[Sách mới tháng 2] Chủ nghĩa Khắc kỷ - Phong cách sống bản lĩnh và bình thản

sach-moi-thang-2-chu-nghia-khac-ky-phong-cach-song-ban-linh-va-binh-than

Chủ nghĩa khắc kỷ là một triết lý sống đề cao Phẩm hạnh và Sự Bình thản

Về tác giả

William Irvine là giáo sư triết học tại Đại học bang Wright, Dayton, Ohio. Sau khi nhận bằng tiến sĩ từ UCLA năm 1980, Irvine đã dạy và thực hành triết học phân tích trong nhiều năm trước khi dần dần mất hứng hứng thú với nó bởi quá chú trọng kỹ thuật và xa rời cuộc sống. Irvine tìm kiếm những lựa chọn triết học khác và đi sâu vào thực hành Thiền Tông. Cuối cùng ông đã từ bỏ Thiền tông vì nó không phù hợp với đầu óc ưa phân tích của ông. Irvine sau đó bắt đầu nghiêm túc nghiên cứu về các triết gia Khắc kỷ Hy Lạp và La Mã, những triết gia mà ông chưa bao giờ tìm đọc trong suốt những năm tháng nghiên cứu về triết học của mình. Kết quả dẫn đến sự ra đời của hai cuốn sách "On Desire: Why We Want what we Want" (2006) và "A Guide to the Good Life: The Ancient Art of Stoic Joy" (2008) mà Irvine bàn về một triết lý khắc kỷ đương đại.

Nội dung sách

Irvine viết cho độc giả trí thức hơn là cho các triết gia hàn lâm. Ông cho rằng một nhiệm vụ quan trọng của triết học là giúp con người tạo nên được một “triết lý sống” mang đến ý nghĩa và mục đích. Vì nếu không có nó, bạn có nguy cơ sẽ lầm đường lạc lối trong cuộc sống—mặc cho mọi hoạt động của bạn, bất chấp tất cả những điều thú vị mà bạn có lẽ đã tận hưởng khi còn sống, bạn sẽ kết thúc với một cuộc đời tệ hại. Nói cách khác, có một mối nguy hiểm là lúc bạn đang hấp hối trên giường, bạn sẽ nhìn lại đời mình và nhận ra bạn đã phí hoài một cơ hội sống của mình. Thay vì dành cả đời để theo đuổi một điều gì đó thực sự đáng giá, bạn đã phung phí nó vì bạn để cho mình bị sao nhãng bởi vô số thứ phù phiếm mà cuộc đời đưa đến. 

Bên cạnh việc giúp một người khám phá “mục tiêu lớn trong cuộc sống” của họ, triết học còn có nhiệm vụ chỉ ra một con đường hoặc chiến lược để hiện thực hóa mục tiêu. Irvine từng nghiêm túc tìm hiểu về Thiền Tông nhưng sau đó lại thấy chủ nghĩa khắc kỷ cổ lại phù hợp với tính cách của ông ấy hơn trong việc đặt ra một mục tiêu và phương tiện để đạt được nó.

Trong phần đầu tiên của cuốn sách, Irvine đưa ra một cái nhìn tổng quan về triết học cổ đại và chủ nghĩa Khắc kỷ cổ, với bốn triết gia tượng đài của đế chế La Mã, Seneca, Musonius Rufus, Epictetus, và Marcus Aurelius. Irvine cho thấy "mục tiêu lớn" của các triết gia đó dần dần dịch chuyển từ lý trí và "eudamoneia" (một từ khó đại khái có nghĩa là “đức hạnh”) của người Hy Lạp sang mục tiêu đạt được sự bình thản. Đây là mục tiêu là Irvine chọn theo vì cuộc đời này còn có thứ gì quý giá hơn sự bình thản nữa chứ?

Mục tiêu của sự bình thản không phải là kìm nén cảm xúc hay giống như một thây ma. Đúng hơn, Irvine định nghĩa "sự bình thản" là "một trạng thái tâm lý được đánh dấu bởi sự thiếu vắng cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như buồn thương, tức giận và lo âu, và sự hiện diện của những cảm xúc tích cực, như niềm vui."

Sau khi xác định rõ mục tiêu, Irvine bàn về các kĩ thuật để đạt được chúng trong phần 2. 

Tưởng tượng tiêu cực

Phép lưỡng phân kiểm soát

Thuyết định mệnh: Buông bỏ quá khứ . . . và Hiện tại

Khổ hạnh: Ứng phó với mặt tối của Khoái lạc 

Suy ngẫm: Quan sát bản thân thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ 

Phần 3 của cuốn sách là những lời khuyên của chủ nghĩa Khắc kỷ cho cuộc sống thường ngày

Quan hệ xã hội: Cách ứng xử với người khác 

Sự Nhục Mạ: Cách Vượt Qua Khi Bị Làm Nhục

Sự Đau Buồn: Vượt qua Nước Mắt Bằng Lý Trí

Cơn giận: Bàn về cách vượt qua phản niềm vui

Những giá trị cá nhân: Bàn về việc tìm kiếm Danh vọng 

Những giá trị cá nhân: Bàn về cuộc sống xa hoa

Sự lưu đày: Sống sót khi phải thay đổi nơi ở

Tuổi Già: Khi bị trục xuất đến viện dưỡng lão

Cái Chết: Về một kết thúc êm đẹp cho một cuộc đời viên mãn

Trong phần 4, Irvine nói về sự suy tàn của chủ nghĩa khắc kỷ. 

Chủ nghĩa Khắc kỷ trở thành một lực lượng quan trọng chủ yếu nằm ở những giảng viên của nó, ví dụ như Musonius và Epictetus, bên cạnh việc có thể giải thích rõ ràng về Chủ nghĩa Khắc kỷ, họ còn là hiện thân của học thuyết này. Họ là bằng chứng sống cho thấy nếu thực hành Chủ nghĩa Khắc kỷ thì sẽ mang lại nhiều lợi ích. Còn khi Chủ nghĩa Khắc kỷ được dạy bởi người phàm, những học sinh tiềm năng sẽ rất khó mà bị cuốn theo nó.

Trong suốt thế kỷ XX, Chủ nghĩa Khắc kỷ là một học thuyết bị lãng quên. Đối với đa số mọi người, Chủ nghĩa Khắc kỷ là một thứ triết lý sống chả có triển vọng gì. Bởi một lẽ, họ thấy không cần thiết phải sống theo một triết lý. Và với những người đã giác ngộ đang kiếm tìm một triết lý sống hiếm khi nào xem Chủ nghĩa Khắc kỷ là một ứng viên khả thi. Họ tin chắc rằng mình biết Chủ nghĩa Khắc kỷ là gì: một học thuyết mà môn đồ của nó toàn là những kẻ buồn tẻ, khắc nghiệt và vô cảm. Có điên mới tham gia vào một nhóm như thế? 

Cuốn sách này là 1 nỗ lực nhằm hồi sinh lại chủ nghĩa khắc kỷ, thay đổi quan niệm sai lầm và thái độ ác cảm của mọi người đối với nó. Các nhà Khắc kỷ không hề u ám, sầu thảm như chúng ta tưởng.

Cuối cùng, tác giả chia sẻ trải nghiệm của bản thân khi thực hành chủ nghĩa khắc kỷ. Nhiều độc giả tò mò sẽ hỏi liệu ông ấy có đạt đến sự bình thản hoàn hảo hay không, thì câu trả lời là không. Tuy nhiên, tác giả đã bình thản hơn rất nhiều so với khi xưa.

Lời khuyên dành cho những người muốn bắt đầu thực hành chủ nghĩa khắc kỷ 

NHỮNG AI muốn trở thành người Khắc kỷ thì nên làm một cách âm thầm. Lý do là những người nghe nói bạn “biến thành” người Khắc kỷ có khả năng sẽ chế giễu bạn. Bạn có thể tránh được phiền hà này bằng cách không gây sự chú ý và thực hành cái gọi là Chủ nghĩa Khắc kỷ kín đáo. Bạn nên lấy Socrates làm hình mẫu, ông sống một cách tầm thường đến nỗi mọi người sẽ tìm đến chỗ ông ấy mà không nhận ra bản thân ông ấy là một triết gia, và hỏi ông ấy có thể giới thiệu cho họ một vài triết gia hay không. Epictetus nhắc chúng ta, Socrates đã “chịu đựng việc bị coi thường,” và những ai đang thực hành Khắc kỷ cũng nên làm như thế.

Tại sao mọi người lại chế nhạo những người có triết lý sống? Một phần vì việc có được một triết lý sống, dù đó là chủ nghĩa Khắc kỷ hay những trường phái triết học đối thủ, một người đang chứng tỏ rằng anh ta có những giá trị khác biệt với họ. Bởi vậy, họ có thể suy ra rằng anh ta nghĩ giá trị của họ là sai lầm, đấy là điều chẳng ai muốn nghe. Hơn nữa, bằng cách làm theo một triết lý sống, quả thật anh ta đang thách thức họ làm một việc mà có lẽ họ miễn cưỡng không muốn làm: suy ngẫm về cuộc đời họ và cách họ đang sống.

Cuối cùng, các nhà Khắc kỷ thận trọng tránh trở thành “người sành sỏi” theo nghĩa xấu nhất của từ này—tức là trở thành những người không thể tận hưởng được bất cứ thứ gì khác ngoại trừ những thứ “tốt nhất, cao cấp nhất”. Kết cục là, họ sẽ có khả năng thưởng thức một loạt những điều dễ dàng có được. Họ sẽ luôn ghi nhớ lời nhận xét của Seneca rằng mặc dầu “để có được bất cứ điều gì anh muốn không lệ thuộc vào quyền năng của bất kỳ ai,” việc "không mong ước những gì mình không có, mà vui vẻ tận dụng những gì đến với mình" là nằm trong khả năng của mỗi người.” Vì thế, nếu cuộc đời lấy đi một nguồn vui của họ, người Khắc kỷ sẽ nhanh chóng tìm thấy một nguồn vui khác thay thế: Niềm vui Khắc kỷ không giống như niềm vui của người sành sỏi, mà có thể chuyển đổi. 

Thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ không cần nhiều cố gắng; quả thực, nó không tốn mấy công sức so với những nỗ lực mà con người ta có thể phí phạm do thiếu triết lý sống. Người ta có thể thực hành Chủ nghĩa Khắc kỷ mà không cần phải trở nên uyên thâm hơn, và người ta có thể thử luyện tập nó một thời gian rồi từ bỏ và cũng chẳng thiệt gì khi cố gắng. Nói cách khác, Bạn chẳng mất gì nhiều khi thử làm theo Chủ nghĩa Khắc kỷ như một thứ triết lý sống của bạn, và thứ bạn đạt được thì có thể là rất nhiều.

 

Sách do Team TLHTP dịch và Thái Hà Books xuất bản sẽ phát hành trong tháng 2/2020

Trân trọng giới thiệu đến các bạn.

Link đặt sách: https://nhasachthaiha.vn/products/chu-nghia-khac-ky-phong-cach-song-ban-linh-va-binh-than

menu
menu