Rối loạn ám ảnh cưỡng chế ‘thuần’ – những suy nghĩ thôi thúc không kiểm soát lặp đi lặp lại
Bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế “thuần” lại không biểu hiện ra hành động bên ngoài mà ngay tên gọi đã giải thích – hoàn toàn nằm trong suy nghĩ và thậm chí là một tình trạng tồi tệ hơn.
Có rất ít những bệnh tâm lý lại khiến bạn thấy tầm thường và đáng sợ như chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế “thuần” hay thường được biết đến là những suy nghĩ thôi thúc không kiểm soát lặp đi lặp lại. Ở chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế tiêu chuẩn, một người bị ám ảnh bởi những lo lắng thôi thúc họ lặp lại một hành động không có kết quả hoặc kết quả trái với những gì họ muốn với tần suất cao như: rửa tay, tắt bình ga, kiểm tra mạch của họ, v.v.. Tuy nhiên, bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế “thuần” lại không biểu hiện ra hành động bên ngoài mà ngay tên gọi đã giải thích – hoàn toàn nằm trong suy nghĩ và thậm chí là một tình trạng tồi tệ hơn.
Người mắc chứng Rối loạn ám ảnh cưỡng chế thuần bị giày vò bởi những suy nghĩ muốn làm hoặc hoàn thành những hành vi bị kiểm duyệt hoặc căm ghét nhất trong xã hội, những hành động mà ngay cả bản thân họ cũng thấy ghê tởm và sợ hãi về trí tuệ. Họ tin tưởng vào những ham muốn của mình, ví dụ như sát hại những người thân yêu, xâm hại tình dục trẻ em hoặc tấn công một người không quen biết. Khi ở cùng với một đồng nghiệp, họ có thể hoảng sợ mình sẽ mất kiểm soát và bất thình lình tấn công đồng nghiệp. Ở nhà ga, họ lo lắng mình sẽ đẩy bạn đời hoặc con của mình xuống đường ray. Việc phải suy nghĩ về bản thân mình như vậy sẽ nhanh chóng ăn mòn những niềm vui trong cuộc sống. Người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế thuần thức dậy mỗi sáng chắc chắn rằng họ là một trong những người tồi tệ nhất từng bước đi trên hành tinh.
Tới nay vẫn chưa có một phương thức điều trị triệt để chứng bệnh này, nhưng những thảo luận về cách tiếp cận đã tiết lộ những sự khác biệt lớn trong việc đánh giá cách tâm trí hoạt động. Các bác sĩ tâm thần học có xu hướng kê thuốc chống trầm cảm, để cải thiện tâm trạng chung của những người bệnh do đó giảm đi xu hướng suy nghĩ tới mức kiệt sức. Những nhà tâm lý học liệu pháp nhận thức-hành vi sẽ cố gắng lý luận một cách thận trọng với những suy nghĩ lặp đi lặp lại khó kiểm soát để cuối cùng những người bệnh có thể nhận thức rằng họ không thực sự có ý định làm hại ai hay làm gì phản cảm.
Tuy nhiên, những nhà trị liệu tâm lý lại có những giải pháp bất ngờ và đầy tính sáng tạo. Họ không nhắm vào những suy nghĩ hay tranh luận trực tiếp. Họ cũng không cố gắng trấn an mọi người rằng những người này sẽ không sát hại người thân hay làm hại con cái. Nguyên nhân là bởi họ không tin rằng đó là những thứ thực sự nguy hiểm và với họ, đưa ra sự đảm bảo về những điều đó chỉ là đưa ra sự thừa nhận cách suy nghĩ không có cơ sở thực tế mà thôi.
Họ xác định nguồn gốc của vấn đề một cách tương đối khác biệt: người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế thuần, trước hết có vấn đề với lòng tự tôn và cảm thấy tủi hổ. Người không may mắn cảm thấy ghê tởm và không thể chấp nhận nổi mình ở mức độ nào đó và sẽ âm thầm mang cảm giác như vậy trong một thời gian dài. Đâu đó trong quá khứ, thường do hậu quả của những mối quan hệ buồn đau và độc hại thuở nhỏ, họ sẽ hình thành một suy nghĩ rằng mình không xứng đáng có mặt trên cõi đời này. Những suy nghĩ hiện tại của họ không phải kế hoạch cho tương lai, chúng là những nỗ lực trong tâm trí tìm ra điểm tương thích giữa ý thức về bản thân và những gì xã hội cần để hợp nhất với điều đó. Chúng là một động thái gây ra một dạng thức cân bằng nội tâm đáng sợ đảm bảo rằng sự phán xét của thế giới đồng nhất với sự phán xét của bản thân. Những trường hợp rối loạn ám ảnh cưỡng chế thuần đôi khi được phát hiện ra sau khi người bệnh làm được điều gì tích cực trong mắt của người khác như: được thăng chức hay bắt đầu một mối quan hệ viên mãn hoặc thầu một dự án. Đây có thể là một lý do để chúc mừng nhưng hạnh phúc ấy đơn giản không được bảo đảm. Điều thú vị là trong xã hội mà vi phạm tôn giáo đặc biệt gây ra sự căm phẫn tột độ, những người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế thuần sẽ bị ám ảnh bởi những suy nghĩ rằng họ đã xúc phạm Chúa và sắp sửa bị tẩy chay như những kẻ tội đồ. Đằng sau chứng bệnh này chính là những nhu cầu của một người tìm ra một lý do để cảm thấy tồi tệ. Nó không phải hành động bị kết tội hay định nghĩa về những thay đổi khủng khiếp cũng như nội dung rõ ràng của những suy nghĩ không kiểm soát lặp đi lặp lại. Căn bệnh này bám vào sự ghê tởm bản thân chứ không phải sự báng bổ, ý định ấu dâm, hay giết người khi mới chớm hình thành.
Phân tích này mở đường cho hướng điều trị bệnh. Những gì mà người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế thuần cần trước hết là bắt đầu sửa đổi sự ghê tởm bản thân và hổ thẹn. Họ cần học hỏi qua những cuộc gặp gỡ thường xuyên với người ngoài, người có thể cho họ một cái nhìn thông cảm và rộng lượng rằng họ không vô dụng như vẫn nghĩ. Vấn đề của họ bắt đầu từ việc thiếu tình yêu và cần được chữa lành bằng những cái nhìn nhận đầy yêu thương. Những suy nghĩ rối loạn ám ảnh cưỡng chế thuần không phải những ước muốn mà là những triệu chứng thiếu tin tưởng bản thân triệt để. Những điều này sẽ dần biến mất một khi người bệnh học được nghệ thuật thiết yếu nhất – làm bạn với chính mình.
_ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _
Dịch bởi : Van Anh – A Crazy Mind
Biên tập : Phoebe Trịnh
Nguồn bài viết: https://www.theschooloflife.com/article/pure-ocd-and-intrusive-thoughts/?fbclid=IwAR1Y0uIZB8C8IpQRmecpzUDJ1ka6ih8Q4iH6uJr_DDAM2J62V2bUh4UE-YI