Quy Tắc 3 Lần Chạm Mặt Trong Giao Tiếp
Chúng ta đang sống trong một thời đại hài lòng tức thì – nếu như có một điều gì đó hay là một ai đó không hấp dẫn chúng ta tức thì trên mạng, chúng ta có thể ngay lập tức chuyển sang đối tượng kế tiếp.
Cách đây không lâu, một cặp vợ chồng mà tôi và Kate từng có dịp gặp gỡ và nói chuyện đôi lần tại nhà thờ đã mời chúng tôi tới nhà chơi và dùng bữa. Chúng tôi vui vẻ nhận lời, vì chúng tôi rất thích những người tỏ ra chủ động trong việc làm thân với người khác (và ngược lại chúng tôi cũng thích được mời người khác đến nhà mình chơi).
Bữa tối diễn ra … cũng được. Những cuộc trò chuyện đầy nhã nhặn, thời gian trôi vừa xinh. Nhưng rồi tôi nhận ra, kha khá ngạc nhiên, rằng việc kết bạn ở độ tuổi trưởng thành cũng có sự tương đồng nhất định với việc mai mối tình cảm và tán tỉnh ve vãn, và có thể nói rằng không hề có “tia lửa điện” nào loé lên giữa chúng tôi vào tối đó. Chúng tôi đã không có được sự gắn kết kết với những vị gia chủ kia.
Nhưng chúng tôi đã cảm thấy rằng, bên cạnh phép lịch sự, chúng tôi cần phải đáp lại tấm thịnh tình của đôi vợ chồng nọ và mời họ tới nhà chúng tôi ăn tối. Vài tháng trời trôi qua trước khi chúng tôi đưa ra lời mời tới họ, bữa tối thứ hai đã có sự cải thiện nhất định – cuộc nói chuyện đã sâu sắc hơn và hấp dẫn hơn; một mối quan hệ đã bắt đầu được xây dựng từ đó.
Chúng tôi lên kế hoạch cùng nhau ra tiệm ăn tối vào lần tiếp theo khi câu lạc bộ của chúng tôi tổ chức sự kiện “Đêm vui chơi dành cho các bậc phụ huynh,” và buổi tụ hội lần thứ ba này còn vui hơn nữa.
Hiện tại, chúng tôi xem đôi vợ chồng ấy là một trong những người bạn thân của mình, và chúng tôi gặp gỡ nhau rất thường xuyên. Đó là một mối quan hệ không thể phát triển nổi nếu như chúng tôi cứ khăng khăng tin vào thứ gọi là “tình bạn ngay từ cái nhìn đầu tiên” và không chịu nhẫn nại trong việc nhìn xem sự việc có thể tiến triển ra sao.
Quy tắc 3 lần chạm mặt
Chúng ta đang sống trong một thời đại hài lòng tức thì – nếu như có một điều gì đó hay là một ai đó không hấp dẫn chúng ta tức thì trên mạng, chúng ta có thể ngay lập tức chuyển sang đối tượng kế tiếp. Chúng ta luôn luôn ở trong tình trạng tìm kiếm thứ phù hợp chính xác với cá tính, sở thích, và kỳ vọng của bản thân chúng ta, và ta cho rằng ta sẽ nhận biết được điều đó ngay khi vừa bắt gặp. Và thực tế, đôi khi chúng ta quả cũng có cảm thấy mối liên kết tức thì với những sản phẩm tiêu dùng hoặc truyền thông.
Nhưng thật không may, chúng ta lại vô thức mang theo cái tư tưởng tiêu dùng đó vào trong việc định hình các mối quan hệ với người khác, và đến đây thì mọi chuyện không được suôn sẻ cho lắm.
Vâng, đôi khi bạn cảm thấy thân thiết với ai đó ngay tắp lự, nhưng thường thì mọi việc có thể trở nên cứng nhắc và lúng túng một chút khi lần đầu tiên bạn gặp gỡ một ai đó, và sự ngượng ngùng này có thể bị lầm tưởng thành việc thiếu khả năng tương thích. Mọi người thường có tính phòng vệ và kém cỏi trong những cuộc nói chuyện xã giao (đấy là vì họ chưa đọc bài viết của chúng tôi!), và điều này có thể cản trở một sự kết nối với người khác. Phải cần tới nhiều lần gặp gỡ, cũng như là sự thay đổi trong những tình huống giao tiếp của bạn, để cho sự tương đồng, sự kết nối, và các cuộc trò chuyện sâu sắc hơn mới có thể đồng thời xảy ra.
Ví dụ như là, bạn có thể chạm mặt với một người đồng nghiệp mỗi ngày suốt nhiều tháng mà không hề nghĩ rằng, “Cái anh chàng này có thể trở thành một người bạn tốt của mình cũng nên.” Rồi một ngày nọ, bạn được người ta rủ đi đâu đó, và rơi vào một chủ đề câu chuyện mà cả hai bạn đều cảm thấy có rất nhiều điều muốn nói, rồi phát hiện ra rằng cả hai cùng chung một sở thích nào đó, và cuối cùng thì hai người quyết tâm sẽ hẹn gặp nhau ngoài giờ làm việc để cùng theo đuổi thú vui ấy. Một tình bạn được chậm rãi xây dựng từ đây.
Tôi đã từng thấy hiện tượng kết bạn này diễn ra rất nhiều lần trong chính cuộc đời tôi, và từ những trải nghiệm đó tôi đã rút ra được công thức chung với tên gọi “Quy tắc 3 lần chạm mặt.” Tôi nhận thấy rằng sẽ mất khoảng 3 lần gặp gỡ – và ở đây tôi muốn nói đến sự chủ đích chứ không phải việc ngẫu nhiên chạm trán nhau – để xét xem liệu có thể xây dựng được một mối quan hệ thực thụ với ai đó hay không.
Quy tắc này có thể được áp dụng trong cả lĩnh vực tình bạn lẫn quan hệ tình cảm lãng mạn. Thực ra, đây là điều cần ghi nhớ hơn cả trong việc hẹn hò ở thế giới hiện đại này.
Quy tắc 3 lần chạm mặt và việc hẹn hò trong thời đại của Tinder
Trong Modern Romance (tạm dịch: Tình yêu thời hiện đại), nghệ sĩ hài kịch kiêm nhà nghiên cứu Aziz Ansari đã từng ủng hộ việc nâng cao chất lượng các cuộc hẹn hò của bạn; nhưng anh cũng cho rằng cần phải nâng cao cả về mặt số lượng nữa.
Là một chàng trai độc thân sống tại thành phố New York, anh đã quan sát chính bản thân và bạn bè mình “tham gia vào vô số những buổi hẹn hò đầu tiên những chẳng mấy khi có cuộc hẹn hò thứ ba”:
“Chúng ta thường lựa chọn việc gặp gỡ càng nhiều người càng tốt thay vì thực sự đầu tư vào một mối quan hệ. Mục tiêu của chúng ta có vẻ như là gặp một người nào đó khiến cho con tim ta rung động, nhưng điều này dường như sẽ không xảy ra. Tôi từng cảm thấy như thể sẽ chẳng bao giờ gặp được người mà mình thật sự, thật sự thích.”
Aziz cảm thấy vô cùng tuyệt vọng với cái kết quả này và không rõ là mình đã sai ở đâu – là bởi chính bản thân anh, hay là những người chủ động ngỏ lời với anh, hay là do chính những chiến lược hẹn hò nói chung?
Aziz quyết định sẽ tiến hành một thực nghiệm rằng thay vì cùng với nhiều người phụ nữ khác nhau tham gia buổi hẹn hò đầu tiên, anh sẽ tham dự nhiều cuộc hẹn chỉ với một người phụ nữ.
Với chiến lược cũ của Aziz mà nói, nếu như một buổi hẹn chỉ được đánh giá ở mức điểm 6, thì anh sẽ không thèm mời người phụ nữ nó đi chơi nữa, và thay vì vậy anh sẽ bắt đầu nhắn tin cho những cô nàng khác mà anh chàng hi vọng sẽ thu được kết quả là một điểm 8 hoặc 9. Còn giờ đây, nếu như buổi hẹn đầu tiên chí ít cũng ở mức khá, thì anh sẽ xin cuộc hẹn thứ hai. Và kết quả thí nghiệm của anh hoá ra khá dễ chịu:
“Tôi nhận thấy rằng một buổi hẹn hò lần đầu tiên có điểm số là sáu thường sẽ đạt được điểm số tám ở lần hẹn thứ hai. Lần này tôi đã biết rõ hơn về người đó và chúng tôi có thể cùng nhau xây dựng một mối quan hệ hoà hợp. Tôi nhận ra những điều về họ mà không hiển hiện ngay từ lúc ban đầu. Chúng tôi nói đùa với nhau nhiều hơn và nhìn chung là thân thiết hơn, bởi vì giờ đây chúng tôi đã quen thuộc nhau.
Chỉ ngẫu nhiên hẹn hò với nhiều người sẽ hiếm khi dẫn đến được khám phá này. Trong quá khứ tôi có thể xoá sổ những người đáng lẽ ra có thể tạo nên một mối quan hệ tốt đẹp với mình, dù là trong ngắn hạn hay dài hạn, nếu như tôi cho họ thêm cơ hội…
Thay vì việc cố công đi hẹn hò với quá nhiều người và cảm thấy mệt mỏi với trò nhắn tin và những thứ tương tự như thế, tôi thực sự đã biết được vài người và có thời gian vui vẻ hơn bên họ.”
Chiến lược tập trung nhiều hơn vào một người phụ nữ, thay vì hẹn hò với nhiều người khác nhau, sẽ mang tới cho bạn phần thưởng xứng đáng bởi vì chất lượng chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của một mối quan hệ lâu dài mà đòi hỏi thời gian, nhiều lần gặp gỡ, mới có thể thật sự hình thành và được nhận ra.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi mọi người gặp gỡ ai đó lần đầu tiên, họ hầu như đạt được sự đồng thuận về việc đánh giá ai là người hấp dẫn, hoặc không. Do đó, nếu như mà bạn yêu cầu người khác đánh giá những mối quen biết mới dựa trên những đặc tính như là sự hấp dẫn, địa vị, sự ấm áp, độ tin cậy, và khả năng mang đến một mối quan hệ tình cảm đáng hài lòng, thì hầu hết mọi người đều sẽ đưa ra một mức độ đánh giá như nhau về một người.
Tuy vậy, theo thời gian, khi mà người ta hiểu rõ về nhau hơn, thì sự đồng thuận này lại trở về con số không. Người ta sẽ nhận ra nét đặc trưng của mỗi người và thay đổi nhận thức của mình; một người sẽ đánh giá cao người đó ở những phẩm chất này, trong khi người khác lại xếp hạng thấp cùng một cá nhân đó ở chính những phẩm chất nêu trên. Hãy thử nghĩ về một nhóm bạn cả nam lẫn nữ đã quen biết nhau từ lâu của bạn mà xem; nếu như bạn yêu cầu mỗi một người trong số đó đánh giá “giá trị kết đôi” của từng người, thì bạn sẽ có được một kết quả vô cùng đa dạng.
Tất cả chúng ta đều có những điểm đặc biệt, phong cách riêng cho phép chúng ta đánh giá những giá trị và khuyết điểm của một người bạn đời tiềm năng; điểm nổi bật ở người này lại không mấy nổi trội ở người khác. Tại đó, những phẩm chất mà tất cả mọi người đều cho là điều quan trọng nhất trong lần gặp gỡ đầu tiên (sự quyến rũ ở người phụ nữ; địa vị ở cánh đàn ông) sẽ kém quan trọng đi theo thời gian, trong khi những nét tính cách độc đáo làm cơ sở cho sự phù hợp và sự gắn kết của một mối quan hệ tốt đẹp lâu dài lại chiếm phần quan trọng.
Bạn hãy thử nghĩ về thưở năm thứ nhất đại học đời mình; có lẽ hồi ấy bạn đã từng trót đắm say một bóng hồng ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhưng rồi tình cảm của bạn dần nhạt phai theo thời gian, vì sau này bạn phát hiện ra rằng người con gái ấy không đẹp nết như bạn tưởng. Ngược lại, có lẽ một cô nàng nào đó không thu hút được bạn ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhưng càng quen cô ấy hơn bạn lại càng bị cuốn hút bởi vẻ đẹp tâm hồn nàng.
Thực tế là nhận định của chúng ta về người khác thường có xu hướng thay đổi rất lớn theo thời gian, tương ứng với thực tế là hầu hết mọi người đều bắt đầu một mối quan hệ lãng mạn với một ai đó mà họ đã quen biết được một thời gian trong phạm vi của một mối quan hệ không lãng mạn. Thực ra, một cuộc khảo sát trên thanh thiếu niên đã chỉ ra rằng chỉ có 6% trong số người được khảo sát không hề quen biết người yêu của mình từ trước; 53% số người được hỏi đã từng biết đến nhau, và 41% đã là bạn của nhau trước khi xác định mối quan hệ tình cảm. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng nhìn chung, người phụ nữ mà một anh chàng độc thân theo đuổi ở bất kỳ một thời điểm nào, là người mà anh ta đã quen biết hơn một năm.
Phần lớn các mối quan hệ lãng mạn do đó bắt đầu giữa hai người bạn hay hai người quen mà đã biết nhau được một thời gian, là những người hiểu nhau, và đánh giá cao những tính cách khác biệt của nhau, và đột nhiên bị ‘tấn công’ bởi một tia lửa điện và khiến họ thay đổi quan điểm về nhau và nhìn người kia theo một cách khác. “Ôi chà, mình thật thích người này.”
Tuy nhiên, trong Thời đại Tinder, với giả thiết về khả năng tham gia càng nhiều buổi hẹn đầu tiên nhất có thể, đấng mày râu kỳ vọng sẽ ghi điểm đánh giá từ 0 đến 60 với một người lạ trong buổi hẹn đầu tiên. Họ cho rằng chất xúc tác sẽ sản sinh ngay khi gặp một cô gái mà họ chỉ mới biết mặt qua chiếc điện thoại. Điều này có thể xảy ra, nhưng cũng có thể không, và điều đó không có nghĩa là không có khả năng cho một mối quan hệ diễn biến theo những chiều hướng khác.
Chúng ta có thể là những thẩm phán tồi tệ khi đánh giá tiềm năng của mối quan hệ với người mà chúng ta vừa mới gặp – đặc biệt là trong buổi hẹn hò đầu tiên khi mà một người có thể tỏ ra căng thẳng, lo lắng, và lúng túng. Đương nhiên, hầu như những hấp dẫn về mặt cơ thể là bản năng, nhưng những phẩm chất có thể khiến bạn chỉ duy nhất tương thích với một ai đó rốt cục cũng là quan trọng hơn cả, và điều này không phải lúc nào cũng xuất hiện ngay lập tức; bạn có thể sẽ cần tới nhiều hơn là một buổi hẹn hò để xác định rằng liệu ai kia có phải là người ấy hay không.
Chủ tâm chú ý vào người ta – bạn sẽ phải ngạc nhiên đấy
Có những thời điểm bạn gặp gỡ một ai đó và ngay lập tức bạn biết rằng họ sẽ trở thành người bạn thân nhất hay tri kỷ của bạn trong tương lai. Nhưng cũng có những khi khác bạn phải cần tới nhiều cuộc gặp gỡ hay hàng loạt những trải nghiệm chung mới có thể nhìn nhận họ theo cách khác và cảm thấy gắn kết được với người ta.
Phần “3” của Quy tắc 3 lần chạm mặt dĩ nhiên không mang tính cố định; đôi khi bạn thực sự biết ngay lập tức rằng người đối diện không hề phù hợp với bạn ở mọi khía cạnh, và đôi khi bạn phải mất tới hơn 3 lần gặp gỡ mới có thể hình thành nên một mối liên kết. Trong trường hợp trước, bạn không cần phải tốn thời gian và/hoặc tiền bạc để theo đuổi thứ mà rõ ràng sẽ là ngõ cụt. Quy luật này chỉ đơn giản có nghĩa là nếu như mà bạn đang băn khoăn về một ai đó – thì có khả năng là có điều gì đó vướng mắc giữa các bạn, nhưng mà bạn không thật chắc – vậy thì hãy theo đuổi nó thêm một chút nữa, cho đến khi bạn đưa ra được quyết định cuối cùng.
Thay vì ngay lập tức bỏ qua những người bạn và người tình tiềm năng, hãy đầu tư thêm một chút thời gian vào họ, và biết đâu đấy bạn sẽ có được mối quan hệ đẹp đẽ nhất cuộc đời mình thì sao.
Dịch: December child
Nguồn: http://www.artofmanliness.com/2016/03/21/the-3-encounter-rule/