Về Trẻ em và Quyền lực

ve-tre-em-va-quyen-luc

Cate Blanchett đang ở thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp, liên tục ẵm giải và mới đây còn được đề cử cho giải Oscar.

Cate Blanchett đang ở thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp, liên tục ẵm giải và mới đây còn được đề cử cho giải Oscar. Nhưng bên cạnh vẻ ngoài lộng lẫy và những giọt nước mắt xúc động trên bục vinh quang, cô còn đang làm một điều đẹp đẽ và cảm động hơn thế.

Cô đưa cậu con trai Roman, 9 tuổi, đi cùng tới các lễ trao giải. Tại Quả Cầu Vàng gần đây, cậu bé trông rất đáng yêu, nghịch ngợm, ngoan ngoãn và tò mò. Dù bận rộn với hàng tá ánh nhìn và lịch trình dày đặc, Cate vẫn dành rất nhiều sự quan tâm cho con mình – như lúc cô nhẹ nhàng gọi một ly nước cam cho Roman khi người phục vụ lỡ đặt trước mặt cậu một ly nước có ga.

Tại sao chúng ta lại thấy điều này dễ mến đến vậy?

Người ta dễ mà hoài nghi: "Cô ấy chỉ đang cố làm màu để lấy lòng công chúng thôi mà." Nhưng có một câu hỏi khác, sâu sắc hơn, nên được đặt ra trước tiên: Vì sao chúng ta lại cảm thấy yêu mến ai đó chỉ vì họ đối xử tử tế với con mình? Vì sao hình ảnh một người nổi tiếng hay chính trị gia ân cần với một đứa trẻ lại khiến tim ta ấm lên?

Bởi điều này chạm đến nỗi lo sợ sâu kín nhất của chúng ta về sự bất bình đẳng. Cate Blanchett là một nữ diễn viên quyền lực bậc nhất. Cô từng kiếm được 45 triệu đô, nhận thù lao 5 triệu cho mỗi bộ phim, và cách đây vài năm, ký hợp đồng quảng bá nước hoa mới của Giorgio Armani – "Sì" – với giá 10 triệu đô. Tại các lễ trao giải, sự xuất hiện của Cate khiến mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía cô. Ai cũng muốn được trò chuyện với cô. Một cái liếc mắt của cô thôi cũng đủ khiến người ta cảm thấy tủi thân.

Thế nhưng khi mang theo con trai đến sự kiện – trong khi hoàn toàn có thể để con ở nhà với bảo mẫu – cô như đang gửi đi một tín hiệu: cô đang tự nhắc nhở bản thân, và đồng thời nhắc nhở chúng ta, rằng cô cũng chỉ là một con người như bao người khác.

Những cậu con trai của Cate chẳng mấy quan tâm đến danh tiếng hay sự nghiệp của mẹ mình. Với chúng, thứ đáng giá là việc mẹ có chịu giúp xây trạm cứu hỏa Lego hay có chơi trò chăn gối cùng chúng hay không. Chúng thẳng thắn chê phim của mẹ chán ngắt (chưa xem nổi 10 phút phim Blue Jasmine). Và khi mẹ dịu dàng nói đã đến giờ đi ngủ, hay không được ăn thêm kem nữa, chúng sẽ càu nhàu rằng mẹ là "đồ ngốc". Cũng giống như những chú hề trong triều đình thời Trung Cổ, trẻ con đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của người quyền lực: chúng giúp họ giữ được sự tỉnh táo – bằng cách không bao giờ xem họ là người quan trọng.

Cate sẽ không quay lưng hờ hững chỉ vì con trai không khen gu ăn mặc của cô. Và nếu Roman có ợ to giữa bài phát biểu, cô sẽ chỉ bật cười – chứ chẳng lấy làm phiền. Những bậc cha mẹ quyền lực yêu con mình không phải vì chúng có địa vị, tiền bạc hay danh tiếng – điều đó đem đến một niềm an ủi rất lớn cho chúng ta – những người cũng đang thiếu hụt cả ba thứ ấy.

Trẻ con, theo cách ấy, trở thành một chiếc cầu nối giữa quyền lực và sự nhân hậu trong một xã hội vốn quá khắt khe và phân tầng. Chúng đem đến cơ hội – có lẽ là cơ hội lớn nhất trong thời đại này – để người quyền lực có dịp thể hiện sự tử tế của mình, mà không sợ bị cho là yếu đuối hay khờ dại.

Khi người quyền lực đối xử nhẹ nhàng với trẻ nhỏ (thường là con mình), ta cảm thấy yên tâm. Vì điều đó cho thấy họ hiểu thế nào là mong manh, biết cách mềm mỏng trước sự yếu đuối. Sự gần gũi ấy làm dịu nỗi lo lắng trong ta.

Nhìn Tổng thống Obama chơi đùa tự nhiên trong một buổi gặp gỡ ngẫu hứng với trẻ con, ta phần nào tin tưởng rằng ông sẽ không bao giờ nghiêm giọng nói với một đứa bé bồn chồn: “Cẩn thận đấy, không thì biến đi chỗ khác.” Và điều đó khiến ta thấy nhẹ nhõm – vì nếu ông không làm vậy với một đứa trẻ, có lẽ ông cũng sẽ không làm vậy với chúng ta, dù ta không cao ba tấc hay chạy quanh bàn làm việc của ông ở Nhà Trắng.

Thời Phục Hưng, khi Giáo hội Công giáo muốn tôn vinh Đức Mẹ Maria, họ đã khám phá ra một cách cực kỳ hiệu quả: khắc họa hình ảnh Mẹ âu yếm bên Chúa Hài Đồng. Vì nếu Maria dịu dàng với con mình, điều đó cũng có nghĩa là Mẹ sẽ dịu dàng với tất cả những ai cần đến tình thương của Mẹ – bất kể già hay trẻ.

Người mẹ của những phần trẻ thơ trong mỗi chúng ta

Sự thật ít ai dám nói ra là: không chỉ trẻ con mới "trẻ con". Người lớn chúng ta – ai cũng có lúc sợ hãi, yếu đuối, cần được vỗ về, tha thứ. Chúng ta cũng dễ xúc động, dễ tổn thương, dễ giận hờn vô cớ. Nhưng thay vì trách móc, người lớn thường nhẹ nhàng với trẻ con – ngay cả khi chúng đang cư xử chẳng mấy hay ho. Ta biết cách bao dung, biết điều chỉnh kỳ vọng của mình một cách tinh tế. Không ai nghĩ một bé sáu tuổi là đần độn chỉ vì chưa biết chia số thập phân – ta hiểu rằng nó sẽ cần thêm thời gian. Khi trẻ con nổi cáu trong xe, ta không cho rằng chúng cố tình chống đối – ta chỉ biết rằng sự buồn chán có thể khiến ai cũng thấy bức bối. Ta chậm giận hơn một chút, tinh tế hơn một chút.

Và chúng ta – ai cũng xứng đáng nhận được kiểu quan tâm ấy. Nhưng tiếc thay, điều đó hiếm khi được trao cho người lớn. Ta dễ dàng trao cho trẻ thơ một sự tử tế mà lại keo kiệt với người trưởng thành. Ta muốn sống trong một thế giới nơi người ta đối xử tốt với con cái mình. Nhưng hơn thế nữa, ta khao khát một thế giới nơi con người biết đối xử tốt với những phần trẻ thơ trong nhau – cả khi đó không phải con cái mình – đặc biệt là khi đó chính là phần yếu đuối, dễ tổn thương và rất đỗi con người trong chính chúng ta.

Nguồn: ON CHILDREN AND POWER | The School Of Life

menu
menu