Phút chốc quên quên nhớ nhớ có thể là dấu hiệu của chứng sa sút trí tuệ

phut-choc-quen-quen-nho-nho-co-the-la-dau-hieu-cua-chung-sa-sut-tri-tue

Thường xuyên hay quên có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh sa sút trí tuệ sẽ xảy ra khi về già. Một nghiên cứu cho thấy, trầm cảm cũng làm tăng nguy cơ phát triển căn bệnh này.

 

Đôi tay của một bệnh nhân mắc chứng sa sút trí tuệ ở Frankfurt am Main. Nguồn: Alexander Heinl/dpa +++(c) dpa 

Không biết mình vừa để cái kính đọc sách ở chỗ nào? Con gái vừa kể mình chuyện gì ấy nhỉ? Ai từ trung tuổi trở đi mà hay có hiện tượng quên quên nhớ nhớ nhu thế này thì nhiều khả năng khi về già sẽ bị mắc chứng sa sút trí tuệ. Theo một công trình của các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Ung thư Đức (DKFZ) ở Heidelberg, những người có vấn đề về trí nhớ ngắn hạn (quên quên nhớ nhớ) có nguy cơ sau này sẽ phát triển thành bệnh.

Các chuyên gia đã kiểm tra dữ liệu của gần 6.200 người trong độ tuổi từ 50 đến 75. Kết quả được công bố trên tạp chí Age and Ageing 1. Đây là một phần của một nghiên cứu khác từ năm 2000 đến năm 2002, thu hút sự tham gia của những người tham gia vào một thí nghiệm đánh giá khả năng trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn. Tuy thí nghiệm bước đầu kết thúc nhưng trong 17 năm sau đó, mọi người vẫn không ngừng kiểm tra sức khỏe của mình.

Kết quả cho thấy, những người trước đó hay rơi vào tình trạng nhớ nhớ quên quên thì khi nhiều tuổi có nhiều nguy cơ bị suy giảm trí tuệ, thậm chí nguy cơ tăng gấp đôi so với người khác. Điều này cũng diễn ra cho người thuộc nhóm tuổi từ 50 đến 64, tức là độ tuổi trung niên, theo công bố của như các nhà nghiên cứu. Tổng cộng 492 người tham gia nghiên cứu, họ được theo dõi suốt 17 năm về sa sút trí tuệ.

Hermann Brenner, nhà khoa học tham gia nghiên cứu này và là người dẫn dắt nhóm nghiên cứu, cho biết: “Các vấn đề chủ quan về trí nhớ ngắn hạn có thể cho thấy nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ ở những người từ 50 tuổi tăng lên – và điều này xảy ra nhiều năm trước khi họ được chẩn đoán. Các quan sát của chúng tôi cho thấy tầm quan trọng của các biện pháp phòng ngừa sớm để tránh các bệnh mạch máu, một trong các nguyên nhân gây ra sa sút trí tuệ”.

Theo kết quả, những người đã bị rối loạn trí nhớ ngắn hạn mà còn bị rơi vào trầm cảm thì sau này có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao hơn. Tuy nhiên, không có mối tương quan nào giữa các vấn đề về trí nhớ dài hạn và chứng sa sút trí tuệ ở các nhóm tuổi được đánh giá.

Đối với những người cao tuổi hơn, trước đây người ta đã chứng minh nguy cơ sa sút trí tuệ tăng lên khi bị rối loạn cả trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn.

Hoài Nam tổng hợp - theo Tạp chí Tia Sáng

Nguồn: Demenz: Lücken im Kurzzeitgedächtnis können Vorboten von Demenz sein – DER SPIEGEL

https://www.welt.de/newsticker/dpa_nt/infoline_nt/wissenschaft_nt/article239361081/Luecken-im-Kurzzeitgedaechtnis-koennen-Vorboten-von-Demenz-sein.html

———————

  1. https://academic.oup.com/ageing/article-abstract/51/6/afac113/6607610?redirectedFrom=fulltext
menu
menu