ta được trình bày cho nghe về các bằng chứng mâu thuẫn với niềm tin của chúng ta, thay vì thay đổi những niềm tin, chúng trở nên ăn sâu hơn vào suy nghĩ của chúng ta. "Thiên kiến xác nhận" (confirmation bias) làm cho chúng ta tìm kiếm và chỉ chú ý đến những thông tin mới khẳng định những ý niệm đã có từ trước của chúng ta, trong khi chúng ta sẽ để cho những thông tin mâu thuẫn với những ý niệm này trôi qua. Và hiệu ứng “lún sâu vào sai lầm” (the sunk-cost fallacy), đẩy chúng ta gắn vào một lựa chọn kém hơn thay vì lựa chọn một phương án khác tốt hơn, vì chúng ta đã trót đầu tư thời gian, tiền bạc hay tình cảm trong lựa chọn kém hơn đó.
Nói cách khác, đầu óc chúng ta một cách vô thức nhìn nhận ý kiến cá nhân như một tài sản có giá trị và những ý tưởng đối lập khác bị coi như là những kẻ cướp khi chúng được tâm trí vô thức của chúng ta nhận diện, tâm trí vô thức lập tức thả chó và khóa cửa lại trước những tên cướp này. Nếu bạn nhìn vào một máy quét não của những người đang lắng nghe một cuộc tranh luận chính trị trái ngược với quan điểm của chính họ, máu trong một phần của não chịu trách nhiệm cho các tư tưởng duy lý bị cạn kiệt và không được bổ sung cho đến khi họ nghe một tuyên bố khẳng định quan điểm của họ. Khi đối diện với các ý tưởng mới, não bạn, nói một cách dễ hiểu, đóng cửa và kéo rèm cho tới khi một người khách nổi tiếng và thân thiện gõ cửa.
Tất cả các điều trên cũng để chứng tỏ rằng, khả năng tập trung hứng thu vào một ý tưởng mới không phải đến một cách tự nhiên. Tâm thức của bạn đã phải tắt hệ thống an ninh vô thức và nói "Được rồi, tôi biết những gì đang xảy ra ở đây. Đừng quá vội vàng. Tôi không chắc chắn nếu đó là một kẻ ăn cướp hoặc một người bạn mới. Tại sao chúng ta không kiểm tra trước tiên và xem đó là điều gì? "
Tập trung vào một ý tưởng mới không nhất thiết là chấp nhận nó và thay đổi quan điểm của bản thân mỗi khi lắng nghe trình bày về một thứ khác biệt nào. Như đã nói: “Có một tư duy cởi mở, nhưng đừng mở tới mức để não bạn rơi ra ngoài”.
Thay vào đó, bạn nên đón chào một ý tưởng như cách bạn thiết lập mối quan hệ với một người khách. Bạn nói chuyện với anh ta ở một nơi công cộng trước, giữ khoảng cách. Nếu bạn cảm thấy hấp dẫn, bạn mời anh ta 1 cuộc trò chuyện khác. Bạn dành để hiểu thêm về anh ta. Và nếu anh ta hóa ra lại là một “quả táo xấu”, bạn dừng việc giao lưu với anh ta. Nhưng đôi khi, những người bạn nghĩ là không có gì chung với bạn lại trở thành người bạn mới thân thiết.
Người đàn ông có học thức thường dễ dàng nhìn ra vấn đề này. Kinh nghiệm và kiến thức đa dạng của anh ta trao cho anh ta nhiều cơ hội để thấy làm thế nào thông tin anh ta thu lượm được có thể thay đổi quan điểm của anh ta – thậm chí những ý tưởng mới đó mất rất nhiều thời gian để theo đuổi. Người đàn ông kín đáo mà chỉ giao lưu với những người giống anh ta và chỉ lắng nghe những thứ xác nhận niềm tin của bản thân sẽ không có những kinh nghiệm để rút ra, do đó sẽ đón nhận những ý tưởng mới như những người lạ tới bằng cách giơ nắm đấm về phía họ từ góc an toàn của mình.
Còn các bạn thì sao, các bạn có thấy mình là một "người đàn ông" có học thức không?
(chị em cũng tính nhé, vì trong tiếng Anh từ "man" có thể hiểu chung là con người :D)
Link bài viết gốc:
http://www.artofmanliness.com/2011/10/30/the-3-characteristics-of-an-educated-man/
Người dịch: Henry