Quy luật về những kết quả ngoài mong muốn
Đôi khi giải pháp cho một vấn đề còn tệ hơn chính vấn đề đó. Đó là Quy luật về những kết quả ngoài mong muốn—và nó phổ biến hơn bạn tưởng.
Vào ngày 11 tháng 3 năm 2011, một trận động đất mạnh 9,0 độ richter làm rung chuyển đáy đại dương ngoài khơi bờ biển Nhật Bản. Đây là trận động đất lớn thứ tư từng được ghi nhận. Nó rất mạnh, đã làm dịch chuyển hòn đảo chính của Nhật Bản thêm 2,4 mét; dịch chuyển trục Trái đất khoảng 10cm và tăng tốc độ quay của hành tinh thêm vài micro giây.1
Thiệt hại từ trận động đất và sóng thần mà nó gây ra thật khủng khiếp về quy mô. Chỉ với 8 phút cảnh báo, sóng đã quét xa tới 10 km vào đất liền, giết chết hàng nghìn người và phá hủy toàn bộ thị trấn trong vòng vài phút. Các ước tính chính thức công bố tổng số người thiệt mạng của toàn bộ thảm họa là hơn 15.000 người.
Nhưng khoan đã, tình hình còn tệ hơn thế. Các nhà chức trách nhanh chóng phát hiện ra một số lò phản ứng hạt nhân tại Nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi—một trong những lò lớn nhất thế giới—đã bị hư hỏng nghiêm trọng. Một lượng lớn chất phóng xạ đã bị rò rỉ ra các khu vực xung quanh, bao gồm cả Thái Bình Dương. Chỉ trong một buổi chiều, một hành động tàn phá của thiên nhiên đã biến thành một cơn ác mộng do con người gây ra, những chuyện tương tự như thế đã không còn xuất hiện kể từ vụ tai nạn lò phản ứng hạt nhân Chernobyl năm 1986.
Cho đến thời điểm đó, điện hạt nhân đã đóng một vai trò quan trọng trong cơ sở hạ tầng của Nhật Bản kể từ những năm 1970, khi nhà máy điện Fukushima lần đầu tiên được đưa vào vận hành. Song những sự kiện của ngày hôm đó năm 2011 quá chấn động, quá bi thương, và thực tế đối với người dân Nhật Bản đến nỗi chính phủ đã nhanh chóng đồng ý đóng cửa gần như tất cả cơ sở điện hạt nhân trong nước.
Các sự kiện thật bi thảm. Phản ứng được đưa ra chóng vánh. Nhưng rồi sau đó câu chuyện của chúng ta có một bước ngoặt kỳ lạ…
QUY LUẬT VỀ NHỮNG KẾT QUẢ NGOÀI MONG MUỐN
Trước sức ép quá lớn từ công chúng đòi đình chỉ điện hạt nhân, chính phủ Nhật Bản nhanh chóng hứa sẽ cho dừng hoạt động tất cả 34 nhà máy điện hạt nhân của mình và từng nhà máy điện hạt nhân bắt đầu đóng cửa. Đến năm 2013, quốc gia này không còn điện hạt nhân.
Song điều này lại dẫn đến một vấn đề khác: làm sao tạo ra nguồn điện để thay thế các nhà máy bị đóng cửa? Điện hạt nhân từng cung cấp hơn 20% lượng điện năng của đất nước. Họ sẽ lấy năng lượng ở đâu?
Giải pháp hợp lý nhất là chuyển sang dùng nhiên liệu hóa thạch. Đất nước chuyển sang huy động các nhà máy than và xây dựng thêm. Sự gián đoạn cung cấp điện này đã kéo theo sự gia tăng chi phí điện năng trên cả nước, gây ra tình trạng thiếu điện trong những tháng mùa đông lạnh giá, đặc biệt là ở phương Bắc. Và, như chúng ta đều biết, nhiên liệu hóa thạch đem đến nhiều tác dụng phụ khủng khiếp về môi trường—chúng tạo ra khói bụi, hủy hoại hệ sinh thái và gây hại cho sức khỏe con người.
Và đây là lúc mà câu chuyện trở nên kỳ quặc. Bởi vì, thật kinh ngạc làm sao, các nghiên cứu đã xác định rằng việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản trên thực tế lại gây tử vong nhiều hơn chính vụ tai nạn Fukushima.2
Hãy gọi đó là trường hợp mà thuốc chữa bệnh còn tồi tệ hơn cả thuốc độc.
Dĩ nhiên là bạn có thể nghi ngờ về kết quả này, giống như tôi vậy. Nhưng hóa ra chuyện này thực sự không có gì mới lạ hay thậm chí đáng chú ý. Nếu bạn tìm hiểu tài liệu kinh tế thì các nhà nghiên cứu đã biết đến điều này từ lâu rồi: việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa—vốn đã ít và hiếm—kéo theo nhiều vấn đề hơn là những vấn đề mà nó giải quyết. Tình trạng ô nhiễm gia tăng do nhiên liệu hóa thạch khiến trọng lượng của trẻ sơ sinh nhẹ cân hơn,3 hàng triệu người bị các bệnh về đường hô hấp gây tử vong,4 não phát triển bất thường,5 và chưa kể đến những tác hại lớn đến môi trường và biến đổi khí hậu.6 Và sự gián đoạn thị trường điện khiến nhiều người không thể sưởi ấm trong suốt mùa đông năm sau, dẫn đến một số người cao tuổi chết do tiếp xúc với nhiệt độ lạnh hơn
Điều đáng khen là chính phủ Nhật Bản kể từ đó đã thay đổi quan điểm—từ năm 2018 họ đã bắt đầu kích hoạt lại các lò phản ứng hạt nhân. Mục tiêu của họ là hoạt động lại chúng (và nâng cấp) đến trước năm 2030.7
Nhưng nếu bạn chú ý thì các vấn đề “Phương thuốc chữa bệnh còn tồi tệ hơn cả thuốc độc” có ở khắp mọi nơi. Trên thực tế một số nhà khoa học xã hội tạm gọi những tình huống như thế này là “Quy luật về những kết quả ngoài mong muốn”. Quy luật về những kết quả ngoài mong muốn là một thuật ngữ u ám áp dụng cho những tình huống mà việc muốn khắc phục một vấn đề chỉ tổ làm cho nhiều vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Nó chưa bao giờ được định nghĩa một cách chính thức. Nhưng ở đây, hãy để tôi thử định nghĩa về nó:
Quy luật về những kết quả ngoài mong muốn xuất hiện khi một quyết định cảm tính, bốc đồng được đưa ra, vô tình lại tạo ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết vấn đề.
Tôi sẽ bàn sâu về cách mà Quy luật về những kết quả ngoài mong muốn diễn ra ở cấp độ cá nhân. Nhưng các ví dụ của nó thì dễ nhận thấy nhất (và tai tiếng) ở cấp độ tiểu bang và chính phủ.
Minh họa A: vào năm 1905, Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ được thành lập nhằm ngăn chặn các vụ cháy rừng quy mô lớn đã thiêu rụi phần lớn Montana và Idaho vào năm đó. Cơ quan Lâm nghiệp đã đặt ra các đạo luật nghiêm khắc chống cháy trên khắp miền Tây Hoa Kỳ và xây dựng cơ sở hạ tầng để chữa cháy ngay khi đám cháy xuất hiện. Sự tàn phá do cháy rừng đã giảm đáng kể… được một thời gian.
Sau đó tình hình trở nên tồi tệ hơn nhiều. Trong vòng vài thập kỷ, các đám cháy trở thành những cơn đại họa, lớn hơn và nghiêm trọng hơn bất kỳ ai có thể nghĩ đến.
Hóa ra vấn đề ở chỗ một khu rừng là một hệ thống rất phức tạp. Và một lượng lửa nhất định thực sự là điều tự nhiên và lành mạnh đối với hệ sinh thái rừng. Sau nhiều thập kỷ vất vả ngăn chặn cháy rừng, cơ quan Kiểm lâm chỉ ngăn chặn được hàng tấn gỗ chết khô không bị đốt hết, gây tích tụ thành lớp bùi nhùi dễ cháy. Họ đã mất khoảng 70 năm, nhưng cuối cùng, họ cũng chịu thay đổi quan điểm, thừa nhận rằng chiến lược kéo dài qua nhiều thế hệ của họ đã phản tác dụng. Và đến bây giờ chúng ta vẫn đang phải trả giá.8
Hoặc hãy lấy ví dụ về “Cuộc chiến chống Ma túy” khét tiếng. Sau 5 thập kỷ với những đạo luật ma túy hà khắc, Cuộc chiến chống ma túy thậm chí còn chẳng ảnh hưởng gì đến việc cung cấp ma túy bất hợp pháp trên toàn thế giới. Mà trái lại: các loại ma túy bất hợp pháp ngày nay phong phú, dồi dào hơn bao giờ hết.9,10
Bằng cách đặt ra các lệnh cấm nghiêm ngặt, chúng ta đã thúc đẩy thị trường ma túy hoạt động ngầm, nơi chúng không thể bị đánh thuế, bị quản lý hoặc giám sát. Thành ra, nghịch lý của Cuộc chiến chống ma túy là khiến ma túy ngày càng rẻ và dễ mua hơn.11
Các tổ chức ma túy đã phát triển lớn đến mức giờ đây chúng thống trị và làm khiếp sợ cho cả quốc gia,12 gây suy đồi cho các tập đoàn và chính phủ.13 Và hơn thế nữa, nghiên cứu cho thấy chúng ta càng đưa ra luật ma túy nghiêm ngặt thì các băng đảng càng thu được nhiều lợi nhuận hơn.14
Các ví dụ thì kéo dài vô tận. Càng có nhiều bộ luật quy định chặt chẽ về chất amiăng lại càng làm tăng thêm nhiều vụ kiện tụng liên quan đến chất này.15 Kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn thực tế có thể làm gia tăng tình trạng nhập cư bất hợp pháp.16 Luật về trách nhiệm pháp lý được soạn ra để trừng phạt các công ty dầu vì sự cố tràn dầu chỉ làm tăng khả năng xảy ra tràn dầu.17
Vâng, các chính phủ làm ăn chán quá. Nhưng còn đời sống cá nhân của chúng ta thì sao? Chúng ta có phạm phải sai lầm tương tự không? Chúng ta có thường dùng phương thuốc chữa bệnh còn tồi tệ hơn cả thuốc độc hay không?
Vâng… có. Chúng ta cũng mắc sai lầm.
BẠN VÀ NHỮNG KẾT QUẢ TRÁI MONG MUỐN
Bạn có lẽ từng lái xe về nhà trong tình cảnh giao thông tắc nghẽn và cảm thấy thất vọng đến mức nói, “Biết sao không? Chết tiệt, tôi đang đi đường phụ.” Rồi sau đó bạn lái xe ra khỏi đường cao tốc và bị lạc đường 6 lần và mất gấp đôi thời gian để về được tới nhà so với nếu bạn chịu đựng, ngồi yên trong xe chờ cho hết tắc nghẽn?
Hoặc bạn đã từng mua một món đồ có giá trị lớn mà bạn hằng mơ ước—có thể là một chiếc xe hơi xịn, hay một ngôi nhà lớn, hay một miếng đất đẹp. Bạn mơ mộng và dành dụm, ở nhà vào các ngày thứ Sáu và gian lận thuế trong nhiều năm cho đến khi cuối cùng bạn có khả năng trả trước cho Giấc mơ To đùng của đời mình. Rồi cái ngày đó cũng đến và bạn “mua” nó —nhưng ý tôi thực sự muốn nói khi dùng từ "mua" là bạn phải trả những khoản lãi khổng lồ này cho ngân hàng từ bây giờ cho đến khi xảy ra vụ nổ siêu tân tinh và hóa ra Giấc mơ To đùng đó chỉ là một loại gây đau đầu và bạn không sử dụng nó nhiều như bạn nghĩ và bạn bè bạn chắc chắn đếch quan tâm. Nhưng ở đây, bạn đang giao 2/3 tiền lương mỗi tháng của mình cho một ngân hàng lớn nào đấy, kẻ mà bạn dần dần tin chắc rằng đó là hiện thân của mọi bất công và tội ác trong vũ trụ.
Hoặc bạn đã từng nghĩ về một kẻ nào đó thực sự đáng ghét, nhưng thay vì bảo hắn xéo đi, bạn tiếp tục tử tế với hắn vì bạn cảm thấy tệ và không muốn trở nên xấu tính và bạn muốn tin rằng bản thân là người kiên nhẫn, tốt bụng? Và trước khi bạn biết điều đó, cái gã này không mời mà đến nhà bạn và uống rượu và tự giới thiệu bản thân hắn với bạn bè bạn và là một gã ích kỷ và sống bám vào cuộc sống xã hội của bạn như một ký sinh trùng đến mức mà bạn chỉ muốn hun khói toàn bộ khu chung cư của bạn cùng với tất cả mọi thứ trong đó, giết hết mọi người bạn biết và cả bản thân bạn nữa giống như lũ gián?
Hay bạn từng vô cùng khổ sở với một công việc, nhưng bạn quá thỏa mãn và lệ thuộc cảm xúc vào tiền lương và sự công nhận của xã hội và cảm giác bản thân quan trọng dối trá khiến bạn cứ phải tiếp tục làm làm và làm, rồi tự nhủ “cố thêm một năm nữa thôi,” rồi lại “thêm một năm nữa,” và “chỉ một năm thôi” cho đến lúc sức khỏe tâm thần của bạn trở nên tàn tạ và bạn biến thành người lo âu và thiếu ngủ rồi hạ đường huyết và trầm cảm mà trước đây bạn không thể nào tưởng tượng nổi 18 và bạn đang phải uống nhiều thứ thuốc và bây giờ bạn thực sự cần công việc chết tiệt đó để duy trì bảo hiểm sức khỏe của bạn và nguồn cung cấp thuốc theo toa ổn định—và ý tôi là, hãy thực tế một chút, hãy tạ ơn chúa vì có được công việc mà bạn ghét này, phải không? Nếu không, bạn sẽ không được chữa bệnh, uống thuốc điều trị tất cả các chứng bệnh mà công việc này gây ra cho bạn.
Hoặc bạn từng trải qua một cuộc chia tay kinh hoàng nhưng lại ghét cái thực tế là bạn và người yêu cũ không còn nói chuyện với nhau nữa—ý tôi là, hai bạn từng có một khoảng thời gian tuyệt vời bên nhau, chẳng lẽ điều đó không đáng để bỏ thêm chút cố gắng để cả hai trở thành bạn bè của nhau sao? Chẳng lẽ hai người không xứng đáng ít nhất là với điều đó sao? Vì vậy bạn gọi cho ex và xin lỗi họ, và bạn mong có thể thân thiết với họ và họ mời bạn đến chỗ của họ lúc nửa đêm, còn bạn thì nghĩ thầm, bạn biết đấy, chả có gì to tát cả, chúng tôi từng đi chơi với nhau lúc nửa đêm, và 6 ngày sau, khi bạn vẫn còn ở nhà của họ gào hét với nhau về chuyện ai chưa tắt lò nướng bánh và tại sao anh không nghe lời tôi và tôi cho rằng anh yêu tôi và hai người làm tình quá độ đến nỗi bạn không thể đi thẳng người và bạn không thể biết mình đang yêu hay ghét con người này và bạn đang tự hỏi mình đang làm cái quái gì ở đây thế, sao mình lại đến đây được, mình đã nghĩ mình chia tay hắn, giống như 4 lần trước?
Mấy cái chuyện này từng xảy ra với bạn chưa?
(Yeah, tôi cũng vậy.)
NGHỊCH LÝ CỦA TRỐN TRÁNH RỦI RO/CHƠI THEO KIỂU AN TOÀN
Những quyết định tồi tệ nhất của chúng ta không bao giờ có cảm giác như là quyết định khủng khiếp. Những quyết định tồi tệ nhất của chúng ta luôn có cảm giác giống như những quyết định tốt vào thời điểm ấy. Đó là lý do tại sao chúng ta đưa ra những quyết định đó.
Trải nghiệm “phương thuốc chữa bệnh còn tệ hại hơn cả thuốc độc” thường xảy ra vì chúng ta đang giải quyết những vấn đề ngắn hạn, nhiều cảm xúc mà không cân nhắc đến những hệ quả bậc hai, lâu dài.
Bạn quay lại gặp người yêu cũ để xử lý mặc cảm tội lỗi cắn rứt lương tâm trong ngắn hạn, chỉ khiến cho bản thân phải đối mặt với nguy cơ hỗn loạn cảm xúc lớn hơn về lâu về dài.19,20 Cũng giống như Nhật Bản đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân để dập tắt sự phẫn nộ và kinh hoàng của dân chúng trong thời gian ngắn đối với thảm họa Fukushima mà không tính đến tác động lâu dài của việc đưa lượng ô nhiễm lớn hơn vào đất nước.
Chúng ta làm điều này là bởi vì bộ não của chúng ta là những cỗ máy đầy thiên kiến chủ quan. Chúng ta được thiết lập để trải nghiệm thế giới theo cách sai lệch, và điều đó có nghĩa là nhận thức của chúng ta hiếm khi phản ánh đúng thực tế.
Chúng ta mắc phải Quy luật về những kết quả ngoài mong muốn vì một vài lý do sau:
- Chúng ta có xu hướng thiên về giải quyết những thứ mà ta xem là mối đe dọa tức thì trước mắt, hơn là giải quyết những rủi ro lớn hơn nhưng lâu dài và chậm hơn.
- Chúng ta có xu hướng tập trung chú ý vào những thứ hữu hình và dễ mường tượng, dễ hình dung hơn là những thứ quá trừu tượng (hãy nghĩ đến nguy cơ của một cuộc khủng bố, cực kỳ thấp so với nguy cơ bị bệnh tật, vốn cao hơn bạn tưởng).
- Chúng ta thiên về những sự kiện đầy kịch tính hơn là những sự kiện đòi hỏi nhiều tư duy logic. Ví dụ, bạn có nhiều khả năng chết vì tai nạn xe hơi hơn là rơi máy bay. Nhưng một vụ rơi máy bay thì quá thảm khốc và kinh hoàng nên nó gây ra nhiều lo lắng cho con người.
- Chúng ta rất tệ khi suy xét đến những hiệu ứng bậc hai và bậc ba. Việc nghĩ trước hai hoặc ba nước đi trong trò chơi cờ vua là điều rất khó và trái lẽ thường. Chẳng hạn, chúng ta không xem xét việc đóng cửa lò phản ứng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chi phí điện và chi phí điện sẽ ảnh hưởng đến người già vào mùa đông như thế nào. Chúng ta chỉ thấy những thứ đáng sợ trên TV, kiểu như vụ nổ hạt nhân sẽ khiến trẻ em sinh ra có ba đầu, đại loại thế.
- Các hệ quả thường có hiệu ứng phối hợp. Chúng ta rất tệ trong việc xem xét đến những hiệu ứng phối hợp. Ví dụ, một cuộc tấn công khủng bố như ngày 11/9 là vô cùng đáng sợ và vào thời điểm đó, việc đầu tư rất nhiều tiền cho an ninh là điều hợp lý. Nhưng khoản đầu tư đó cộng lại theo thời gian, đến mức mà một thập kỷ sau, Hoa Kỳ đã chi tới 1 nghìn tỷ đô la mà khả năng chỉ cứu mạng được vài trăm người.21 Thật vậy, chủ nghĩa khủng bố có lẽ là ví dụ điển hình cho cho các chính sách không cân xứng với mối đe dọa.22 Và điều này thậm chí còn không tính đến các hiệu ứng bậc hai, chẳng hạn như luật du lịch chặt chẽ hơn, ít thị thực nhập cư hơn, đăng ký vào các trường đại học thấp hơn, ít di chuyển bằng máy bay hơn, v.v..23
Khi một điều gì đó đáng sợ, diễn ra ngay trước mắt và hữu hình - như thảm họa nhà máy điện hạt nhân - thì thành kiến của chúng ta xuất hiện và cản trở khả năng phán đoán tình huống chính xác của chúng ta. Nghĩ đến những hệ quả bậc hai, lâu dài thì rất phức tạp, nặng nề. Và khi chúng ta quá cảm tính về một vấn đề, chúng ta khó mà dốc hết nỗ lực để suy nghĩ đến cùng về những hệ quả. Chúng ta không có thời gian để soạn ra một danh sách những ưu nhược điểm, vì phóng xạ hạt nhân đang sắp ảnh hưởng đến ta!
Theo cách này, việc bảo vệ bản thân khỏi những thứ làm chúng ta sợ hãi nhất trong hiện tại thường có thể làm chúng ta dễ gặp phải những vấn đề tồi tệ hơn, ít được chú ý đến trong tương lai.
LÀM SAO TRÁNH ĐƯỢC QUY LUẬT VỀ NHỮNG KẾT QUẢ NGOÀI MONG MUỐN
Mặc dù chúng ta không bao giờ có thể tự bảo vệ mình 100% chống lại Quy luật về kết quả ngoài mong muốn và những thành kiến nhận thức gây ra nó, song vẫn có một số kỹ thuật cơ bản mà bạn có thể áp dụng cho việc ra quyết định, giúp bạn không trở thành một người ngu ngốc:
1.“Nếu tôi không làm gì cả thì mọi chuyện có tự tốt lên không?” Rất nhiều quyết định tồi của chúng ta chỉ đơn giản là hệ quả của sự nôn nóng thiếu nhẫn nại. Học cách tự hỏi bản thân "Nếu tôi không làm gì cả thì điều này có trở nên tốt lên không?" Trong nhiều trường hợp, nó sẽ tốt hơn. Ngồi chờ trong xe (trường hợp kẹt xe) là một ví dụ đơn giản nhất. Không liên lạc lại với người yêu cũ là một ví dụ sinh động hơn. Không nhốt những tên tội phạm ma túy bất-bạo lực vào tù trong một số năm tháng quan trọng nhất cuộc đời họ có lẽ là một ví dụ xã hội thực tế hơn. Chúng ta thường đánh giá quá cao mức độ mà ta có thể kiểm soát trong một tình huống. Do đó, chúng ta đánh giá thấp giá trị của việc chỉ đơn giản là ngồi yên và chờ đợi. Nó sẽ không giúp bạn chiến thắng bất kỳ cuộc thi nổi tiếng nào, nhưng thường thì quyết định tốt nhất (và khó khăn nhất) trong cuộc đời chỉ đơn giản là không làm gì cả.
2."Trường hợp xấu nhất là gì?" Khi đánh giá ý tưởng của chính mình, chúng ta có xu hướng rất giỏi trong việc nhìn thấy lợi ích và rất tệ trong việc nhận ra rủi ro. Xét cho cùng thì chúng là những ý tưởng của chúng ta. Chúng ta sẽ không có chúng nếu chúng không phải là ý tưởng thiên tài, đúng không nhỉ?
Thật khó chọc thủng những điều mà bạn cảm thấy đúng. Do đó, sẽ hữu ích nếu bạn thực hành tự hỏi mình, "Trường hợp xấu nhất ở đây là gì?" Chuyện này có thể diễn biến xấu đi theo những hướng nào?” Viết ra một tình huống tốt nhất và một tình huống xấu nhất, sau đó tự hỏi bản thân xác suất của từng trường hợp. Sau đó, lấy xác suất bạn đã viết cho trường hợp xấu nhất và tăng lên gấp bốn lần. Bạn có còn cảm thấy chuyện đó đáng làm không?
3.“Liệu rằng sự lựa chọn của tôi có thể có tác dụng ngược? Nếu có, thì như thế nào?” Trở lại nước Anh vào thế kỷ 17, quốc hội cho rằng các ngân hàng đang trừng phạt tầng lớp trung lưu và nghèo bằng lãi suất cắt cổ. Họ đã quyết định thông qua đạo luật đặt trần lãi suất vĩnh viễn ở mức 4%. Mọi người dường như đều tin rằng đây là một ý tưởng tuyệt vời. Ngoại trừ John Locke. John Locke cho rằng đây là một ý tưởng tệ hại. Ông lập luận rằng việc đặt giới hạn lên lãi suất chỉ khiến cho giới nhà băng tìm cách lén lút để cho vay tiền mà chính phủ ít giám sát, điều tiết được, chủ yếu là cho người giàu vay.
Người ta nghĩ rằng Locke là kẻ điên khùng. “Đó là tác động hoàn toàn ngược lại với việc mà chúng tôi đang làm” họ nói. Nhưng… ông ấy đã đúng. Luật được thông qua. Người nghèo trở nên bần cùng. Còn người giàu thì càng giàu hơn.
4.“Quyết định này có thể thay đổi, thu hồi được không?” Một điều mà chúng ta thường không xem xét là khả năng hủy bỏ các quyết định của chúng ta. Nếu bạn mua một chiếc ô tô mà bạn không thích thì bạn luôn có thể bán lại nó và thu lại một khoản tiền đáng kể. Tuy nhiên, nếu bạn sinh một đứa con thì không còn đường lui đâu. Bất chấp thực tế này, rất nhiều người trên thế giới dường như đang dành nhiều thời gian để suy nghĩ về việc mua xe hơi hơn là sinh con.
Một số quyết định rất dễ xóa bỏ. Một số thì vô cùng khó hoặc không thể xóa bỏ. Tuy nhiên, chúng ta thường không dành đủ thời gian để xem xét cái sau và thường dành quá nhiều thời gian để lo lắng về cái trước.
Một quy tắc bất di bất dịch: nếu một quyết định không có tính lâu dài thì tốt hơn là ra quyết định thật nhanh. Nếu một quyết định có tính chất lâu dài thì tốt hơn là chậm lại.
***
Sự kết hợp của câu hỏi số 1 và số 4 là lý do tại sao rất nhiều chính sách của chính phủ lại không hiệu quả. Chính phủ chịu áp lực lớn của công chúng phải làm việc gì đó khi đối mặt với một vấn đề, mặc dù phản ứng chính xác là làm ít đi hoặc không làm gì cả. Thành ra, các chính phủ áp dụng các chính sách nặng tay, mở rộng bộ máy hành chính. Vấn đề là nhiều chính sách trong số này rất khó xóa bỏ. Đây là lý do tại sao các chính phủ có xu hướng trở nên cồng kềnh và kém hiệu quả hơn theo thời gian.
Trong cuộc sống cá nhân của mình, chúng ta có xu hướng phải chịu đựng nhiều hơn ở câu hỏi số 2 hoặc số 3. Chúng ta rất tệ khi xem xét những sai sót trong kế hoạch của chính mình, trong việc chất vấn những cơn thôi thúc cảm tính của chúng ta và nhận ra những tình huống có thể phản tác dụng một cách khủng khiếp, gây ra chính những vấn đề mà ta đang tìm cách giảm bớt. Tiếp tục làm công việc mà chúng ta ghét khiến chúng ta thiếu thời gian mặc dù ta có thể dư dả về tài chính. Cố gắng sửa chữa một mối quan hệ tan vỡ có thể khiến nó trở nên tồi tệ hơn chứ không phải tốt hơn—trên thực tế, có khả năng chính cái ham muốn “sửa chữa” mọi thứ mới làm hỏng nó ngay từ đầu!
Cuối cùng, Quy luật về những kết quả ngoài mong muốn chỉ là một thuật ngữ khác để thừa nhận những điểm mù không thể tránh khỏi của chúng ta trong việc ra quyết định. Chúng ta không biết những điều mà ta không biết. Chúng ta luôn cố để mở rộng phạm vi chú ý và hiểu biết của mình, nhưng sai lầm là không thể tránh khỏi cho dù đã có sự tiên liệu và thận trọng. Chừng nào chúng ta còn có thể suy nghĩ và hít thở thì ta sẽ tiếp tục phạm sai lầm, theo cách nào đấy. Tuy nhiên điều đó không nên là lý do để ngừng cố gắng và trở nên tốt hơn một chút.
Chú thích
- If you wake up in 300 million years feeling slightly under slept, now you know who to blame.↵
- Neidell, M., Uchida, S., & Veronesi, M. (2019). Be Cautious with the Precautionary Principle: Evidence from Fukushima Daiichi Nuclear Accident (No. w26395; p. w26395). National Bureau of Economic Research.↵
- Low birthweight has been found to have a negative effect on IQ, height and earnings, and an inverse relationship with adult mortality, particularly cardiovascular mortality. See: Severnini, E. (2017). Impacts of nuclear plant shutdown on coal-fired power generation and infant health in the Tennessee Valley in the 1980s. Nature Energy, 2(4), 17051.↵
- Public Health – TransitionInAction.org↵
- Brockmeyer, S., & D’Angiulli, A. (2016). How air pollution alters brain development: The role of neuroinflammation. Translational Neuroscience, 7(1), 24–30.↵
- How air pollution is doing more than killing us. BBC.↵
- Japan has restarted five nuclear power reactors in 2018—Today in Energy—U.S. Energy Information Administration (EIA).↵
- Sierra National Forest—Land & Resources Management.↵
- Wodak AM, A. (2014). The abject failure of drug prohibition. Australian & New Zealand Journal of Criminology, 47(2), 190–201.↵
- European Monitoring Centre for Drugs and Drug Addiction. (2013). EU drug markets report. A strategic analysis.↵
- Werb, D., Kerr, T., Nosky, B., Strathdee, S., Montaner, J., & Wood, E. (2013). The temporal relationship between drug supply indicators: An audit of international government surveillance systems. BMJ Open, 3, e003077.↵
- International Centre for Science in Drug Policy. (2010). Effect of drug law enforcement on drug-related violence: Evidence from a scientific review.↵
- In 2012, the HSBC bank paid a fine in the USA of US$ 1.9 billion for laundering drug money. Prominent drug authorities in Australia have also received 20-plus year prison sentences for drug trafficking.↵
- A 2005 paper estimated that between 1973 and 1998, every dollar spent on drug law enforcement in Australia added another 4 dollars to the cannabis black market. A 1989 paper published in Science concluded that, “The greatest beneficiaries of the drug laws are organized and unorganized drug traffickers.”↵
- Schwartz, Victor E.; Tedesco, Rochelle M. “The Law of Unintended Consequences in Asbestos Litigation: How Efforts to Streamline the Litigation Have Fueled More Claims“. Mississippi Law Journal. HeinOnline. 71: 531.↵
- This is because most migrant workers actually prefer to return to their home country after they have worked for a while. When you make it more difficult to cross borders, you actually encourage them to stay illegally in the country they enter. Tighter border controls don’t discourage crossings, they discourage people returning, thus causing more illegal immigration. For a great investigation of this effect with the US/Mexico border, see Malcolm Gladwell’s Revisionist History Podcast, season three, episode five: “General Chapman’s Last Stand.”↵
- This is because the oil companies now hire independent contractors with worse ships to transport the oil, rather than using their own tankers. See: Norton, Rob (2008). “Unintended Consequences“. In David R. Henderson (ed.). Concise Encyclopedia of Economics (2nd ed.). Indianapolis: Library of Economics and Liberty.↵
- Stansfeld, S., & Candy, B. (2006). Psychosocial work environment and mental health—A meta-analytic review. Scandinavian Journal of Work, Environment & Health, 32(6), 443–462.↵
- Orth-Gomér, K., Wamala, S. P., Horsten, M., Schenck-Gustafsson, K., Schneiderman, N., & Mittleman, M. A. (2000). Marital stress worsens prognosis in women with coronary heart disease: The Stockholm Female Coronary Risk Study. JAMA, 284(23), 3008–3014.↵
- Nealey-Moore, J. B., Smith, T. W., Uchino, B. N., Hawkins, M. W., & Olson-Cerny, C. (2007). Cardiovascular Reactivity During Positive and Negative Marital Interactions. Journal of Behavioral Medicine, 30(6), 505–519.↵
- Mueller, J., & Stewart, M. G. (2014). Evaluating Counterterrorism Spending. Journal of Economic Perspectives, 28(3), 237–248.↵
- Chowdhury, A., & Fitzsimmons, S. (2013). Effective but inefficient: Understanding the costs of counterterrorism. Critical Studies on Terrorism, 6(3), 447–456.↵
- Gold, D. (2005). The Costs of Terrorism and the Costs of Countering Terrorism. International Affairs Working Paper, 3.↵
Nguồn: Mark Manson